Quy định 144-QĐ/TW: Những điểm mới xuất phát từ thực tiễn, rất kịp thời

Chú thích ảnh

Theo ông Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Sử học Đồng Nai, những nội dung trong Quy định 144 đã được thể hiện một cách khái quát trong Điều lệ Đảng về phẩm chất chính trị, trách nhiệm của Đảng viên. Ngoài ra, trong từng tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước đều xây dựng quy chế hoạt động; Đảng cũng có quy định rất chi tiết và cụ thể về 19 điều Đảng viên không được làm.

Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 là cần thiết, kịp thời, xuất phát từ thực tiễn xã hội, đặc biệt từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình đổi mới, đã xuất hiện hiện tượng cán bộ, đảng viên, đặc biệt những đảng viên giữ cương vị lãnh đạo không giữ được đạo đức và văn hóa, phẩm chất chính trị, sa vào lối sống thực dụng, ham mê quyền lợi vật chất. Những tiêu cực, vi phạm lớn được phát hiện trong lĩnh vực kinh tế đều có sự móc nối giữa doanh nghiệp với những đảng viên thực hiện quyền lực chính trị. Tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm và có khi trục lợi cả chính sách đã ảnh hưởng xấu đến đường lối, chủ trương và uy tín của Đảng, Nhà nước. Thực tiễn đó đòi hỏi Đảng phải có một quy định rõ ràng, cụ thể về vai trò, trách nhiệm, những việc được làm, không được làm, nhằm kiểm soát quyền lực của đảng viên (chủ yếu là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo).

Quy định 144 còn góp thêm một nội dung cần thiết để thực hiện việc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay nhắc đó là chống “diễn biến tư tưởng” bằng những hành vi cụ thể, "nhốt quyền lực trong lòng thể chế", phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong Đảng, Nhà nước.

Ông Trần Quang Toại cho rằng, 5 điều quy định trong Quy định 144 là 5 yếu tố căn bản thể hiện bản chất của tổ chức Đảng và đảng viên phải có, thể hiện bản lĩnh chính trị và đạo đức đảng viên. Bản lĩnh chính trị của tổ chức Đảng được thể hiện qua bản lĩnh chính trị của từng đảng viên, đặc biệt đảng viên là người lãnh đạo, làm gương cho các đảng viên khác. Có thể nói Quy định 144 là “bảo bối” gối đầu giường cho đảng viên ở bất kỳ cương vị nào.

Tổ chức Đảng mạnh chính là nhờ có tập thể đảng viên vững vàng về lập trường chính trị, thống nhất về quan điểm, mục tiêu đường lối của Đảng. Điều này thể hiện bằng việc từng đảng viên phải gương mẫu, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân; không vụ lợi cho bản thân, gia đình, người thân; không lợi dụng chức quyền để móc ngoặc làm lợi cho mình; không tham nhũng, làm trái bất chấp hậu quả chính trị cũng như quy chuẩn đạo đức cộng đồng. Đồng thời đảng viên phải biết lắng nghe, sửa sai, biết thực hiện “văn hóa chính trị” từ chức khi thấy việc làm của mình ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, gây mất lòng tin trong nhân dân. Có thể coi đây là điểm mới để khẳng định “Đảng ta là đạo đức, Đảng ta là văn minh”.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước triển khai sâu rộng việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần đi vào thực chất, tránh hình thức, học cho có để báo cáo trong sinh hoạt, trong tổng kết phân loại đảng viên. Chủ tịch Hội Sử học Đồng Nai nhận định, những điều trong Quy định 144 chính là sự cụ thể hóa việc học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đặc biệt về “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, "nói phải đi đôi với làm". Ông cha ta thường dạy trước khi nói phải uốn lưỡi 7 lần là thế. Lời nói, lời hứa vượt ra ngoài khả năng thực hiện trong điều kiện khách quan và chủ quan chưa đáp ứng được, vượt ra ngoài khả năng quyền lực của mình thì đừng. Bởi khi đã hứa nhưng không làm được sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, làm sa sút niềm tin của nhân dân.

Những điều nêu trong Quy định 144 có thể nói là cơ sở để chuẩn bị cho nhân sự tại Đại hội Đảng các cấp sắp tới. Công tác nhân sự phải hết sức cẩn trọng, chọn người vừa có đức vừa có tâm và tài. Theo ông Trần Quang Toại, việc chọn người bầu vào Ban Chấp hành các cấp là việc nội bộ của Đảng, nhưng để thực hiện tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh, ngoài thực hiện công khai dân chủ trong nội bộ Đảng, cũng nên thăm dò ý kiến nhân dân thông qua tổ chức Mặt trận và các đoàn thể chính trị để đánh giá đúng người, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói “Hỏi nhân dân là biết hết”.

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/co-ay-la-dan-ong-a43588.html