Đây được xem là trung tâm bảo tồn tre lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Sau khi đi vào hoạt động, Làng tre Phú An đã được trao giải thưởng Xích Đạo (Equatorial Prize) của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về bảo vệ đa dạng sinh học, phục vụ cho phát triển cộng đồng và ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2010; và danh hiệu vườn thực vật nói tiếng Pháp năm 2016 (Jardin Botanique Francophone).
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và phát triển Làng tre Phú An, chúng tôi có buổi trò chuyện với Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Làng tre Phú An, nguyên giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.
“Biến tam giác sắt thành tam giác xanh”
Xin cảm ơn Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện. Trước hết, xin bà cho biết cơ duyên nào đưa bà gắn chặt sự nghiệp và hoài bão cuộc đời với cây tre?
Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh: Tôi làm việc về cây tre từ khi tôi về lại làng quê Phú An (Bình Dương), nơi tôi sinh ra trong chiến tranh, bom đạn, nơi có con sông quê đầy kỷ niệm của thời thơ ấu, với ý tưởng ‘Biến tam giác sắt thành tam giác xanh’. (PV: Vùng Tam giác sắt nằm trên địa phận xã Phú An, Trảng Bàng và Củ Chi. Với người dân Bến Cát, Bình Dương nói riêng và vùng tam giác sắt nói chung, đây là nơi có ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh dành độc lập cho Tổ quốc. Di tích là một trong những chứng tích gắn liền với lịch sử oai hùng của quân và dân địa phương, tỉnh nhà và cả dân tộc Việt Nam).
Trong sự nghiệp nghiên cứu, bà được tham gia nhiều buổi thuyết trình về tre trên thế giới. Bà có thể kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi nói về Tre Việt Nam với người nước ngoài?
Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi sang Mexico năm 2018 dự Hội nghị Tre thế giới lần thứ 11, tôi đã thuyết trình về Bảo tồn đa dạng sinh học Tre Việt Nam (Viet Nam Bamboo Resources Conservation for Sustainable Development) và kêu gọi mọi người tham gia Chương trình con đường Tre Việt Nam. Cả Chủ tịch Hội tre thế giới và các thành viên tham gia Hội tre tại Mexico và trong nước, nhiều cấp lãnh đạo quan trọng của Việt Nam và bạn bè đều ký tên ủng hộ.
Nâng tầm giá trị của tre
Tre được coi như biểu tượng của Việt Nam trong những năm tháng bảo vệ độc lập cũng như xây dựng phát triển đất nước trong thời bình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lấy cây tre làm biểu tượng ngoại giao của Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về hình tượng cây tre có ý nghĩa như thế nào với cá nhân bà?
Tre luôn tồn tại trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Đối với cá nhân tôi, cây tre chính là biểu tượng của người Việt Nam, cứng rắn nhưng mềm dẻo, chịu đựng nhiều áp lực nhưng không bao giờ gục ngã. Cây tre chính là hình tượng của sự phát triển bền vững, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia như ông bà chúng ta đã dạy: ‘tre già măng mọc’.
Bà có liên tưởng gì giữa hình ảnh cây tre và hình ảnh phụ nữ Việt Nam?
Đặc biệt hình ảnh cây tre và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam có điểm tương đồng như là một: dẻo dai, chiu đựng cho dù phong ba bão táp.
Trong văn thơ Việt Nam, tác phẩm nào viết về tre khiến bà ấn tượng nhất?
Tác phẩm Cây Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy đã nói được rất nhiều phẩm chất của cây tre và con người Việt Nam như:
‘Thân gầy guộc, lá mong manh,
Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi ?’
Rồi: ‘Rễ siêng không ngại đất nghèo,
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù’.
Hay ‘Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh,
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm’...
Quay trở lại với thực tế hiện nay, tre có giá trị kinh tế rất cao nhưng có vẻ chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng, đặc biệt trong thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Bà có lời khuyên gì cho các nhà hoạch định chính sách?
Tôi không dám có lời khuyên cho các nhà hoạch định chính sách vì những người đó rất giỏi, hiểu biết nhiều còn tôi chỉ là nhà giáo và người làm nghiên cứu khoa học. Dù vậy, tôi có thể đưa ra những nhận xét theo góc nhìn của tôi để các nhà hoạch định chính sách tham khảo và trong chừng mực nào đó có thể áp dụng.
Trước hết, trong thủ công mỹ nghệ, nhiều làng nghề của Việt Nam rất truyền thống và tinh xảo, cần có sự hỗ trợ hiệu quả để duy trì và phát triển thêm làng nghề tre và các cộng đồng sống về nghề này. Các làng nghề cần có thiết kế về mẫu mã, đơn giản nhưng đẹp, và độc đáo của Việt Nam, nhìn vô sản phẩm là biết ‘Made in Viet Nam’, để sản phẩm tre thủ công mỹ nghệ Việt Nam cạnh tranh được với các nước bạn trên thế giới. Chúng ta cần hoàn thiện sản phẩm 100%, không để ‘còn lỗi dù chút xíu’ trong sản phẩm.
Tiếp đó, trong chiến lược xây dựng thân thiện môi trường, tre là ứng viên thay thế một phần gỗ và các chất liệu khác. Thân tre, sợi tre, than tre đều có thể sử dụng trong xây dựng xanh, giảm thiểu phát thải.
Tre phục vụ các mục tiêu về môi trường và du lịch
Nhân bà nói về vấn đề môi trường liên quan đến cây tre. Tre là loài phát triển rất nhanh, nên là loại cây rất thích hợp trong việc lưu trữ carbon, phục vụ các mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên, có những lo ngại về sự phát triển của tre có thể đe dọa đến đa dạng sinh thái. Bà có thể chia sẻ thêm lời khuyên dành cho công tác trồng cây để đạt mục tiêu Phát thải ròng bằng 0?
Tre thật sự là một loài cây sinh trưởng rất nhanh so với một số loài cây khác và khả năng cố định carbon rất cao, trung bình 150 tấn/ha, đặc biệt loài tre gai hấp thụ đến 190 tấn/ha. Trên những vùng đất trống đồi trọc, trồng tre này phủ xanh rất nhanh, chống xói mòn.
Nhưng không nên trồng tre độc canh, mà phải trồng theo hệ sinh thái đa dạng và nhiều tầng tùy theo điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng: cây tầng cao, tre tầng giữa, phía dưới là các cây chịu bóng râm, có giá trị dược liệu, hương liệu hay khác, để vừa có tre, nhanh chóng hấp thụ CO2, vừa có cây tầng cao để phuc hồi rừng sau vài chục năm vì sinh trưởng chậm. Cây tre và cây tầng dưới đóng góp gia tăng lợi ích kinh tế cho hệ sinh thái cây trồng và tạo công ăn việc làm bền vững cho cộng đồng.
Từ thành công của Làng tre Phú An, bà có thể chia sẻ những suy nghĩ hay ý tưởng nào để giúp du lịch Việt Nam phát triển gắn liền với những bản sắc đặc trưng, chẳng hạn như cây tre?
Cây tre Việt Nam phân bố rất đa dạng trên các vùng sinh thái nước ta, nhiều cộng đồng dân tộc gắn bó với tre trong đời sống hằng ngày của họ từ nhà ở, thức ăn đến một số tập tục sử dụng cây tre. Do đó, chúng tôi rất mong muốn hợp tác với những người làm du lich, cùng với chúng tôi phát triển hướng du lịch ‘Con đường tre’. Nếu được thêm chương trình này vào du lịch, sẽ là cơ hội cho những cộng đồng sống với tre có thu nhập bền vững. Từ đó, cộng đồng bản địa sẽ bảo tồn văn hóa của họ và bảo tồn in-situ (bảo tồn tại chỗ) những loài tre trong bản làng của họ và chia sẻ kinh nghiệm với khách du lịch, tạo điểm độc đáo cho chương trình, đặc biệt thu hút những khách du lịch là sinh viên, muốn học hỏi chia sẻ hay nghiên cứu về sinh thái hay thực vật dân tộc học (ethonobotanique).
Dự án “Con đường tre Việt Nam” để nối dài “Bức tường xanh” trên những vùng đất khô cằn rất được nhiều người quan tâm ủng hộ. Bà có thể chia sẻ tiến trình và tầm nhìn của dự án?
Xây dựng được “Bức tường xanh”, mô hình trồng tre tiết kiệm nước cho vùng khô hạn, gia tăng nguồn hữu cơ cho đất, nhằm mục tiêu để giảm suy thoái đất, ngăn chận sự sa mạc hóa.
Trên “Con đường tre”, chúng tôi đã làm việc trên một vùng đất khô hạn nhất của nước ta là Phan Rang (Ninh Thuận), được xếp vào loại khí hậu bán sa mạc với lượng mưa rất thấp, khoảng 700-800mm/năm. Với tác động của sự phá rừng, biến đổi khí hậu, vùng này có nguy cơ bị sa mạc hoá rất mạnh. Từ điều kiện khó khăn đó, chúng tôi đã thử nghiệm trồng tre để làm bức tường xanh, chắn gió và làm giảm bớt sự xói mòn đất nhờ hệ thống rễ tre rất mạnh. Chúng tôi nghĩ đến cây tre vì chúng là loài mọc nhanh, khả năng tái tạo mạnh và thích ứng tốt với các điều kiện khắt nghiệt.
Việc kéo dài “Bức tường xanh” góp phần giải quyết phát triển bền vững cho cộng đồng, vì thoái hóa đất và hoang mạc hóa cũng là một trong những vấn đề môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà con người đang phải đối mặt và giải quyết để phát triển nền kinh tế nông nghiệp bền vững hiện nay. “Bức tường xanh” không chỉ ngừng lại tại Phan Rang, mà mong muốn được kéo dài cho các vùng khô hạn tương cận của Việt Nam và có thể ứng dụng ra thế giới để góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam hiện nay phát thải 600 triệu tấn CO2 mỗi năm. Mỗi hecta tre gai hấp thu được bình quân 190 tấn/ha. Trên “Con đường tre”, kết quả nghiên cứu cho thấy, các vùng đất trống, các đồi trọc từ Bắc chí Nam, dọc theo hệ thống kênh rạch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta có thể trồng thêm 80 triệu cây tre, quy ra tương ứng với 200.000 ha, sẽ hấp thu được 38 triệu tấn CO2. Cộng với sự chăm sóc và khai thác hợp lý 1,5 triệu ha hiện có, tre sẽ đóng góp tích cực vào việc giúp giảm phát thải tới 30% CO2 tính riêng nước Việt Nam.
Chúng ta không trồng độc canh tre, mà trồng thành một ecosystem, hệ sinh thái tre nhiều tầng và đa dạng tùy theo vùng khí hậu và thổ nhưỡng.
Với số lượng tre thu được từ việc cắt tỉa thưa hàng năm, chẳng những không làm giảm sinh khối, mà còn có thể chế biến các sản phẩm từ tre, thân thiện môi trường, gián tiếp cắt giảm việc sử dụng polymer từ nguyên liệu hóa thạch cũng như tạo công ăn việc làm phù hợp với việc phát triển bền vững.
Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/duong-ve-tre-a54373.html