Ngày 6-12-1989: Hội Cựu chiến binh Việt Nam ra đời như thế nào?

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 6-12-2021 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế

Sự kiện trong nước

Ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Vậy, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được ra đời như thế nào?

Ban Thường vụ Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022.

Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng và kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cả nước có hơn 4 triệu cựu chiến binh, là những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Có những đồng chí từng tham gia các đội tự vệ Đỏ trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh năm 1930 - 1931, tham gia Đội du kích Bắc Sơn, du kích Nam Kỳ, Cứu quốc quân, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, du kích Ba Tơ…; nhiều đồng chí tham gia chiến đấu từ những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp; số đông trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế…

Xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của đông đảo cựu chiến binh Việt Nam, ngày 6-12-1989, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định cho thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Từ đó, ngày 6-12 hằng năm được lấy làm Ngày truyền thống của Hội.

Sự ra đời của Hội Cựu chiến binh Việt Nam là dấu mốc lịch sử quan trọng trong đời sống chính trị, tinh thần, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của lực lượng cựu chiến binh để tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương, phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ phục vụ sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước trong thời bình, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, gắn bó tình bạn chiến đấu…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ đại biểu Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trải qua 32 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cựu chiến binh Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, xây dựng Hội trong sạch, vững mạnh, tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Khẳng định vị thế của một tổ chức chính trị - xã hội, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của nhân dân; xây dựng nên truyền thống vẻ vang của Hội: Trung thành - Đoàn kết - Gương mẫu - Đổi mới.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Bản sắc Văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngày 6-12-2012: Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Lễ Giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10-3 (âm lịch) hằng năm.

Sự kiện quốc tế

Một số tờ báo Washington Post. Ảnh: AP

Ngày 6-12-1877, tờ Washington Post được thành lập và xuất bản số đầu tiên với 10.000 ấn bản. Như vậy, tính đến nay, tờ báo đã có 144 năm thành lập, là thương hiệu truyền thông lâu đời và là một trong những tờ báo hàng đầu có tầm ảnh hưởng và nguồn lực dồi dào nhất nước Mỹ.

Ngày 6-12-1897, London, Anh trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có các xe taxi được cấp phép.

Theo dấu chân Người

Ngày 6-12-1945, tại Nhà hát Lớn Thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ tuyên thệ ủng hộ Chính phủ của Hội Cựu binh sĩ Cứu quốc, và dự họp Hội đồng Chính phủ bàn về quy chế tài chính liên quan đến đường sắt Hải Phòng - Vân Nam, quy định bầu cử cho những người Cao Miên (Campuchia - BT) đã nhập quốc tịch Việt Nam.

Cùng ngày, Bác còn công bố thư gửi hai nhân vật Nguyễn Hải Thần và Vũ Hồng Khanh kêu gọi đoàn kết và đưa ra những đề nghị cụ thể:

“a) Xin mời các đồng chí Quốc dân đảng tham gia việc Tổng tuyển cử ở các nơi.

b) Xin cho chúng tôi biết những đồng chí ra ứng cử ấy muốn ứng cử ở nơi nào để cho tiện việc biên tên vào danh đơn ứng cử.

c) Các ông ấy được hoàn toàn tự do hoạt động ứng cử cũng như các đảng phái khác. Chúng tôi xin phụ trách bảo vệ và giúp đỡ các ông ấy.

d) Từ ngày nay cho đến ngày Quốc hội khai mạc, hai bên tôn thủ bản điều kiện đó cùng nhau ký tại ngày 24 tháng 11, tức là “không công kích nhau bằng lời nói và hành động" .

Văn kiện cho thấy thiện chí của Việt Minh nhưng phía Quốc dân đảng, ỷ vào thế lực của Trung Hoa Quốc dân đảng vẫn bất hợp tác để cuối cùng 72 đại biểu của tổ chức này được “mời” vào Quốc hội không qua bầu cử.

Ngày 6-12-1946 trên Báo Cứu Quốc đăng bài “Chiến đấu vì chính nghĩa” của Bác nhìn nhận thực tế: “Rõ ràng quân đội Pháp đã thẳng tay tiến công, bất chấp tín nghĩa. Đối với cuộc chiến đấu tự vệ của ta, quốc dân đã theo dõi từng ly từng tý, nhưng không khỏi hoang mang. Vậy đứng về phương diện chiến lược, chúng ta thử xét sau này tình thế sẽ biến chuyển ra sao”.

Bài báo phân tích chiến thuật phòng ngự được coi là phương cách để trừ diệt địch để đi đến nhận định: “Ngoài điều kiện nhân hòa, chúng ta còn có điều kiện địa lợi và thiên thời. Từ hang cùng ngõ hẻm, núi sâu rừng rậm, đâu đâu cũng là đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có dân Việt Nam ở... Có đủ ba điều kiện nhân hòa, địa lợi và thiên thời như trên, cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thành công”.

Tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953 - 1954), Quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 6-12-1953. Ảnh: Tư liệu

Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của Hồ Chủ tịch được tung bay trên nóc hầm Sở chỉ huy của Tướng Đờ Cátơri

ngày 7-5-1954. Ảnh: Tư liệu

Ngày 6-12-1953, Bác cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác đã chỉ thị cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Ngày 6-12-1958, đến thăm Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 14, Bác nhấn mạnh: “Phải làm cho tư tưởng chính trị của nhân dân ta chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, có như thế chúng ta mới phát huy được hết thuận lợi, khắc phục được mọi khó khăn, hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước ba năm và chuẩn bị tốt cho kế hoạch dài hạn về sau”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, 2010)

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời cũng là người sáng lập ra Quốc hội nước ta. Người đã dành nhiều tâm huyết để xây dựng bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. Trong tư tưởng của Người, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, là tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết của toàn dân, cho chí khí quật cường của dân tộc, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân cả nước…

Trong bài viết “Hội nghị đại biểu toàn quốc “bù nhìn” vạch trần thủ đoạn của thực dân cho thành lập tổ chức “Hội nghị đại biểu toàn quốc” của chính quyền Bảo Đại đăng trên Báo Nhân Dân ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: “Chỉ có Quốc hội ta là Quốc hội thực sự đem lại quyền lợi cho nhân dân”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bỏ lá phiếu đầu tiên bầu cử tại Hà Nội, năm 1960. Ảnh: Tư liệu

Lời khẳng định đanh thép của Người là một chân lý bất di, bất dịch, là nền tảng, làm cơ sở lý luận và là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, hoàn thiện một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩacủa nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây cũng là tư tưởng và quan điểm gần dân, quyền lực chính trị thuộc về nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân là cốt lõi và xuyên suốt trong thể chế Nhà nước ta từ khi thành lập đến nay.

Người luôn quan niệm, Nhà nước do dân tức là dân phải tham gia vào công việc của Nhà nước. Quốc hội nước ta tuy ở vị trí cao nhất song không phải là cơ quan tập trung tất cả quyền lực. Khi xuất hiện những công việc liên quan đến vận mệnh của quốc gia, thì sẽ được đưa ra toàn dân phúc quyết; Nhà nước vì dân, tức nhà nước ta ngoài lợi ích phục vụ dân chúng không có lợi ích nào khác. “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam” - đó là tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh.

Ngày 6-1-1946, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời sau cuộc tuyển cử đầu tiên trong cả nước (ảnh trái); Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Hội đồng Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt sau phiên họp đầu tiên, ngày 3-9-1945. Ảnh: Tư liệu

Và tư tưởng đó càng được thể hiện rõ qua việc, ngay sau khi tổ chức thành công Cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội đầu tiên (6-1-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương xây dựng và thông qua Hiến pháp năm 1946, đặt nền móng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Quá trình chỉ đạo xây dựng Hiến pháp và pháp luật, tổ chức và vận hành Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, bảo vệ quyền lợi của nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên thệ nhậm chức, "Vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân". Ảnh: VOV.VN

Vận dụng, phát huy những thành tựu vô giá của tư tưởng của Người về việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩacủa nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trong suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội Việt Nam không ngừng lớn mạnh, hoàn thiện cả về tổ chức, hoạt động, ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan nhà nước duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 34, ngày 6-12-1954 đưa tin “Hồ Chủ tịch đến thăm Hội nghị cán bộ Quân sự Trung Cao cấp tại Thủ đô. Tại Hội nghị, Bác động viên, khích lệ bộ đội: “Các chú về chỉnh huấn cho bộ đội, Bác với Trung ương đặt giải thưởng. Tất cả phải cố gắng. Nếu hai ba đơn vị xứng đáng thì thưởng hai ba đơn vị. Nếu 15 đơn vị xứng đáng thì thưởng 15 đơn vị. Các chú cần thi đua làm cho được”.

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 34, ngày 6-12-1954.

ĐOÀN TRUNG (Tổng hợp)

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/ngay-6-12-la-ngay-gi-a45356.html