Bạch cầu lympho là thành phần quan trọng của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể. Sự tăng giảm bất thường về số lượng tế bào này cảnh báo tình trạng sức khỏe có vấn đề, người bệnh cần thăm khám để được can thiệp kịp thời.
Bạch cầu lympho là gì?
Bạch cầu lympho (Lymphocyte) là tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng và nhiều bệnh lý khác. Tế bào này chiếm khoảng 20 - 40% tế bào bạch cầu trong cơ thể.
Hệ thống miễn dịch được tạo thành từ một mạng lưới phức tạp bao gồm: các tế bào miễn dịch, hạch bạch huyết, mô bạch huyết và các cơ quan bạch huyết.

Phân loại tế bào bạch cầu lympho
Tế bào bạch cầu dòng lympho được chia thành 3 nhóm, đảm nhiệm từng chức năng riêng biệt, bao gồm:
1. Tế bào lympho T
Tế bào lympho T thực hiện chức năng kiểm soát phản ứng của hệ thống miễn dịch cơ thể, đồng thời trực tiếp tấn công và tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh, tế bào khối u.
2. Tế bào lympho B
Tế bào lympho B là loại tế bào lympho tạo ra kháng thể. Kháng thể có bản chất là protein, giữ vai trò chống lại virus, vi khuẩn và các tác nhân xâm nhập lạ khác.
3. Tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK)
Tế bào tiêu diệt tự nhiên là loại tế bào lympho thực hiện chức năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh ở giai đoạn đầu, chẳng hạn như tế bào ung thư, đồng thời ngăn chặn virus và tế bào ác tính lây lan.
Chức năng của bạch cầu lympho
Chức năng bạch cầu lympho là gì? Tế bào lympho thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư và các loại virus, vi khuẩn lạ bằng cách ghi nhớ mọi kháng nguyên của chúng sau khi tiếp xúc. Sau mỗi lần tiếp xúc, một số tế bào lympho chuyển thành tế bào ghi nhớ. Khi các tế bào ghi nhớ tiếp xúc với kháng nguyên một lần nữa, chúng sẽ nhận ra kháng nguyên đó và phản ứng nhanh chóng. Nhờ vậy, người bệnh không mắc các bệnh nhiễm trùng như sởi, thủy đậu nhiều lần, hay lý giải cho việc tiêm vắc-xin có thể giúp ngăn ngừa một số bệnh nhất định.

Cấu tạo và thành phần bạch cầu lympho
Tế bào lympho thường nhỏ nhưng có phạm vi kích thước rộng hơn so với các tế bào bạch cầu khác. Các tế bào lympho được tìm thấy trong mô bạch huyết được phân loại thành dạng nhỏ và lớn, với đường kính từ 6 đến 30 µm. Trong đó, các tế bào lympho trưởng thành lưu thông trong máu chủ yếu là nhỏ, có kích thước tương tự như hồng cầu, đường kính trung bình từ 6 đến 15 µm.
Trên kính hiển vi quang học, các tế bào lympho nhỏ có nhân hình cầu lớn với chất nhiễm sắc (chromatin) cô đặc. Nhân được bao quanh bởi một viền mỏng màu xanh nhạt với lượng tế bào chất tối thiểu. Nhìn chung, không có bào quan nào có thể nhìn thấy trong các tế bào lympho này, ngoại trừ các hạt ưa azur thỉnh thoảng xuất hiện.
Các tế bào lympho lớn có nhân lớn hơn bị lõm, tạo thành hình dạng giống quả thận. Các tế bào lympho này có nhiều tế bào chất hơn với lượng hạt ưa azur lớn hơn. Các hạt ưa azur nhuộm màu đậm do có nhiều enzyme lysosome, làm cho các tế bào lympho có hình dạng chấm bi.
Giải phẫu học bạch cầu lympho trong cơ thể
Dưới đây là phần giải phẫu chi tiết về bạch cầu lympho trong cơ thể:
1. Bạch cầu lympho nằm ở đâu?
Tế bào lympho phát triển trong tủy xương, đến giai đoạn trưởng thành sẽ thoát ra ngoài và đi vào máu. Tế bào lympho trưởng thành tồn tại trong máu và tất cả các bộ phận của hệ thống bạch huyết trong cơ thể. Một số tế bào lympho di chuyển đến tuyến ức và trở thành tế bào lympho T. Những tế bào lympho khác di chuyển đến các hạch bạch huyết và các cơ quan, trở thành tế bào lympho B.
2. Hình dạng bạch cầu lympho
Tế bào lympho có kích thước lớn hơn tế bào hồng cầu, nhưng vẫn ở dạng vi mô. Mỗi tế bào lympho nhỏ có một nhân lớn ở trung tâm. Nhân có màu tím sẫm, được bao quanh bởi tế bào chất (dịch màu tím).
3. Số lượng bạch cầu lympho
Số lượng tế bào lympho thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, chủng tộc, giới tính, chiều cao, lối sống cũng như phương pháp xét nghiệm. Ở người lớn, số lượng bình thường của tế bào lympho dao động từ 1.000 đến 4.800 tế bào lympho trong mỗi 1 microlit máu [1]. Ở trẻ em, con số này đạt đến khoảng từ 3.000 đến 9.500 tế bào lympho trong mỗi 1 microlit máu. Khoảng 20% đến 40% tế bào bạch cầu là tế bào lympho [2].
4. Tỷ lệ bạch cầu lympho trong cơ thể
Bạch cầu lympho là loại tế bào chính được tìm thấy trong bạch huyết. Tế bào lympho chiếm từ 20% đến 40% tế bào bạch cầu lưu thông trong máu.

Bạch cầu lympho hoạt động thế nào?
Tế bào lympho T thực hiện chức năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và kiểm soát phản ứng miễn dịch của cơ thể với các chất lạ. Hầu hết các tế bào T đều cần sự trợ giúp từ một tế bào miễn dịch khác để được kích hoạt. Sau khi được kích hoạt, tế bào T tiếp tục nhân lên và chuyên biệt thành các loại tế bào T khác nhau. Các loại này bao gồm:
- Tế bào T gây độc: Tế bào T gây độc bám vào các kháng nguyên trên các tế bào bị nhiễm bệnh hoặc tế bào bất thường, sau đó tiêu diệt bằng cách tạo lỗ trên màng tế bào của chúng để đưa enzyme vào tế bào.
- Tế bào T hỗ trợ: Tế bào T hỗ trợ thực hiện chức năng giúp các tế bào miễn dịch khác trong cơ thể, chẳng hạn như hỗ trợ giúp tế bào B tạo kháng thể chống lại các tác nhân xâm nhập lạ, kích hoạt tế bào T gây độc…
- Tế bào T điều hòa (ức chế): Tế bào T điều hòa thực hiện chức năng tạo ra các chất giúp ngăn chặn phản ứng tấn của hệ thống miễn dịch, ngăn chặn các phản ứng có hại xảy ra.
Tế bào lympho B có thụ thể trên bề mặt để kháng nguyên bám vào. Tế bào B thực hiện chức năng nhận biết các kháng nguyên khác nhau và sản xuất kháng thể đặc hiệu để tấn công từng kháng nguyên. Tế bào B phản ứng với kháng nguyên theo hai cách:
- Phản ứng miễn dịch chính: Khi một kháng nguyên gắn vào thụ thể, các tế bào B sẽ được kích thích, một số chuyển thành tế bào nhớ, một số khác chuyển thành tế bào plasma. Các tế bào plasma tạo ra một kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên cụ thể đã kích thích. Quá trình sản xuất đủ kháng thể đặc hiệu có thể mất vài ngày.
- Phản ứng miễn dịch thứ cấp: Nếu tế bào lympho B gặp lại kháng nguyên đó, các tế bào nhớ sẽ ghi nhớ và nhân lên, chuyển thành tế bào plasma để nhanh chóng tạo ra kháng thể.
Những tình trạng rối loạn bạch cầu lympho thường gặp
Dưới đây là một số tình trạng rối loạn bạch cầu lympho thường gặp:
1. Tình trạng bạch cầu lympho tăng
Bạch cầu lympho tăng là tình trạng số lượng tế bào lympho trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng hoặc mắc các bệnh lý khác. Tế bào lympho được tăng cường sản xuất để chống lại các tác nhân gây hại này. Một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng cũng có thể kích thích tăng số lượng tế bào lympho bao gồm:
- Viêm gan
- Bệnh giang mai
- Bệnh bạch cầu đơn nhân
- Bệnh lao
- HIV và AIDS
- Suy giáp
- Các bệnh nhiễm trùng như: ho gà, nhiễm trùng cong (toxoplasma) hoặc cytomegalovirus.
- Ung thư hệ tạo máu như: u lympho hoặc bệnh bạch cầu.
2. Tình trạng bạch cầu lympho giảm
Bạch cầu lympho giảm là tình trạng số lượng tế bào lympho trong máu giảm xuống thấp hơn so với mức bình thường. Dấu hiệu này có thể cảnh báo nhiều tình trạng sức khỏe, bệnh lý đáng lo ngại như:
- HIV hoặc AIDS
- Bệnh lao hoặc sốt thương hàn
- Viêm gan do virus
- Các bệnh về máu, như bệnh Hodgkin
- Các bệnh tự miễn, như bệnh lupus
- Các bệnh di truyền hiếm gặp như: suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID), chứng mất điều hòa-giãn mạch, hội chứng DiGeorge, hội chứng Wiskott-Aldrich…
- Biến chứng điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị

Triệu chứng cơ thể khi bạch cầu lympho bị rối loạn
Tăng lympho bào và giảm lympho bào thường không gây ra bất kỳ triệu chứng bất thường nào. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân do rối loạn máu hoặc ung thư, người bệnh có thể nhận thấy các dấu hiệu sau:
- Sưng hạch bạch huyết
- Đổ mồ hôi đêm
- Sốt
- Đau bụng
- Mất cảm giác thèm ăn
- Hụt hơi
Phương pháp xét nghiệm chỉ số bạch cầu lympho
Để xác định số lượng tế bào lympho trong máu, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm cơ bản sau đây:
- Số lượng tế bào lympho tuyệt đối (Absolute lymphocytes count): Đây là một phần của xét nghiệm công thức máu toàn phần (CBC). Số lượng tế bào lympho tuyệt đối cho biết số lượng tế bào dưới dạng số tuyệt đối thay vì phần trăm. Công thức tính số lượng tế bào lympho tuyệt đối là nhân tổng số tế bào bạch cầu với phần trăm tế bào bạch cầu.
- Đo lưu lượng tế bào: Với phương pháp đo lưu lượng tế bào, mẫu máu sẽ được xử lý trong một phòng thí nghiệm chuyên biệt. Ánh sáng của tia laser trong máy đo sẽ phân tán các tế bào máu, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát và đếm số lượng các loại tế bào khác nhau.
Câu hỏi thường gặp
Dưới đây là phần giải đáp hai thắc mắc thường gặp liên quan đến tế bào lympho trong máu:
1. Tỷ lệ bạch cầu lympho bao nhiêu là bình thường?
Như đã chia sẻ, ở người lớn, số lượng bình thường của tế bào lympho dao động từ 1.000 đến 4.800 tế bào lympho trong mỗi 1 microlit máu. Ở trẻ em, con số này đạt đến khoảng từ 3.000 đến 9.500 tế bào lympho trong mỗi 1 microlit máu. Khoảng 20% đến 40% tế bào bạch cầu là tế bào lympho.
2. Làm sao để giữ bạch cầu lympho luôn trong tình trạng khỏe mạnh?
Để giữ tế bào bạch cầu lympho luôn khỏe mạnh, điều quan trọng là cần duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, làm việc, nghỉ ngơi điều độ và ăn uống khoa học. Điều này giúp nâng cao sức đề kháng và tăng cường khả năng miễn dịch, từ đó làm giảm nguy cơ tăng giảm số lượng tế bào lympho bất thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại chuyên khoa Nội Tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Phòng khám Đa khoa Quận 7, Quý khách vui lòng liên hệ:
Trên đây là bài viết tổng hợp các thông tin liên quan đến bạch cầu lympho, phân loại, cấu tạo giải phẫu, chức năng và các vấn đề rối loạn thường gặp. Hy vọng thông qua những cập nhật trên, người bệnh đã có thêm nhiều thông tin hữu ích để biết cách chăm sóc sức khỏe tốt hơn.