ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia liên lục địa Á - Âu với 97% diện tích nằm ở châu Á và chỉ có 3% diện tích nằm ở châu Âu. Phần lãnh thổ thuộc châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ tách khỏi phần lãnh thổ thuộc châu Âu qua eo biển Bosphorus, biển Marmara và eo biển Dardanelles.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan (trái) trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 9-2022. Ảnh: Anadolu Agency
Ðường biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ trải dài trên 2.573km đường bộ và 8.333km đường bờ biển, giáp với 8 quốc gia: Bulgaria ở phía Tây Bắc; Hy Lạp ở phía Tây; Gruzia ở phía Ðông Bắc; Armenia, Iran và vùng tách rời Nakhchivan của Azerbaijan ở phía Ðông; Iraq cùng Syria ở phía Ðông Nam; Ðịa Trung Hải ở phía Nam; biển Aegea ở phía Tây; và biển Ðen ở phía Bắc.
Xét theo lãnh thổ, Thổ Nhĩ Kỳ thuộc châu Á. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ là một nước châu Âu và là một trong những thành viên sớm nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO). Nguyên nhân là sau khi nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập, tổng thống đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Kemal Ataturk đã định hướng nước này thành một quốc gia phương Tây hiện đại. Hơn nữa, thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Istanbul nằm giữa hai châu lục và quốc gia này đã lựa chọn lục địa già.
Sở hữu vị trí địa lý chiến lược nối liền hai châu lục Á - Âu, lại nằm giữa các vùng biển lớn nên Thổ Nhĩ Kỳ luôn đóng vai trò cầu nối, trung tâm trung chuyển của các luồng giao thương hàng hóa, dịch vụ, du lịch của cả khu vực Ðông Âu, Nam Âu, Tây Á và kết nối qua Ðịa Trung Hải để gắn kết trực tiếp với các quốc gia Bắc Phi.
Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây cũng như tranh chấp lãnh hải với Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây đã đẩy mạnh hợp tác với các nước như Nga, Trung Quốc, Iran nhằm tạo thế cân bằng chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ cần nguồn cung ứng năng lượng mà cả vũ khí chiến lược từ Nga. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh với Trung Quốc, là cầu nối trọng yếu tại Trung Ðông và Ðịa Trung Hải cho sáng kiến “Vành đai, con đường” của Bắc Kinh.