Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung

Ngày 19/5, tại thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (Hội đồng Vùng) tổ chức công bố Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tiến hành phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng Vùng.

Đồng chủ trì phiên họp, có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Vùng; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu.

Cùng tham dự có Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo Thành ủy, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung (từ Thanh Hóa vào Bình Thuận); các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng Vùng.

Đi đầu cả nước về kinh tế biển

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung gồm 3 tiểu vùng: Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); Trung Trung Bộ (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận); cùng 2 hành lang kinh tế Bắc-Nam và Đông-Tây.

Theo Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đến năm 2050 Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung là vùng phát triển nhanh, bền vững, đi đầu cả nước về kinh tế biển; hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, xanh, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, có kiến trúc tiêu biểu, giàu bản sắc, xanh, văn minh, hiện đại, thông minh, có khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2050, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung phát triển được ít nhất 2 đô thị và một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn, ngang tầm khu vực châu Á tại các khu kinh tế ven biển hiện đại; phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, xanh, giàu bản sắc văn hoá dân tộc.

Môi trường có chất lượng tốt, xã hội hài hòa; là nơi các giá trị văn hóa, lịch sử, hệ sinh thái biển, đảo, rừng được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 2

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Duy Đông trình bày một số nội dung chủ yếu của Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ưu tiên nhóm chính sách phát triển vùng

Phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 4 của Hội đồng Vùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, thành viên Hội đồng Vùng, đại diện các bộ, ngành cùng các đại biểu cho ý kiến góp ý vào báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ; lưu ý những nhóm giải pháp phát triển của quy hoạch; các vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu và kiến nghị phương hướng tháo gỡ, khắc phục…

“Chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ; triển khai bài bản, khoa học; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn, mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trong Vùng, để sự phát triển của Vùng tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ phát triển các vùng lân cận và cả nước”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 3

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các địa phương lựa chọn những dự án kết nối tiểu vùng, nội vùng, liên vùng cần ưu tiên đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng ngày càng được nâng cao.

Nhiều điểm nghẽn đối với phát triển dần được khơi thông; tiềm năng, lợi thế của vùng và từng địa phương trong vùng được phát huy. Tư duy về liên kết vùng dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng.

Về cơ bản, kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện...

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Các đề án, nhiệm vụ đã và đang triển khai hiệu quả, đóng góp chung vào sự phát triển của vùng như: Khởi công các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, có tính liên kết vùng; ban hành và triển khai nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá cần thiết cho vùng và một số địa phương trọng điểm; hoàn thành công tác quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Hội đồng Vùng đã hoàn thành được 12/23 nhiệm vụ được giao; các bộ, ngành, địa phương đang khẩn trương triển khai 11 nhiệm vụ còn lại.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về cơ bản, kinh tế-xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện. Việc hoàn thiện Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới…

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 4

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tư duy về liên kết vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung dần được đổi mới, đã hình thành cơ chế điều phối vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ một số khó khăn hiện nay trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: Giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.

Tăng trưởng kinh tế của vùng còn thấp so mục tiêu đặt ra. Kinh tế biển chưa có tính đột phá. Hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến, chưa phát huy được ở mức cao nhất lợi thế của các hạ tầng kinh tế khác như sân bay, cảng biển. Tăng trưởng du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sản phẩm du lịch đặc sắc.

Thể chế liên kết vùng chưa đủ tính pháp lý để bảo đảm hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp. Hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chưa được huy động và sử dụng hiệu quả, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Thu nhập của người dân trong vùng còn thấp, còn nhiều khó khăn.

Tăng cường các dự án kết nối vùng, tạo động lực phát triển

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 5

Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy nêu kiến nghị tại phiên họp.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cho rằng, Quy hoạch vùng đã được xây dựng hết sức khoa học, công phu, kỹ lưỡng, trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế của vùng; đồng thời, kiến nghị nhiều vấn đề.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị nghiên cứu, cho phép các địa phương trong vùng được phát hành "trái phiếu chính quyền địa phương" để đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương huy động vốn trái phiếu đầu tư các dự án trọng điểm của Vùng. Đồng thời, phân cấp cho các địa phương chủ động thực hiện các dự án liên vùng kết nối.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, về phương án phát triển kinh tế biển, cần bổ sung thêm các cơ chế, chính sách để phù hợp với tinh thần của quy hoạch quốc gia; tạo sự liên kết, phát huy tối đa cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng.

“Việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cần có sự tập trung cho từng tiểu vùng. Ngoài ra, khi bố trí nguồn lực cho các địa phương nên dựa trên lợi ích chung của vùng và chọn tiểu vùng ưu tiên đầu tư”, ông Trung nói.

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 6

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các cơ chế, chính sách liên kết với nước bạn Lào; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ như, lãi suất đầu tư kinh tế biển, liên kết phát triển du lịch, thành lập quỹ xúc tiến du lịch.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương trong vùng; đồng thời, cũng đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá hoạt động phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương trong vùng ngày càng nhuần nhuyễn, hiệu quả hơn và cho rằng, phiên họp của Hội đồng bước đầu đưa ra tiêu chí, cơ sở, lộ trình triển khai kế hoạch với những dự án có ý nghĩa, giá trị liên địa phương, kết nối, tạo ra động lực phát triển chung, nguồn nhân lực chung cho cả vùng.

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 7

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng kiến nghị rà soát, xem xét mở rộng phạm vi áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của một số địa phương trong vùng ra toàn vùng.

Theo Phó Thủ tướng, tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã được thúc đẩy, thu đủ chi, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh…

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đang dần trở thành một khu vực phát triển khá năng động, một đầu cầu quan trọng của cả nước trong hợp tác và hội nhập quốc tế; một số địa phương trong Vùng đã vươn lên mạnh mẽ, từng bước trở thành các cực tăng trưởng, hướng tới là trung tâm của vùng và các tiểu vùng.

“Đã thể hiện tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới trong quá trình triển khai Nghị quyết 26 và tổ chức hoạt động của Hội đồng Vùng. Đáng chú ý là đã thành lập và hoàn thiện quy chế, tổ chức làm việc của Hội đồng Vùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ còn lại của Hội đồng Vùng như: Đề xuất những công trình, dự án kết nối, lan tỏa ; cơ chế tổ chức, vận hành của các tiểu vùng; cơ sở dữ liệu thông tin của vùng.

Phát huy thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung ảnh 8

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận tại hội nghị.

Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề xuất lập Quỹ phát triển của vùng và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu, nhằm hoàn thiện báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng Vùng; đề xuất cấp thẩm quyền những giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện hiệu quả chủ trương về liên kết, kết nối, phát triển vùng.

Phó Thủ tướng còn gợi mở những vấn đề đặt ra đối với vị trí pháp lý, vai trò, trách nhiệm, mối quan hệ của Hội đồng Vùng với Chính phủ, các bộ, ngành trong đề xuất, quyết định đầu tư và bố trí nguồn lực cho các dự án có tính kết nối, lan toả nội vùng, liên vùng; mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của cơ quan tư vấn cho Hội đồng Vùng, tổ điều phối tiểu vùng;…

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/de-phat-huy-the-manh-cong-nghiep-cua-vung-bac-trung-bo-van-de-quan-trong-can-giai-quyet-la-a49005.html