Những thứ thuộc về mùa đông Hà Nội

Đặc trưng riêng biệt

Nếu như năm 1947, nhà văn Nguyễn Tuân phải cảm thán sự ngột ngạt của gió Lào đến nỗi: “Áp lực không khí đè mình xuống, cấu nghẹt cuống hô hấp. Khí trời ong óng, khí người ráo kiệt. Chao ôi còn thứ giống đực giống cái nào dám nghĩ đến nhau lúc gió Lào đang về này!” thì cái rét mùa đông Hà Nội ùa về chỉ mấy ngày cũng vậy.

Gió lạnh khiến người ta phải ghê sợ, nhất là với những người lao công ngoài đường đang cần mẫn làm cho thành phố xanh - sạch - đẹp. Họ túm tụm nhau lại, cùng hơ bàn tay nứt nẻ trên bếp lửa nhóm tạm trên đường.

Ấy thế mà thời tiết mùa đông Hà Nội lại khiến bao người thèm thuồng. Từ trong gió rét là những khoảng nắng ấm áp ngân lên qua từng ngọn cây giữa phố xá thanh tao. Là chút hương thơm với gió lạnh thổi ngang, mùa đông vàng như khoai mật, hong khô Hà Nội, hong khô cả tâm hồn của ai đó khiến cảnh vật bừng lên sức sống.

Thoáng chút gió heo may là những tia nắng ấm áp ngân lên qua từng ngọn cây giữa phố xá thanh tao, chẳng lẫn đi đâu được là mùa đông Hà Nội.

Mấy năm gần đây, mùa đông lại có cả những ngày nắng chẳng khác gì mùa hè cho thấy sự biến đổi khí hậu thực sự cấp bách. Cũng có hôm trời đổ mưa phùn lâm thâm kéo nồm về mấy hôm đi kèm với sương.

Sáng sớm, sương giăng giăng khắp mặt Hồ Tây, choàng lên vai phố như chiếc khăn voan cô dâu khiến ai cũng thích thú ngắm nhìn. Cứ thế Hà Nội đi hết mùa đông…

Những món ăn thuộc về mùa đông Hà Nội

Không giống những đàn chim xếp hình mũi tên bay về phương Nam tránh rét, mùa đông Hà Nội khiến chúng ta đi tìm những hơi ấm nồng nàn và cả những món ăn không thể bỏ qua khi mùa đông tới.

Với tôi, mùa đông là phở, là bánh trôi tàu, là bún riêu cua, bún mọc… Nhưng phải thừa nhận rằng, giữa tiết trời đông lạnh giá được thưởng thức món ăn nghi ngút khói chính là cảm giác hạnh phúc.

Người ta vẫn thường đố nhau khi mùa đông đến: “Con gì bé tí tì ti? Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời. Một năm mấy bận đi chơi. Đi thì lở đất long trời mới yên”. Đó là con rươi, chỉ có rươi mới làm cả một thành phố náo loạn như vậy.

Cứ đến tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm là các cô, các bà lại quang gánh đi từ vùng nước nợ Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương mang rươi vào phố. Các cô đi trong dáng tất tả ngược xuôi, thoăn thoắt đôi bàn tay bán vèo một cái là hết.

Khi bắt đầu trở gió heo may của mùa đông thì nhiều con phố đã thấy xuất hiện tiếng rao: “Ai mua rươi… ra mua…”. Ấy đích thị là mấy bà, mấy chị hàng rươi đi bán dạo.

Đi cùng với rươi là vỏ quýt hăng hăng, thì là và rau mùi thơm được chế biến khéo léo hòa quyện tạo ra một món ăn mà cứ hễ đến mùa đông thì ai ai cũng phải rủ nhau đi ăn cho bằng được. Để lỡ mùa rươi thì lại phải xuýt xoa tiếc hùi hụi, đến mùa rươi năm sau cũng chẳng hết tiếc.

Cũng có một món ăn khác được bán quanh năm nhưng phải đúng tiết trời mưa lất phất, đến mùa đông của Hà Nội thưởng thức mới thấm được hết tinh túy của món ăn, đó là chả cá. Không phải là món ăn lay động đất trời nhưng lại khiến cả một con phố thay tên đổi họ.

Đầu thế kỷ XX trên phố Hàng Sơn có nhà trung lưu họ Đoàn (số 14 Hàng Sơn) bán món cá được chế biến đem nấu thành chả, mùi vị thơm ngon trước cửa lại đặt tượng ông Lã Vọng xách cần câu và một con cá.

Do đó, mỗi khi đến phố Hàng Sơn, người ta lại chỉ nhớ đến quán ăn đó và từ đó gọi thành phố Chả Cá với món chả cá Lã Vọng, cái tên phố Hàng Sơn cũng dần mai một.

Chế biến và thưởng thức chả cá Lã Vọng không dành cho thực khách vội vàng, không phải là một món ăn nhanh hay có thể lai pha bất kỳ với phong cách ăn nào khác. Chả cá Lã Vọng là món ăn mang hương vị của Hà Nội nhất là mùa đông tới.

Trên chảo gang nóng, từng miếng chả cá chín vàng đảo cùng hành lá, thì là tỏa hương thơm nghi ngút.

Có những thứ gia vị không thể thiếu cũng chẳng thể bỏ đi như hành, mắm tôm, chanh, ớt, lạc rang. Ăn kèm là rau thơm đơn giản nhưng cũng không thể thiếu một thứ bao gồm hành hoa, thì là.

Nhân vật chính của món chả cá là miếng cá lăng màu vàng nghệ được rải trên “đồng xanh quê hương Bắc Bộ”, tiếng mỡ lèo xèo thơm phức nổ lép bép bên tai. Một miếng bún rối nhỏ sợi như những đám mây, miếng cá vàng ươm ăn kèm hành hoa, thì là, lạc rang lẫn rau thơm chấm đẫm mắm tôm vắt vài giọt chanh mới tuyệt vời làm sao.

Tiếng rao đêm đông Hà Nội

Nói về mùa đông Hà Nội mà không nhắc đến những tiếng rao đêm thì khác nào kể về một vị vua thiếu đi chiếc mũ miện cao quý. “Ai xôi lạc, bánh khúc nóng, ai giầy giò đi…”, những tiếng rao đêm nào cũng có, những thứ mùa nào chả ăn nhưng cái gì kinh điển đặt vào hoàn cảnh điển hình cũng trở thành khuôn thước ám ảnh cảm xúc con người.

Những tiếng rao giữa đêm đông Hà Nội chính là sự thuộc về vừa vặn nhất, không thể lý giải được. Những tiếng rao đêm với những âm sắc khác nhau tạo nên bản hòa ca tuyệt vời cho Thủ đô. Bản hòa ca ấy lại phần nhiều là nỗi buồn, phần uể oải, hy vọng nối dài trên từng con phố vắng lặng dưới ánh đèn vàng hun hút.

Món ăn của tiếng rao đêm ấy được ủ một lớp chăn bông trong cái thúng, người bán có khi cũng chỉ mặc chiếc áo mỏng, đi phăng phăng ngược chiều ánh sáng, ngược chiều gió đông sương bủa vây.

Tiếng rao đêm của mùa đông Hà Nội chan chứa biết bao câu chuyện vụn vặt về tình người nhưng lại in sâu vào tâm trí khiến con người ta bồi hồi xao xuyến.

Đêm về khuya, tiếng rao cũng nhỏ dần… Phải thức đến muộn lắm tôi mới được nghe tiếng rao đêm ấy. Tiếng rao như có một sức hút lạ kỳ khiến tôi thích thú, đói bụng thèm ăn mơ hồ dẫn vào một khung cảnh liêu trai như nhà văn Thạch Lam đã từng miêu tả: “Ðêm khuya nữa... Ở các con đường vắng, một bóng người lủi thủi đi, một chấm lửa nhỏ lung lay theo từng bước. Chậm chạp và thong thả, bác hàng quà đi nhẹ như chân ma, thỉnh thoảng cất lên một tiếng rao khe khẽ, ngắn và chóng chìm vào quãng tối. Giầy giò... giầy giò…”.

(Hà Nội 36 phố phường, Thạch Lam)

Tiếng rao đêm đúng là thứ thuộc về mùa đông Hà Nội, những tiếng rao ấy dần thay thế bằng tiếng xe máy ù ù trong đêm mang thức ăn nóng hổi đến người đói bụng. Chỉ vài năm nữa, tiếng rao đêm sẽ lại được gói gọn vào ngân hàng ký ức của những người Hà thành hoài cổ như tem phiếu, tàu điện leng keng…

Không còn phố cũ, những hàng cây cùng những cơn mưa giờ lại thiếu vắng đi cả những tiếng rao thì mùa đông đến biết nhớ gì. Mùa đông không phải là món quà cho những kẻ cô đơn, bởi:

“Mùa đông không biết hát những bài tình ca biết yêu

Là những tiếng mưa phùn rơi ngập ngừng

Mùa đông không biết hát nắm tay gần nhau biết yêu

Là những lúc đất lìa cách xa”.

(Mùa đông sẽ qua, Mỹ Linh)

Vậy là có những thứ thuộc về kinh điển như rét đậm, sương giăng, nắng hanh lạnh căm như tiết trời mùa đông Hà Nội. Có những thứ thuộc về duy mỹ, duy cảm một mãi không còn và còn có những thứ chẳng thuộc về bỗng lại trở nên thân quen không biết tựa bao giờ….

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/mua-dong-co-gi-a37476.html