Cây Mai trắng hay còn gọi là Cây nhất chi mai. Cây Mai trắng là loài mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông và giá lạnh. Mai trắng chậm lớn, gốc xù xì, thân đen óng, nụ màu đỏ, khi nở sẽ chuyển dần sang màu trắng với nhiều tầng cánh xếp vào nhau và cũng là lúc đẹp nhất, lúc hoa tàn lại chuyển dần về màu đỏ.
Đặc biệt, cây Mai trắng không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn. Nhưng nếu bén rễ đâm chồi được, thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường. Dường như, tiết trời càng lạnh, thì lại càng có sức sống hơn.
Chính vì có vẻ đẹp mong manh nhưng không kém rực rỡ và sức sống phi thường nên cây Mai trắng là một loại hoa chơi Tết lâu đời của người Hà Nội. Nhưng để tự tay trồng loài hoa này tương đối khó. Do đó để trồng được Mai trắng đẹp phải áp dụng và tuân thủ kỹ thuật trồng và chăm sóc khá đặc biệt.
Điều kiện thích hợp trồng cây Mai trắng
Mai trắng ưa nước nhưng không chịu được úng. Không để bầu đất sũng nước thường xuyên, cũng không được để đất khô cây sẽ bỏ cành. Tốt nhất là trồng ra vườn thì lâu lâu bón phân là được, còn trồng trong chậu thì phải thăm nom ngày 2 lần sáng tối xem độ ẩm của đất thế nào. Nên đặt cây mai nơi nhiều nắng và gió, cây cằn hoa sẽ to và dầy. Nếu cây quá xanh tốt hoa sẽ nhỏ và thưa.
Mỗi giống cây đều có một cách trồng riêng. Có giống đòi hỏi phải trồng giản dị nhưng cũng có những cây đòi hỏi kỹ thuật trồng tương đối cao mới cho năng suất. Cây Mai trắng là một loại cây như vậy. Do đó để cây Mai trắng sống và ra hoa nhất là trồng theo cách ghép cành, uốn thế để có cây mai kiểng cổ, cây mai ghép nhiều màu, hoặc cây mai bonsai tuyệt đẹp thì đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật, hiểu biết về loài cây này.
Cây mai không hợp với những vùng đất thấp, đất có mạch nước ngầm dâng quá cao, đất thường xuyên bị ngập úng vào mùa mưa. Nếu trồng mai ở thế đất như trên, cần lên luống. Thông thường, bề ngang luống rộng từ 1-1,2m. Luống này sẽ dùng để ương mai con, khi lướn bứng trồng vào chậu. Giữa hai luống mai sát nhau nên có mương, rãnh thoát nước, tránh ngập úng cho vườn mai. Ngoài ra do rễ mai nhỏ, yếu nên đất trồng phải có độ thoáng cao kẻo rễ bị nghẹt sẽ không phát được. Do đó đất phải có độ rời, chui qua kẽ tay được chứ không cục cục to tướng, cũng không quá mịn như bột.
Chăm sóc cây mai trắng khó hơn đào, quất cảnh nhiều, nếu chúng ta không kiểm soát được sâu bệnh (đặc biệt là sâu đục thân) hoặc làm cây mất dáng do chết cành. Ngoài ra, cây mai nở hoa chuẩn tết hay không còn ở mấu chốt của thời tiết. Nếu chúng ta không để ý đến thời tiết, tuốt lá cây sớm sẽ dẫn đến hoa bung nở trước Tết. Như vậy là một năm người trồng Mai trắng sẽ thua thiệt… Loại chất dinh dưỡng phù hợp với cây mai nhất là nước giải vì thế bạn cần có một cái chum để chứa thứ đó, pha thật loãng khoảng 1 nước giải/20 nước tưới cho cây tuần 1 lần.
Ngoài ra, có thể dùng luân phiên xen kẽ nhiều loại nước khác như nước vo gạo hoặc nước ốc ngâm trong để cây đủ chất. Tránh tưới nước vào giữa trưa nắng. Không nên bón phân hóa học, kể cả NPK vì dễ khiến cây chảy nhựa vào mùa hè. Nếu ngại pha phân vào nước, bạn có thể bón phân 1 lần bằng cách mua hạt đậu tương về, giã nhuyễn và chôn xung quanh gốc cách 10cm từng viên cỡ củ lạc. Khi tưới phân sẽ tan dần vào đất.
Đến cuối tháng 10 âm lịch (trước tết khoảng 50 đến 60 ngày, tùy vào thời tiết năm đó rét hay ấm) là thời điểm lặt lá và đưa lên chậu nhỏ để chơi Tết. Thời tiết cũng rất quan trọng, nếu gió nồm thổi sớm thì vô phương cứu chữa. Chỉ cần gió nồm thổi 5 hôm là cây đang đen xì bỗng bật chồi xanh cả loạt. Nếu hoa nở muộn thì dễ chữa hơn. Trước Tết 20 ngày, nếu dự báo thời tiết vẫn rét đậm thì chỉ cần thắp điện, trùm nilong cho nhiệt độ khoảng 20oC, pha loãng lân với nước ấm để phun thì cây sẽ bật nụ.
Nhân giống cây Mai trắng
Mai trắng không nhân giống được bằng phương pháp chiết cành, khi chiết nó cứ sùi cục lên rất to nhưng không ra rễ. Mà bạn nên đợi khi cành cây mai ở trạng thái bánh tẻ đem giâm thì lại rất dễ dàng. Nếu áp dụng một cách chính xác các bước ở trên thì chắc chắn bạn sẽ có những cây mai đẹp và dần dần là cả một vườn mai đấy ạ.
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/cay-nhat-chi-mai-dep-a47097.html