Quyền bình đẳng về tuyển dụng, đào tạo, thăng tiến cho lao động nữ

Bất bình đẳng giới

Quy mô dân số liên tục tăng trong các năm qua, cùng với lợi thế cơ cấu dân số vàng đã cung cấp nguồn nhân lực vô cùng lớn cho thị trường lao động tại Việt Nam, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam cao nhất trong khu vực Đông Nam Á với mức 76,8%, độ tuổi từ 25-49 tuổi tham gia vào lực lượng lao động rất cao từ 95,2%-96,7%. Trong đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở phụ nữ là 76,8% cũng là tỷ lệ khá cao có thể bị hiểu nhầm là một chỉ báo về mức độ bất bình đẳng giới tương đối thấp trong tham gia lực lượng lao động khi tỷ lệ này ở nam giới cũng chỉ ở mức 81,9%. Tuy nhiên, nhìn sâu hơn thì điều đó lại gây ra “gánh nặng kép” một cách không tương xứng và phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng có tính chất dai dẳng do vị thế việc làm có sự khác biệt tương đối rõ ràng giữa nam và nữ và bất bình đẳng công việc không được trả công trong lao động gia đình.

Theo một nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, trong các vùng kinh tế, sự chênh lệch giữa tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2019 ở nam và nữ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 66,1%, nam là 83,8% (chênh lệch 17,7 điểm phần trăm), tiếp đến là Đông Nam Bộ có tỷ lên tương ứng là 64,2% và 79,1% (chênh lệch 14,9 điểm phần trăm), vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền trung có 75,2% và 83,3% (chênh lệch 8,1 điểm phần trăm), Tây Nguyên 80,3% và 87,7% (chênh lệch 7,4 điểm phần trăm), Đồng bằng Sông Hồng 70,8% và 76,8% (chênh lệch 6 điểm phần trăm), Trung du và miền núi phía Bắc có mức chênh lệch thấp nhất cả nước là 3,5 điểm phần trăm khi các tỷ lệ tương ứng lần lượt là 84,5% và 88%.

Số liệu về vị thế việc làm cho thấy những bất lợi đáng kể của phụ nữ khi tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận và làm công việc ổn định thấp hơn nam giới. Xem xét số liệu về cơ cấu lao động trong nền kinh tế theo vị thế làm việc cho thấy chỉ 43% phụ nữ có việc làm là lao động làm công ăn lương, so với 51,4% nam giới có việc làm. Trong khi lao động gia đình không được trả công ở nam giới là 9,2%, con số này ở nữ giới cao gấp hơn 2 lần, 19,4% trong năm 2019. Tỷ lệ nữ làm công ăn lương tăng từ 37,9% trong năm 2017 lên 43% trong năm 2019, số liệu này cho thấy tính khả thi của mục tiêu đề ra tại chỉ tiêu 1, mục tiêu 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra “tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030”. Chỉ tiêu 2 mục tiêu 2 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cũng đề ra “Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030”. Hiện tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần nhưng vẫn chiếm đến 35,9% ở nữ giới và 33,2% ở nam giới trong năm 2019.

Lao động nữ cần được quan tâm nhiều hơn nữa - Ảnh: TL

Bất bình đẳng giới còn được thể hiện trong sự khác biệt về tiếp cận giáo dục và đào tạo nói chung và lao động đang là việc đã qua đào tạo nói riêng. Nguồn lao động dồi dào và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao nhưng chỉ hơn 1/5 số lao động có việc làm đã qua đào tạo (22,6% năm 2019) và có sự khác biệt rõ rệ giữa nam giới và nữ giới khi cứ 4 lao động nam có việc làm thì có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 25%), ở nữ giới thì cứ 5 lao động có việc làm thì mới có 1 người đã qua đào tạo (tỷ lệ 20%). Tỷ lệ này đặc biệt thấp với lao động nữ thuộc khu vực nông thôn (chỉ đạt 12,3% năm 2019) chỉ bằng gần 1/3 tỷ lệ của khu vực thành thị (36,3%).

Như vậy, có thể nói dù đã có nhiều tiến bộ trong bình đẳng giới. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới trong lao động và tiếp cận việc làm ở nước ta vẫn còn và có sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng kinh tế - xã hội. Điều này đòi hỏi sự cố gắng nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành trong thu hẹp dần khoảng cách bất bình đẳng này.

2. Những quy định của pháp luật

CAO THANH LOAN (tổng hợp)

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/cong-dan-duoc-tu-do-tim-kiem-viec-lam-la-thuc-hien-quyen-binh-dang-trong-linh-vuc-a41730.html