Giữa cuộc sống nhộn nhịp và có phần hối hả của Sài Gòn, có một điểm đến tĩnh mịch và bình lặng - đó chính là chùa Ngọc Hoàng. Đây là một trong các ngôi chùa nổi tiếng với sự linh thiêng và yên bình bậc nhất giữa thành phố hoa lệ. Cùng digiticket.vn khám phá những điều bí ẩn tại ngôi chùa này qua bài viết dưới đây nhé!
Chùa Ngọc Hoàng tọa lạc tại địa chỉ số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Ngôi chùa này còn có các tên gọi khác như Điện Ngọc Hoàng, chùa Đa Kao, Phước Hải Tự,...
Ảnh: @wugrayn
Chùa là nơi linh thiêng nổi tiếng để người dân có thể đến đây cầu tài lộc, cầu bình an, cầu duyên, cầu con cái,... Vào những ngày lễ Tết hay rằm, mồng một, chùa rất đông du khách cả trong và ngoài nước đến chiêm bái.
Khám phá thêm những ngôi chùa cổ kính linh thiêng tại Sài Gòn:Chùa Ngọc Hoàng vốn được xây dựng bởi một người Trung Quốc tên là Lưu Minh, pháp danh Lưu Đạo Nguyên. Thuở ban đầu, chùa chỉ là Điện Ngọc Hoàng Thượng Đế được xây ở đầu thế kỷ 20. Có một số tài liệu ghi chép rằng, Lưu Minh là người ăn chay ròng, giữ đạo Minh Sư nhằm lật đổ nhà Mãn Thanh. Vì thế đã xuất tiền tạo lập chùa với mục đích vừa làm nơi thờ phụng, vừa làm nơi để hội kín.
Vào năm 1982, Điện được giao cho Hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản. Từ đó, chùa thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vào năm 1984, Điện được đổi tên thành Phước Hải Tự. Tuy nhiên cái tên chùa Ngọc Hoàng vẫn được gọi nhiều nhất bởi khu chính điện của chùa là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng của người Hoa.
Chùa Ngọc Hoàng là một trong những chùa đẹp ở Sài Gòn có diện tích khuôn viên khoảng 2300 m2. Chùa mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa với cách trang trí rực rỡ. Toàn bộ kiến trúc chùa được xây dựng bằng gạch, mái chùa được lợp bởi ngói âm dương, các tượng gốm màu được dùng để trang trí góc mái, bờ nóc cũng được thiết kế rất tỉ mỉ.
Ảnh: @kenz.huynh1910
Điều đặc biệt của chùa chính là tại đây có nhiều tác phẩm nghệ thuật. Nổi bật là tượng thờ, tranh thờ, liễn đối, hương án, bao lam,... đều được làm từ các chất liệu xưa cũ như gốm, bồi, gỗ,... có giá trị cao về cả lịch sử và nghệ thuật. Đây cũng chính là ngôi chùa duy nhất tại Việt Nam còn giữ được các bức tượng cổ bằng giấy bồi thể hiện những cuộc họp mặt của các vị thần về dự buổi chầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Ảnh: @elextranjero.fotos
Chùa Ngọc Hoàng có kết cấu khá đơn giản, gồm 3 tòa là Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Cổng tam quan của chùa được chạm trổ các đường nét uốn lượn của 2 con rồng đang trong tư thế tranh châu. Trước khuôn viên của chùa là một ngôi miếu nhỏ để đặt tượng Hộ pháp. Chính điện là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và Huyền Thiên Bắc Đế cùng với các vị thiên binh, thiên tướng.
Ảnh: @junichiusui
Ngoài ra, ở Chính điện còn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát. Cùng với đó là thờ các tượng thần linh trong tín ngưỡng Trung Hoa như thần Môn Quan (thần giữ cửa), thần Táo Quân (thần bếp), thần Lã Tổ (thần văn chương), Văn Xương, Nữ Oa Thánh Mẫu, Thiên Lôi, thần Thổ địa, thần Hà Bá, Thái tuế, 12 bà mụ, 13 đức thầy,... Các pho tượng đều được chạm trổ từ gỗ cực kỳ tinh xảo, là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo có giá trị cao.
Ảnh: @thayson.santos95
Chùa Ngọc Hoàng là nơi được người dân lui tới để cầu duyên, cầu con cái là chủ yếu. Ngoài ra, bạn vẫn có thể đến đây để cầu tài lộc, bình an và may mắn.
Người ta thường truyền tai nhau rằng có nhiều cặp vợ chồng chạy chữa nhiều nơi mà vẫn không thể có con. Vậy mà sau những lần đến chùa khấn vái cầu xin thì lại có được tin hỉ.
Để cầu con, các cặp vợ chồng sẽ làm lễ ở trước Kim Hoa thánh mẫu và 12 bà mụ nằm ở bên trái Chính điện. Nếu vợ chồng mong muốn cầu con trai thì sau khi khấn xong sẽ treo vòng chỉ vào bức tượng bên phải. Còn nếu muốn con gái thì sẽ treo vòng chỉ ở bức tượng bên trái. Tiếp sau đó là xoa vào bụng bà mụ 3 cái, xoa vào bụng mình 3 cái, xoa vào bụng đứa trẻ dưới chân bà mụ 3 cái rồi lại tiếp tục xoa bụng mình 3 cái nữa.
Ảnh: @scottish_kim_living
Ngoài ra tại chùa Ngọc Hoàng còn có một cách cầu con đặc biệt là phóng sinh 1 cặp rùa có ghi tên tuổi của cặp vợ chồng. Nếu như cặp rùa mang thai thì lời thỉnh cầu càng linh nghiệm. Vì vậy, chùa có một khu vực riêng để rùa sinh sống. Có những cụ rùa tại đây đã hơn 100 năm tuổi.
Du khách có thể tới cầu duyên tại tượng Ông Tơ Bà Nguyệt nằm cạnh không gian thờ Thánh Mẫu và 12 mụ bà. Cách cầu duyên cũng tương tự như cầu con. Bạn thắp hương, khấn tên mình và tên của "người ấy" để được Ông Tơ Bà Nguyệt se duyên.
Ảnh: @beforeikickittravel
Lời đồn về sự linh nghiệm trong việc cầu tình duyên ở chùa Ngọc Hoàng cũng không hề kém cạnh việc cầu con cái. Cũng vì thế mà gần như lúc nào chùa cũng tiếp đón đông nghịt người.
Chùa Ngọc Hoàng là nơi tổ chức nhiều lễ hội trong năm. Nhưng lớn nhất có lẽ là hội Vía Ngọc Hoàng thường được tổ chức vào ngày mồng 9 Tết Nguyên đán. Đây là thời điểm lý tưởng để các gia đình đến đây dâng lễ giải hạn, cầu tài lộc, cầu bình an, cầu duyên,... cho năm mới.
Ảnh: @duong.dam2412
Tuy nhiên, nếu bạn không muốn phải chen chúc hay chờ đợi thì cũng có thể đến chùa vào các ngày thường để vừa có thể cầu nguyện vừa có thời gian vãn cảnh, khám phá không gian tâm linh tại nơi này.
Chùa Ngọc Hoàng mở cửa từ 7h30 đến 19h00 mỗi ngày. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần, chùa thường mở cửa sớm hơn khoảng 30 phút để tránh việc du khách đến dâng hương và tham quan chùa quá đông. Nếu bạn đã nghiên cứu kỹ cách khấn, cách cầu thì nên đến chùa sớm để có thời gian thoải mái cho việc cúng và tham quan của mình.
Chùa Ngọc Hoàng có vị trí ở ngay mặt đường của trung tâm quận 1 nên du khách có thể dễ dàng để di chuyển đến đây. Bạn có thể lựa chọn đi bằng xe máy, xe bus hoặc ô tô cá nhân. Tuy nhiên, vào các ngày lễ lớn, Digiticket khuyên bạn nên di chuyển bằng xe máy để dễ dàng đi lại và không gặp khó khăn trong việc đậu xe.
Ảnh: @climbing_rose91
Chùa Ngọc Hoàng là ngôi chùa tâm linh nổi tiếng nhất nhì tại Sài Gòn. Không phải ngẫu nhiên mà cựu Tổng thống Mỹ Obama lại đến đây trong lần thăm Việt Nam hiếm hoi của mình. Vì thế nếu bạn có dịp đến Sài Thành thì đừng bỏ lỡ điểm du lịch tâm linh độc đáo này nhé!
Ảnh đại diện: @climbing_rose91
Gợi ý những địa điểm du lịch khác tại TPHCM nổi tiếng nhất:
Link nội dung: https://thietkethicongnoithat.edu.vn/tuong-ong-to-ba-nguyet-chua-ngoc-hoang-a36901.html