Bệnh gout là một tình trạng viêm của khớp gây ra bởi sự tăng acid uric trong máu. Các tinh thể muối urat natri tích tụ trong khớp gây sưng, viêm và đau dữ dội. Đáng mừng là gout có thể được kiểm soát bằng thuốc, chế độ ăn uống phù hợp và thay đổi lối sống.
Bệnh gout có thể được kiểm soát bằng chế độ ăn uống
1. Thức ăn ảnh hưởng đến bệnh gout như thế nào?
Purines là các chất tự nhiên được tìm thấy trong tế bào của cơ thể và hầu như có trong tất cả các loại thực phẩm. Ở người, purine được chuyển hóa thành axit uric, đóng vai trò như một chất chống oxy hóa và giúp ngăn ngừa tổn thương gây ra bởi các gốc tự do.
Purine không phải là điều đáng ngại đối với những người khỏe mạnh, vì axit uric dư thừa có thể được loại bỏ ra khỏi cơ thể một cách hiệu quả.
Nhưng ở những người bị bệnh gout, thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu purine sẽ làm tăng nồng độ axit uric huyết thanh, gây ra cơn gout cấp tính. Vì vậy, ngoài uống thuốc để ngăn tình trạng viêm và giảm axit uric, người bị gout cần hạn chế các thực phẩm chứa purine.
Thực phẩm thường gây ra cơn gout bao gồm nội tạng, thịt đỏ, hải sản, rượu và bia. Chúng chứa một lượng purine từ trung bình đến cao. Tuy nhiên cũng có ngoại lệ. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau có hàm lượng purine cao không gây ra các cơn gout. Sữa cũng chứa nhiều purine, nhưng nó thậm chí còn hỗ trợ vào quá trình đào thải axit uric ra khỏi cơ thể.
Ngược lại, đường fructose và đồ uống có đường không giàu purine nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout và làm tái phát các cơn gout cấp tính. Lý do là chúng thúc đẩy một số quá trình của tế bào có thể làm tăng nồng độ axit uric.
Ví dụ, một nghiên cứu của Khoa Dinh Dưỡng, đại học Toronto, Canada, kéo dài trong 17 năm với 125.299 người tham gia, đã phát hiện ra rằng những người tiêu thụ nhiều đường fructose nhất có nguy cơ phát triển bệnh gout cao hơn 62%.
2. Những thực phẩm người bị bệnh gout nên tránh?
Người bị bệnh gout cần hạn chế ăn hải sản
Đối với người khỏe mạnh, lượng purine trong khẩu phần ăn hàng ngày được khuyến cáo là dưới 400 mg để ngăn ngừa bệnh gout và tăng acid uric máu.
Đối với người bị bệnh gout, hãy tránh xa thủ phạm chính - thực phẩm giàu purine. Dưới đây là những thực phẩm có chứa hơn 150 mg purine trên 100 gram:
Nguồn: (https://www.jstage.jst.go.jp)
Tổng hợp lại, một số thực phẩm giàu purin và fructose mà người bị gout nên tránh là:
- Nội tạng động vật bao gồm gan, thận, lá lách, tim và não….
- Các loại thịt động vật như gà lôi, thịt bê và thịt nai.
- Các loại cá như cá trích, cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá cơm và một số loại cá khác.
- Hải sản khác như tôm, cua, sò điệp, trai, hàu và trứng cá.
- Đồ uống có đường, đặc biệt là nước ngọt và nước trái cây.
- Mật ong và các loại thực phẩm ngọt giàu fructose.
- Rượu bia, đặc biệt là uống nhiều bia và rượu mạnh.
Ngoài ra, các loại carbohydrat tinh chế như bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh quy cũng không tốt cho người bị bệnh gout. Mặc dù chúng không chứa nhiều purine hoặc fructose, nhưng lại có thể làm tăng nồng độ axit uric.
3. Những thực phẩm người bị bệnh gout nên ăn?
Người bị bệnh gout nên ăn nhiều trái cây
Người bị gout nên ăn các loại thực phẩm có hàm lượng purine dưới 100mg/100gram. Dưới đây là một số thực phẩm an toàn cho người bị bệnh gout:
- Trái cây. Đặc biệt, các loại quả mọng như cherry, mâm xôi, dâu tây, việt quất thậm chí có thể giúp ngăn ngừa các cơn gout bằng cách giảm nồng độ axit uric và giảm viêm.
- Tất cả các loại rau củ, kể cả các loại rau giàu purine.
- Các loại đậu, bao gồm cả đậu lăng, đậu nành và đậu phụ.
- Các loại hạt như hạt óc chó, hạt mắc ca, hạnh nhân, hạt chia, hạt bí ngô.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Các sản phẩm từ sữa, nhất là sữa không đường và ít béo.
- Trứng.
- Trà xanh và các loại trà khác.
- Các loại thảo mộc.
- Dầu gốc thực vật như dầu hạt cải, dầu dừa, dầu ô liu, dầu lạc…
Thực phẩm người bị bệnh gout có thể ăn với số lượng vừa phải:
- Thịt gia cầm, thịt bò và thịt lợn là những thực phẩm giàu protein có thể làm tăng axit uric trong máu, vì vậy không nên ăn nhiều. Thay vào đó, người bị gout có thể bổ sung protein từ thực vật.
- Đối với hải sản thì chỉ nên ăn 1-2 lần/tuần. Người bị gout có thể ăn cá nước ngọt, chúng có ít purine hơn cá biển.
4. Những thay đổi về lối sống khác cho người bị bệnh gout
Người bị bệnh gout cần kiêng rượu bia
Ngoài chế độ ăn uống, có một số thay đổi lối sống có thể giúp người bị bệnh gout giảm nguy cơ mắc bệnh gout và các cơn đau gout.
Thừa cân béo phì có thể dẫn đến kháng insulin, thúc đẩy nồng độ axit uric cao hơn. Do vậy, việc giảm cân ở những người bị gout là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tránh giảm cân một cách đột ngột vì nó làm tăng nguy cơ tái phát cơn gout.
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức chịu đựng mà còn giúp ngăn ngừa các cơn gout. Hoạt động thể chất giúp duy trì cân nặng hợp lý và giữ cho axit uric ở mức thấp.
Nước giúp cơ thể loại bỏ axit uric dư thừa bằng cách tăng thải ra ngoài theo đường nước tiểu, nhờ đó ngăn ngừa các cơn gout. Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước và uống nhiều nước hơn sau khi vận động nhiều.
Rượu bia là nguyên nhân phổ biến gây ra các cơn gout. Vì vậy đây là những loại đồ uống cần được loại bỏ ngay lập tức ở những người bị gout. Việc này để ngăn ngừa axit uric tích tụ và hình thành tinh thể.
Có một số nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung vitamin C có thể giúp ngăn ngừa các cuộc tấn công bệnh gout bằng cách giảm nồng độ axit uric.Tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để có thể đưa ra kết luận chính xác.
Kết luận
Một chế độ ăn uống tốt nhất cho bệnh gout có thể giúp làm giảm các triệu chứng gout và ngăn ngừa các cơn gout cấp tính.Thực phẩm và đồ uống thường gây ra cơn gout bao gồm thịt nội tạng, thịt thú săn, một số loại cá, nước hoa quả, nước ngọt có đường và rượu bia. Mặt khác, trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ đậu nành và các sản phẩm từ sữa ít béo có thể giúp ngăn ngừa các cơn gout bằng cách giảm nồng độ axit uric.
Ngoài chế độ ăn, một lối sống lành mạnh cũng giúp ngăn ngừa các cơn gout là duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục thường xuyên, uống đủ nước và không uống rượu bia.