Thị trường

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về việc tổ chức "Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024". Đây là lần đầu tiên Lễ hội trái cây có quy mô cấp vùng do UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ THƯƠNG HIỆU CÁC LOẠI CÂY ĐẶC SẢN

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết Tiền Giang là tỉnh trọng điểm về sản xuất cây ăn trái của cả nước đáp, ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, chế biến và xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 68 nghìn ha cây ăn quả, cho sản lượng trên 1 triệu tấn quả/năm.

Nhiều loại trái cây của tỉnh Tiền Giang đã có thương hiệu nổi tiếng như: Xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Ngũ Hiệp, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, sapô Mặc Bắc Kim Sơn, nhãn Nhị Quý, mãng cầu xiêm Tân Phú Đông...

Tỉnh Tiền Giang có vùng chuyên canh khóm (dứa) lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích 15.082ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng hơn 257.843 tấn/năm, tập trung tại các xã: Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2... Huyện Cai Lậy có khoảng 9.013 ha cây sầu riêng gồm nhiều loại giống sầu riêng, hàng năm cho sản lượng 197.119 tấn/năm, năng suất bình quân 22 tấn/ha. Vùng chuyên canh sầu riêng tập trung tại các xã: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long Tiên.

Thanh long Chợ Gạo cũng là một thương hiệu nổi tiếng của Tiền Giang. Diện tích thanh long lên đến 6.500 - 7.000ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 150.000 tấn. Tiền Giang hiện nay có diện tích trồng xoài cát Hòa Lộc trên 1.579 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực ven sông Tiền thuộc huyện Cái Bè và Nam Cai Lậy, sản lượng hàng năm ước tính 35.926 tấn. Huyện Cái Bè đang là nơi tập trung xoài nhiều nhất tỉnh Tiền Giang.

Một vườn cây ăn quả ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Một vườn cây ăn quả ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết đến đầu tháng 5/2024, toàn tỉnh Tiền Giang đã đươc cấp 389 mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu chính ngạch với tổng diện tích gần 25.000ha. Qua đó, khơi thông "điểm nghẽn" trong xuất khẩu trái cây, đưa những thương hiệu trái cây nổi tiếng của địa phương như bưởi da xanh, thanh long Chợ Gạo, sầu riêng Ngũ Hiệp, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, xoài cát Hòa Lộc ra thị trường thế giới.

Trên địa bàn tỉnh hiện có các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoạt động rất hiệu quả như: Viện Nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Trung tâm Bảo vệ Thực vật Phía Nam và Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp

“Lễ hội trái cây lần này nhằm khẳng định giá trị thương hiệu các loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và ngành hàng trái cây cả nước; Tạo không gian và cơ hội để thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng nông nghiệp chủ lực Việt Nam”, ông Mẫn chia sẻ.

NHIỀU SỰ KIỆN ẤN TƯỢNG

Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Lễ hội trái cây Tiền Giang năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 10/6/2024 đến 12/6/2024, đúng dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, tại Quảng trường Hùng Vương, ấp Long Hòa B, xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Với chủ đề “Cảm xúc miền nhiệt đới”, nhiều sự kiện ấn tượng sẽ diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội như: Truyền hình trực tiếp Khai mạc Lễ hội với chương trình nghệ thuật ca nhạc cảnh, kết hợp trình diễn giữa đội ngũ nghệ sĩ chuyên nghiệp và đông đảo quần chúng nhân dân, mang thông điệp về đặc trưng “văn minh miệt vườn” sông nước Cửu Long; Tôn vinh và khen thưởng các mô hình canh tác bền vững, doanh nghiệp chế biến, thương mại tiêu biểu.

Nhiều hoạt động với sự tham gia của cộng đồng sẽ được bố trí tại Lễ hội như: Không gian vườn ẩm thực, Cuộc thi món ngon từ các loại trái cây, Liên hoan nghệ thuật xếp đặt mô hình từ trái cây kết hợp chương trình mời khách tham quan dùng trái cây miễn phí theo khung giờ quy định, Chạy bộ phong trào với trang phục và thiết kế tạo hình trái cây, Đêm hội tuổi trẻ hoá trang tạo hình nhân vật từ trái cây đặc sắc,… mang đến không khí tưng bừng và phấn khởi đối với bà con nhân dân trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay.

Chương trình giao thương, xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học kỹ thuật tại Lễ hội sẽ được diễn ra với chuỗi sự kiện xuyên suốt: Không gian trưng bày, quảng bá và thương mại trái cây, các sản phẩm từ trái cây, sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành kết hợp trưng bày trái cây và sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bản tỉnh Tiền Giang; Không gian đổi mới sáng tạo giới thiệu các mô hình/ý tưởng và kết quả nghiên cứu ứng dụng đối với ngành hàng trái cây;

Cùng với đó là giới thiệu giải pháp công nghệ, kỹ thuật hướng đến chuyển đổi xanh, tuần hoàn; Hội chợ Công nghiệp, Thương mại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long - Tiền Giang năm 2024; Tuần hàng trái cây đặc sản tại một số hệ thống phân phối hiện đại trong cả nước. Nhân dịp này, điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang và Trung tâm Yến sào Trí Sơn cũng sẽ được khai trương long trọng.

Trong khuôn khổ Lễ hội, chuỗi hoạt động hội thảo, hội nghị chuyên đề sẽ được tổ chức bao gồm: Hội thảo chuyên đề “Nâng cao năng lực và kỹ năng quảng bá trái cây, sản phẩm trái cây trên sàn thương mại điện tử, kết hợp hoạt động Livestream bán hàng”; Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối thông tin thị trường; Hội thảo “Xây dựng mô hình chuỗi sầu riêng bền vững tại thị trường quốc tế”; Hội thảo “Chuyên gia và nhà vườn”; Hội thảo “Chia sẻ khoa học dinh dưỡng từ trái cây Việt, giới thiệu các loại hình nghệ thuật ẩm thực, bánh ngọt và pha chế từ trái cây”; Hội nghị “Xúc tiến và quảng bá du lịch nông thôn miệt vườn Tiền Giang, công bố bản đồ du lịch số “Khám phá vườn trái cây nhiệt đới“.

Nhân dịp này, Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang và CLB ngành hàng Sầu riêng Việt Nam sẽ được chính thức ra mắt.

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/dac-san-trai-cay-tien-giang-a54678.html