Câu chuyện thi học sinh giỏi đã được dư luận bàn đến nhiều, đặc biệt là khi mục tiêu giáo dục của chương trình mới (Chương trình 2018) nhắm đến phát triển phẩm chất và năng lực cho người học.
Phần lớn ý kiến trên các diễn đàn giáo dục đều đề nghị bỏ thi học sinh giỏi, đặc biệt là bậc trung học cơ sở.
Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam viết “Nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở trong năm nay”; “Mặt trái của các kỳ thi học sinh giỏi”.
Hiện nay, ở bậc phổ thông đang tồn tại tình trạng đào tạo chạy theo thành tích các cuộc thi học sinh giỏi. Việc này dẫn tới nhiều học sinh có phẩm chất, năng lực tốt bị nhào nặn thành các máy giải đề, "gà chọi" để đi thi.
"Vì quá đề cao và duy trì các cuộc thi học sinh giỏi nên sinh ra mở lớp chọn, lớp chuyên. Sự tồn tại các lớp chuyên, chọn cũng nảy sinh việc giáo viên tìm cách chạy để được dạy các lớp học này. Mục đích của những giáo viên đó là đào tạo 1 hay 2 học sinh có giải từ đó khuếch trương bản thân, mở lò luyện thi, khiến cho tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Những giáo viên đó không thực sự trong sáng vì sự nghiệp giáo dục, vì nhà trường hoặc để đào tạo ra học sinh có công ăn việc làm, cống hiến cho đất nước về sau mà họ chỉ vì đồng tiền thu nhập của cá nhân.
Cách học này cũng không ổn với học sinh, bởi khi bản thân những học sinh đi thi học sinh giỏi thì được đặc cách học các môn học khác, được thầy cô nương nhẹ, nâng điểm ở những bộ môn còn lại. Mục đích để các em đạt thành tích giỏi toàn diện nhưng thực chất là "học lệch, học tủ". [1]
Các kỳ thi học sinh giỏi đang biến học sinh thành "gà chọi". (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh)
Đề thi, bài tập bồi dưỡng học sinh giỏi chỉ là … đang “lừa” học sinh.
Giáo viên bồi dưỡng học sinh chỉ đơn thuần làm sao học sinh giải được nhiều bài tập, dạng bài tập, càng nhiều bài càng tốt.
Thế những bài tập đó ở đâu ra, có phải từ thực tế cuộc sống, chúng ta cần nhân tài để giải quyết vấn đề? Không, tuyệt đối không.
Phần lớn các bài tập đều được lấy từ các sách tham khảo, bộ đề thi… mà nội dung của nó được tác giả căn cứ các bài toán có sẵn trong các loại sách, thêm bớt giả thiết, thay giả thiết, thay kết luận, “bịa” ra vô số các bài tập khác nhau, độ khó tăng dần để “bồi dưỡng”, để “lừa” học sinh của mình.
Học sinh làm những bài tập kiểu này trở thành “thợ giải bài tập”, kỹ năng quan trọng hơn, cần thiết cho học sinh khi ra khỏi lớp học, cho cuộc sống hoàn toàn là con số “không” tròn trĩnh. Kĩ năng học được của học sinh… vô nghĩa trong cuộc sống thực tế ngoài đời.
Nói cách khác, một học sinh giải được nhiều bài tập trong quá trình ôn thi và thi học sinh giỏi được cho là… học sinh giỏi, thật ra chúng ta đang “tự sướng”, “tự khen” lẫn nhau.
Cả thầy và trò đều là “nạn nhân” của cách học để thi, cách học để thành… thợ giải bài tập. Điều này được minh chứng, chúng ta có rất nhiều học sinh giỏi các cấp, số lượng tiến sĩ rất nhiều,… thế nhưng phát minh, sáng chế của chúng ta… ngược lại.
Thợ giải bài tập giỏi, nhưng không biết sử dụng kỹ năng đó để làm gì, ngoài việc duy nhất để… đi thi, trở thành tiến sĩ,…
Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2017 cả nước có 24.500 tiến sĩ, trong đó có hơn 16.500 tiến sĩ đang làm việc trong các trường đại học và cao đẳng.
Đồng thời năm học 2016 - 2017, hệ thống các trường đại học và học viện có quy mô đào tạo gần 13.590 nghiên cứu sinh, tăng 25% so với năm học trước; còn các viện nghiên cứu có số lượng nghiên cứu sinh (tính đến tháng 7-2017) khoảng hơn 1.600 người.
Đến nay, trong số tiến sĩ đang công tác tại các trường đại học và viện nghiên cứu thì số có chức danh khoa học Giáo sư và Phó giáo sư khoảng hơn 11.000 người.
Phải nói rằng, số lượng tiến sĩ của Việt Nam (kể cả các trường hợp giáo sư và phó giáo sư) so với các nước khu vực Đông Nam Á, ta không thua kém, thậm chí còn cao hơn cả Thái Lan, Philippines, nhưng số lượng công trình khoa học hàng năm được công bố trên các tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus của Việt Nam còn rất thấp.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn giảng dạy tại Đại học New South Wales (Australia) cũng như một số chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, Việt Nam tụt hậu nhiều mặt, trong đó việc công bố quốc tế chúng ta đi sau các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan hàng chục năm. [2]
Phải chăng, số lượng tiến sĩ của Việt Nam (kể cả các trường hợp giáo sư và phó giáo sư) vượt trội so với các nước khu vực Đông Nam Á nhưng phát minh, sáng chế phục vụ cuộc sống, phục vụ cộng đồng thấp, cũng từ căn nguyên thi, bồi dưỡng học sinh giỏi theo kiểu phi khoa học, chỉ tạo ra… bằng cấp?
Hi vọng chương trình mới sẽ có cách dạy học mới, cách bồi dưỡng học sinh giỏi mới, cách ra đề thi mới, tiệm cận với các nền giáo dục tiên tiến để tạo ra các nhà sáng chế phục vụ cộng đồng.
Lời Bác Hồ kính yêu vẫn còn đó “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại".
Vì vậy không thể dạy học sinh chỉ để thi, biến những học sinh có năng lực thành thợ giải bài tập, triệt tiêu mất năng lực sáng tạo, phản biện; không thể sáng chế, phát minh, phục vụ nhân loại.
Nhân tài thật, phải biết phát minh, sáng chế phục vụ cộng đồng. Học sinh giỏi phải biết áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, đó mới là thực tế, thực tiễn và thực chất.
Vì thế cần nghiêm túc tổng kết, rút kinh nghiệm việc tổ chức bồi dưỡng, ra đề thi học sinh giỏi như hiện nay. Nếu không, câu hỏi rất nhiều giáo sư tiến sĩ không có sáng chế, tại sao nông dân có, sẽ mãi mãi không có lời giải.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://congluan.vn/cac-ky-thi-hoc-sinh-gioi-dang-boc-lo-qua-nhieu-tieu-cuc-post108994.html
[2]http://cand.com.vn/giao-duc/Nghich-ly-giao-su-tien-sy-nhieu-nhung-it-cong-trinh-cong-bo-quoc-te-480433/
[3]https://plo.vn/thoi-su/chinh-tri/9000-giao-su-khong-co-sang-che-tai-sao-nong-dan-co-37528.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/meo-thi-hoc-sinh-gioi-a48946.html