Cao huyết áp là bệnh lý mãn tính về tim mạch xảy ra phổ biến ở nhiều đối tượng, đặc biệt là ở nhóm người lớn tuổi. Nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh huyết áp cao là yếu tố rất quan trọng giúp người bệnh điều trị sớm và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Cụ thể mời bạn đọc theo dõi nội dung chi tiết trong bài viết dưới đây của BookingCare.
Bệnh huyết áp cao là gì?
Huyết áp được hiểu là áp lực của dòng máu trong lòng động mạch. Huyết áp được tạo bởi sức co bóp của tim để đẩy máu vào hệ thống mạch máu và sự co giãn của thành mạch.
Khi tim co bóp, đã đẩy một lượng máu vào động mạch và tạo một áp lực lên thành động mạch. Áp suất này làm cho máu chảy tới tất cả các bộ phận của cơ thể.
Bệnh huyết áp cao, hay còn gọi là tăng huyết áp, là một tình trạng áp lực máu tạo ra khi lưu thông qua mạch máu trong cơ thể cao hơn mức bình thường. Bệnh huyết áp cao có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm biến chứng về các bệnh lý mạch vành, não, thận và mắt.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh huyết áp cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận, và đồng thời tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Có 2 loại tăng huyết áp:
- Tăng huyết áp nguyên phát: Hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn, xảy ra ở người trưởng thành chiếm 90 - 95%.
- Tăng huyết áp thứ phát: Nguyên nhân do các bệnh lý về thận, nội tiết, nhiễm độc thai nghén và do dùng thuốc hoặc lối sống chiếm 5 - 10%.
Những chẩn đoán bệnh tăng huyết áp cao có thể dao động nhẹ tùy theo từng cách đo khác nhau. Phân độ huyết áp được chia làm các cấp như sau:
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu <130 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương <85 mmHg.
- Tiền tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu 130 - 139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 - 89 mmHg.
- Huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140 -159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85 - 99 mmHg.
- Huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu >=160 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90 - 99 mmHg.
- Cơn tăng huyết áp: Huyết áp tâm thu > 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương > 110 mmHg
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu >= 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
- Nếu huyết áp không cùng mức để phân loại thì chọn huyết áp tâm thu hay tâm trương cao nhất.
Triệu chứng bệnh huyết áp cao
Hầu hết những người bị tăng huyết áp không có dấu hiệu hoặc triệu chứng, ngay cả khi huyết áp ở mức cao. Tuy nhiên, khi cao huyết áp trở nên nghiêm trọng hơn, một số triệu chứng phổ biến có thể bao gồm:
- Đau đầu: Cảm giác đau hoặc nhức đầu thường xuyên, có thể đâu ở bất kể thời điểm nào. Chóng mặt và hoa mắt: Cảm giác mất cân bằng, chóng mặt, hoặc thậm chí có thể bị ngất do áp suất máu tăng đột ngột.
- Mệt mỏi và khó thở: Cảm thấy mệt mỏi, thậm chí sau khi thực hiện các hoạt động nhẹ. Do áp lực lớn trong mạch máu, tim phải làm việc nhiều hơn để đẩy máu đi qua cơ thể, dẫn đến khó thở.
- Thay đổi tâm trạng và lo âu: Cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, làm cho người bị bệnh dễ cáu gắt, mất kiên nhẫn, hoặc lo âu.
- Thay đổi thị lực: Một số người bị cao huyết áp có thể cảm thấy mắt nhìn mở, thay đổi thị lực. Buồn nôn và nôn: Trong các trường hợp nghiêm trọng, cao huyết áp có thể gây ra buồn nôn và nôn.
Cao huyết áp là căn bệnh được nhiều nhà khoa học gọi là “kẻ giết người thầm lặng” cũng bởi những triệu chứng của bệnh đều không rõ ràng và hầu hết không xảy ra cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nghiêm trọng. Lúc này, các biến chứng tim mạch có thể đột ngột xuất hiện và ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng bệnh nhân.
Chính vì vậy, nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào như trên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được kiểm tra và xác định liệu mình có mắc cao huyết áp hay không.
Nếu không có các triệu chứng trên các bạn cũng nên kiểm tra huyết áp thường xuyên với máy đo huyết áp tại nhà để chủ động theo dõi và nắm rõ tình trạng sức khỏe tim mạch.
Nguyên nhân gây ra bệnh huyết áp cao
Bệnh huyết áp cao không có nguyên nhân được gọi là tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát. Nhóm còn lại có nguyên nhân gọi là tăng huyết áp thứ phát.
Tăng huyết áp nguyên pháp (vô căn)
- Di truyền: Đây là một trong những nguyên nhân gây ra cao huyết áp.
- Tuổi tác: Nguy cơ mắc cao huyết áp tăng theo tuổi tác. Khi tuổi tác gia tăng, mạch máu có thể bị cứng hơn và không thể co giãn linh hoạt như trước, dẫn đến tăng huyết áp.
- Lối sống không lành mạnh: Ăn nhiều muối, thiếu chất xơ, đồ ăn nhanh, uống rượu và hút thuốc lá có thể gây ra cao huyết áp. Thêm vào đó, thiếu hoạt động thể chất, mất ngủ và căng thẳng cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến huyết áp.
Tăng huyết áp thứ phát
Khi xác định có một nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh huyết áp cao thì gọi là tăng huyết áp thứ phát. Tình trạng này chiếm khoảng 10% ca bệnh nhưng nếu điều trị theo đúng nguyên nhân thì bệnh có thể chữa khỏi. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Bệnh lý khác: Một số bệnh lý khác như bệnh thận, bệnh tim, bệnh nội tiết như: bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến thượng thận.
- .Ảnh hưởng từ thuốc: Dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, thuốc hoạt động trên hệ thần kinh hoặc các loại thuốc khác cũng có thể làm tăng huyết áp.
- Tăng huyết áp thai kỳ: Thai phụ bị thiếu máu, nhiều nước ối, có tiền sử cao huyết áp hoặc tiểu đường,... có nguy cơ bị cao huyết áp sau tuần thai thứ 20.
Để giảm nguy cơ mắc cao huyết áp, quan trọng để duy trì một lối sống lành mạnh và theo dõi các yếu tố rủi ro. Nếu bạn có nghi ngờ về cao huyết áp, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ Tim mạch để được tư vấn và điều trị phù hợp.
Phương pháp chẩn đoán bệnh huyết áp cao
Để chẩn đoán tăng huyết áp chỉ có cách duy nhất là đo huyết áp.
HATT/HATTr, mmHg
Huyết áp phòng khám
≥140 và/hoặc ≥90
Theo dõi huyết áp lưu động
Trung bình 24h
≥130 và/hoặc ≥80
Trung bình ban ngày (hoặc lúc thức)
≥135 và/hoặc ≥85
Trung bình ban đêm (hoặc lúc ngủ)
≥120 và/hoặc ≥70
Theo dõi huyết áp tại nhà
≥135 và/hoặc ≥85
Tiêu chí xác định tăng huyết áp dựa trên đo huyết áp phòng khám, đo huyết áp lưu động (ABPM) và đo huyết áp tại nhà (HBPM)
Sau khi có kết quả chẩn đoán cao huyết áp, bác sĩ tiếp tục chỉ định người bệnh làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu để tìm nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao. Mục đích chính của loạt xét nghiệm này là nhằm loại trừ các nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp, xác định mức tổn hại lên tim cũng như các yếu tố nguy cơ liên quan đến hành vi.
Xét nghiệm tìm nguyên nhân tăng huyết áp gồm:
- Xét nghiệm chức năng thận: Bao gồm ure máu và cretinin máu để xác định các bệnh về thận như suy thận, sỏi thận, viêm cầu thận, xuất huyết tiêu hóa, suy gan ..
- Xét nghiệm acid uric máu: Hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý về thận, bệnh gout, bệnh lý tăng sinh tủy ..
- Điện giải đồ máu: Kiểm tra các chỉ số Na+, Cl-, Ca2+, đặc biệt là chỉ số K+ giúp phát hiện ra bệnh lý suy thận cấp hoặc mãn tính có đi kèm thiểu niệu.
- Xét nghiệm đường huyết: Để xác định chỉ số đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường vì bệnh lý này cũng là một trong những nguyên nhân gây huyết áp cao.
- Xét nghiệm mỡ máu: Các chỉ số của bộ xét nghiệm mỡ máu sẽ giúp theo dõi và phát hiện ra một số bệnh như rối loạn chuyển hóa lipid máu, xơ vữa động mạch và cả cao huyết áp.
- Điện tâm đồ: Điện tâm đồ rất hữu ích trong việc đánh giá mức độ tổn thương của cơ tim và mức độ phì đại của tim. Phương pháp này cũng giúp các bác sĩ phát hiện tình trạng cholesterol làm nghẽn máu lưu thông đến tim dẫn đến nguy cơ bị cao huyết áp.
- Kiểm tra mắt: Huyết áp cao làm cho các mao mạch phía sau nhãn cầu bị xơ cứng, thu hẹp hoặc vỡ ra. Tổn thương mao mạch trong mắt thường cho thấy tổn thương mao mạch ở nơi khác (chẳng hạn như thận).
Phương pháp điều trị bệnh huyết áp cao
Nguyên tắc chung khi điều trị bệnh huyết áp cao là giữ cho huyết áp ở mức ổn định, đạt “huyết áp mục tiêu” thường là dưới 140/90 mmHg và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân cao huyết áp kèm theo các bệnh lý như tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính thì cần tuân theo lộ trình điều trị chặt chẽ được bác sĩ chỉ định để ổn định huyết áp dưới 130/80 mmHg.
Điều trị bằng thuốc
Mặc dù các phác đồ điều trị cao huyết áp đã được đưa ra và thử nghiệm rất nhiều lần. Tuy nhiên, các bác sĩ có thể theo dõi sự tiến triển của bệnh và thay đổi, tăng giảm liều lượng, thêm bớt các loại thuốc cho đến khi xác định được phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Người bệnh nên nắm rõ tình hình sức khỏe của mình trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ những tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình dùng thuốc theo phác đồ điều trị.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc giúp giảm áp lực máu, bao gồm:
- Thuốc lợi tiểu: Giúp làm tăng thể tích nước tiểu nhằm giảm thể tích máu để giảm huyết áp.
- Thuốc chẹn beta: Giúp giãn mạch máu và làm giảm nhịp tim.
- Thuốc chẹn angiotensin converting enzyme (ACE): Ngăn chặn chuyển đổi enzyme angiotensin thành angiotensin II, giúp giãn mạch máu.
- Thuốc chẹn receptor angiotensin II: Ngăn chặn sự tác động của angiotensin II lên mạch máu.
- Thuốc chẹn kênh calci: Làm giãn mạch máu bằng cách ức chế hành động của calci trong cơ trơn mạch máu.
Bệnh nhân cần lưu ý về tình hình sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc theo phác đồ.
Điều trị cao huyết áp trong tình trạng khẩn cấp
Một số trường hợp tăng huyết áp cấp cứu cần được điều trị ngay tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt vì nguy cơ tử vong của bệnh nhân là khá cao. Lúc này, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để nhanh chóng cải thiện tình hình.
Chăm sóc hiệu quả bệnh huyết áp cao tại nhà
Đặc điểm của bệnh tăng huyết áp là tiến triển kéo dài và ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi điều trị không đúng và chăm sóc không tốt.
Vì vậy, bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cao huyết áp cũng cần chú ý đến các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà để có thể ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Dưới đây là một số biện pháp người bệnh cần lưu ý:
- Dùng thuốc thường xuyên để bình ổn huyết áp. Không tự ý ngừng điều trị, nếu muốn thay đổi thuốc cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
- Tập trung nghỉ ngơi, thư giãn, không thức khuya, ngủ đúng giờ, tránh căng thẳng và áp lực trong cuộc sống hàng ngày.
- Kiểm tra huyết áp định kỳ để đảm bảo rằng huyết áp được kiểm soát và không gây hại cho các cơ quan khác trong cơ thể. Người bệnh cao huyết áp cần được theo dõi huyết áp trong khoảng thời gian từ 15 phút đến 2 giờ bằng một lần đo.
- Nếu người bệnh cao huyết áp đột nhiên xuất hiện các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt và các triệu chứng khác thì cần nằm nghỉ và đo huyết áp lại, không nên cử động vội vàng dễ dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não. Sau đó đi khám ngay dù chưa đến lịch tái khám.
Sống chung với bệnh huyết áp cao
Thay đổi lối sống khoa học có thể giúp người bệnh kiểm soát và quản lý huyết áp cao. Đây cũng là khuyến cáo đầu tiên đối với một bệnh nhân tăng huyết áp, giúp nâng cao hiệu quả của thuốc điều trị.
- Bổ sung chế độ ăn giàu chất xơ, giàu kali và ít muối (ngưỡng sử dụng muối trong ngày là dưới 5 gam)
- Không nên ăn thịt đỏ (heo, bò…), sữa béo, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
- Tăng cường hoạt động thể chất ở mức vừa phải như tập thể dục, đi bộ, tập dưỡng sinh,... đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp khí huyết lưu thông và khiến tinh thần thoải mái, tỉnh táo.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Tăng huyết áp thường đi kèm với tăng cân. Thừa cân hoặc béo phì có thể cản trở hơi thở của bạn trong khi ngủ, khiến tình trạng huyết áp tăng mạnh hơn.
Huyết áp cao là bệnh lý nguy hiểm và dễ dẫn tới nhiều biến chứng như huyết áp thấp. Vì vậy, việc nắm rõ các thông tin về căn bệnh này là rất quan trọng, giúp người bệnh xác định được các triệu chứng của bệnh.
Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan mà hãy tới bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.