Khuê Văn các: Biểu tượng và nguồn gốc

Từ năm 1997 đến nay, Khuê Văn các đã được UBND thành phố Hà Nội chọn làm biểu tượng chính thức của Thủ đô. Bài viết này sẽ góp phần tìm hiểu ý nghĩa biểu tượng của gác Khuê Văn từ góc độ biểu tượng tôn giáo, đồng thời cũng sẽ giới thiệu về nguồn gốc của kiến trúc này trong so sánh với văn hóa Đông Á.

Ý nghĩa biểu tượng trong văn hóa Việt Nam thế kỷ XIII- XIX

Khuê Văn các trước nay được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Đại ý rằng: "Khuê" tức là ngôi sao sáng, Khuê Văn các là biểu hiện đỉnh cao của trí tuệ, là sự nhắc lại chân lý "Hiền tài là nguyên khí quốc gia" trên văn bia Văn Miếu.

Khuê Văn các có 8 mái, 2 tầng, nóc ở trên là 9. Theo Kinh Dịch, các số lẻ là dương, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở. Gần Khuê Văn các là Thiên Quang tỉnh hình vuông, tượng cho mặt đất, các cửa sổ tròn của gác Khuê Văn tượng cho bầu trời, là nơi tập trung mọi tinh hoa của đất trời... Bởi thế, Khuê Văn các là biểu tượng cho mong ước phát sinh, phát triển của con người, vừa phù hợp với tư duy, ước vọng của người xưa, vừa đáp ứng được mong muốn phát triển của thời nay. (Chuyển dẫn theo Đức Huy, “Vằng vặc sao Khuê”...).

Đoạn trên cho thấy, tác giả đã giải thích Khuê Văn các - một biểu tượng của Nho giáo, qua lăng kính lý thuyết của âm - dương gia (Trung Quốc) và tín ngưỡng phồn thực (Việt Nam). Những mô tả di tích mang tính trực quan “hình tròn của gác Khuê Văn”, “hình vuông của giếng Thiên Quang”, lần lượt tương ứng với “âm” và “dương”. Hệ quả của “âm - dương”, đó là sự “sinh sôi nảy nở”.

“Âm” và “dương” là hai khái niệm của Nho gia đã được tiếp thu từ âm - dương gia. Tuy nhiên, tác giả lại không cho biết sử liệu nào đã thuyết minh về ý nghĩa biểu tượng của công trình kiến trúc này. Cách làm việc ấy khiến chúng tôi có cảm tưởng rằng gác Khuê Văn đang được người đời sau sáng tác thêm những ý nghĩa mới.

Chúng tôi quan niệm, muốn hiểu được ý nghĩa của một biểu tượng bất kỳ nào đó, chúng ta đều phải dựa vào các sử liệu thành văn cũng như hiện vật vật chất của chính chủ thể sáng tạo ra nó. Ở đây, muốn hiểu được ý nghĩa biểu tượng của Khuê Văn các, trước tiên chúng ta phải đi tìm những phát ngôn của các nhà Nho xưa có liên quan đến biểu tượng này. Đó là các câu đối cũng như văn bia tại Văn Miếu như trình bày dưới đây.

Câu 1: Sao Khuê sáng giữa trời, nhân văn mở rộng/ Nước Bích sâu vào mùa xuân, mạch đạo dài.

Câu 2: Các sao Đẩu, Khuê, Lâu, Bích soi sáng văn chương/ Các sông Hoài, Hán, Giang, Hà nối dài mạch đạo.

Như vậy, trong Văn Miếu còn có một số câu đối khác có nhắc đến hình tượng sao Khuê, trong đó sao Khuê thường đi cùng các khái niệm “văn chương” và “đạo mạch”.

Khảo trong các văn bia đề danh tiến sĩ tại Văn Miếu, chúng tôi thấy có đến cả chục lần hình ảnh sao Khuê xuất hiện. Vị trí trang trọng nhất thường là đứng mở đầu cho bài văn bia đó. Ví dụ một số đoạn như sau, văn bia khắc năm 1653 do Trịnh Cao Đệ soạn bắt đầu bằng hình ảnh: “Trời mở thái bình, sao Khuê rạng soi văn trị, ý là có bậc vua sáng mở mang giáo hóa cho đời chăng?”; văn bia khắc năm 1717 do Bùi Sĩ Tiêm soạn: “Bấy giờ, sao Khuê, sao Bích sáng hừng, nhân tài đều xuất hiện”; văn bia khắc năm 1721 do Nguyễn Kiều soạn: “Kính nghĩ: quốc triều khai mở vận hội, thánh đế thánh vương nối truyền, sắp đặt quy củ, sùng chuộng Nho học, chấn hưng nhân văn. Phàm những người đăng khoa đều cho dựng bia lớn để truyền bá vẻ sáng sao Khuê, sao Tảo, nêu rõ họ tên để rạng rỡ đến đời sau”.

Đến đây, có thể đi đến nhận định rằng, trong quan niệm của các nhà Nho đời xưa ở nước ta, có một số sao chủ về văn học, trong đó sao Khuê là ngôi sao quan trọng nhất. Sao Khuê là biểu tượng của khoa bảng, của thái bình, của văn trị, của văn chương, của giáo hóa.

Hình tượng sao Khuê cũng đã xuất hiện vào thế kỷ XV qua câu thơ của hoàng đế Lê Thánh Tông, khi ông ca ngợi Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê - Tảo” trước nay vẫn được “dịch thô” là “Ức Trai lòng sáng như sao Khuê”, thực chất nên hiểu hàm ý ca ngợi tài năng văn chương của nhà Nho này. Đúng như đích thân lời chú thích của Vua Lê Thánh Tông như sau: “Thừa chỉ Quan phục hầu Nguyễn Trãi, hiệu Ức Trai, đậu đại khoa từ triều Hồ. Khi Thánh tổ ta mở cơ nghiệp, quy phục ở Lỗi Giang, trong thì trù mưu nơi màn trướng, ngoài thì thảo văn thư chiêu dụ các thành, văn chương làm vẻ vang cho nước”.

Hay như trong lời ca ngợi của tiến sĩ Ngô Thế Vinh, đó là “đỉnh cao của thứ văn chương đủ sức sửa sang việc đời”. Hay trong bài viếng Hưng Đạo đại vương (1232-1300) của Phạm Ngũ Lão cũng có câu: “Ngưỡng quan khuê tảo từ phi dật, ngư thủy tình thâm kiến vịnh thi” được giáo sư Đỗ Văn Hỷ dịch chính xác rằng: “Ngước xem văn chương lời cô đúc, tình sâu cá nước rõ ở thơ vịnh”.

Như vậy, từ cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, sao Khuê đã đi vào văn học cũng như tâm thức văn nhân Đại Việt như là một biểu tượng của văn chương hành đạo - văn chương của những nhà Nho “nhập thế”.

Sao Khuê - Khuê Văn các: hay sự nhượng bộ của Nho giáo trước Đạo giáo

Theo như nhiều thông tin phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, Khuê Văn các được quan Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành (1758-1817) xây dựng vào mùa thu năm 1805 dưới thời kì trị vì của Vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh nhà Nguyễn. Nếu như thông tin trên là đúng thì niên đại sớm nhất để xác định sự xuất hiện của Khuê Văn các tại Văn Miếu Hà Nội là vào đầu đời Nguyễn.

Mặt khác, có thể nói rằng, Khuê Văn các là công trình độc đáo duy nhất tại Việt Nam trong suốt ngàn năm lịch sử, bởi lẽ trong số hơn 20 Văn Miếu ở khắp nơi trên đất nước thì chỉ có Văn Miếu tại Hà Nội mới có đơn nguyên kiến trúc này. Một số bài báo đã ca ngợi đây là một biểu tượng đầy bản sắc của dân tộc, chỉ riêng có ở Việt Nam. Thực tế, không hẳn là như vậy.

Đến đây chúng tôi muốn giới thiệu thêm về sao Khuê trong văn hóa phương Đông. Sao Khuê là ngôi sao đứng đầu trong 7 vì sao thuộc chòm Bạch Hổ, trấn ở phương Tây và thuộc về nhị thập bát tú. Hình tượng này vốn bắt nguồn từ văn hóa sùng bái tinh tú vào thời cổ đại. Trong quá trình phát triển và du nhập từ dân gian vào Đạo giáo, sao Khuê đã được hình tượng hóa và trở thành một vị thần nắm giữ mệnh vận của văn nhân.

Quá trình thần thánh hóa khiến cho vị thần sao Khuê có dáng dấp là một hình thần quỷ tóc đỏ, mặt xanh, nanh vượn, một tay cầm đấu, một tay cầm bút. Bút ấy điểm trúng ai thì người đó sẽ trúng đại khoa. Từ đó, thần được coi như là người cai quản quan lộc (tư lộc). Sao Khuê về sau còn hòa nhập với sao Khôi (Văn Xương tinh, Văn Khúc tinh). Chức năng chính của nó vẫn là “thần chủ quản công danh phúc lộc của sĩ nhân”.

Khuê Văn các không chỉ có ở Việt Nam mà còn xuất hiện trong rất nhiều địa điểm ở những nơi chịu ảnh hưởng của Nho giáo như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Khuê Văn các có niên đại sớm nhất được biết, đến nay, là di tích trong Khổng Miếu tại Khúc Phụ (Trung Quốc). Gác này được đặt tên như vậy vào năm 1191 đời Kim Chương Tông nhà Bắc Tống. Đến đời Tống, Đạo giáo phát triển rất mạnh. Hàng loạt vị thần Đạo giáo đã có những “lấn lướt” trên đời sống tâm linh của xã hội. Đặc biệt là thần sao Khuê. Chính vì thế, các nhà Nho và thế lực chính trị đã phải đưa “Khuê tinh” vào hệ thống thờ tự của mình bằng cách “Nho giáo hóa” vị thần này. Khổng Tử có thụy hiệu là “Văn Tuyên Vương”, đồng thời huyền thoại “Khổng Tử nắm Khuê tinh” (chủ về văn chương) cũng đã được xây dựng nên.

Nhà Tống đã biến Tàng Thư các trong Khổng Miếu thành Khuê Văn các. Và đây cũng chính là lý do khiến nhiều kiến trúc này ở Trung Quốc còn được gọi là “Văn Xương cung”, hay “Khôi tinh các”, “Văn Xương các”, “Khuê Quang các”...

Như vậy, ngay ở trong thời điểm hình thành của nó, Khuê Văn các đã bao hàm trong đó nhiều ý nghĩa và chức năng. Trước tiên về mặt công dụng thì Khuê Văn các là một gác để chứa sách vở, tức là một thư viện để tàng trữ kinh điển. Về mặt biểu tượng thì nó đồng thời là sự cài ghép giữa thụy hiệu (Văn) và sao mệnh (Khuê) của Khổng Tử. Nói cách khác, Khuê Văn các là một công trình tưởng niệm công lao san định sách vở của Khổng Tử bằng cách cất giữ các kinh điển của Nho giáo.

Đời Tống - Nguyên là thời kỳ cực thịnh của Đạo giáo và cũng là thời mà nhiều yếu tố Đạo giáo hòa nhập sâu nhất vào văn hóa Nho giáo tại Đông Á. Việc thờ cúng sao Khuê của nhà Nho đã có sự phát triển lớn dưới sự ảnh hưởng sâu rộng của tín ngưỡng thờ Văn Xương đế quân trong dân gian. Tín ngưỡng này được đưa lên đỉnh cao bởi một nguyên nhân tối quan trọng: đó là sự tuyệt đối hóa khoa cử vào đời Tống - Nguyên trở về sau.

Trọng khoa cử sẽ dẫn đến trọng đỗ đạt, danh vọng, phẩm trật, tước lộc. Hàng ngàn thế hệ Nho sĩ đã lấy nghiệp cử tử trở thành mục tiêu tối thượng. Và ở Việt Nam, tư duy này đã trở thành một căn tính ăn sâu vào tiềm thức dân tộc cho đến ngày nay. Như Trần Chiêu Anh đã nhận xét khi nghiên cứu về Nho học tại Đài Loan đã viết: “Hiện tượng giai tầng Nho sinh coi tín ngưỡng thờ Văn Xương là công cụ để có được khoa danh đã thành hiện tượng rất phổ biến, nó tiêu biểu cho trào lưu “Nho học dung tục hóa” (vulgar Confucianism)”.

Riêng ở Việt Nam, tín ngưỡng thờ Văn Xương đế quân hiện vẫn còn được biết đến qua 3 di tích cổ là đền Ngọc Sơn, đền Thượng, đền Hoàng Xá và có thể còn được thờ ở nhiều thiện đàn trong phong trào chấn hưng dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Có thể nói, Khuê Văn các là một công trình kiến trúc của Nho giáo. Về mặt biểu tượng, đó là một sự tiếp thu của thần “tư lộc” (Khuê tinh, Văn Xương đế quân) của Đạo giáo. Khuê Văn các tại Văn Miếu (Hà Nội) gần như không có chức năng chứa sách như ở Trung Quốc mà chỉ mang tính chất tưởng niệm Khổng Tử và văn hóa Nho giáo. Nếu như Khuê Văn các ở Trung Quốc hoành tráng về quy mô thì ở Việt Nam, dạng kiến trúc nhỏ nhắn, đơn giản nhưng đầy tính mỹ học của nó lại đem nhiều cảm hứng nhân văn cho người Việt.

Cái giá trị về kiến trúc đã đồng dạng, nhất thể hóa với giá trị biểu tượng của nó. Qua những ngữ liệu tại chính Văn Miếu mà chúng tôi đã phân tích ở trên, Khuê Văn các còn hàm chứa trong đó những giá trị riêng có của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/bieu-tuong-khue-van-cac-a45970.html