Tuyển sinh – Trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM

NGÀNH QUẢN LÝ XÂY DỰNG

__________________________________

Giới thiệu chung

Quản lý dự án xây dựng là một chuyên ngành thuộc khối ngành xây dựng, kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật, là ngành đào tạo những chuyên gia quản lý dự án đầu tư xây dựng. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng có khả năng tham gia thực hiện các công việc thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế - kỹ thuật trong các dự án xây dựng. Cụ thể như: Quản trị, tổ chức điều hành các dự án đầu tư xây dựng; Lập và thẩm định dự án đầu tư; Định giá và quản lý chi phí dự án xây dựng; Quản lý tiến độ thực hiện dự án; Giám sát và quản lý chất lượng dự án xây dựng; Quản lý rủi ro thực hiện dự án; Quản lý hợp đồng và tranh chấp; Đánh giá hiệu quả thực hiện dự án…

Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân kinh tế xây dựng (chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng) có phẩm chất chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỹ luật tốt, có đạo đức nghề nghiệp, thái độ làm việc tích cực, có phương pháp làm việc khoa học mức độ tự chủ cao, đủ kiến thức và kỹ năng để lập luận và giải quyết các vấn đề phức tạp về chuyên môn; hành xử chuyên nghiệp trong môi trường làm việc trong nước và hội nhập quốc tế.

Hoạt động sinh viên

- Học tập, thực hành

- Nghiên cứu khoa học

- Các hoạt động văn hóa, xã hội

Hoạt động tham quan thực tế và thảo luận góp ý chương trình đào tạo Ngành kinh tế xây dựng, quản lý xây dựng

Cơ hội việc làm

Chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng tại trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh giúp sinh viên theo học đáp ứng tốt các yêu cầu vị trí nghề nghiệp như:

- Chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực xây dựng như lập dự án đầu tư xây dựng, công tác đấu thầu, quản lý chi phí, thanh quyết toán, tiến độ, rủi ro, an toàn lao động, vật tư thiết bị, …;

- Tư vấn trong lĩnh vực xây dựng như tư vấn kiểm toán dự án, quản lý dự án, đấu thầu, thẩm định dự án…;

- Quản trị doanh nghiệp xây dựng, lập chiến lược kinh doanh, đầu tư dự án,…;

- Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý xây dựng.

Người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo chuyên ngành Quản lý dự án xây dựng với nền tảng kiến thức đã được học, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng ngoại ngữ và đã được trải nghiệm môi trường công việc thực tế hoàn toàn có thể đảm nhận tốt các vị trí sau khi tốt nghiệp tại các đơn vị như:

- Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty xây dựng;

- Các công ty tư vấn trong lĩnh vực xây dựng;

- Các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng;

- Các ngân hàng, các tổ chức tài chính và các quỹ đầu tư;

- Các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng;

- Các doanh nghiệp tự khởi nghiệp trong lĩnh vực xây dựng;

- Các Trường đại học, Viện nghiên cứu.

Với sự tăng trưởng vượt bậc của ngành xây dựng hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng luôn là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động xây dựng. Theo dự đoán của các chuyên gia trong khoảng 20 năm tới, nhu cầu xây dựng công trình cơ bản vẫn đang cấp thiết đối với đất nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy ngành Kinh tế xây dựng sẽ là một trong những ngành có nhu cầu nhân sự hàng đầu đối với các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án và các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng.

Tại Trường, thông qua các ngày hội việc làm cho sinh viên, các hội thảo chuyên đề, mỗi năm đều có trên 10 tổ chức, doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với Bộ môn Kinh tế Xây dựng để tìm kiếm nguồn nhân lực. Ngoài ra, đội ngũ giảng viên của Khoa Kinh tế vận tải, bộ môn Kinh tế Xây dựng luôn nỗ lực tạo ra những hoạt động ngoại khóa, kết nối doanh nghiệp chuyên ngành thuộc lĩnh vực kiểm toán, tư vấn đầu tư xây dựng, thi công…, và các cựu sinh viên, các chuyên gia trong ngành Kinh tế xây dựng để sinh viên hiểu biết nhiều hơn về thực tế sản xuất.

Từ những hoạt động trên, các bạn sinh viên có nhiều cơ hội giao lưu, tiếp cận với những cơ hội việc làm và theo thực tế, có những bạn sinh viên năm 3 đã được học việc, thực tập và tuyển dụng tại các doanh nghiệp, lĩnh vực chuyên môn phù hợp. Cụ thể, số lượng sinh viên được tuyển dụng ngay sau kỳ thực tập tốt nghiệp trên 30%; số lượng sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ trên 90% hàng năm.

Cấu trúc của chương trình đào tạo

Kiến thức giáo dục đại cương: 31 tín chỉ

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: 69 tín chỉ

Cơ sở ngành

Kiến thức chuyên ngành

Bắt buộc

Tự chọn

Thực tập và tốt nghiệp: 11 tín chỉ

Tổng số tín chỉ: 120 tín chỉ

Website KHOA KINH TẾ VẬN TẢI: https://kinhte.ut.edu.vn/

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/nganh-quan-ly-xay-dung-a45633.html