Do đặc tính hoang dã, loài chim luôn nhút nhát và đề phòng với con người. Trong tự nhiên, hiếm khi chim định cư tập trung gần nơi con người sinh sống. Nên hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đến vùng đất phương Nam Cà Mau và Bạc Liêu xa xôi, tận mắt thấy hàng vạn con chim sinh sống ngay cạnh con người. Chúng sống thành quần thể định cư, bên những con người hào sảng mến khách nơi đây, được con người bảo vệ bình yên, ngay giữa lòng phố thị đúng như câu: "Đất lành chim đậu."
Dấu ấn thời gian sân chim Bạc Liêu
Vùng đất Bạc Liêu có rất nhiều vườn chim lớn nhỏ ở các huyện trong tỉnh,. nhưng Vườn chim Bạc Liêu là một nét độc đáo nhất của khu vực. Nơi đây bảo tồn nguyên vẹn một phần còn sót lại của thảm rừng ngập mặn đặc trưng vùng ĐBSCL với 150 loài động vật, 109 loài thực vật nhưng chỉ cách trung tâm TP Bạc Liêu 6km về hướng biển. Chỉ cần di chuyển ngắn trên con đường mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tác giả bản Dạ cổ hoài lang) đi về hướng bên phải, qua kênh 30/04 là đến.
Tọa lạc tại vị trí giữa phường Nhà Mát và phường 5 TP Bạc Liêu, sân chim Bạc Liêu là một nét độc đáo riêng biệt. Trong những năm 1960, trong chiến tranh, Vườn chim Bạc Liêu (còn gọi là sân chim Bạc Liêu) dần hình thành khi có nhiều chim cò bản địa kéo về trú ngụ theo quy luật tự nhiên. Các hộ dân địa phương gần đó đã trông giữ và khai thác chim non.
Ngay từ khi hòa bình vừa lập lại, chính quyền địa phương đã lên kế hoạch bảo vệ khu tài nguyên thiên nhiên quý giá này. Năm 1986, Vườn chim Bạc Liêu được đưa vào danh sách các Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam theo Quyết định số 194/CT-HĐBT ngày 09 tháng 8 năm 1986 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng).
Năm 1989, Quỹ Brehm của Cộng hoà Liên bang Đức hỗ trợ giúp 7.000 USD để xây dựng cơ sở vật chất và quy hoạch lại Vườn chim Bạc Liêu, lập Dự án rồi tiến hành đào ao lưu niệm tạo ra vùng đầm lầy cư trú để tăng cường tính đa dạng sinh học của các loài chim, trồng nhiều loài cây ngập nước thích hợp, phát triển rừng để chim về cư trú và làm tổ, xây dựng các chòi quan sát bảo vệ chăm sóc Vườn chim và tiến hành nghiên cứu đặc tính sinh lý của các loài chim.
Năm 1997, vừa tái lập, tỉnh Bạc Liêu đã làm đê bao ngăn xung quanh 130 hécta, đào ao nước mặn và nước ngọt cũng như hệ thống kênh mương với mục đích tạo lại vùng sinh thái ngập nước quanh năm để tôm cá sinh sôi làm thức ăn cho các loài chim. Ngày 30 tháng 10 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Vườn chim Bạc Liêu nằm trong danh sách các Khu bảo tồn thiên nhiên của Quốc gia.
Hiện nay, Vườn chim Bạc Liêu là nơi bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học vô cùng quý báu của đất nước, góp phần bảo vệ môi trường, phục vụ nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử và phát triển du lịch sinh thái của tỉnh Bạc Liêu.
Sân chim Bạc Liêu có gần diện tích khoảng 400ha, trong đó có 19 ha rừng nguyên sinh với hơn 40.000 cá thể của 78 loài chim, trong đó có giang sen, bồ nông chân xám, cò sả hung, diệc lửa, diệc mốc, chàng bè, gà sói…...Ngoài ra, vườn chim Bạc Liêu có 13 quần xã thực vật, bao gồm 181 loài thực vật bậc cao, thuộc 145 chi của 60 họ, có 23 loài đại diện cho hệ rừng ngập mặn và 16 loài cây tham gia rừng ngập mặn...
Độc đáo vườn chim TP Cà Mau
Đến TP Cà Mau, để hiểu rõ hơn câu nói “Đất lành chim đậu” và hơn cả là hiểu được công lao của biết bao người đã gìn giữ, dẫn dụ các loài chim.
Cà Mau có rất nhiều sân chim nổi tiếng ở các huyện, với hàng trăm loài chim, có nhiều loài thuộc dạng quý hiếm cần được bảo tồn, quần tụ dưới tán rừng ngập mặn (rừng đước) và rừng ngập lợ (rừng tràm). Nhưng sân chim nằm trong Khu tưởng niệm Bác Hồ, tọa lạc tại khóm 1, phường 1,TP Cà Mau là một đặc biệt, bởi được hình thành từ con người. Nếu như Vườn chim Bạc Liêu có lịch sử tự nhiên nhiều năm, thì đến TP Cà Mau, du khách sẽ còn bất ngờ hơn khi uống cà phê ở trung tâm thành phố, vừa ngắm những đàn chim hoang dã bay đi kiếm ăn sáng sớm.
Sân chim có diện tích 4,5 ha. Tại đây, có hơn 10.000 cá thể chim muông đến làm tổ, sinh con, đẻ cái rồi định cư ở đây. Trong đó, có rất nhiều loài cò, vạc, còng cọc, điên điển…Vườn chim là địa điểm tham quan độc đáo đã trở thành tài sản, niềm tự hào và đã gắn liền với cuộc sống đời thường của người dân Cà Mau.
Năm 1989, khi khu dược liệu của Xí nghiệp Dược Minh Hải giải tán, Ðảng uỷ, Ban Giám đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Minh Hải (Cà Mau - Bạc Liêu ngày nay) quyết định mua lại khu đất trên để xây dựng công trình kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác, lấy tên là Lâm Viên 19/5. Lâm Viên được xây dựng theo mô hình tỉnh Minh Hải thu nhỏ, trong đó có khu rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn, dừa Phú Tân, nhãn Bạc Liêu, dâu Cái Tàu, khu vui chơi giải trí và khu sưu tập động thực vật. Kỹ sư Lê Thị Liễu được phân công làm Phó ban Quản lý Lâm Viên. Mới đầu, thấy có khá nhiều chim bay qua bay lại, Kỹ sư Liễu có ý tưởng lập một vườn chim để tập hợp chúng về, làm phong phú thêm khu sưu tập động thực vật. Bằng nhiều phương pháp dẫn dụ, chim đã chịu kéo về sinh sống và sinh sôi nhiều cho đến nay.
Được hình thành từ năm 1995 cho đến nay, vườn chim đã được chăm sóc, duy trì, bảo tồn; nhiều cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, du khách trong và ngoài nước đã từng đến tham quan và mong muốn vườn chim tiếp tục được duy trì, bảo tồn và phát triển. Nơi đây có hệ thống cây xanh, thảm thực vật phát triển, mật độ cây xanh và độ che phủ phát triển tốt.
Trao đổi với báo Kinh tế và Đô thị, ông Trần Hiếu Hùng Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Cà Mau cho biết thêm: “Nhiều năm nay, vườn chim là một địa điểm lý tưởng thu hút du khách trong ngoài nước. Hiện tỉnh đang triển khai các phương pháp bảo tồn vườn chim, nhằm tạo được một cảnh quan sinh thái thiên nhiên ở giữa lòng TP Cà Mau. Bên cạnh việc phát huy tiềm năng của một điểm du lịch nổi tiếng, vườn chim còn phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, tham quan nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần cho xã hội và nhân dân, đặc biệt là lòng yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, bảo vệ động, thực vật hoang dã.”
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/san-chim-la-gi-a56637.html