Loại lá gợi tên “tử thần” nhưng nhiều người nhầm lại mang về làm rau ăn, đây là cách nhận biết chính xác nhất

Loại lá có độc dược chết người

Lá ngón còn được gọi là cây rút ruột, cây xóa nợ, đoạn trường thảo và nhiều tên gọi khác, tùy theo cách gọi của từng địa phương vùng miền.

Theo Y học hiện đại, cây lá ngón được coi là một trong bốn loại cây có độc tính cao nhất (thuốc độc bảng A). Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), lá ngón là loại cây có độc tính cao, thường mọc tự nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Dù đã được ngành y tế cảnh báo nhiều, nhưng nhiều người vẫn nhầm cây này là rau nên hái về ăn, dẫn đến nguy kịch tính mạng.

Nhiều người nhầm tưởng cây lá ngón là rau ăn được. Ảnh minh họa.

Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, đã tiếp nhận 2 chị em bị hôn mê, suy hô hấp sau khi ăn cơm trưa với rau rừng do người quen hái.

Sau bữa ăn khoảng 15 phút, hai chị em gái bị liệt cơ hàm dưới, không nói được, sau đó co giật. Sau khi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện, hai bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, hai bệnh nhân nhanh chóng được rửa dạ dày, duy trì thở máy qua ống nội khí quản, kiểm soát hô hấp, tim mạch, dùng thuốc chống co giật, dùng than hoạt giải độc qua sonde dạ dày.

Trong quá trình rửa dạ dày cho 2 bệnh nhân, các bác sĩ đã phát hiện lá ngón trong hệ tiêu hóa người bệnh và chẩn đoán, cả hai ngộ độc do chất độc trong loại rau này.

Ngộ độc lá ngón xuất hiện nhanh, nặng và dễ tử vong

Theo bác sĩ Trung, trong lá ngón có chứa một chất kịch độc có thể ngay lập tức gây ra cái chết, đó chính là hoạt chất cực độc alkaloid - một loại độc tố nguy hiểm. Các alkaloid chứa trong toàn bộ cây, độc tính giảm dần theo thứ tự rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Alkaloid là những hợp chất hữu cơ có chứa dị vòng nitơ, có tính bazơ, thường gặp ở trong nhiều loài thực vật, đôi khi còn tìm thấy trong một vài loài động vật. Alkaloid có hoạt tính sinh lý rất cao đối với cơ thể con người và động vật, nhất là đối với hệ thần kinh. Một lượng nhỏ alkaloid đủ chất độc gây chết người.

Nghiên cứu về lá ngón được tiến hành tại Khoa Sinh, Đại học Đà Lạt cho thấy, giã lá ngón thành nước (10g lá, 10ml nước) cho chuột uống 3 giọt, sau 9 phút chuột chết vì co giật. Ăn ba lá hoặc một lá với một chút rượu sẽ chết. Chuyên gia lưu ý lá ngón không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người.

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, sau đó dẫn đến mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

2 nữ bệnh nhân ngộ độc lá ngón đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

2 nữ bệnh nhân ngộ độc lá ngón đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Cách nhận biết lá ngón

Cây lá ngón có thân và phần cành không có lông. Trên phần thân hơi có khía dọc.

Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hơi hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hoặc hơi tù, mép nguyên, bóng nhẵn, dài 7-12 cm, rộng 2,5-5,5 cm. Chúng thường mọc thành chùm ở đầu cành.

Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh. Quả của lá ngón có màu nâu, thon dài, rộng khoảng 0,5 cm, không có lông bao quanh. Hạt lá ngón khá nhỏ, có màu nâu nhạt. Ở các cành non, lá sẽ có màu xanh lục nhưng khá nhạt.

Đến giai đoạn già, lá sẽ chuyển dần sang màu xám nâu nhạt.

Sơ cứu ngộ độc lá ngón

Khi phát hiện người bị ngộ độc cây lá ngón, phương pháp xử trí ban đầu hết sức quan trọng, phải nhanh chóng loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng các biện pháp như: gây nôn, uống đầy nước, móc họng để kích thích gây nôn.

Sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để loại bỏ độc chất, ngăn cản hấp thu độc chất bằng cách rửa dạ dày, uống than hoạt, truyền dịch. Khẩn trương vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện chuyên khoa có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu điều trị giải độc. Tránh những biến chứng muộn nặng nề, nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong. Hiệu quả cấp cứu chỉ khi được thực hiện sớm dưới 1 giờ.

Hoa và lá của lá ngón. Ảnh minh họa.

Hoa và lá của lá ngón. Ảnh minh họa.

Bác sĩ cũng lưu ý việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chỉ dùng biện pháp cơ học (kích thích họng), không dùng thuốc gây nôn vì đến khi thuốc có tác dụng, bệnh nhân nôn thì có thể bệnh nhân bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.

Để phòng ngừa ngộ độc lá ngón, biện pháp hữu hiệu nhất là nên chặt bỏ tất cả những cây lá ngón được tìm thấy. Phần lớn bệnh nhân bị ngộ độc lá ngón là do tự tử hoặc bị đầu độc. Cần phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, stress… là nguyên nhân gây tự sát. Không nên để những người này tiếp cận với lá ngón.

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/cach-nhan-biet-la-ngon-a54532.html