Cùng Phượt - Hòa Bình là một tỉnh nằm ở phía Tây Bắc Việt Nam cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km, giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Ninh Bình, Sơn La và Thanh Hóa. Đây là vùng đất được coi là cái nôi của nền văn hóa Mường với vô vàn điều kỳ lạ chưa được khám phá. Với lợi thế gần Hà Nội cùng nhiều địa điểm hấp dẫn, Hoà Bình là một trong những vùng đất các bạn có thể dễ dàng khám phá vào mỗi dịp cuối tuần. Cùng Phượt xin giới thiệu với các bạn một số địa điểm du lịch phượt ở Hòa Bình, lần lượt các huyện theo hướng từ Hà Nội lên tới Mai Châu để các bạn có thể sắp xếp và kết hợp trong chuyến đi của mình nhé.
Động Đá Bạc thuộc xóm Đá Bạc xã Liên Sơn, Lương Sơn. Cách thị trấn Lương Sơn 10km và cách Hòa Bình gần 50km. Từ Hà Nội đi theo hướng lên Hòa Bình, đến bưu điện Lương Sơn thì rẽ trái theo đường liên xã qua cầu Treo -> xóm Cời -> xóm Nàng Hang xã Cư Yên -> xóm nước lạnh -> xóm Gò Mè (xã Liên Sơn) là tới được động.
Động Đá Bạc còn có tên gọi khác là động Tiên, nằm trong lòng núi Pai Dáy (hay còn gọi là núi Hang Beo). Đầu năm 1990, một số ngời dân địa phương xóm Đá Bạc đi lấy củi tình cờ đã phát hiện ra di tích động. Cửa động hướng Đông Nam, rộng chừng 1m, cao 2m. Động có chiều dài 65m, chiều rộng từ 4 đến 22m, vòm cao từ 1,5 đến 15m.
Suối Ngọc - Vua Bà khu du lịch thuộc xã Lâm Sơn, Lương Sơn (hiện thuộc Hà Nội). Đây là một quần thể du lịch sinh thái với diện tích 300ha. Rừng cây ở đây bao gồm mỡ, keo, thông và nhiều cây ăn quả phủ kín những quả đồi. Đến đây du khách có thể thả hồn mình vào thiên nhiên, mắc võng nằm dưới tán cây, bơi lội trong những hồ nước tự nhiên rộng vài trăm héc ta.
Đến suối Ngọc - Vua Bà, các bạn có thể đi bộ, leo núi, cưỡi ngựa và chiêm ngưỡng những ghềnh, thác nối tiếp nhau, đặc biệt có thác 9 tầng cao 100 m nước đổ trắng xoá. Những vũng tắm dưới chân thác với làn nước trong xanh, tinh khiết của ba con suối đầu nguồn là sự ban tặng của thiên nhiên cho con người. Bên những dòng suối là 2 khu vui chơi nước, có 18 làn trượt luôn phục vụ những các bạn thích cảm giác mạnh.
Nếu là người thích mạo hiểm, muốn khám phá thì các bạn có thể leo lên đến đỉnh núi Vua Bà với độ cao hơn 1.000m, tận hưởng cảm giác mênh mông bất tận của non ngàn. Đứng trên đỉnh, bạn phóng tầm mắt ra thật xa, sẽ thấy mình và thiên nhiên như hòa quyện vào nhau để tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp.
Nằm trên dãy núi Viên Nam, cách Hà Nội hơn 50km về hướng Tây , khu du lịch Thác Thăng Thiên (Kỳ Sơn) được bao phủ bởi một cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn màu xanh với rất nhiều loài động thực vật phong phú.
Chảy len lỏi giữa rừng núi là dòng suối Anh với làn nước xanh trong mát rượi. Dọc theo suối có 4 thác nước đẹp, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều khám phá thú vị. Bầu không khí trong lành của thiên nhiên hoang sơ sẽ khiến những mệt mỏi của bạn dường như tan biến.
Sau những giờ phút khám phá, hòa mình cùng thiên nhiên, các bạn có thể thư giãn, nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn dân dã mang đậm nét dân tộc trong khu du lịch. Không chỉ có thế, khu du lịch còn có một bể bơi rộng nằm ngay giữa rừng núi xanh bạt ngàn. Các bạn thoả sức bơi lội, tham gia một số trò chơi dưới nước…
Nhà máy Thủy điện Hoà Bình được xây dựng tại hồ Hòa Bình, trên dòng sông Đà thuộc miền bắc Việt Nam. Trước khi nhà máy thủy điện Sơn La khánh thành đây là nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Nhà máy do Liên Xô giúp đỡ xây dựng và vận hành. Công trình khởi công xây dựng ngày 6 tháng 11 năm 1979, khánh thành ngày 20 tháng 12 năm 1994. Công suất sản sinh điện năng theo thiết kế là 1.920 megawatt, gồm 8 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240.000 kilowatt. Sản lượng điện hàng năm là 8,16 tỷ kilowatt giờ (KWh).
Tại sân Nhà truyền thống Thủy điện Hòa Bình có một khối bê tông hình thang, trên đó có tấm biển thép khắc chìm dòng chữ: “Nơi lưu giữ bức thư của những người xây dựng Thủy điện Hòa Bình gửi thế hệ mai sau. Thư sẽ được mở vào ngày 1-1-2100”.
Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á. Hồ có chiều dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố. Trong khu vực lòng hồ có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất diện tích gần 160 ha.
Cảnh quan môi trường trên lòng hồ và chung quanh hồ với những cảnh đẹp, mặt nước mênh mang, núi non và những hang động, đền thờ là những điều khiến du lịch lòng hồ thu hút được rất nhiều khách du lịch đến với Hòa Bình.
Bản Bích Trụ được coi là cửa ngõ du lịch hồ Hòa Bình. Bản nằm sát nhà máy thủy điện Hòa Bình, cách trung tâm xã khoảng 3,5 km đường bộ và nếu đi đường thủy từ cảng Bích Hạ chỉ khoảng mười mấy phút. Bản có mấy chục hộ dân tộc Mường sinh sống, không gian văn hóa, cảnh quan còn gần như nguyên bản, hầu hết là nhà sàn truyền thống. Bản nằm ở địa hình thoai thoải, sát mép hồ nước trong xanh. Trên khu vực bản có núi non hùng vĩ, còn đây đó rừng già nguyên sinh, nhiều khu đồi gianh, cây me rừng, đồi sim tím ngắt đầy mê hoặc. Ngồi ở bất cứ ngôi nhà nào cũng có thể phóng tầm mắt thấy cả lòng hồ mênh mang, trời xanh ngắt như chạm vào vòng tay với.
Bản Bích Trụ từ lâu nay trở thành điểm khám phá, thưởng ngoạn cho những ai yêu thiên nhiên, tìm cảm giác thư thái trên lòng hồ mênh mang. Bản là địa điểm cho không ít du khách muốn đến thưởng thức các món ăn, sản phẩm của đồng bào dân tộc như cá nướng sông Đà, thịt khô hun khói, gà bản địa chấm ớt lá chanh, mật ong rừng…Vị trí của bản Bích Trụ vừa gần với thành phố lại có thể kết nối đến xóm Rãnh, đi ra động Thăng, xã Hòa Bình, là những khu vực có tiềm năng du lịch văn hóa, tâm linh…
Bắt nguồn từ niềm cảm hứng sâu sắc của một Hoạ sĩ trẻ với khát vọng tái hiện lại toàn bộ không gian sống của người Mường. Sau 10 năm sưu tầm và gần 1 năm xây dựng. Đến ngày 16-12-2007 Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Bảo tàng nằm trên vạt đồi trong một thung lũng đá vôi nhỏ, hẹp có diện tích 5ha cách trung tâm thành phố Hoà Bình 7km hướng đi Sơn La (nằm trên con đường mới mang tên Đường Tây Tiến). Đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ. Bảo tàng “ Không gian văn hoá Mường” là Bảo tàng tư nhân đầu tiên về văn hóa của dân tộc Mường, một dân tộc có bề dày truyền thống văn hoá trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Công trình được chính chủ nhân của nó bỏ vốn, thiết kế và xây dựng. Bảo tàng được chia làm 2 khu vực chung là:
Khu tái hiện : Gồm 4 khu nhà sàn (nhà Lang, nhà Ậu, nhà Nóc, nhà Nóc trọi) đại diện cho 4 tầng lớp trong xã hội Mường
Các ngôi nhà này được sưu tầm và xây dựng từ chính các ngôi nhà cổ thuộc các tầng lớp trong xã hội Mường. Nguyên liệu dùng để làm được lấy từ các loại thảo mộc như: gỗ, tre, nứa, lá…là những loại cây rất gần gũi với người Mường.
Khu trưng bày : Gồm các nhà trưng bày theo chủ đề, trưng bày cố định Trong đó có rất nhiều hiện vật có giá trị như: Cồng, Chiêng, Lư , Ninh bằng đồng…) và nhiều các hiện vật về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hoá….của người mường như: công cụ đánh bắt cá, công cụ nghề dệt, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma, đồ dùng sinh hoạt gia đình, xe nước… Bảo tàng có một thư viện với hơn năm nghìn đầu sách, với nhiều thể loại khác nhau như Văn học, Lịch sử, Khoa học kỹ thuật…Đặc biệt là sách về Văn hóa dân tộc và Văn hóa Mường. Đáp ứng nhu cầu khách tham quan học tập, các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên. Đến nay Bảo tàng “Không gian Văn hóa Mường” đã sưu tầm và lưu giữ được hơn 3000 hiện vật. Có thể nói Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” là một trung tâm trưng bày và lưu giữ quý giá về dân tộc Mường ở Hoà Bình nói riêng và ở Việt Nam nói chung. Nơi đây không chỉ là là nơi để thăm quan, giải trí mà còn là nơi để tìm hiểu, nghiên cứu về giá trị Văn hoá truyền thông của dân tộc Muờng. Bảo tàng được triển khai xây dựng và phát triển theo quan niệm mới phù hợp với xu thế phát triển chung của Bảo tàng hiện nay. Khách thăm quan đến đây không chỉ được nhìn, ngắm, xem mà còn thực sự hoà mình vào cuộc sống hàng ngày của người dân Mường như làm nương rẫy, giã gạo, dệt vải, quay sợi, thưởng thức các món ăn dân tộc, hoà mình vào không khí âm nhạc lễ hội, các trò chơi dân gian của người Mường. Lấy “Không gian Văn hoá Mường” làm trung tâm nên cách bày trí đơn giản, gần gũi không cầu kì, không trưng bày trong tủ kính. Nhưng tất cả các chi tiết dù nhỏ nhất ( hàng rào, đường đi, sắp đặt đồ đạc, bàn thờ thổ công…) đều tái hiện lại những nét đặc trưng cơ bản của xã hội Mường về đời sống xã hội, kinh tế, phong tục tập quán của dân tộc Mường - một xã hội Mường thu nhỏ. Vì vậy từ nhân dân các miền trong cả nước, học sinh, sinh viên, cán bộ nghiên cứu… đến khách nước ngoài đều tìm thấy sự hấp dẫn ở đây.
Động Tiên Phi nằm ở trên đỉnh đồi Thúc hay còn gọi là đồi Thung Phi thuộc xóm Gai, thành phố Hoà Bình. Từ trung tâm thành phố Hoà Bình theo đường Cù Chính Lan, rẽ trái qua cầu Hoà Bình, theo đường Thịnh Lang, rẽ trái theo đường đi xóm Gai, thành phố Hoà Bình khoảng 8km là tới di tích. Gọi là Động Tiên Phi là vì khi du khách đến cửa động bước vào trong mươi bước, ngước nhìn lên phía trước mặt, ngay trên vách động có một dải nhũ đá trông tựa giống nhe một bóng dáng cô tiên trong tư thế bay bổng thật mơ mộng tuyệt đẹp. Cũng chính vì vẻ đẹp huyền diệu đó, mà nhân dân địa phương và ý kiến đóng góp của khách thăm quan, động được đổi tên thành Tiên Phi. Động Tiên Phi nằm trên đỉnh đồi Thúc hay còn gọi là đồi Thung Phi, có độ cao 80m so với mặt ruộng, cửa động quay về hớng Đông Bắc. Từ bãi đỗ xe, đi theo con đờng mòn dốc lên thoai thoải, du khách leo hết dốc đến đỉnh đồi gặp một bãi tơng đối bằng phẳng, hai bên bãi nhân dân ở đây dựng lên các lều quán bằng tre, nứa làm nơi nghỉ chân cho khách thập phơng qua lại thăm động.
Đi tiếp 100m theo dốc lên thoai thoải là đến cửa động, dọc lối lên động là hàng cây phượng vĩ, cây mít, cây bạch đàn và cây tre ngà đan xen nhau xoè tán, phủ lá râm mát hai bên đường. Phía bên trái cửa động là đền trình, đền được tạo lập trong một vòm mái đá, phía trước cửa đền trình là cây cổ thụ xanh tốt. Bên phải là rừng thông xen kẽ cây bạch đàn và bãi cỏ gianh xanh biếc cả một vạt đồi. Sau khi thắp hương xong ở đền trình, du khách sẽ bắt gặp một cửa động, lối vào động là một khe đá hẹp, thoai thoải dốc vào phía trong động. Động được chia làm hai ngăn:
Ngăn ngoài có chiều dài 15m, chiều rộng 8m, vòm trần cao 20m. Lòng động đôi chỗ gồ ghề đá và dốc xuống về phía trong, đất nền màu vàng thẫm, khô ráo, các vách ngăn và vòm trần có nhiều nhũ đá, vân đá, rủ xuống xoè ra lệch góc, lệch cạnh, tạo thành nhiều hình ảnh trông ngộ nghĩnh và rất sinh động. Trên vòm động, gần cửa ra vào có một lối thông lên đỉnh núi làm cho ánh sáng tự nhiên lọt vào mờ mờ, ảo ảo, càng làm ăng thêm vẻ đẹp lấp lánh của các nhũ đá, vân đá mà tọ hoá đã ban cho. Ngăn này cấu trúc nh một nhà chờ cao ráo, thoáng mát như một toà lâu đài tĩnh mịch, vừa trang nghiêm vừa huyền bí mờ mờ, ảo ảo. Ngăn động này không phải là một ngăn động đá đơn điệu mà là thế giới sống động những sinh linh ẩn hiện trong biết bao hình hài bằng đá, hình nh không một nhũ đá nào lại không có ít ra một hình tợng quen thuộc, khiến cho ta liên tưởng đến thế giới của sự sống.
Ngăn trong có chiều dài 53m, chiều rộng 20m, vòm trần cao 10m. Lòng động khá bằng phẳng, nền đất màu vàng thẫm khô ráo, đôi chỗ ẩm ướt bởi những giọt nước từ trên vòm trần nhỏ xuống, đường đi lối lại thông thoáng, dễ dàng, dưới ánh sáng của những ngọn đèn điện mờ ảo, du khách sẽ được đắm mình trong suy tưởng của cái đẹp thiên hình vạn trạng của đá núi của chốn thần tiên, những nhũ đá huyền bí dưới bàn tay gọt đẽo, trạm khắc kỳ phu của tạo hoá, không chỉ tạo nên những tác phẩm điêu khắc, những cung điện, những bức chạm nổi thiên nhiên sinh động mà còn tạo ra các khối kiến trúc độc đáo đó là các chuông đá, cồng đá, cái thì như con đại bàng bay, con voi chầu, voi phục cõng trên lưng con sư tử, con rồng đang trườn mình bay bổng lên không trung. Phía tay phải là những dải nhũ đá từ vòm trần rủ xuống thanh mảnh mềm mại buông xuống như tấm màn the, gõ vào những dải mỏng, rỗng ấy tuỳ theo cách gõ mà vang lên như tiếng chiêng, tiếng cồng vậy. Càng vào trong càng gặp nhiềư những nhũ đá kỳ lạ trông như những hình người, hình cây, những chùm hoa, chùm quả. Tất cả tựa như vườn thượng uyển của vua chúa xưa.
Cuối động là một giếng tiên nước trong vắt, mát lạnh giếng hình bán nguyệt rộng 3m, sâu 30cm. Động Tiên Phi là một kiệt tác mà thiên nhiên tạo lập và ban tặng cho Hoà Bình với những kiệt tác của thiên nhiên làm say đắm lòng du khách, khiến cho du khách không muốn chia tay sớm với một sứ sở thần tiên của đất Mường.
Khu du lịch Suối khoáng Kim Bôi độc đáo hấp dẫn bởi nguồn nước khoáng từ ngàn xưa trong vắt, không mùi, vô khuẩn, khi vừa lộ thiên nhiệt độ 34 -> 36oC, thành phần chính là Bicacbonat Sunphat Canxi - Magie, thuộc loại nước khoáng giải khát chữa bệnh có lợi cho sức khoẻ con người.
Theo các nhà khoa học, nước khoáng Kim Bôi được xuất lộ ra từ vỉa đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, khi lộ thiên nước có nhiệt độ 34-36 độ C, được đánh giá là suối khoáng có thành phần hóa học ổn định nhất. Qua kiểm nghiệm, nguồn nước khoáng Kim Bôi là điều kiện lý tưởng để phục hồi sức khỏe, giúp chữa các bệnh viêm khớp, đường ruột, dạ dày, huyết áp… Nước suối Kim Bôi đã được đóng chai làm nước giải khát, nó cùng loại với nước khoáng Thạch Bích ở Quảng Ngãi, Kum-dua ở Nga và Paven Banis ở Bulgaria.
Đến đây, du khách có thể nghỉ ngơi và tận hưởng nguồn suối nóng tuyệt vời tại khu du lịch suối khoáng Kim Bôi, khách sạn Công đoàn, Vresort, hoặc các khu nhà nghỉ. Nguồn khoáng nóng phun lên từ độ sâu 175,5 m và được bơm dẫn trực tiếp vào các bể tắm phục vụ du khách. Nhiều người ưa dân dã, lựa chọn những khu nhà nghỉ để gần gũi với thiên nhiên, hơn nữa có thể vừa đắm mình thư giãn, lại vừa có thể nghe tiếng nước phun lên ào ào vô tận từ dưới lòng đất.
Cửu thác Tú Sơn được ví như danh thắng “đệ nhất’ xứ Mường với núi non hùng vĩ, suối thác thơ mộng, cùng khí hậu mát mẻ trong lành khiến ai đến đây cũng đều ngỡ như đang lạc bước ở Đà Lạt, hay đắm mình trong sương sớm Sapa.
Cách thành phố Hoà Bình trên 20km khu du lịch sinh thái Cửu Thác Tú Sơn nằm trên địa phận xóm Củ, xã Tú Sơn, Kim Bôi, cạnh đường quốc lộ 12B, gần khu suối khoáng nóng Kim Bôi. Đường lên với Cửu thác, du khách có thể cảm nhận được sự mộc mạc, hoang sơ từ cảnh vật đến cả nếp sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Người dân sống quanh khu cửu thác chủ yếu là người Mường.
Thác Tiên
Tắm hùng vĩ và thơ mộng, với nước trong vắt như gương soi.
Thác hồ Âu Cơ
Ở thượng ngàn cửu thác Tú Sơn, cao 1.300m so với mặt nước biển, đây là ngọn thacs huyền bí, nơi còn lưu dấu tích một “quả trứng Âu Cơ” khổng lồ hóa đá nằm giữa suối.
Thác Quan Lang
Trải chiếu bồng bềnh, êm ru như tình yêu quan lang lén lút hò hẹn với người tình bên dòng suối mà người xưa đã lưu lại thành truyền thuyết.
Thác Hồ Út Lót
Gắn liền với câu chuyện tình yêu trắc trở của nàng Út Lót vừa thông minh, vừa xinh đẹp với chàng Hồ Liêu không lấy được nhau hóa thành đôi bướm trắng rập rờn bên suối.
Thác Bạc
Cao hơn 20m, tựa như mái tóc của sơn nữ xứ Mường, được trang điểm cầu kỳ bằng thứ màu bạc lấp lánh. Dòng thác tấu lên những tiếng ầm ầm, ào ào nghe như bản hùng ca của núi rừng Tây Bắc. Chốc chốc hơi nước và ánh nắng lại hòa quyện vào nhau tạo thành những chiếc cầu vồng kỳ ảo.
Động Long Cung
Là một dòng suối cổ xưa chảy từ đầm hồ ba nhánh. Do trên cao đất đá tuôn xuống lấp tắc, làm nước đổi dòng, suối này trở thành hang động huyền ảo.
Khu vườn Thượng Uyển
Đi qua cây cầu treo rung rinh trước gió và gần 200 bậc thang đá là đặt chân tới đây. Nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ, dõi mắt về bốn phía là những cánh rừng già nguyên sinh, xanh thẳm mờ sương. Ven suối là những nhà sàn nhỏ xinh nằm im lìm bên những tảng đá như đàn voi đá tranh nhau tắm ngụp dưới dòng nước trong mát.
Thác Thiên Ngọc Thạch
Từ chân thác nhìn lên cao sẽ thấy một hòn đá tròn khổng lồ, màu xanh ngọc, như đang treo lơ lửng giữa trời. Dưới chân thác là không gian mênh mông, huyền ảo, tráng lệ của động Thuỷ Cung, với muôn vàn hoa lá khoe sắc rực rỡ.
Thác hồ Trượng Phu
Cao 100m - dòng thác như từ trên trời buông xuống hồ Tiên Sa rộng 300m2, phía trên hồ Tiên Sa là giếng Ngọc.
Đống Thếch là tên gọi khu mộ Mường cổ thuộc xóm Chiềng Động, xã Vĩnh Đồng, Kim Bôi. “Đống” theo quan niệm của người Mường dùng để chỉ những nơi mồ mả, nơi chôn cất người chết. Còn “Thếch” là địa danh chỉ vùng đất, vì thế mà khu mộ mang tên địa danh là Đống Thếch. Khu mộ Đống Thếch nằm ở phía Tây Bắc thung lũng Mường Động, xã Vĩnh Đồng. Trên đường 12B, cách huyện lỵ huyện Kim Bôi 6km, cách trung tâm thành phố Hoà Bình 24km về phía Đông Nam, từ ngoài đường nhìn vào ta sẽ thấy một thung lũng nhỏ, cao ráo, bằng phẳng, đi sâu vào bên trong ta thấy nhấp nhô hàng trăm hòn mồ cao thấp đứng cùng thời gian mưa nắng, địa thế khu đất khá đẹp, bằng phẳng giao thông đi lại thuận tiện, vây quanh ba mặt khu mộ cổ Đống Thếch là những quả đồi thấp tạo nên một bồn địa nhỏ trong một thung lũng lớn. Khu đất có địa thế, hình dáng miệng rồng, một thế đất theo quan niệm thuật phong thuỷ ngày xưa. Cho nên từ lâu dòng họ quan lang Mường Động đã độc chiếm làm nghĩa địa để làm nơi yên nghỉ cuối cùng của dòng họ mình. Với diện tích rộng vài vạn mét vuông, trải qua nhiều đời khu mộ cổ Đống Thếch đã ẩn chứa hàng trăm ngôi mộ của nhiều thế hệ dòng họ Đinh. Trong đó có nhiều ngôi mộ, xung quanh quanh được chôn nhiều hòn mồ cao lớn như cắm dấu ấn biểu hiện quyền lực của dòng họ lang Mường Động. Đống Thếch trở thành “Thánh địa” riêng của nhà lang, bị cây rừng phủ lên rậm rạp càng trở nên bí hiểm trước con mắt của người dân Mường Động từ đời này sang đời khác, mộ có niên đại sớm nhất là năm 1651. Đặc biệt trong khu mộ cổ có ngôi mộ của tướng quân Chiêu Đống hầu Đinh Công Kỷ là người có công giúp vua Lê Trung Hương chống giặc và xây dựng chiều chính.
Là một xã lòng hồ sông Đà thuộc huyện Cao Phong, nằm cách Hà Nội khoảng hơn 100km, đường vào Thung Nai sẽ đưa bạn theo hướng đi cảng Bình Than bám dọc sông Đà với khoảng 10km đường núi với cảnh sắc vô cùng đẹp.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Thung Nai (Cập nhật 8/2024)
Cách thành phố Hòa Bình khoảng 10 km, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, Cao Phong từ lâu đã là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Bản nằm khép mình trong thung lũng dưới chân núi Mỗ. Cuộc sống êm đềm của hơn một trăm hộ gia đình người Mường tuy đơn sơ nhưng lại cuốn hút du khách bởi nét văn hóa trong sinh hoạt và lối kiến trúc nhà sàn hiện còn lưu giữ nhiều dấu ấn của nếp nhà Mường cổ trước đây.
Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân con gái một tộc trưởng người Mường - Hoà Bình, năm 1431 Bà tập hợp người Mường và các dân tộc khác ở Hoà Bình quyên góp lương thực vận chuyển quân lương giúp Vua Lê Lợi dẹp giặc ngoại xâm ( Đèo Cát Hãn - Lai Châu)
Vào một ngày trời không yên sóng chẳng lặng thuyền chở đầy lương thực, khi đi qua khu vực hang Miếng sóng to làm vỡ mảng, Bà thác và xác trôi về khi vực Thác Bờ - Thung Nai - Hoà Bình dừng lại ở đó, dân quanh vùng tưởng nhớ người con gái anh hùng đã lập đền thờ nơi đây sau khi vua Lê Lợi thắng trận trở về đã sắc phong Bà là: Hoàng Kim Mẫu Chúa Mường Sơn Trang.
Vào năm 1979 nhà nước quyết định đắp đập ngăn sông làm nhà máy thủy điện Hoà Bình, đền Thác Bờ xưa không còn nữa, một gia đình họ Quách đã phát tâm và nhờ sự đóng góp của thập phương qua 5 lần xây dựng và di chuyển đã xây dựng được đền Bờ ngày nay.
Người dân ở đây giao dịch buôn bán chủ yếu tại chợ Bờ. Chợ chỉ họp vào buổi sáng và tan chợ khi còn khá sớm, khoảng gần 8 giờ là chợ đã thưa người qua lại. Chợ nổi Thác Bờ họp phiên chủ nhật cách bến thuyền Thung Nai chừng 20 phút. Không quá ồn ã tấp nập. Chợ là nơi thông thương của các ghe thuyền trên khắp mặt hồ về đây. Người ta mang đến những sản vật được đánh bắt từ đêm hôm trước.
Suối Trạch là một trong những địa điểm không nên bỏ qua khi vào Thung Nai. Nơi đây là bể tắm thiên nhiên lý tưởng với nguồn nước trong, mát lạnh.
Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng, thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong, Cao Phong. Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10km về phía nam, đền Bồng Lai (hay còn gọi là đền Thượng Bồng Lai) thờ Đệ nhị thượng ngàn tiên nương (tức Cô Đôi Thượng Ngàn) và các chư vị tiên thánh Tứ Phủ. Tương truyền, đây là nơi Cô Đôi gặp Thánh Mẫu Đệ nhị (Mẫu Thượng Ngàn) và là nơi hóa của Cô.
Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc, động nằm ngay trên bến Ngọc ở sườn núi phía bắc, trong dãy núi Chủa bên bờ hồ Hòa Bình. Không chỉ gắn với quần thể di tích đền Bờ thờ Bà Chúa thượng ngàn có công giúp vua Lê Lợi dẹp loạn phương Bắc, đây cũng từng là nơi trú chân của nhiều cánh lái buôn ngược xuôi sông Đà khi qua đây gặp sóng to gió lớn. Do đó, động Thác Bờ từ lâu đã thu hút du khách thập phương đến bái vọng và du lịch.
Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi, trên một bè ghép bằng tre bương chạy dài khoảng 50 m vào thẳng cửa động. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên của tạo hóa với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ.
Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50 m là khu thờ Phật. Khu vòm động này khá rộng, có không khí mát lành. Ngoài ban thờ Phật tổ quan âm rất lớn, Quan thế âm Bồ tát, các vị thần linh cai quản vùng này, trong động còn có ban thờ Bác Hồ luôn thơm mùi hoa tươi và hương trầm.
Vào sâu trong động, khám phá những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng được hình thành do cặn của nước nhỏ giọt đọng lại trải qua hàng trăm nghìn năm, mới thấy sức sáng tạo của Mẹ thiên nhiên là vô cùng tận.
Nằm cách cảng Thung Nai gần một giờ đi tàu trên hồ thủy điện sông Đà, bản Ngòi thuộc xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc là một trong những bản cổ người Mường đẹp nhất của Hòa Bình, trải qua nhiều thập kỷ nơi đây vẫn là ốc đảo nằm tách biệt sâu trong lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, không có đường bộ, phương tiện đi lại chủ yếu là thuyền tôm, bè mảng, cuộc sống của người dân bản nơi đây tách biệt, cô lập như bị “lãng quên” ở lòng hồ sông Đà hùng vĩ.
Di tích động Hoa Tiên di tích toạ lạc trong lòng dãy núi đá vôi, núi Bà thuộc xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa, Tân Lạc. Cách nơi di tích toạ lạc khoảng 1km về phía Đông, có một hồ nước rộng, trong xanh dân trong vùng gọi là hồ tiên tắm.Từ hai địa danh đó nhân dân nơi đây đã chọn hai mỹ tự đẹp nhất để đặt tên cho động là động Hoa Tiên.
Muốn thăm quan động du khách có thể đến với di tích bằng 2 tuyến.
Động Hoa Tiên gồm 2 cửa cách nhau 18m: cửa phía Đông nam và cửa phía Nam. Cửa Đông nam có chiều cao 5m; rộng bình 6m. Cửa hư¬ớng Nam cao 6m; rộng 9m. Cửa động cao hơn nền động khoảng 8-10m, muốn vào động du khách phải đi qua cầu thang bằng sắt, bắc ở hai cửa vào.
Ngay khi đặt chân vào trong động du khách hết sức ngỡ ngàng trước vẻ đẹp tuyệt vời của đá với vô vàn khối nhũ đá, măng đá, cột đá đủ các hình thù kỳ thú, hấp dẫn du khách qua ánh sáng đèn những nhũ đá măng đá, cột đá phản chiếu ánh sáng lấp lánh như đèn màu sân khấu.
Động chính: Với chiều dài 61m; rộng 27m, từ cửa đi vào rẽ trái đi chừng 50m, động được chia thành 2 ngách nhỏ khi vào thăm quan động du khách bắt gặp vô vàn các nhũ đá nơi đây. Các khối có các hình thù vô cùng lý thú. Hình thì như vân vũ, hình như ông Bụt, ông Tiên toạ lạc trên các đám mây hồng ngũ sắc rực rỡ muôn màu. Trên vòm trần ta bắt gặp nhũ đá trông mềm mại rủ từ trên xuống tựa như¬ một chiếc chân váy mầu vàng rực rỡ như vừa được giặt xong vẫn còn vương trên đó những giọt nước li ti đọng lại long lanh.
Ngách động phía Bắc: Có chiều dài 60m; rộng 12m được ngăn cách với động chính bằng một dãy cột đá, măng đá cao xếp thành từng hàng lớn. Qua bức tường tự nhiên này du khách tiến vào lòng động. Nền động gồ ghề bởi các ruộng bậc thang nối tiếp nhau có chiều hơi dốc lên. Động này dài 60m, phía ngoài rất rộng có chỗ tới trên 20m, càng vào trong càng thu hẹp lại. Trần cao trung bình 15m.
Ngay tại đầu ngách này du khách bắt gặp một hồ nước nông, đây là điểm đầu cho cả một dãy dài các hồ nước nhỏ kế tiếp nhau tạo thành các ruộng bậc thang. Nước trong và mát lạnh dưới ánh sáng của đèn động hiện lên lung linh một cách lạ kỳ, du khách choáng ngợp bởi vẻ đẹp kỳ vĩ nơi đây.
Càng vào trong lòng động càng thu nhỏ lại, không gian nơi đây yên tĩnh để không khỏi giật mình trước một vài chú rơi rơi vỗ cánh bay vút vào bóng đêm, ở đây với vô vàn các khối nhũ đá, cột đá, măng đá nhiều hình thù kỳ bí, với ngai vàng lọng tía quả là một kiệt tác của thiên nhiên.
Ngách phía Tây nam: Ngách động này ăn sâu xuống và hướng ra phía ngoài núi, sau đó lượn hình vòng cung men theo triền núi đá vôi với độ sâu khoảng 48m, rộng trung bình 10 -12m, trần cao thấp không đều nhau có chỗ cao đến 30m, có chỗ thấp hẳn xuống tạo thành các cung bậc. Nền động gồ ghề và ẩm ướt, nền được tạo thành bởi nhiều tảng đá lớn xếp lại với nhau. Dưới ánh đèn vô vàn các nhũ đá, cột đá hiện ra với nhiều hình thù như được bàn tay chạm nhân tạo của những nghệ nhân tài ba tạo thành. Từ trần cao rủ xuống các dòng thác đá uốn lượn mềm mại như những dải lụa mềm, khẽ đung đưa trong gió, những hình ảnh đó hoà vào nhau tạo thành các khối kiến trúc hình thành nên các cột lớn từ dưới vút lên cao xoè ra như chống lấy cả khối trần đồ sộ. Có khối cao, khối thấp, khối đến mười người ôm không xuể, có khối chỉ như chiếc cột nhà sàn, có khối cao đến 20m, có khối chỉ cao 3- 4m. Tạo ra trong vách động này một bức tranh hoàn chỉnh mà trong đó hội tụ đầy đủ cả kiến trúc nghệ thuật tạo hình và hội hoạ.
Nằm cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 40km, Lũng Vân (Tân Lạc) là một trong bốn cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vỹ cùng nét văn hóa đặc trưng, Lũng Vân đang là điểm đến của không ít người đam mê du lịch phượt. Được coi là “nóc nhà xứ Mường Bi”, bởi đó là vùng đất sinh sống cao nhất của người dân tộc Mường, đồng thời cũng là nơi chứa đựng rất nhiều câu chuyện đã đi vào huyền thoại.
Lũng Vân gồm những ngọn núi cao hùng vĩ điệp trùng thấp thoáng trong mây, với những con đường nhỏ nhưng dốc cao và vô cùng hiểm trở…Chính vì những điều kiện thiên nhiên và địa hình đó, nơi đây đã từng là điểm đến của một số nhóm phượt và off-road muốn trốn tránh sự ồn ào thành thị để tìm cho mình những giây phút trải nghiệm trong một không gian thiên nhiên tĩnh lặng.
Nằm ở độ cao 1200m so với mặt nước biển, nơi đây quanh năm mây mù bao phủ nên còn có tên gọi Thung Mây. Thung lũng được bao bọc bởi núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình vào khoảng 20 - 23,3ºC. Cái tên Lũng Vân hẳn còn xa lạ với nhiều người. Một phần bởi nó nằm sâu bên trục đường Hòa Bình - Mộc Châu, đường tới Lũng Vân lại vô cùng hiểm trở với những đèo dốc liên tiếp dài 13km. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi ít người biết về Lũng Vân.
Theo truyền thuyết được ghi lại trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường thì đã lâu lắm rồi, chẳng ai còn nhớ được, giữa chốn núi non hiểm trở đã xảy ra một cơn đại Hồng thuỷ. Nó bất thần đổ ập xuống trong một đêm mưa gió bão bùng. Dòng nước cuộn xiết đã cuốn trôi hết nhà cửa, trâu bò, con người và cả núi rừng. Giữa cuộc tan tác ấy, có đôi vợ chồng bấu víu được trên chiếc bè. Cứ thế, chiếc bè chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang này khác cho đến khi vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ có tên là Bi, rễ cây ăn xuyên qua “chín sông, mười núi” bền chắc đến nỗi cơn đại Hồng thuỷ kia không thể làm bật gốc. Khi cơn Hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng nọ cũng không biết quê xứ của mình ở đâu để trở về. Bởi sau cơn Hồng thuỷ, mặt đất như trở lại thời hỗn mang, mọi thứ đều tan tác hoặc bị cuốn trôi. Không biết đi đâu, họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây Bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc sườn đồi thành ruộng bậc thang, làm Cọn lấy nước, thuần phục muông thú thành vật nuôi, lập bản, lập mường. Nhớ ơn cây thần cứu mạng, họ đã lấy tên cây đặt tên cho mường. Đó là vùng Mường Bi ngày nay - một mường lớn và trù phú nhất trong 4 mường Bi - Vang - Thàng - Động của xứ Mường Hoà Bình. Cái tên Lũng Vân, có lẽ được bắt nguồn từ điểm đặc trưng của một thung lũng với bốn bề là núi cao dựng, nối nhau trùng điệp quanh năm chờn vờn mây phủ. Xưa, Lũng Vân còn có tên là Mường Chậm. Theo những người dân thì chữ Chậm ở đây không phải là sự nhanh, chậm theo nghĩa thông thường. Nhưng trong tiếng Mường nó cũng chẳng thể hiện ý nghĩa gì. Nguồn gốc xa xưa của địa danh này cũng chẳng mấy ai rõ. Chỉ biết rằng truyền thuyết tạo nên xứ Mường trong mây này là một câu chuyện buồn của một cuộc trốn chạy quan Lang của một gia đình nghèo còn được ghi trong trí nhớ của một lớp người xưa cũ như một câu truyện truyền thuyết đời nối đời.
Tương truyền thì trong xứ Mường Hoà Bình, Mường Chậm là xứ mường trẻ nhất, nằm ở địa thế sâu, xa nhất. Nó là kết quả cuộc trốn chạy của một nhà dân thường. Vì phạm tội với nhà Lang nên phải bồng bế nhau bỏ mường đi tìm đất mới. Thuở ấy, nhà lang xứ Mường Bống ở đất Lạc Sơn cho đắp một con đập dẫn nước về các thửa ruộng bậc thang lẩn khuất giữa các khe nách núi. Từ khi có con đập, lũ trẻ thường rủ nhau tắm và chui luồn như những con rái cá trong cái cống dẫn nước bắc ngang qua chân núi. Một nhà dân thuộc họ Bùi vô tình đan cái ngõ hầu (đó) chặn một đầu bên kia miệng cống. Mải nô đùa, luồn lách 9 đứa trẻ bị giắt vào ngõ hầu và chết trong đó. Nhà lang phạt vạ, bắt nhà họ Bùi đan đủ 9 cái ngõ hầu, mỗi năm nộp lúa, ngô… quy ra vàng bạc đầy 9 cái ngõ hầu để nộp vạ cho mường… Không chịu được sự bất công, sau một mùa lúa mới, trong một đêm tối trời, nhà họ Bùi đã gùi chín gùi lúa mới bồng bế nhau bỏ mường, trốn khỏi nhà lang. Họ đi miết cho tới khi lạc vào một vùng hoang vu cây cối rậm rạp. Nghe tiếng Cuốc kêu, biết là vùng này có nước, họ mới dừng chân ở lại…. Mường Chậm được hình thành như thế. Con Cuốc chỉ đường cho người trốn vạ nhà lang được nhà họ Bùi nhớ ơn, không bao giờ ăn thịt. Cuộc sống bình yên trên vùng đất mới của dòng họ Bùi bắt đầu như vậy. Một năm sau, người vợ của nhà họ Bùi đi xúc cá, được một quả trứng. Bỏ đi đâu bà cũng bắt đúng quả trứng ấy. Lấy làm lạ, bà mang về cho gà ấp, quả trứng nở ra một con rắn. Con rắn hiền lành chẳng bao giờ làm hại ai cả.. Lớn lên, con rắn bò về cái lằn nước nơi trước kia người vợ nhà họ Bùi vớt được quả trứng. Trước khi đi, rắn bảo: “Con trả ơn nuôi dưỡng của bố mẹ bằng cách mở rộng đất cho bố cày”. Một đêm mưa gió, sấm chớp đùng đùng, nước ngập cả mường, kéo đổ cây, cuốn cả nhà… Đúng lúc ấy, con rắn hiện lên bảo với ông lão họ Bùi: “con sẽ đi dập dòng nước dữ cứu mường. Lúc con đi, bố phải nhắm mắt đọc câu thần chú “con tôi làm được” và không được mở mắt nhìn. Nếu không con sẽ chết ngay!”. Nói rồi, con rắn lao vào dòng nước dữ trong đêm giông gió. Người cha nghe theo, nhắm mắt đọc câu thần chú. Nhưng rồi cuối cùng vì sự tò mò, ông mở mắt ra và nhìn thấy một con giao long khổng lồ đang hút từng đụn nước vào bụng, vừa hút, vừa lấy thân mình khoét núi cho nước thoát đi…
Với những tiềm năng sẵn có, Lũng Vân hiện đang là một điểm thu hút khách du lịch. Đến Lũng Vân đẹp nhất vào thời điểm sau tết đến tháng Tư hàng năm, đó là lúc có nhiều mây bao phủ nhất. Mây bắt đầu từ chiều tối và đến sáng sớm hôm sau tan dần, đến giữa trưa thì trời quang hẳn. Đến Lũng Vân, du khách có thể tham quan, nghỉ đêm tại nhà sàn của người Mường, cùng làm những công việc hàng ngày với người dân hay tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng… Chợ Lũng Vân nằm ngay trung tâm xã, họp mỗi tuần một lần vào ngày thứ 3, du khách có thể đến đây để tìm hiểu những màu sắc văn hóa của dân tộc Mường.
Từ Lũng Vân các bạn cũng có thể đi tiếp sang huyện vùng cao Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa, nơi có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, một địa điểm du lịch cũng vô cùng hấp dẫn với những bạn yêu các cung đường vùng cao Tây Bắc.
Cách Hà Nội khoảng 140km, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông (Lạc Sơn), thác Mu là một điểm đến thú vị dành cho những người thích khám phá. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm, thác Mu đã thu hút rất đông người dân đến đây để tận hưởng không khí mát lành, tắm mát và vui chơi.
Bản Đá Bia, thuộc xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Chỉ cách trung tâm Hòa Bình khoảng 100km, nơi đây là địa điểm lý tưởng cho những du khách muốn tạm xa ồn ào của đô thị, khám phá những điều mới lạ, tìm hiểu về đời sống văn hóa của dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mường nói riêng.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Đà Bắc (Cập nhật 8/2024)
Khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa phận 4 xã Tân Pheo - Trung Thành - Đoàn Kết - Đồng Chum, huyện Đà Bắc. Đây là một khu rừng giàu và đa dạng về thảm thực vật, động vật. Rừng Phu Canh không giống như những khu bảo tồn thiên nhiên khác. Ở đây vẫn còn nguyên sự hoang sơ, huyền bí và thâm u của rừng già như nó vốn có.
Chùa Tiên - Mẫu Đầm Đa (hay còn được người dân gọi là Chùa Tiên - Đầm Đa) là một ngôi chùa thuộc địa phận xã Phú Lão, Lạc Thủy. Chùa được Bộ văn hóa - Thông tin Việt Nam cấp bằng di tích lịch sử văn hóa tháng 9 năm 1989. Khu Du lịch Chùa Tiên - Đầm Đa là một quần thể du lịch bao gồm nhiều hang động, đền chùa tuyệt đẹp, nằm bên kia sườn dãy núi Hương Sơn Chùa Hương. Ngoài ra quần thể danh thắng Chùa Tiên là di chỉ khảo cổ học cấp quốc gia.
Lễ hội chính của chùa Tiên được tổ chức vào 3 ngày: 4 - 6 tháng Giêng và kéo dài cho đến hết tháng Tư âm lịch. Mỗi năm lễ hội lại được tổ chức quy mô hơn, đông vui hơn, du khách bốn phương tìm về nhiều hơn. Gọi là lễ hội Chùa Tiên, nhưng đây là lễ hội chung cho cả khu di tích mà địa điểm chính được đặt ở Chùa Tiên.
Đến với lễ hội Chùa Tiên, du khách sẽ được thưởng thức một di sản văn hoá vừa vật thể, vừa phi vật thể. Những chiếc kiệu như từ truyền thuyết đi ra, như từ dã sử xuất hiện, vừa lạ vừa quen, vừa cổ xưa, vừa mới mẻ, vừa bình dị vừa thiêng liêng. Những chiếc kiệu Thành hoàng làng là trung tâm của đám rước, được khiêng trên đôi vai của các nam thanh nữ tú dân tộc Mường. Chiếc kiệu được rước trên những đôi vai của niềm tin, của lòng thành kính và của những ước mong. Kiệu Thành hoàng có thể đi, có thể chạy, có thể bay khi có niềm tin và niền tin vào sự linh thiêng được tăng lên.
Cùng với đám rước, là những nghi thức tế lễ: có dâng rượu dâng hương, có đọc sắc phong của triều vua xưa phong cho các vị Thành hoàng trong khu di tích, có dâng chúc văn cầu mong thần linh ban tặng mưa thuận gió hoà, nhà nhà an khang, xóm làng thịnh vượng… Đó là những nghi thức đã trở thành truyền thống để tôn vinh các vị thần Thành hoàng làng - những người đã vì nước vì dân được tôn thờ.
Chùa Tiên toạ lạc dưới chân núi Tung Sê trên một khu đất khá bằng phẳng có mặt tiền quay về hướng Đông Bắc. Theo truyền thuyết, Chùa Tiên được xây dựng từ rất xa xưa theo lối kiến trúc nhà sàn với nguyên vật liệu là tranh tre nứa lá. Trải qua năm tháng, ngôi chùa đã bị xuống cấp. Năm 1998, bằng nguồn vốn trùng tu tôn tạo di tích của Bộ Văn hoá Thông tin và sự đóng góp của chính quyền và nhân dân trong xã, ngôi chùa đã được trùng tu tôn tạo khang trang như ngày nay. Đến dâng hương tại Chùa Tiên, du khách sẽ có dịp được bày tỏ lòng thành kính lên các đức Phật các ước mong của mình.Phía sau Chùa Tiên ngay trong dãy núi Tung Sê, du khách sẽ được tới thăm danh thắng Động Tiên với nhiều điều kỳ thú. Đây là di tích khảo cổ đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng cấp quốc gia năm 1989.
Bên cạnh giá trị khảo cổ, động Tiên còn là di tích có giá trị thẩm mỹ cao. Đi sâu vào bên trong, ta sẽ bắt gặp không gian đầy huyền thoại. Ngẩng đầu lên ta bắt gặp một vòm trần lô nhô, đông đúc căng chật hàng trăm, hàng ngàn khối nhũ đá rủ xuống. Chỗ thì vàng óng toả ra như một rừng hoa, chỗ thì trắng xoá, bầu thon như những viên ngọc; chỗ thì rực rỡ như một căn phòng với các chùm đèn trang trí. Các khối nhũ đá được chạm chổ tinh tế những hình thù kỳ lạ, bí ẩn, đường nét uyển chuyển, mềm mại và khá cân đối.
Nét đặc biệt ở động Tiên là quần thể các cột đá mọc lên từ nền hang, giữa phòng là một khối nhũ lớn, xung quanh là bạt ngàn các cột nhũ nhỏ như hội quần tiên ở rừng thệ đà đông đúc các vị La Hán, các Bồ Tát, các thanh văn quây quần bên nhau nghe đức Phật Như Lai giảng kinh. Tất cả đều lặng lẽ trang nghiêm, không xô bồ ồn ã. Không gian cũng tĩng mịch u huyền càng tăng thêm vẻ tôn nghiêm. Và du khách càng ngắm, càng ngỡ như được đắm chìm vào tiên cảnh ấy. Và con người như được cảm thấy thanh cao hơn.
Nhà máy in tiền đầu tiên của chính quyền cách mạng Việt Nam nằm ở đồn điền Chi Nê (giai đoạn 1946-1947), nay là xã Cố Nghĩa, Lạc Thủy. Nơi đây, những “tờ bạc tài chính cụ Hồ” đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao đã ra đời.
Nằm giữa Tân Lạc và Mai Châu (Hòa Bình) trên đường quốc lộ 6, đèo Thung Khe hay đèo Đá Trắng buổi sớm là bầu trời trong trẻo, buổi trưa là nắng gắt trời xanh, buổi chiều dìu dịu với ánh nắng chiều và đêm là sương mù giăng khắp lối. Đã có rất nhiều người đi qua đèo Thung Khe mà không nhớ tên của con đèo trên mảnh đất Hòa Bình này. Đèo không hùng vĩ như Ô Quy Hồ đất Lào Cai, không cheo leo như Mã Pì Lèng của đất Hà Giang nhưng lại chứa đựng vô vàn hiểm nguy bất ngờ đối với bất kỳ tay lái nào.
Qua khỏi đèo Thung Khe, trước khi xuống đến ngã 3 Tòng Đậu để đi vào trung tâm Mai Châu, có một điểm mà các bạn không thể bỏ lỡ đó là cột cờ Mai Châu. Trước kia, khu vực này vốn chỉ là một khoảng đất trống mà từ đó có thể ngắm toàn cảnh Mai Châu, sau này được đổ bê tông và dựng lên ở đó một chiếc cột cờ, như một biểu tượng nho nhỏ để các bạn ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi đến với Mai Châu.
Bản Lác ngày nay đã là một điểm du lịch cộng đồng rất quen thuộc trong lòng du khách gần xa. Không phải là một nơi sầm uất, tấp nập, không hào hoa tráng lệ, không cao sơn mỹ vị mà tất cả đều dân dã, tự nhiên, gần gũi thân thiện khiến du khách một lần tới đây sẽ nhớ mãi không quên.Bản Lác - Mai Châu: nơi in đậm bản sắc văn hóa người Thái trắng 5 dòng họ người dân tộc Thái sinh sống ở bản Lác là Hà, Lò, Vì, Mác, Lộc. Tới nay bản đã tồn tại được 700 năm. Trước đây dân bản chỉ sống dựa và nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm, sau này vẻ đẹp tiềm ẩn của bản Lác đã dần được du khách khám phá. Và cũng từ đó mọi người trong bản đều làm về du lịch và cái tên bản Lác là một trong những vùng trọng điểm về du lịch ở Mai Châu.
Pom Coọng nghĩa là bản của những quả đồi nằm trên cái trống lớn, ngụ ý chỉ đồng ruộng - một cái tên giàu tượng hình và nhiều ý nghĩa. Pom Coọng đã được biết đến là một làng văn hóa, làng du lịch, điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương với gần 70 hộ và hơn 300 nhân khẩu.
Cách trung tâm thị trấn Mai Châu chỉ khoảng 1km, Bản Văn nằm dưới chân núi Pù Văn là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, người Thái ở đây chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, chăn nuôi, các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát…
Không quá xa thị trấn sầm uất nhưng bản Văn vẫn còn khá nhiều nét hoang sơ, mộc mạc, từ phong cảnh đến lối sống bình dị của người dân Thái. Nếu đến bản Văn vào dịp đầu năm mới, các bạn có thể được tham gia vào các trò chơi dân gian đang được địa phương khôi phục lại như “tó mặc lẻ”, kéo co, “keng loong”, ném còn, bắn nỏ …Những trò chơi này góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt người dân trong bản và cũng trở thành một sản phẩm du lịch để thu hút du khách tới bản.
Cách trung tâm huyện khoảng 30km về phía Tây Nam, bản Bước xã Xăm Khòe nằm trọn trên một khu đồi được bao phủ bởi rừng cọ xanh. Nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cũng vì lẽ đó mà nơi đây được chọn để xây dựng dự án “Bản người Thái gắn với du lịch”. Trước đây bản của người dân xóm Bước định cư ven bờ suối, năm 2007, xóm Bước được quy hoạch để xây dựng thành khu du lịch sinh thái, cả xóm đã chuyển lên địa điểm sinh sống mới.
Đồng bào người Thái ở xóm Bước được thừa hưởng một di sản văn hóa vật thể và văn hóa tinh thần vô cùng phong phú. Đó là tập quán canh tác lúa nước, làm nương, những nếp nhà sàn truyền thống làm bằng sàn gỗ, lợp mái gianh, những công cụ lao động sản xuất rất đặc trưng như cọn nước, gùi, thố… Dự án du lịch bản Bước đang dần đánh thức tiềm năng vốn có ở nơi đây. Để phục vụ du lịch, bản đã thành lập được một đội văn nghệ gồm 12 người có thể múa xòe, hát dân ca Thái và biểu diễn các tiết mục khác. Khi trong bản có khách du lịch, các đội văn nghệ sẽ đến biểu diễn phục vụ.
Lên Mai Châu hỏi anh Kiều Văn Kiên, quê xã Đồng Trúc (Thạch Thất - Hà Nội), chưa chắc đã nhiều người biết. Nhưng nếu hỏi anh Kiên, người sở hữu “kho báu” Thái thì có khối người chỉ đến tận nhà.
Suốt 10 năm nay, chỉ cần nghe nơi nào, nhà nào có đồ vật cũ của người Thái là anh lập tức lên đường. Hình như anh sợ “kẻ thù thời gian” sẽ làm hư hỏng, thất lạc đi những hiện vật kia. Không chỉ ở vùng Mai Châu, anh Kiên còn lặn lội đến khắp các tỉnh như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An thậm chí còn sang cả nước bạn Lào hoặc bất cứ vùng nào có người Thái cư ngụ để tìm hiểu, sưu tập và truyền bá những giá trị văn hóa cổ để người dân cùng yêu mến và giữ gìn cho thế hệ sau.
Tháng 6-2012, anh xin phép chính quyền địa phương dựng điểm tham quan văn hóa Thái Mai Châu tại bản Mỏ, xã Chiềng Châu để trưng bày, giới thiệu cho du khách về thời đã xa của một dân tộc có nền văn hóa đậm đà bản sắc.
Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phí bản Lác, Pom Coọng là hang Mỏ Luông: Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía Tây, nhân dân địa phương đã đào đắp thành hồ chứa nước và đặt tên là hồ Mỏ Luông.
Để lên tới Hang Chiều du khách phải trải qua 1200 bậc đá, bên cạnh cửa hang có cây Xà Pùng cổ thụ, đứng sừng sững uy nghi nơi cửa hang, nhưng lại khiêm nhường, đứng sang 1 bên để che chắn cho cửa hang và thuận tiện cho đường đi xuống lòng hang. Hang Chiều nằm ở hướng Tây Nam của thị trấn Mai Châu. Cửa hang rộng khoảng 10 - 15m, dài ngược lên đỉnh núi khoảng hơn 30m, cách khu dân cư khoảng 350m. Càng lên cao nhìn xuống, thị trấn Mai Châu trù phú và thơ mộng càng hiện ra rõ nét.
Trên những bức tường trên con đường dài hơn 800m ở thôn Hải Sơn, xã Mai Hịch (Mai Châu) đã được người dân trang trí, biến những bức tường trở thành một con đường bích họa sinh động, tràn ngập màu sắc, thấm đẫm bản sắc văn hóa và phong cảnh đặc trưng của địa phương.
Gò Lào là tên một con thác nằm ở khu vực xã Phúc Sạn, cách trung tâm Thị trấn Mai Châu khoảng 15km. Từ trên đường chính, bạn sẽ phải gửi xe và đi bộ vượt qua khoảng 5 nhịp cầu thang (thực chất là con đường đất được người dân tạo thành bậc để đi lại cho dễ) là có thể xuống được thác. Thác Gò Lào gồm 2 thác nước nhỏ, chảy từ độ cao khoảng 15m xuống. Khu vực dưới chân thác có một bãi đất trống bằng phẳng có thể phù hợp cho việc tổ chức một bữa picnic ngoài trời.
Ba Khan là một xã nhỏ của Mai Châu nằm ven bờ hồ thủy điện Hòa Bình, từ đèo Thung Khe thả tầm nhìn về phía bình nguyên sau lưng đèo, đó chính là Ba Khan. Con đường này bắt đầu từ phía dưới chân đèo Thung Khe, chạy dọc qua hết xã Ba Khan rồi bắt đầu men theo lòng hồ Hòa Bình.
Tìm trên Google :
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/hoa-binh-co-gi-dep-a45655.html