Thương mại điện tử - một chặng đường nhìn lại

Thực tiễn phát triển

Thương mại điện tử (TMĐT) tồn tại trong mối tương tác giữa nền kinh tế tri thức và các thành phần kinh tế truyền thống, được xem là một sản phẩm của nền kinh tế tri thức. Dựa trên các nguồn kiến thức khác nhau về tiếp thị và quảng cáo, quản lý chuỗi cung ứng, dịch vụ hậu cần và chăm sóc khách hàng.

Các nền tảng TMĐT phụ thuộc rất nhiều vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và phát triển phần mềm, cho phép trao đổi thông tin hiệu quả giữa người mua và người bán, nghiên cứu sản phẩm, giao dịch an toàn và quản lý hậu cần, kết nối nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn cầu.

Thương mại điện tử mở ra cơ hội kinh doanh linh hoạt và đa dạng cho các doanh nghiệp với nhiều mô hình kinh doanh như:

- Mô hình thương mại điện tử B2C (Business-to-Consumer) là mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối, được sử dụng rộng rãi trên các trang web thương mại điện tử như Amazon, Lazada, Tiki, Shopee và nhiều nền tảng khác.

- Mô hình thương mại điện tử B2B (Business-to-Business) là mô hình kinh doanh TMĐT giữa các công ty, tổ chức, doanh nghiệp. Bao gồm bán sản phẩm hoặc dịch vụ cho các công ty đối tác, mua sắm các sản phẩm hoặc dịch vụ từ các nhà cung cấp khác để sử dụng trong hoạt động kinh doanh,… Mô hình B2B có thể áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp, từ sản xuất đến dịch vụ và có thể được triển khai trong cả các doanh nghiệp lớn và nhỏ.

- Mô hình thương mại điện tử C2C (Consumer-to-Consumer), là mô hình người mua và người bán đều là các cá nhân hoặc tổ chức nhỏ, có thể đăng tải sản phẩm hoặc dịch vụ của mình lên nền tảng trực tuyến. Người mua có thể tìm kiếm và đặt mua sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp từ người bán. Nền tảng thường cung cấp chức năng thanh toán trực tuyến và hỗ trợ quá trình giao hàng. Các trang web thương mại điện tử điển hình cho mô hình này là: eBay, Craigslist, Etsy.

Hoạt động livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT được xem là một trong những hoạt động nổi trội của TMĐT trong những năm vừa qua. Liên kết với các sàn thương mại điện tử, tìm hiểu các quy định cũng như thuật toán ở mỗi nền tảng, đầu tư xây dựng các kênh bán hàng, thiết bị công nghệ, hệ thống quản trị phần mềm, đội ngũ bán hàng và xây dựng hình ảnh, video… đã được các doanh nghiệp chú trọng.

Thống kê cho thấy, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam liên tục gia tăng. Nếu như năm 2018, doanh thu TMĐT B2C (Business to Customer - giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) Việt Nam mới đạt khoảng 8,1 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã đạt 10,8 tỷ USD (so với 2018, tăng 34%) và 11,8 tỷ USD vào năm 2020 (tăng 9,3%). Năm 2021 cán mốc 13,7 tỷ USD (so với 2020, tăng 16,1%).

Năm 2022, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dung (so với 2021, tăng 19,7%). Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.Khảo sát của Vecom cho thấy, có 23% doanh nghiệp bán sản phẩm trên các sàn TMĐT. Shopee và Lazada là hai sàn TMĐT lớn nhất, trong khi đó dù mới hoạt động từ giữa năm 2022 nhưng Tiktok Shop đã trở thành nền tảng TMĐT bán lẻ lớn thứ 3 tại Việt Nam.

Năm 2023 đã chứng kiến sự đột phá vượt bậc trong lĩnh vực TMĐT, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam ước đạt 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022,chiếm 8% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.Nhiều hình thức mua sắm mới được phát triển mạnh mẽ, điển hình là xu hướng livestream và bán hàng đa kênh đã đem lại doanh thu lớn cho các nhà bán hàng chuyên nghiệp.

Cũng theo theo Báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến năm 2023 của Metric (nền tảng số liệu E-commerce), có 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada,Tiki, Sendo, Tiktok Shop), tăng 52,3% so với năm 2022. Đây là mức tăng trưởng lớn nhất trong 3 năm trở lại đây. Ba ngành hàng đứng đầu về doanh thu và số lượng bán gồm: Làm đẹp, Nhà cửa - Đời sống và Thời trang nữ, là những ngành hàng có sản phẩm với vòng đời ngắn, tỉ lệ mua cao. Top 10 doanh nghiệp có doanh thu cao nhất hiện nay trên 5 sàn TMĐT đều là những Shop Mall, tập trung ở 2 ngành hàng chính là làm đẹp và điện thoại, máy tính bảng.

Theo báo cáo được TikTok thực hiện về hành vi mua sắm của người dùng tại Việt Nam trong mùa lễ hội 2023, có tới 69% người dùng ưu tiên xem video dạng ngắn để tìm hiểu về sản phẩm và dịch vụ; 84% người dùng bị thuyết phục để mua sản phẩm và dịch vụ có thương hiệu. Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua TMĐT, đưa giá trị mua sắm trung bình của mỗi người dân đạt 300 USD/người/năm.

Doanh thu thương mại điện tử B2C giai đoạn 2018 - 2023

Đơn vị : tỷ USD

Nguồn: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương - Báo cáo Thương mại điện tử 2023.

Doanh thu và sản lượng bán ratrên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm tới, có thể đạt650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024. Trong đó, 5 sàn TMĐT hàng đầu Việt Nam có thể đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, tăng 35% so với năm 2023. Hướng đến mục tiêu tổng giá trị hàng hóa đạt 24 tỷ USD trong năm 2025.

Bên cạnh các nền tảng TMĐT bán lẻ,đã xuất hiện những nền tảng công nghệ dữ liệu B2B kết nối các nhà bán lẻ truyền thống quy mô nhỏ với các nhà sản xuất hoặc bán buôn trên nền tảng tập trung, có thể cung cấp cho các nhà bán lẻ nhỏ nhiều lựa chọn hơn, giá tốt hơn và hậu cần hiệu quả hơn. Trong khi đó, tỷ lệ các doanh nghiệp có website và ứng dụng di động không thay đổi nhiều. Ngoài ra, số lượng lao động trong doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các công cụ như Zalo, WhatsApp, Viber hay Facebook Messenger cũng liên tục tăng qua từng năm.

Và những vấn đề đặt ra

Mức độ cạnh tranh trên các sàn TMĐT ngày càng gay gắt.Năm 2023 chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên các sàn trên giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 người bán rời cuộc chơi, bất chấp sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của những mô hình và nền tảng TMĐT mới.

Tốp các địa phương có doanh thu cao nhất tại 5 sàn Shopee, Lazada,Tiki, Sendo, Tiktok Shop là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng đã có những sự chênh lệch đáng kể. Với việc 54 tỉnh thành còn lại, chỉ chiếm thị phần 4% cho thấy “bức tranh TMĐT” đang có độ tương phản rất cao. Hiện có gần 400 sàn TMĐT đăng ký tại Việt Nam, thị phần doanh thu 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop, Sendo tăng từ 31,4% năm 2021 lên 46,5% ở năm 2023 so với tổng doanh thu toàn thị trường TMĐT B2C cho thấy sự cạnh tranh đang vào giai đoạn “tăng tốc”. Nhiều sàn TMĐT ứng dụng công nghệ bán hàng AI, VP360 nhưng nếu không có định hướng chiến lược đúng cũng khó lòng cạnh tranh nổi với Shopee, TikTok Shop, Lazada.

Nhiều doanh nghiệp địa phương chưa tiếp cận được nền tảng Ecommerce một cách bài bản. Livestream shopping, tích hợp AR/VR (ứng dụng thực tế tăng cường - AR và thực tế ảo -VR) đã trở thành một phần không thể thiếu với kinh doanh TMĐT hiện nay. Nhưng làm thế nào để đưa ra những chiến lược livestream, AR/VR phù hợp và hiệu quả luôn là thách thức lớn.

Đối với TMĐT, hiện rào cản lớn nhất là niềm tin của người dùng. Tình trạng hàng nhái,hàng giả, hàng lậu… được rao bán tràn lan trên các sàn, các trang mạng xã hội, xong các cơ quan chưa phương án quản lý hiệu quả đã có tác động không nhỏ. Danh mục sản phẩm hàng hóa đưa lên sàn bị co hẹp lại. Nhiều người tiêu dùng lên sàn TMĐT chỉ để mua những sản phẩm giá rẻ và không quá quan trọng.

Điểm yếucủa các sàn TMĐT Việt là thiếu các cơ sở phân tích thị trường đủ mạnh, có khả năng thu thập, xử lý và hành động dựa trên phản hồi của khách hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình ứng dụng TMĐT còn gặp nhiều trở ngại về nguồn lực, chi phí vận hành, thích ứng với các quy định...

Gần 90% doanh nghiệp được khảo sát nhận thức được tầm quan trọng của TMĐT đối với xuất khẩu, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu và làm sao để mở rộng quy mô. Nhiều doanh nghiệp trong số đó cũng thừa nhận họ thiếu thông tin về các quy định liên quan ở thị trường nước ngoài. Ngoài ra, còn có những thách thức khác khi vận hành xuất khẩu online như logistics, thanh toán, pháp lý, xây dựng thương hiệu.

Nếu như trong những năm2016 - 2018,các doanh nghiệp “lên sàn” dễ dàng có được lợi nhuận thì gần đây, khi các sàn mua sắm trực tuyến điều chỉnh luật chơi và người chơi cũng sành sỏi hơn. Nghiên cứu phân tích đối thủ và thị trường cần phải được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Một số dự báo

Thương mại điện tửViệt Nam dù phát triển với tốc độ cao (bình quân 23%/năm) nhưng mới chỉ ở giai đoạn đầu.Trong bối cảnh TMĐT ngày càng phát triển, việc nắm bắt những xu hướng mới sẽ là chìa khóa quan trọng để doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh và thu hút khách hàng mục tiêu...

Năm 2024 và 2025, xu hướng được dự báo là các nhà bán lẻ sẽ mở rộng kênh bán (29,4%) lên các kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo (27,1%); tiếp sau đó là các sàn thương mại điện tử (22,0%) và TikTok Shop (20,7%). Các nhà bán hàng có xu hướng mở rộng thêm kênh TikTok Shop (tỷ lệ người kinh doanh bán chủ yếu trên kênh TikTok chiếm 5,9% năm 2023). Combo sản phẩm là xu thế được người tiêu dùng ưa chuộng khi mua sắm vì giá cả hợp lý.

Nhìn chung, bán hàng đa kênh tiếp tục là giải pháp để nâng cao doanh thu và các trợ lý ảo AI sẽ được sử dụng thay thế một phần KOCs (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) và KOLs (Key Opinions Leaders - người nổi tiếng).

Nghiên cứu của công ty cổ phần công nghệ Sapo cho thấy việc mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến và Shoppertainment & Edutainment- mua sắm tích hợp với trải nghiệm giải trí, sáng tạo nội dung số mang tính chất giáo dục đi kèm với tiếp thị sản phẩm sẽ là những xu hướng dẫn dắt ngành bán lẻ.

Còn Công ty Cổ phần Khoa học dữ liệu Metric cho rằng Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á về mua sắm trực tuyến, xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới. AI, Machine learning hiện chủ yếu được ứng dụng bởi các sàn mua sắm trực tuyến hoặc các website TMĐT với nguồn lực đầu tư lớn, Big Data lại đang được nhanh chóng triển khai ở diện rộng hơn. Không chỉ các sàn TMĐT với nguồn dữ liệu nội bộ có sẵn, các doanh nghiệp bán hàng trên sàn cũng có thể ứng dụng công nghệ này qua các đơn vị cung cấp phần mềm thứ ba trung lập.

Đại diện Metric nhấn mạnh tới4 xu hướng tiếp tục phát triển trong năm nay gồm: i) DCT- Direct to Consumer (trực tiếp đến người tiêu dùng); ii) AI, Machine Learning và phân tích Big Data; iii) Tiêu dùng bền vững; iv) Sự gia tăng chi tiêu cho mua sắm online của thế hệ baby boomer. Khi xu hướng DCT trở nên phổ biến hơn, cuộc cạnh tranh về giá sẽ khắc nghiệt hơn. Nhà sản xuất giờ đây có thể giao tận tay sản phẩm với mức giá “hời” nhất cho người tiêu dùng mà không phải tốn chi phí trung gian cho đại lý.

Giám đốc kinh doanh Metric, cho rằng mặc dù có nhiều cơ hội để mở rộng tệp khách hàng song cũng là cái “bẫy” khi nhà sản xuất phải cân đối và phân định các chính sách bán hàng hợp lý để duy trì các kênh phân phối đại lý truyền thống, song hành với việc mở rộng kênh bán hàng trực tuyến - trực tiếp.

Các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội sẽ nhận được cảm tình từ người tiêu dùng cùng sự “bành trướng” của thế hệ Baby Boomer (1956- 1964) - thuộc nhóm có khả năng chi trả cao và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để sở hữu sản phẩm chất lượng tốt.

Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trườngZion Market Research,giai đoạn 2020 - 2027, tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm... Xuất khẩu trực tuyến đang là đích đến của nhiều doanh nghiệp, với nhiều loại hình và quy mô. Tại Việt Nam, xuất khẩu online còn mới mẻ vì TMĐT xuyên biên giới có những yêu cầu rất chặt chẽ. Hiện có nhiều sàn TMĐT quốc tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán hàng xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Etsy, Shopify…

Giải pháp cho các doanh nghiệp

Đổi mới và hoàn thiện chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp để thích ứng với môi trường mà thương mại đang bị phân mảnh thì việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực TMĐT là bước đi đầu tiên,mang tính “thời sự”,có ý nghĩa quyết định. Các doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể về đào tạo, tái đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về TMĐT.

Thuê các chuyên gia - những người có thể đưa ra các giải pháp khắc phục sự cố nhanh chóng làm tăng niềm tin của doanh nghiệp đối với các khách hàng tiềm năng cũng được xem là một giải pháp cần cân nhắc.

Bài toán tối ưu giao vận, quản lý chuỗi cung ứng… cần được chú trọng để giảm thiểu chi phí vận hành, tối đa lợi ích cho người tiêu dùng. Ứng dụng Big Data để phân tích, theo sát thị trường, và xây dựng kế hoạch kinh doanh hiệu quả là một trong những phương thức triển khai chủ động của các doanh nghiệp tăng trưởng cao trên eCommerce.

Hiện tại trang web vẫn là công cụ cần thiết cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã và Hộ sản xuất, kinh doanh. Do trên nền tảng online có rất nhiều lựa chọn, nên trang web phải đáp ứng vượt kỳ vọng, hấp dẫn khách hàng cả ở phương diện cung cấp thông tin đa dạng, tư vấn và giới thiệu thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp. Cần chú trọng hơn đến việc tạo dựng trang web thân thiện với thiết bị di động đi đôi với việc bảo mật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, đối tác; chú trọng chất lượng sản phẩm… đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đanglà xu thế, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp, TMĐT xuyên biên giới còn khá mới mẻ với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nước nhập khẩu và các nền tảng TMĐT quốc tế, cũng như những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản, khâu thông quan hàng hóa... Để nắm bắt cơ hội TMĐT xuyên biên giới, doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý 3 khía cạnh chủ yếu sau: đọc được thị hiếu khách hàng bằng các công cụ số hóa; đổi mới sản phẩm phù hợp nhu cầu và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị gia tang cho sản phẩm.

Với vai tròđồng hànhcùng các doanh nghiệp đưa hàng Việt vươn tầm quốc tế thông qua nền tảng TMĐT xuyên biên giới, Chính phủ đã ban hành chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng thị trường thông qua hình thức xuất khẩu trực tuyến được thể hiện tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 về việc hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia bán hàng trên các sàn TMĐT quốc tế. Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về việc Phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT Quốc gia giai đoạn 2021-2025, đề xuất các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng thông qua các sự kiện TMĐT thường niên nhằm kích cầu thị trường trong nước và mở rộng hoạt động TMĐT xuyên biên giới, tạo môi trường cho các tổ chức, doanh nghiệp trình diễn công nghệ mới giúp nhà bán hàng và người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm online, nâng cao kỹ năng và mở rộng quy mô thị trường TMĐT. Cùng với đó, Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 14/11/2022 về việc phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030” đặt mục tiêu hỗ trợ 5.000 lượt doanh nghiệp xây dựng năng lực tham gia TMĐT xuyên biên giới…

Để TMĐT phát triển bứt phá hơn nữa,các chuyên gia cho rằng, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy TMĐT phát triển hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương và vùng miền thông qua các nền tảng số.

Công nghệ số, internet phát triển nhanh chóng dẫn đến nhiều mô hình TMĐT mới, liên tục xuất hiện, không chỉ giới hạn ở 2 mô hình phổ biến là website thương mại điện tử, website cung cấp dịch vụ như trước đây. Các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà đã xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phong phú về cách thức hoạt động... nên cần nhanh chóng nghiên cứu sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Công Thương - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: Báo cáo Thương mại điện tử 2023.
  2. Báo cáo 2023 của Công ty cổ phần công nghệ Sapo.
  3. Báo cáo 2023 của Công ty Cổ phần Khoa học dữ liệu Metric.
  4. Báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 của Google, Công ty Temasek và Công ty Bain & Company.

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại - VIOIT

Ths.Trần Ngọc Tiến - Học viện Ngân hàng

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/tmdt-a49467.html