Cổng thông tin Địa môi trường

Phương Chi

Địa chất (Geology) và Địa lý (Geography) cùng có tiếp đầu ngữ ‘geo‘ - ‘địa’, hai lĩnh vực này có những phần tương tác với nhau nên thường có sự nhầm lẫn cũng như phân vân khi đưa tiếp đầu ngữ (geo) vào các khái niệm mới. Bài viết này trình bày một số định nghĩa của các tác giả và tổ chức về Địa du lịch - Geotourism thay vì dùng Du lịch Địa chất - Geological Tourism và Du lịch Địa lý - Geographical Tourism.

1) Thomas Hose (1995): nhà địa chất đầu tiên định nghĩa về địa du lịch.

Địa du lịch là hình thức du lịch quan tâm vào các đặc điểm địa chất [2]. Định nghĩa này phát triển dựa trên quan điểm Du lịch Cảnh quan (Landscape Tourism) - du lịch dựa vào địa chất và môi trường vô sinh.

Hose

2) Jonathan Tourtellot và Sally Bensusen (1997) thuộc Hiệp hội địa lý quốc gia (Hoa Kỳ) đưa ra khái niệm Địa du lịch (National Geographic ‘s Geo-tourism) với một định nghĩa rộng và được Travel Industry Association of America công bố rộng rãi năm 2002.

Địa du lịch cung cấp một trải nghiệm đi du lịch đích thực giúp duy trì và tăng cường đặc điểm địa lý của điểm đến bao gồm: môi trường địa phương, văn hóa, thẩm mỹ, di sản và phúc lợi của cộng đồng dân cư ở đó” [4]. Trong đó môi trường bao gồm cả địa chất (nhưng không nêu rõ ràng).

Tourtellot

Song song quá trình đó, làn sóng Công viên địa chất (Geopark) xuất phát từ UNESCO đã xuất hiện nhiều ở Châu Âu và Trung Quốc từ những năm 2000 thông qua Mạng lưới các công viên địa chất châu Âu (EGN) và năm 2004 thông qua Mạng lưới các công viên địa chất toàn cầu (GGN), và Địa du lịch được đánh giá là một thị trường ngách (niche market) trong ngành công nghiệp du lịch.

3) Ross Dowling và Newsome (2006) nêu định nghĩa về Địa du lịch:

Địa du lịch là loại hình du lịch tập trung vào “địa chất” “địa mạo” bao gồm tài nguyên tự nhiên: cảnh quan, địa hình, hoá thạch, đá và khoáng vật, trong đó nhấn mạnh quá trình hình thành và phát triển [6].

4) Newsome và Dowling (2010) trình bày một định nghĩa hoàn chỉnh hơn về địa du lịch trên cơ sở kết hợp định nghĩa của Hose với việc làm rõ thêm các khía cạnh trong định nghĩa của Jonathan Tourtellot và Sally Bensusen.

Địa du lịch là một hình thức du lịch tự nhiên tập trung vào các cảnh quan địa chất. Nó thúc đẩy du lịch đến các di sản địa chất (Geosites) và bảo tồn đa dạng địa học (Geodiversity) cũng như sự hiểu biết về khoa học Trái đất thông qua bảo tồn và học tập. Điều này đạt được thông qua việc tham quan các đặc điểm địa chất theo các đường mòn địa chất (geotrails) các điểm ngắm (view points), hướng dẫn du lịch, các hoạt động địa chất và bảo trợ của trung tâm du khách tại các geosite” [5].

Ross K_Dowling

5) Tuyên bố Arouca (Hội nghị Địa du lịch Quốc tế tại Arouca do UNESCO tổ chức) đã đi đến thống nhất về định nghĩa địa du lịch.

Địa du lịch là loại hình du lịch giúp duy trì và tăng cường đặc điểm đặc sắc của một vùng lãnh thổ tập trung vào các đặc điểm địa chất, môi trường, văn hoá, thẩm mỹ, di sản và phúc lợi của cư dân địa phương. Du lịch Địa chất là một trong nhiều thành phần của Địa du lịch.”[1][3].

Với tuyên bố Arouca, Địa du lịch là một ngành du lịch phát triển toàn diện cả 3 khía cạnh Môi trường vô sinh (địa chất, khí hậu), Môi trường hữu sinh (động thực vật) và môi trường văn hoá. Các khía cạnh này sẽ được làm rõ trong bài tiếp theo về nghiên cứu Địa du lịch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Arouca declaration (2011). Geotourism - International Conference. UNESCO
  2. Hose Thomas A. (2011), Geotourism - a short introduction, Acta geographica Slovenica, 51-2
  3. Jonathan Tourtellot (2011), UNESCO’s Geoparks “Clarify” Geotourism. News Watch. National Geographic
  4. National Geographic and Travel Industry Association of America, 2003, Geotourism: The New Trend In travel.
  5. Newsome, D. and Dowling , R.K. (2010) Geotourism: The Tourism of Geology and Landscape, Oxford Goodfellow Publishers.
  6. Ross Dowling, David Newsome (2006). Geotourism. Elsevier.

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/dia-ly-du-lich-la-gi-a47192.html