Nếu là một người yêu thích du lịch và muốn hoà quyện vào khung cảnh thiên nhiên thì tháng 3 được xem là thời điểm thích hợp để đi du lịch và check in giữa những cánh đồng hoa đang nở rộ.
Hoa Hướng dương
Hoa hướng Dương được bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp về một tình yêu thủy chung của một nàng tiên cá đem hết tình cảm của mình dành cho vị thần mặt trời nhưng không nhận được sự hồi đáp. Nàng tiên cá vẫn ngày ngày, tháng tháng dõi theo và mong chờ tình cảm từ thần mặt trời dù vị thần mặt trời vẫn hững hờ.
Chính vì những tình cảm chân thành đó mà các vị thần khác đã dùng phép thuật hóa nàng tiên cá thành một loài hoa luôn hướng về phía mắt trời và từ đó loài hoa mang sắc vàng rực rỡ luôn hướng về phía mặt trời có tên là hoa hướng dương.
Nếu ở Trung Quốc hoa hướng dương mang ý nghĩa cho sự trường thọ thì ở các nước châu u mang ý nghĩa cho kiên định, bền vững và ở những nước Nam Mỹ hoa hướng dương mang biểu tượng cho sự thiêng liêng, thờ phụng.
Nếu trang trí hoa hướng dương trong nhà thì biểu trưng cho sự ấm áp, sung túc và thoải mái. Đồng thời hoa hướng dương sẽ giúp không khí nhà bạn tươi tắn và vui vẻ hơn. Ngoài ra, hoa hướng dương còn đại diện cho một tình yêu thủy chung và sắc son.
Hoa hướng dương còn được biết là mang ý nghĩa cho tình bạn ấm áp, chân thành giữa bạn bè và sự trung thành, kiên định giữa các mối quan hệ trong công việc.
Hướng dương thường được trồng theo dạng cánh đồng hoa để thu hoạch hạt hoặc làm địa điểm check in cho du khách. Thường một số tỉnh thành trồng nhiều loại hoa này như Lâm Đồng, TP. HCM, Nghệ An...
Đặc biệt ở TP.HCM, hướng dương cũng được trồng khá nhiều ở một số quận ngoại ô như Thủ Đức, Quận 12.
Tại Nghệ An, cánh đồng hoa nằm gần đường mòn Hồ Chí Minh, qua huyện Nghĩa Đàn. Từ Vinh, bạn đi theo quốc lộ 1A, tới ngã ba Yên Lý rẽ trái, lên đường mòn rẽ phải, chạy thẳng là tới. Tại Lâm Đồng, từ thành phố Đà Lạt, đi hết đoạn đường đèo Prenn về hướng Đức Trọng, qua ngã ba Fi Nôm sẽ thấy bên trái có cổng chào thôn văn hóa Bồng Lai cách quốc lộ 400 m. Bạn chạy thẳng tiếp khoảng 2-3 km nữa sẽ đến cổng Tu Tra, sau đó khoảng 5 km nữa là thấy cánh đồng hoa hướng dương.
Hoa Phượng tím
Phượng tím là một trong những loại hoa đặc trưng ở thành phố cao nguyên Đà Lạt, nơi mà cây phượng tím đầu tiên được trồng vào những năm của thập niên 60. Cây được trồng quanh hồ Xuân Hương, lối vào chợ Đà Lạt, trong thung lũng Tình yêu, công viên hoa Đà Lạt, Thiền viện Trúc Lâm, đường Hai Bà Trưng, Trần Phú… Địa điểm được nhiều người “săn hoa” tìm đến nhất là cây phượng cổ thụ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Một trải nghiệm không nên bỏ qua là ngắm loài hoa này từ các quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh, song song đường Nguyễn Thị Minh Khai. Nếu đi Đà Lạt dịp cuối tuần, bạn nên đặt trước phòng vì lượng khách thường tăng cao.
Phượng tím mang vẻ đẹp quyến rũ, ngọt ngào, phù hợp cho những lứa đôi yêu nhau. Khu vực trồng nhiều nhất có thể kể đến là hồ Xuân Hương, thung lũng Tình Yêu, vườn hoa Đà Lạt, thiền viện Trúc Lâm và ven đường Hai Bà Trưng, đường Trần Phú. Vậy nên, đừng bỏ lỡ mùa hoa này vào tháng 3.
Sắc màu tím thơ mộng của cây phượng tím thể hiện sự chung thủy trong tình yêu, sự thân thiết trong tình bạn và mối quan hệ khăng khít giữa người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, phượng tím còn được trồng tại nhiều công trình, tòa nhà để làm tăng thêm tính thẩm mỹ và mở rộng tài lộ.
Cây phượng tím là loài cây thân gỗ có chiều cao tương tự như phượng đỏ từ 15 - 20m. Các nhánh và cành cây có xu hướng xòe rộng ra với chiều dài có thể đạt tới 7m.
Hoa của cây phượng tím mọc thành từng chùm, mỗi bông hoa nở ra có hình dạng giống như chiếc chuông dài khoảng 3 - 5cm và tàn sau khoảng 5 ngày. Hoa bắt đầu nở vào mùa đông và kéo dài cho đến hết mùa xuân.
Hoa sưa
Hoa sưa trắng còn có tên gọi khác là trắc thối, huê mộc vàng, sưa bắc bộ,... Ở một số nơi, người dân còn gọi là sưa hoa trắng hoặc cái tên sang trọng khác là hoàng hoa lệ, hoàng hoa lý.
Cây này là loài cây họ đậu được trồng để lấy gỗ có danh pháp là Dalbergia Tonkinensis. Bạn sẽ dễ bắt gặp loài cây này ở Việt Nam, một số nơi ở Hải Nam, Trung Quốc. Cây đã xuất hiện từ thời xa xưa trong những khu rừng nhiệt đới và còn sống đến tận hôm nay.
Cây hoa sưa ưa ánh sáng, đất dày, sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ ở nơi có độ ẩm cao. Cây lớn rất nhanh, cho nhiều hoa cùng với hương thơm ngào ngạt. Thân cây được dùng để làm nhiều vật dụng, nội thất, giúp người dân cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình.
Những hàng sưa luôn là khung cảnh quen thuộc của phố phường Hà Nội, đặc biệt là ở phố Trần Hưng Đạo, Thanh Niên, hồ Giảng Võ hay công viên Thống Nhất. Hoa sưa mang vẻ đẹp thanh khiết, bình yên. Nhiều bạn trẻ yêu thích dạo dưới những hàng hoa sưa và lưu lại những khoảnh khắc đẹp.
Hoa sưa thường nở thành từng chùm trắng muốt, nhưng chóng tàn, để lộ lộc non khi những hạt mưa xuân bắt đầu rơi xuống. Một lưu ý cho du khách muốn ngắm hay chụp là cần canh thời điểm hoa nở đúng độ để có thể chiêm ngưỡng khung cảnh cả cây phủ trắng như tuyết, vì chỉ cần qua một đêm mưa là hoa tàn hết. Cây sưa được các nhiếp ảnh gia ưu ái nằm ở ngã 5 gần Bộ Ngoại giao. Bạn cũng cần chuẩn bị sẵn ống zoom vì cây lớn, hoa nở rộ trên cao.
Hoa gạo
Tự nhiên thật ưu ái khi ban tặng cho tháng Ba rất nhiều loại hoa đẹp như vậy: Hoa bưởi thơm lừng một góc vườn quê, hoa xoan tím báo hiệu cuối xuân, hoa ban trắng được mệnh danh là nàng thơ núi rừng Tây Bắc, hoa cà phê gọi tên Tây Nguyên, hoa phượng tím nhắc về Đà Lạt mộng mơ... Giữa muôn ngàn hoa đua sắc tỏa hương, có một loài hoa bình dị bung đỏ một góc trời nhưng lại trở thành nỗi nhớ trong kí ức nhiều người - đó chính là hoa gạo.
Hoa gạo còn có tên gọi rất đẹp là hoa mộc miên (ở miền Bắc) và hoa Pơ-lang (Tây Nguyên). Chỉ nghe cái tên thôi đã gợi đến hình ảnh về một người con gái đẹp. Sự tích về loài hoa này cũng gắn với một cô gái thủy chung, son sắt. Vì vậy mà màu đỏ rực của năm cánh hoa mang ý nghĩa tượng trưng về lời hẹn thề tình yêu sắt son.
Cứ mỗi độ tháng Ba về, đi qua mỗi miền quê Việt Nam, sẽ thấy thấp thoáng bóng cây gạo đầu làng bung nở sắc đỏ giữa mây trời. Và bóng những người bà, người mẹ gánh hàng đi chợ hòa vào màu đỏ đó, tan dần vào trong kí ức những đứa con. Để mỗi khi nhìn hoa gạo nở, lại bồi hồi nhớ gánh quà quê của bà, của mẹ năm nào.
Cũng độ tháng Ba, bên cái nắng hanh hao đầu mùa sẽ còn rớt lại đợt rét cuối cùng - rét nàng Bân. Người con gái ấy gửi tất cả tình yêu thương chồng vào may chiếc áo rét, khiến trời đất cảm động mà tạo nên đợt rét cuối mùa này.
Hoa gạo là một trong những loại hoa đặc trưng của những vùng đồng bằng phía Bắc, quen thuộc như hình ảnh người nông dân cấy lúa trên những cánh đồng hoặc phía trước cổng làng. Vẻ đẹp của hoa gạo luôn là một lý do tuyệt vời để du khách tìm đến mùa này.
Hoa gạo có màu đỏ, thường nở rực rỡ vào tháng 3. Nhiều du khách thường ghé thăm chùa Hương và tranh thủ check in dưới tán cây hoa gạo đang độ nở rộ.
Hoa cà phê
Hoa cà phê chỉ nở rộ trong thời gian ngắn vì thế không phải ai cũng có cơ hội để ngắm nhìn chúng trước khi biến đổi thành hạt cà phê. Pleiku và Buôn Ma Thuột là hai thủ phủ cà phê của vùng Tây Nguyên, nơi mà khách du lịch có thể đắm mình vào các rẫy hoa cà phê trắng vào tháng 3 mỗi năm.
Từ tháng 2 đến cuối tháng 4, trên vùng đất đỏ bazan của mảnh đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của cả nước nói riêng phủ một màu "tuyết trắng" tinh khôi của hoa cà phê. Đến Tây Nguyên dịp này, du khách sẽ ngỡ ngàng, thích thú bởi vẻ đẹp tinh khiết của hoa cà phê bung nở trắng xóa khắp núi đồi với mùi hương ngọt ngào, hấp dẫn...
Hoa bưởi
Thường là vào tháng 3, hoa bưởi sẽ theo xe đạp xuống phố phường Hà Nội để đem hương bưởi đến mọi nhà. Hoa bưởi có thể dùng làm tinh dầu hoa bưởi hay ép thành nước uống.
Ngoài ra, hương hoa bưởi khá dễ chịu, được nhiều du khách yêu thích. Đến mùa này, nhiều người thường cầm những nhành hoa bưởi chụp ảnh để làm kỷ niệm.
Cây bưởi ấy lặng lẽ nơi góc vườn. Thường ngày, nó chỉ được nhắc đến mỗi khi mẹ cần lá bưởi để xông, chị gái cần lá bưởi để gọi đầu, hay gai bưởi để khêu ốc.
Nhưng cuối tháng 2, đầu tháng 3 (dương lịch), khi tháng Giêng vừa đi qua, thì cây bưởi già nua ấy dường như trẻ lại, lá xanh mỡ màng vươn lên trong mưa xuân lất phất.
Không biết đã ấp ủ từ khi nào mà gần như chỉ trong vài đêm, những đầu cành bắt đầu đơm nụ. Ban đầu nhỏ li ti, rồi lớn nhanh như thổi, chỉ ít ngày đã lấp ló màu trắng tinh sau lớp “áo” xanh.
Rồi khi những cơn mưa ẩm ướt giăng mắc như tơ trời xuất hiện nhiều hơn thì hoa bưởi đua nhau nở. Cánh trắng nhụy vàng, hương thơm thuần khiết, e ấp, nhẹ nhàng mà lan khắp vườn.
Hoa tam giác mạch
Hoa tam giác mạch là hình ảnh đặc trưng gắn liền với các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là Hà Giang. Tuy nhiên nếu vào giữa mùa xuân thì không cần lên Hà Giang mà vẫn có những cánh đồng hoa lúa mạch nở rộ thú vị ở Mộc Châu và Đà Lạt. Các cánh đồng ở Đà Lạt, gần chợ trung tâm, đều miễn phí cho khách tham quan.
Vào mùa, sắc hồng của loài hoa tam giác mạch trải dài thành các cánh đồng, chênh vênh trên những phiến đá tai mèo, sau những ngôi làng cổ tại Hà Giang. Những bông hoa li ti khiến khung cảnh núi rừng vừa kỳ vĩ, vừa thơ mộng.
Màu hoa tam giác mạch lúc mới nở chủ yếu là trắng, hồng phớt. Sau đó, khi nhiệt độ thấp hơn và không khí lạnh bao trùm, hoa sẽ có sắc chủ đạo là tím, hồng đậm.
Trước đây, hoa tam giác mạch chủ yếu được trồng để lấy hạt, làm bánh ăn dự trữ chống đói cho người dân vào mùa giáp hạt. Đây còn là một vị thuốc Đông y, kiều mạch có vị chát, hơi the, tính bình, có tác dụng lợi thấp, tiêu thủng, thanh nhiệt giải độc.
Nhờ sự phát triển của du lịch, loài hoa đẹp này được du khách biết tới nhiều hơn. Ngày nay, để phục vụ nhu cầu của khách du lịch, người dân Hà Giang trồng hoa gối vụ kéo dài từ đầu mùa thu đến hết mùa đông. Vì thế, du khách có thể ngắm hoa ở nhiều thời điểm hơn, không chỉ dịp lễ hội.
Châu An tổng hợp
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/hoa-thang-3-a41355.html