Bạn có biết, vị the mát của bạc hà là do menthol mang lại. Không chỉ mang lại cảm giác khoan khoái cho người dùng, methol còn có nhiều những giá trị về sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết sau đây nhé!
Menthol là một hợp chất hữu cơ, được tổng hợp nhân tạo hoặc điều chế từ tinh dầu tự nhiên của cây bạc hà. Trên thế giới, có nhiều loài bạc hà khác nhau, tuy nhiên methol được thu từ tinh dầu của cây như Mentha piperita, Mentha x piperita,…
Trong đó, menthol tự nhiên được thu bằng cách đông lạnh tinh dầu bạc hà (peppermint). Sau khi đông lạnh, các tinh thể menthol được tách ra bằng phương pháp lọc.
Ở nhiệt độ thường, menthol ở dạng rắn kết tinh, có màu trong hoặc trắng. Nó không tan trong nước, nhưng dễ bay hơi ở nhiệt độ phòng và có mùi thơm đặc trưng của bạc hà.
Menthol là chất tạo ra cảm giác mát lạnh thông qua kênh TRPM8, nhờ đó nó giảm sự chú ý của ta khỏi cơn đau và những kích thích khác. Cơ chế giảm đau của menthol bước đầu được tìm thấy trong một số nghiên cứu về tác động của menthol đối với kênh Na+. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã nhận ra tinh dầu bạc hà có khả năng ức chế kênh Na+ phụ thuộc vào nồng độ, điện áp và tần số. Nhờ đó, họ đã kết luận rằng tinh dầu bạc hà là chất ức chế chọn lọc kênh Na+, nó hoạt động như một chất giảm đau tại chỗ.[1]
Ở một nghiên cứu khác trên chuột về tác dụng của menthol đối với kênh canxi, người ta đã chứng minh được menthol có khả năng ức chế kênh Ca2+, giúp làm giãn cơ trơn từ đó có tác dụng giảm đau. [2]
Đó là lí do vì sao, ngày nay bạn có thể thấy menthol được dùng nhiều trong các chế phẩm bôi để trị đau nhức nhẹ. Ví dụ như bong gân, chuột rút, đau đầu. Nó có thể dùng một mình hoặc kết hợp với các hóa chất như long não, khuynh diệp, capsaicin,…
Menthol có khả năng tốt trong việc chống lại các liên cầu và lactobacilli. Vì vậy, nó được sử dụng rộng rãi trong các chế phẩm răng miệng như một chất kháng khuẩn tại chỗ.
Đó là lí do vì sao trong bản thành phần các chế phẩm như nước súc miệng, kem đánh răng, kẹo singum,… đều có mặt menthol.
Trong nghiên cứu giai đoạn I về đánh giá khả năng dung nạp và hiệu quả sơ bộ của menthol trong nội soi đường tiêu hóa trên, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên những tình nguyện viên người Nhật, có sức khỏe tốt. Sau khi phun trực tiếp menthol lên niêm mạc dạ dày, họ đã ghi nhận một số kết quả khả quan về khả năng chống co thắt.
Và khi so sánh với các thuốc chống co thắt khác như hyoscine-N-butylbromide và glucagon, thì menthol có ít tác dụng phụ hơn.
Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu nhưng menthol hoạt chất tiềm năng để giảm nhu động ruột khi nội soi dạ dày. [3]
Theo một nghiên cứu về khả năng làm lành vết thương trên da của menthol, các nhà khoa học đã tìm ra một số cơ chế chữa lành của menthol. Trong đó, họ phát hiện menthol có khả năng chống viêm và giúp tăng sinh tế bào. Nhờ đó, nó làm tăng tốc độ lành lại của các vết thương.[4]
Tuy nhiên, nghiên cứu này vẫn đang ở giai đoạn đầu để đưa menthol trở thành hoạt chất được ứng dụng trong việc chữa lành các vết thương.
Khi dùng menthol bạn cần các lưu ý sau để sử dụng nó an toàn và hiệu quả hơn:
- FDA khuyến cáo chỉ nên dùng sản phẩm chứa menthol theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Tinh dầu bạc hà không được uống. Khi uống một số tác dụng phụ có thể xảy ra như ợ chua, nôn, buồn nôn.
- Cẩn thận khi dùng sản phẩm chứa menthol cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em.
- Tinh dầu bạc hà khi sử dụng cần được pha loãng bằng một loại dầu khác. Chỉ sử dụng một vài giọt cho mỗi lần dùng tinh dầu bạc hà.
- Trong một số trường hợp có thể xảy ra kích ứng và phát ban khi dùng tinh dầu bạc hà. Vì vậy, để an toàn bạn nên thử dùng chúng với một lượng nhỏ trên da trước khi dùng ở vùng da rộng hơn.
- Ngừng sử dụng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay nếu bạn bị đau, sưng, phồng rộp chỗ bôi thuốc hoặc cảm giác châm chích, mẩn đỏ do kích ứng sau khi sử dụng thuốc.
Những thông tin ở bài viết trên chắc chắn đã giúp bạn hiểu hơn về menthol cũng như những tác dụng mà nó mang lại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, với những lưu ý đã nêu ở trên, hy vọng bạn sẽ dùng menthol an toàn và hiệu quả hơn.
Nguồn: Wikipedia, drugs.com, Healthline
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/methol-a41640.html