Tủy xương sản xuất ra tế bào gốc tạo máu và những chất khác, từ đó biệt hoá thành các tế bào máu trưởng thành trong máu ngoại vi. Mỗi loại tế bào máu đều có những chức năng vô cùng quan trọng. Vậy tủy xương là gì, có bao nhiêu loại?
Tủy xương là gì?
Tủy xương là phần mô mềm bên trong khoang xương. Mỗi ngày, tủy xương tạo ra hơn 220 tỷ tế bào mới. Hầu hết những tế bào máu bên trong cơ thể phát triển từ các tế bào gốc tạo máu trong tủy xương. Những tế bào gốc tạo máu này biệt hoá trở thành hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. (1)
Tủy xương có mấy loại?
Trong cơ thể có 2 loại tủy xương, được đặc trưng bởi màu sắc của chúng, bao gồm tủy đỏ và tủy vàng. Tủy đỏ chiếm toàn bộ tủy xương của người dưới 7 tuổi, sau đó tủy vàng dần thay thế tủy đỏ khi người đó già đi. (2)
1. Tủy đỏ
Tủy đỏ là nơi chứa các tế bào gốc tạo máu. Tế bào gốc tạo máu bên trong tủy đỏ tạo ra những tế bào hồng cầu, tiểu cầu và bạch cầu - tất cả đều là những thành phần của máu. Tuỷ đỏ sản xuất khoảng 60 - 70% tế bào Lympho ở người trưởng thành. Những tế bào Lympho khác được tạo ra trong tủy xương, biệt hoá và trưởng thành đầy đủ ở các mô bạch huyết, bao gồm lách, tuyến ức và hạch bạch huyết. Cùng với gan và lách, tủy đỏ cũng có vai trò loại bỏ các tế bào hồng cầu già cũ.

2. Tủy vàng
Tủy vàng thành phần chủ yếu là chất béo, chứa tế bào gốc trung mô và tế bào mỡ. Các tế bào tham gia sản xuất năng lượng, phát triển sụn, cơ, xương và tế bào mỡ cho cơ thể. Trong những điều kiện cụ thể, ví dụ như mất máu nghiêm trọng hoặc bị sốt…, tủy vàng có thể chuyển thành tủy đỏ và tham gia quá trình tạo máu. Tủy vàng có xu hướng nằm bên trong khoang trung tâm của xương dài, thường được bao quanh bởi một lớp tủy xương đỏ với những bè xương dài (cấu trúc tương tự chùm tia) trong khung lưới trông giống như bọt biển.
Tủy xương nằm ở đâu?
Có ba phần trong giải phẫu xương bao gồm vỏ xương đặc, khoang xương xốp, tủy xương. Vỏ xương đặc là lớp ngoài chắc chắn của xương. Khoang xương xốp nằm ở các xương dẹt và đầu tận các xương dài. Tủy xương nằm ở trung tâm của hầu hết các xương và nằm tại phần cuối của xương xốp. Tủy xương lấp đầy các khoang trong xương - là nơi lưu trữ tế bào gốc tạo máu, chất béo, từ đó tạo ra những tế bào máu cho cơ thể.

Tủy xương có tác dụng gì?
Hầu hết các tế bào bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu đều được hình thành trong tủy đỏ. Tủy vàng tạo ra chất béo, xương, sụn. Hồng cầu tồn tại khoảng 120 ngày, tiểu cầu khoảng 10 ngày và bạch cầu tồn tại khoảng từ vài giờ đến vài ngày. Mỗi tế bào máu đều có tuổi thọ nhất định, do đó tủy xương cần tạo ra các tế bào mới để liên tục thay thế.
Một số điều kiện có thể kích hoạt sự sản sinh thêm tế bào máu. Điều này có thể xảy ra khi lượng Oxy trong các mô cơ thể thấp, thiếu máu/mất máu hoặc giảm số lượng hồng cầu. Nếu những trường hợp trên xảy ra, thận sẽ sản xuất, giải phóng Erythropoietin - một loại Hormone kích thích tủy xương sản xuất thêm nhiều hồng cầu hơn. (3)
Tủy xương cũng sản xuất, giải phóng nhiều tế bào bạch cầu hơn nhằm đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng; sản xuất, giải phóng nhiều tiểu cầu hơn để ứng phó với sự chảy máu. Nếu cơ thể bị mất máu nghiêm trọng, tủy vàng có thể được kích hoạt, biến đổi thành tủy đỏ tham gia quá trình tạo máu.
Tủy xương mạnh khỏe rất quan trọng với toàn bộ các hệ thống cơ quan và hoạt động trong cơ thể, bao gồm:
1. Hệ tuần hoàn
Hệ tuần hoàn ảnh hưởng đến mọi hệ thống, cơ quan trong cơ thể. Nó có liên quan đến những tế bào khác nhau với nhiều chức năng khác nhau. Những tế bào hồng cầu vận chuyển Oxy đến các mô và tế bào. Tiểu cầu di chuyển bên trong máu để giúp làm đông máu sau chấn thương. Những tế bào bạch cầu di chuyển đến các vị trí bị chấn thương, nhiễm trùng.
2. Huyết sắc tố
Hemoglobin là Protein có trong những tế bào hồng cầu, mang đến màu sắc đỏ cho chúng. Nó thu thập Oxy tại phổi, vận chuyển trong những tế bào hồng cầu rồi tiến hành giải phóng Oxy đến các mô như não, cơ, tim. Hemoglobin cũng loại bỏ CO2 - chất thải của quá trình hô hấp và đưa CO2 trở lại phổi để thở ra.
3. Sắt
Sắt kết hợp với Protein để tạo ra huyết sắc tố bên trong hồng cầu. Sắt rất cần thiết để tạo hồng cầu (sản xuất hồng cầu). Cơ thể dự trữ sắt ở tủy xương, gan và lách. Hầu hết lượng sắt cơ thể cần dùng mỗi ngày để tạo ra huyết sắc tố đến từ việc tái hấp thu những tế bào hồng cầu cũ.
4. Tế bào hồng cầu
Thời gian cần thiết để một tế bào gốc tạo máu trong tủy xương biệt hóa trở thành một tế bào hồng cầu với đầy đủ chức năng mất 7 ngày. Khi những tế bào hồng cầu già đi, chúng kém hoạt động và trở nên dễ vỡ hơn. Những tế bào bạch cầu (đại thực bào) loại bỏ các tế bào hồng cầu lão hóa trong quá trình thực bào. Thành phần của các tế bào này được giải phóng vào máu. Sắt sẽ di chuyển đến tủy xương để sản xuất ra hồng cầu mới hoặc đến gan/các mô khác để lưu trữ. Mỗi ngày, cơ thể thường thay thế khoảng 1% tổng lượng tế bào hồng cầu.

5. Tế bào bạch cầu
Tủy xương sản xuất ra nhiều loại tế bào bạch cầu. Điều này cần thiết cho một hệ miễn dịch mạnh khỏe - giúp phòng ngừa và chống lại tình trạng nhiễm trùng. Một số loại tế bào bạch cầu chính như sau:
- Lympho: Tế bào Lympho được sản xuất trong tủy xương. Chúng tạo ra những kháng thể tự nhiên nhằm chống lại tình trạng viêm nhiễm do các tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể qua miệng, mũi…
- Bạch cầu đơn nhân: Bạch cầu đơn nhân cũng được sản xuất tại tủy xương. Bạch cầu đơn nhân trưởng thành có thời gian sống bên trong máu chỉ từ 3 - 8 giờ. Chúng trở thành đại thực bào khi di chuyển vào các mô. Đại thực bào có thể tồn tại ở các mô trong thời gian dài, giúp tiêu diệt một số loại nấm, vi khuẩn…
- Bạch cầu hạt: Bạch cầu hạt là tên gọi chung của ba loại bạch cầu: bạch cầu ái kiềm, bạch cầu ái toan và bạch cầu hạt đa nhân trung tính. Tủy xương dự trữ lượng lớn bạch cầu hạt trưởng thành. Với mỗi bạch cầu hạt lưu thông trong máu có thể có 50 - 100 tế bào chờ ở tủy xương để được giải phóng vào máu…
6. Tiểu cầu
Tủy xương sản xuất ra tiểu cầu, tham gia vào quá trình hình thành cục máu đông. Tiểu cầu cần thiết để máu đông lại, tạo thành cục máu đông giúp cầm máu. Thiếu tiểu cầu khiến cơ thể dễ gặp tình trạng xuất huyết dưới da, bầm tím và dễ chảy máu hơn. Máu có thể đông không tốt tại các vết thương hở, tiềm ẩn nguy cơ xuất huyết nội cao hơn nếu lượng tiểu cầu ở mức rất thấp.

7. Hệ thống bạch huyết
Hệ thống bạch huyết gồm có những cơ quan bạch huyết như tủy xương, lách, tuyến ức, Amidan, các hạch bạch huyết. Tất cả những tế bào Lympho được biệt hoá từ các tế bào gốc tạo máu bên trong tủy xương. Những tế bào trưởng thành bên trong tủy xương hoặc các cơ quan bạch huyết được gọi là tế bào B. Tế bào trưởng thành tại tuyến ức được gọi là tế bào T.
8. Hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật, tiêu diệt các vi sinh vật như Virus, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể.
Các bệnh ảnh hưởng đến tủy xương
Tủy xương rất quan trọng trong quá trình sản xuất ra các tế bào máu. Vì thế, các bệnh lý của hệ tạo máu có liên quan đến những vấn đề về tủy xương. Trong đó, nhiều tình trạng tác động đến số lượng của tế bào máu được sản xuất ở tủy xương. Điều này khiến bệnh có nhiều triệu chứng phổ biến, bao gồm: (4)
- Sốt: Triệu chứng này có thể xảy ra do không có đủ tế bào bạch cầu mạnh khỏe.
- Mệt mỏi: Người bệnh cảm thấy mệt mỏi có thể là do bị thiếu huyết sắc tố, Protein bên trong tế bào hồng cầu mang Oxy.
- Nhiễm trùng gia tăng: Vấn đề này có thể xảy ra do có ít tế bào bạch cầu mạnh khỏe giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng.
- Hụt hơi: Lượng hồng cầu thấp hơn có thể dẫn đến tình trạng Oxy được vận chuyển đến các mô bên trong cơ thể ít đi.
- Dễ bị chảy máu, bầm tím: do cơ thể có ít tiểu cầu để giúp hình thành cục máu đông.

Dưới đây là những tình trạng cụ thể liên quan đến các vấn đề ở tủy xương:
1. Bệnh bạch cầu
Bệnh bạch cầu là loại bệnh ung thư có thể tác động đến cả hệ bạch huyết và tủy xương. Bệnh xảy ra khi những tế bào máu bị đột biến trong DNA của chúng. Điều này khiến các tế bào máu kém phát triển nhưng lại phân chia nhanh hơn những tế bào máu khỏe mạnh. Theo thời gian, các tế bào này lấn át những tế bào mạnh khỏe trong tủy xương.
Bệnh bạch cầu được phân chia thành loại cấp tính và mạn tính (tùy vào tốc độ tiến triển). Bệnh lý này được chia nhỏ hơn nữa theo loại tế bào bạch cầu liên quan. Bệnh bạch cầu dòng tủy liên quan đến những tế bào tiểu cầu, bạch cầu, hồng cầu. Bệnh bạch cầu Lympho có liên quan đến tế bào Lympho - một loại tế bào bạch cầu cụ thể. Những loại bệnh bạch cầu chính gồm có: bạch cầu cấp dòng tủy (AML), bạch cầu mạn dòng tủy (CML), bạch cầu cấp dòng Lympho (ALL), bạch cầu mạn dòng Lympho (CLL).
Không có tác nhân rõ ràng dẫn đến bệnh bạch cầu, thế nhưng một số vấn đề có thể làm gia tăng nguy cơ, bao gồm: tiếp xúc với một số hóa chất, bức xạ, tình trạng di truyền (như hội chứng Down).
2. Thiếu máu bất sản tủy
Bệnh thiếu máu bất sản tủy xảy ra khi tủy xương không sản xuất đủ số lượng tế bào mới. Bệnh có thể xảy ra do các tế bào gốc tại tủy xương bị tổn thương, khiến chúng khó phát triển và biệt hoá thành tế bào máu mới. Những tế bào gốc bị tổn thương có thể là do: phơi nhiễm với bức xạ, chất độc hoặc mắc bệnh truyền nhiễm (ví dụ như Cytomegalovirus hoặc Epstein-Barr); những rối loạn tự miễn như Lupus, viêm khớp dạng thấp đôi khi cũng có thể gây bệnh thiếu máu bất sản; bệnh lý về di truyền như thiếu máu Fanconi…
3. Rối loạn tăng sinh tủy
Rối loạn tăng sinh tủy xảy ra khi những tế bào gốc trong tủy xương phát triển một cách bất thường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng gia tăng số lượng của một loại tế bào máu cụ thể. Rối loạn tăng sinh tủy gồm có một số loại như sau:
- Bệnh xơ tủy nguyên phát: Ở bệnh lý này, các tế bào hồng cầu phát triển không bình thường và có hình dạng bất thường. Bệnh xơ tủy nguyên phát cũng có thể làm giảm sự sản xuất hồng cầu.
- Bệnh đa hồng cầu nguyên phát: Ở bệnh đa hồng cầu nguyên phát, tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. Các tế bào thừa này có thể tích tụ bên trong lách, gây biểu hiện lách to, sưng và đau. Ngứa cũng là triệu chứng phổ biến, có thể xảy ra do sự giải phóng Histamin một cách bất thường.
- Tăng tiểu cầu nguyên phát: Bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát xảy ra khi tủy xương sản xuất quá nhiều tiểu cầu, làm chậm sự lưu thông của máu trong cơ thể.
- Hội chứng tăng bạch cầu ái toan: Ở hội chứng này, tủy xương sản xuất quá nhiều bạch cầu ái toan. Bạch cầu ái toan là loại tế bào bạch cầu tham gia vào phản ứng dị ứng, giúp tiêu diệt ký sinh trùng. Người bị hội chứng tăng bạch cầu ái toan có thể gặp tình trạng ngứa/sưng quanh môi, mắt.
- Bệnh tế bào Mast hệ thống: Bệnh lý này liên quan đến việc có quá nhiều tế bào Mast. Đây là các tế bào bạch cầu cảnh báo những tế bào máu chống nhiễm trùng nhắm vào các khu vực cụ thể trong cơ thể. Có quá nhiều tế bào mast có thể tác động đến chức năng của lá lách, da, gan hoặc tủy xương.
>> Tìm hiểu thêm về căn bệnh: Suy tủy xương
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị uy tín cung cấp dịch vụ tầm soát, chữa trị các bệnh lý về máu, tủy xương… được nhiều người bệnh tin tưởng lựa chọn. Với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại cùng đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, tận tình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh sẽ mang đến cho người bệnh trải nghiệm dịch vụ chất lượng cao.
Các xét nghiệm tủy xương thường gặp
Có hai hình thức xét nghiệm phổ biến giúp kiểm tra tình trạng của tủy xương và/hoặc tế bào máu:
- Chọc hút tủy xương: Một cây kim sẽ được sử dụng để lấy chất lỏng và tế bào ra khỏi tủy xương (tủy xương cô đặc). Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định các tế bào có trong tủy xương, đánh giá xem những tế bào đó bất thường hay bình thường. Kết quả xét nghiệm cũng cung cấp những thông tin khác về đặc điểm của tế bào.
- Sinh thiết tủy xương: Một cây kim được dùng để lấy một phần tủy xương của người bệnh. Sinh thiết cho thấy số lượng, vị trí, loại tế bào có trong tủy xương.

Câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến việc xét nghiệm, chăm sóc tủy xương:
1. Xét nghiệm tủy xương có đau không?
Đối với việc làm xét nghiệm tủy xương, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ để giảm đau nên không cảm thấy đau trong quá trình thực hiện. Sau khi làm thủ thuật, người bệnh có thể gặp tác dụng phụ, cụ thể là cảm thấy đau nhức tại vị trí làm thủ thuật. Mỗi người bệnh trải qua cơn đau khác nhau. Cảm giác đau này có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần.
2. Cách chăm sóc tủy xương khỏe mạnh?
Tủy xương là nền tảng của máu, xương, cơ bắp. Mỗi người có thể giữ cho tủy xương mạnh khỏe bằng cách:
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng giàu Protein (trứng, sữa, các loại hạt, đậu, cá, thịt nạc).
- Bổ sung khoáng chất sắt, Vitamin B9, B12.
- Điều trị những vấn đề sức khỏe mà trong đó các bất thường ở tủy xương là tác dụng phụ.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Khoa Nội tổng hợp, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tủy xương cần thiết để tạo ra những thành phần của máu và lưu trữ chất béo. Cách tối ưu để giữ cho tủy xương mạnh khỏe là chăm sóc các bộ phận cơ thể do tủy xương tạo ra như máu, xương, cơ. Khi gặp triệu chứng bất thường nghi liên quan đến bệnh ở tủy xương, người bệnh cần đến cơ sở y tế thăm khám sớm.