Vịt tiềm là một món ăn ngon, giàu dinh dưỡng và có nhiều cách chế biến. Nhưng để chế biến vịt tiềm ngon thì cần chú ý khâu chọn vịt và khử hôi thịt vịt. Bếp Eva hướng dẫn cách nấu vịt tiềm ngon đơn giản tại nhà, vịt không bị hôi tanh, chín mềm và thơm.
- Chọn vịt nguyên con: Chọn mua con không quá già, không quá non. Con vịt mọc đủ lông, ức và phao câu đều trò. Chọn vịt có vùng da cổ và da bụng dày, cầm lên chắc tay. Hạn chế chọn vịt non, có lông măng khó làm. Vịt non có mỏ to và mềm, vịt già có mỏ nhỏ và cứng. Hậu môn của vịt không bị dính phân.
- Chọn vịt làm sẵn: Chọn những con có vùng da cổ, bụng dày, chắc tay, không có mùi hôi tanh khó chịu. Màu sắc tươi, da còn trơn nhờn, không có mùi lạ.
- Cách khử hôi tanh vịt:
Cách 1: Vịt mua về rửa với nước, sau đó dùng muối hạt, rượu trắng và gừng giã trộn đều rồi bóp xát khắp trong và ngoài con vịt. Bóp liên tục khoảng 5 phút thì rửa sạch. Tiếp tục bóp thêm 2 - 3 lần nữa, rửa sạch vịt là được.
Cách 2: Hòa muối và giấm ăn với nhau, sau đó bóp xát khắp trong và ngoài con vịt 5 phút. Rửa sạch rồi lại bóp xát thêm 2 - 3 lần nữa, rửa sạch là được.
Cách 3: Pha giấm với chanh tươi rồi bóp sát vịt như cách 1 và 2.
Lưu ý: Để làm vịt tiềm không bị hôi nên cắt bỏ phần phao câu của vịt, đầu nhọn của 2 cánh vịt trước khi khử hôi. Đây là 2 phần gây nên mùi hôi khi chế biến món vịt.
Sau khi đã làm sạch và khử hôi vịt, các bạn có thể làm món vịt tiềm theo các cách sau đây.
Nguyên liệu làm vịt tiềm
- 1 con vịt khoảng 1kg
- Thuốc bắc bao gồm: 100g hạt sen, 60g kim châm, 100g củ ma-rông, 250g củ năng, 100g táo đỏ khô, 60g bạch quả.
- 100g nấm đông cô
- 1 quả nước dừa tươi
- 2 củ hành tím, 1 nhánh gừng
- 3 - 4 khúc mía
- Hạt nêm, mì chính, tiêu, muối
Cách nấu vịt tiềm thuốc bắc
Bước 1: Sơ chế Vịt
- Vịt nguyên con làm sạch và khử tanh như cách làm trên. Sau đó để ráo nước.
Bước 2: Sơ chế gia vị thuốc bắc
- Hạt sen bỏ tim, nếu là hạt sen khô thì ngâm 30 phút cho nở rồi rửa sạch. Cho hạt sen vào luộc với xíu muối cho chín mềm, vớt ra rửa sạch.
- Ma-rông rửa sạch, cho vào nồi luộc chín mềm, sau đó vớt ra rửa sạch rồi thái hạt lựu.
- Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, thái hạt lựu.
- Táo đỏ ngâm nước cho nở, rửa sạch để ráo.
- Nấm kim bỏ nhụy rồi rửa sạch, bó thành từng bó nhỏ.
- Bạch quả rửa sạch để ráo nước.
Bước 3: Sơ chế nguyên liệu khác
- Hành tím băm nhỏ. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi đập dập.
- Múa chè thành từng thanh mỏng dài.
- Nấm đông cô cắt bỏ chân, rửa sạch rồi bổ đôi hoặc bổ 4.
Bước 4: Nấu vịt tiềm thuốc bắc
- Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa canh dầu ăn vào đun nóng rồi cho hành tím vào phi thơm. Sau đó cho các nguyên liệu thuốc bắc, nấm đông cô vào xào, nêm vào 1 thìa cafe hạt nêm, 1 xíu muối đảo đều khoảng 2 - 3 phút.
- Nhồi phần thuốc bắc, nấm vừa xào vào trong bụng con vịt, dùng tăm ghim chặt bụng vịt lại.
- Bắc nồi lên bếp, đổ ngập dầu, đun nóng già rồi cho vịt vào chiên vàng da. Sau đó vớt ra.
- Xếp mía xuống đáy nồi đất hoặc 1 nồi đáy dày, sau đó cho vịt vào, phần thuốc bắc còn thừa để xung quanh. Sau đó cho nước 1 quả dừa vào, thêm một ít nước lọc cho xâm xấp mặt vịt rồi bắc bếp hầm.
- Vịt tiềm thuốc bắc hầm khoảng 1 giờ hoặc hơn là được. Nếu có nồi áp suất thì sẽ om nhanh hơn.
Hoàn thành
Vịt tiềm thuốc bắc hầm xong múc ra, thêm ít tiêu hay ít rau ngò trang trí bên trên. Thịt vịt chín mềm, các gia vị thuốc bắc mềm nhừ, ngấm đủ vào vịt rất thơm ngon.
Vịt tiềm thuốc bắc nguyên con thơm ngon
Màu sắc bắt mắt, thơm ngon
Chuẩn bị nguyên liệu:
- 1 con vịt xiêm
- Nước cốt 1 quả dừa
- Sả, tỏi, ớt, hành tím, hành lá băm, gừng đập dập
- Rau răm
- Gia vị: Hạt nêm, đường, nước mắm, tiêu, muối, dầu ăn
Cách làm vịt tiềm nước dừa
Bước 1: Vịt làm sạch như cách làm trên. Sau đó chặt vịt thành từng khúc to.
Bước 2: Cho vịt vào 1 tô, thêm vào 3 thìa cafe hạt nêm, 1/2 thìa cafe muối, 2 thìa cafe đường, 1 xíu tiêu, vài lát gừng đập dập rồi trộn đều để ướp 15 phút.
Ướp vịt
Bước 3: Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa canh dầu ăn vào đun nóng rồi cho sả, tỏi, ớt, hành tím băm vào phi thơm. Sau đó cho thịt vịt đã ướp vào xào cùng, xào với lửa lớn, đảo đều tay cho đến khi thịt vịt săn lại thì cho nước cốt dừa vào. Nước cốt dừa đổ xâm xấp mặt thịt vịt, đậy vung lại và hầm khoảng 20 - 30 phút cho đến khi thịt vịt chín mềm, nước hầm cạn bớt. Thêm ít hành lá, rau răm lên trên và tắt bếp.
Hoàn thành
Vịt tiềm nước dừa chín mềm, ngọt thịt và rất thơm. Món vịt tiềm nước dừa ăn cùng với cơm trắng rất hấp dẫn.
Vịt tiềm nước dừa nếu thích vị chua chua có thể thêm sấu vào hầm cùng rất ngon
Nguyên liệu:
- 1 con vịt
- 200g thịt nạc băm
- 1 nhánh gừng
- 2 củ cà rốt
- 2 củ hành khô
- 50g hạt sen
- 100g củ năng
- 1 củ hành tây
- 60g nấm đông cô
- 2 gói nấm kim châm
- 50g nấm rơm
- 1 quả dừa tươi
- Hạt tiêu, mì chính, đường, muối
Cách làm vịt tiềm ngũ quả
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Vịt rửa sạch như cách làm trên.
- Gừng cạo vỏ, rửa sạch, đập dập, băm nhỏ 1 nửa.
- Hạt sen bỏ tim rồi rửa sạch, luộc chín.
- Hành tím băm nhỏ. Hành tây bỏ vỏ, rửa sạch, thái nhỏ
- Nấm đông cô, nấm hương, nấm kim châm bỏ rễ, gốc, rửa sạch. Nấm đông cô bổ đôi.
- Củ năng, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch rồi bổ miếng vừa ăn.
Bước 2: Ướp vịt
Cho vịt vào 1 tô, thêm vào 1 thìa cafe hạt tiêu, 2 thìa cafe muối, 1 nửa hành tím băm và gừng băm rồi chà xát khắp mình con vịt, ướp 20 phút cho ngấm.
Bước 3: Trộn hỗn hợp thịt, ngũ quả
- Cho thịt nạc băm vào tô, thêm vào củ năng, hành tây, nấm hương, nấm đông cô, nấm kim châm, hạt sen, cà rốt, nêm vào 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe mì chính, 1/2 thìa cafe hạt tiêu, hành tím, gừng rồi trộn thật đều.
Bước 4: Hầm vịt
- Nhồi hỗn hợp thịt, nấm, củ quả vừa trộn xong vào bụng con vịt, dùng tăm ghim chặt bụng lại rồi cho vào nồi. Đổ nước dừa vào, thêm nước lọc để xâm xấp mặt vịt. Bật bếp hầm vịt.
- Vịt hầm ngũ quả khoảng 1 tiếng là chín mềm nhừ.
Hoàn thành
Vịt tiềm ngũ quả chín mềm nhừ, nước cốt tiết ra ngọt, thịt vịt ngọt, mềm, đậm đà và có độ thanh mát.
Phần hạt sen sau khi tiềm xong chín bở
Vịt tiềm ngũ quả màu sắc đẹp mắt và thơm ngon
Nguyên liệu:
- 1/4 con vịt
- 1 củ cà rốt
- 5 cái nấm đông cô
- Hành tím, ớt hiểm, ngò
- Hạt nêm, muối, dầu ăn, tiêu xay
Cách làm vịt tiềm ớt hiểm
Bước 1: Vịt làm sạch như cách làm trên. Sau đó chặt vịt thành miếng vừa ăn.
Bước 2: Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch bổ miếng vừa ăn. Nấm đông cô bỏ gốc, rửa sạch bổ làm 4. Hành tím băm. Ớt hiểm bỏ núm rửa sạch. Ngò nhặt rửa sạch thái nhỏ.
Bước 3: Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn vào rồi cho hành tím băm, ớt hiểm phi thơm. Sau đó cho thịt vịt vào xào, nêm vào 1 thìa cafe hạt nêm, 2 thìa cafe muối rồi đảo thật đều tay, xào cho vịt săn lại. Thịt vịt săn lại thì cho tiếp cà rốt, nấm đông cô vào xào, đảo đều tay khoảng 1 phút nữa thì cho nước vào nồi, nước xâm xấp thịt vịt. Hầm vịt nhỏ lửa 30 phút là được. Nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi thêm ít rau mùi, tắt bếp.
Hoàn thành
Vịt tiềm ớt hiểm chín thơm, vị cay cay rất hấp dẫn. Khi ăn thêm ít tiêu, rau ngò để trang trí.
Chuẩn bị:
- 1 cái đùi vịt
- 2 vắt mì tươi
- 1 thìa cafe tỏi băm, hành tím băm
- 5 cái hoa hồi, 5g quế, 5g trần bì
- 30g táo tàu, 50g bạch quả, 50g củ sen, 50g nấm hương
- 2l nước dùng xương heo
- Muối, hạt nêm, bột canh, đường, dầu mè, hắc xì dầu, nước tương
Cách nấu mì vịt tiềm
Bước 1: Đùi vịt góc tư rửa sạch như cách làm trên. Sau đó dùng mũi nhọn dao đâm đâm vào đùi vịt.
Bước 2: Cho 1 thìa cafe tỏi băm, 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe muối, 1 thìa cafe tiêu, 1 thìa canh hắc xì dầu, 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh dầu mè vào thịt vịt rồi bóp đều thịt vịt. Ướp 15 phút cho ngấm.
Bước 3: Sau khi thịt vịt ngấm thì bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn đun sôi rồi cho vịt vào chiên vàng đều. Vớt ra để ráo dầu.
Bước 4: Cho hoa hồi, quê, trần bì vào chảo rang thơm. Bạch quả, táo tàu, củ sen, nấm hương rửa sạch.
Bước 5: Cho 2l nước dùng vào nồi, thêm vào 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh muối, 50g đường, 1 thìa canh hạt nêm, 1 thìa canh hắc xì dầu, hành tím băm và hoa hồi, quế, trần bì vừa rang vào. Nấu sôi với lửa nhỏ 15 phút.
Bước 6: Cho tiếp đùi gà, táo tàu, bạch quả, củ sen, nấm hương vào nồi nước dùng rồi tiếp tục hầm 1 - 2 tiếng là hoàn thành.
Bước 7: Đun 1 nồi nước sôi, cho 2 thìa canh dầu ăn vào rồi cho mì tươi vào luộc 2 phút là được. Vớt mì ra để ráo.
Hoàn thành
Xếp mì vào bát, cho đùi vịt lên, múc nước dùng cùng với táo tàu, bạch quả, củ sen, nấm hương lên. Thêm xíu tiêu xay, rau ngò hay ớt và thưởng thức mì vịt tiềm khi còn nóng.
Mì vịt tiềm ăn cùng với cải chít trụng chín cũng rất ngon
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/cach-lam-vit-tiem-a36946.html