Đã lên lịch và hẹn khá nhiều lần nhưng lại hoãn do thời tiết không ủng hộ. Một ngày gần cuối của tháng 5, dưới cái nắng khá gay gắt, chúng tôi đã tìm đến suối Bản Thượng. Từ thành phố Thái Nguyên, chúng tôi di chuyển lên Võ Nhai, đến ngã ba thị trấn La Hiên, rẽ trái đi khoảng 20 km theo hướng chỉ dẫn đi xã Thượng Nung là đến suối. Đường di chuyển đến đây là đường nhựa liên xã nên khá thuận lợi. Suối nằm ngay cạnh đường nên dừng xe là đến.
Đến nơi, chúng tôi ai nấy đều không khỏi ngạc nhiên bởi dòng suối với màu nước trong xanh tự nhiên, điều hiếm thấy ở những con suối khác tại Thái Nguyên. Đón tiếp đoàn chúng tôi là những người nông dân chân chất, thật thà và rất hiếu khách. Nhìn tổng thể thì khu này khá nguyên sơ nhưng càng khám phá càng thấy hấp dẫn. Vì là dòng suối tự nhiên nên để thuận lợi cho du khách trong quá trình trải nghiệm, tắm mát những hộ dân ở đây đã bước đầu cải tạo cảnh quan như: Tạo lối đi, làm các lán nghỉ bằng tre, lợp mái lá cọ; hệ thống bè để trải nghiệm trên suối, những cọn nước check in… Về cơ bản không phá vỡ cảnh quan của tự nhiên của con suối.
Dòng suối được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh. Di chuyển trên lối nhỏ bên bờ suối chúng tôi chứng kiến những đàn bướm không hiểu từ đâu tụ hội về đây khá nhiều và bay vờn quanh du khách. Dưới làn nước trong xanh, chúng tôi nhìn rõ những con cá suối đang bơi lội tung tăng. Anh Nguyễn Đức Thuận, quản lý ở đây cho biết: Chỉ cần thả một chút thức ăn thì ngay lập tức cá sẽ tập trung về rất đông. Không tin và tôi đã bảo anh làm để thực mục sở thị thì đúng thật, sau khi anh thả mồi vài chục con cá suối từ đâu bơi lại, rất thú vị.
Đến suối Bản Thượng, nếu du khách chỉ dừng lại ở khu vực bến tắm và lán nghỉ thì có lẽ sẽ chưa cảm nhận hết được vẻ đẹp của nơi này. Bạn phải trải nghiệm đi bè trên suối. Dịch vụ đi bè ở đây khá rẻ, nếu thuê bè riêng chỉ 50.000đ/ lượt. Nếu bè kèm theo người chèo đưa du khách đi khám phá con suối là 100.000đ/lượt. Anh Lương Văn Tiền, một người dân địa phương đã chèo bè đưa chúng tôi đi tham quan, chia sẻ câu chuyện về những ngày đầu làm du lịch của người dân địa phương. Ngồi trên bè ngắm cảnh núi non hùng vĩ mới thấy thiên nhiên tươi đẹp biết bao. Càng ngược suối, những bãi đá tự nhiên càng nhiều, xếp san sát với rất nhiều hình thù kỳ lạ. Di chuyển trên bè khoảng 400m, len lỏi qua những bãi đá, chúng tôi đến khu vực thác Dõm. Dòng thác từ trên núi đổ xuống như những dải lụa thực sự rất ấn tượng. Đây cũng là nơi lưu lại những bức hình đẹp cho chuyến đi của bạn. Khu vực này khá nhiều bãi đá nên chúng tôi đã xuống bè để tận hưởng dòng nước mát lành, cùng nhau nô đùa, bắt ốc suối (tôi chưa thấy con suối nào ở Thái Nguyên có nhiều ốc như ở đây). Giữa chốn đại ngàn, chúng tôi thực sự thấy mình nhỏ bé và quên đi mọi phiền lo của cuộc sống.
Sau hành trình trải nghiệm, chúng tôi di chuyển về căn lán nhỏ ven suối để nghỉ trưa và thưởng thức ẩm thực. Ở đây, người dân mới manh nha làm du lịch. Tuy nhiên đã có niêm yết bảng giá chi phí dịch vụ rất rõ ràng và hợp lý nếu không muốn nói là rẻ. Ẩm thực cũng khá độc đáo, chinh phục được thực khách với những món ăn thể hiện bản sắc của địa phương như: Gà bản nướng, cá suối chiên cuốn lá lốt, ốc núi đá hấp sả, thịt lợn bản nướng, măng rừng chấm chẩm chéo...
Buổi chiều, chúng tôi bảo nhau phải tận hưởng dòng nước mát lạnh tại khu vực bãi tắm trước khi ra về. Ở đây, người dân đã tạo một số bến tắm tự nhiên để du khách có thể tắm mát trong những ngày hè oi ả. Ngâm mình dưới làn nước mát, trong xanh thực sự rất tuyệt vời.
Một ngày trải nghiệm tại suối Bản Thượng đã để lại nhiều ấn tượng trong tôi. Một điểm đến còn hoang sơ nhưng rất tiềm năng. Thậm chí còn có những thế mạnh nổi trội mà nhiều con suối của Thái Nguyên đang khai thác du lịch không bằng. Thiết nghĩ, nếu như người dân địa phương ở đây biết khai thác hợp lý, kết hợp với bản sắc văn hóa, yếu tố bản địa thì đây chắc chắn sẽ là một địa chỉ thu hút du khách tại Thái Nguyên.
Nếu bạn là một tín đồ của du lịch dã ngoại, muốn hòa mình vào thiên nhiên thì suối Bản Thượng là một địa chỉ mà bạn không nên bỏ qua khi đến với Du lịch Thái Nguyên trong mùa hè này./.
Tác giả: Chu Đỗ