(TP HCM) - Ông Bảo, 68 tuổi, bị tắc cứng mạch vành phải khiến bác sĩ khó luồn dây dẫn đặt stent, phải can thiệp “ngược dòng” xuyên vách tim để tái thông mạch máu.
Ông Bảo tiền sử tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, hơn 30 năm qua mỗi ngày hút gần một gói thuốc lá. Cuối tháng 12/2023, ông hụt hơi, tức ngực khi lên cầu thang. Chụp CT mạch vành ghi nhận hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành, trong đó nặng nhất là tắc đoạn mạch vành phải dài 5 cm.
Ngày 23/1, ThS.BS.CKII Võ Anh Minh, Trưởng đơn vị Can thiệp Mạch vành, Trung tâm Can thiệp mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết chỗ tắc của bệnh nhân ở động mạch vành phải có lỗ vào cứng và bị phủ kín, đường đi gập góc và tắc hoàn toàn đoạn dài 5cm nên không thể bơm cản quang, không định vị được đường đi của dây dẫn. Tình trạng này làm tăng nguy cơ dây dẫn “lạc hướng” gây thủng mạch vành, tràn máu màng tim, rối loạn nhịp, khiến bệnh nhân có nguy cơ ngưng tim trong lúc can thiệp.
“Xác suất thành công của ca can thiệp cho bệnh nhân này không quá 50%”, bác sĩ Minh nói, thêm rằng ê kíp vẫn nỗ lực tìm phương án xử trí tốt nhất cho bệnh nhân.
Ê kíp quyết định chụp mạch vành xuôi dòng (từ động mạch vành phải chụp xuống) và ngược dòng (từ động mạch vành trái chụp qua), nhờ đó quan sát được dòng máu nuôi tim từ hai hướng để tính toán cách tiếp cận đoạn mạch tắc.
Tiếp đến, bác sĩ luồn ống thông xuôi dòng qua động mạch vành phải đến chỗ tắc. Sau đó, luồn dây dẫn đi ngược dòng từ mạch vành trái xuyên qua vách tim, các nhánh mạch máu nhỏ nuôi tim để đến đoạn mạch tắc. Từ đây, bác sĩ dùng hai sợi dây dẫn cứng, chuyên dụng đâm xuyên chỗ tắc từ hai hướng, mở đường cho quá trình nong bóng và đặt stent tái thông mạch vành.
Sau hơn một giờ, thủ thuật kết thúc thành công. Ba stent đường kính lớn (3 mm, 3,5 mm và 4 mm) được đặt vào đoạn mạch vành phải tắc nghẽn, khơi thông dòng máu nuôi cơ tim. Nhờ kỹ thuật luồn ống thông qua đường động mạch quay ở cổ tay hai bên, bệnh nhân đi lại sau can thiệp hai giờ. Bệnh nhân hết triệu chứng tức ngực, khó thở, xuất viện sau một ngày.
Bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim) là dạng bệnh tim mạch phổ biến nhất ở người lớn, một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh chia thành hai thể là hội chứng động mạch vành cấp và bệnh động mạch vành mạn.
Hội chứng động mạch vành cấp gồm cơn đau thắt ngực không ổn định, xảy ra do động mạch vành hẹp nghẽn nặng và nhồi máu cơ tim cấp. Triệu chứng đau thắt ngực hoặc khó thở xảy ra đột ngột, mức độ nặng, kéo dài trên 15 phút có thể kèm theo buồn nôn, vã mồ hôi, hoảng loạn, ngộp thở. Người bệnh cần đến bệnh viện sớm.
Ngược lại, bệnh mạch vành mạn xảy ra âm thầm và tiến triển trong nhiều thập kỷ. Biểu hiện của bệnh xuất hiện, tăng dần khi diễn tiến hẹp mạch vành nặng lên theo thời gian. Trường hợp ông Bảo có 3/4 yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh mạch vành (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá), bệnh nặng dần và bộc lộ triệu chứng khi một đoạn mạch dài bị tắc.
Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, người bệnh dùng thuốc điều trị và thay đổi lối sống làm chậm tiến triển bệnh. Lần này, sau phẫu thuật, bác sĩ khuyến cáo ông Bảo phải ngưng thuốc lá, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng vừa phải, có chế độ ăn tốt cho tim mạch, hạn chế uống rượu bia, điều trị bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Để phòng tránh bệnh mạch vành, mỗi người, kể cả người trẻ 20-30 tuổi, cần ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, duy trì cân nặng trong giới hạn cho phép (BMI nhỏ hơn 23), tập luyện thường xuyên, khám sức khỏe tim mạch 6 tháng một lần để tầm soát sớm.
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/thong-tam-mach-a39209.html