Rằm tháng Giêng được xem là một trong những lễ Tết quan trọng nhất của người Việt. Người dân quan niệm, mọi việc ''đầu xuôi đuôi lọt'' và ''Giỗ Tết cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'' nên ngày Rằm này luôn được coi trọng. Vào ngày này, nhiều gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng tươm tất để cầu mong một năm đầy đủ và bình an.
Thời gian cúng Rằm tháng Giêng tốt nhất là vào sáng 5/2/2023 (tức ngày 15/1 âm lịch). Đối với các gia đình bận, có thể làm lễ cúng trước từ ngày 14 tháng Giêng (tức ngày 4/2/2023). Lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng cũng khá khác so với cúng rằm hàng tháng, vì nó là dịp khá quan trọng nên mâm cỗ cũng sẽ đủ đầy hơn khi có thêm xôi gấc, đĩa giò,...
Hương hoa vàng mã, cũng như văn khấn của cúng Rằm tháng Giêng cũng rất khác so với cúng hàng tháng.
Ngày 14 hoặc 15 của rằm, người dân thường sẽ lên chùa lễ phật để cầu mong bình an, gia tăng phúc thọ.
Ngoài ra, Rằm tháng Giêng còn là dịp để mọi người làm việc thiện, phóng sinh, thả đèn hoa đăng, dọn dẹp bàn thờ và làm lễ cúng gia tiên,...
Với người theo đạo Phật, ngày Rằm tháng Giêng còn được coi là ngày Vía Phật. Vào ngày này, Phật tử sẽ đến bái Phật, cầu xin mọi sự may mắn.
Trong ngày lễ này, tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của mỗi gia đình, vùng miền có thể khác nhau nhưng đều để thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, cầu mong một năm nhiều may mắn.
Vì sao phải chuẩn bị hai mâm cúng ngày Rằm tháng Giêng?
Theo tín ngưỡng Phật giáo, ngày 15 tháng Giêng còn được coi là ngày Đức Phật giáng lâm. Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, vào ngày này người dân thường chuẩn bị lễ cúng Phật song song với lễ cúng gia tiên.
Tùy theo điều kiện, tập tục của từng địa phương, hoàn cảnh của từng gia đình mà mâm cỗ cúng Phật, cúng gia tiên có sự bày trí, khác nhau.
Tuy vậy, những cúng phẩm bắt buộc phải có trên mâm cúng đều phải có mâm quả, hoa tươi, đèn, nến, hương.
Với mâm cúng Phật, gia chủ chỉ cần chuẩn bị hoa quả tươi, nước sạch. Nếu có điều kiện, có thể chuẩn bị một mâm cỗ chay đơn giản.
Với mâm cúng gia tiên, người dân có thể chuẩn bị các món mặn truyền thống như giò, chả, gà, thịt lợn, rau xào... hoặc có thể chuẩn bị các món chay.
Cần lưu ý, 2 mâm cúng không được để chung mà phải tách biệt. Mâm cúng Phật để trên, mâm cúng gia tiên để dưới.
Ngày nay, mâm cỗ cúng Phật còn có thể chè trôi nước với ước nguyện cả năm mọi việc đều trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy. Điều đặc biệt ở mâm cỗ cúng Phật là phải có đủ màu sắc tượng trưng cho ngũ hành.
Bài khấn Rằm tháng Giêng
Dưới đây là bài văn khấn Rằm tháng Giêng theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” - NXB Văn hoá Thông tin. Độc giả có thể tham khảo.
- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành Hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.
- Con kính lạy Cao Tằng Tổ Khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm…, gặp tiết Nguyên tiêu, tín chủ con lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Khấn xong, vái 3 vái.
(Thông tin mang tính tham khảo).
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/cung-ram-thang-gieng-ngay-nao-dep-a54205.html