Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 2-7-2022 được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 2-7
Sự kiện trong nước
- Ngày 2-7-1957, ngày truyền thống Nhà máy Z113. Cách đây tròn 65 năm, Công trường 14 - tiền thân của Nhà máy Z113 được thành lập theo Quyết định số 501/QĐ1 của Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nhà máy. Ngày 2-7-1962, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã ra Quyết định số 1187/QĐ5, giao nhiệm vụ chính thức cho nhà máy sản xuất, sửa chữa các loại đạn pháo, đạn cối, đạn con và một số loại lựu mìn cho ngành quân giới. Từ đó đến nay, ngày 2-7 được Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng quyết định công nhận là Ngày truyền thống và đã trở thành mốc son lịch sử của Nhà máy Z113…
Nhà máy Z113 tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - năm 2008. Ảnh: Z113.vnGhi nhận những thành tích của nhà máy trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển trong 65 năm qua, Nhà máy Z113 đã vinh dự được Đảng, Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng: Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - năm 1990; Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới - năm 2008, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác... Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống, nhà máy vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng.
- Ngày 2-7-1965, 10 vạn nhân dân ở quận Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ của tỉnh Quảng Ngãi biểu tình kéo đến nơi đóng quân của quân đội Mỹ và tay sai đòi chấm dứt ném bom, chấm dứt khủng bố. Bọn địch dùng súng bắn vào đoàn biểu tình làm chết và bị thương 11 người. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất và quyết liệt nhất của nhân dân Quảng Ngãi tính đến năm 1965.
- Ngày 2-7-1972, nhà yêu nước Nguyễn Thái Bình bị người Mỹ sát hại khi anh đang từ nước Mỹ trở về Việt Nam trên chuyến bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Cái chết của anh gây chấn động dư luận và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của học sinh, sinh viên ở miền Nam (Việt Nam) và sinh viên Mỹ lúc bấy giờ.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Ảnh tư liệu gia đìnhNguyễn Thái Bình sinh năm 1948 ở tỉnh Long An. Anh là người đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon, vạch trần những luận điệu hòa bình giả dối, xảo trá, tố cáo tội ác dã man của Mỹ xâm lược Việt Nam. Ngày 30-4-2010, Nguyễn Thái Bình đã được Nhà nước công nhận liệt sĩ và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
- Ngày 2-7-1976, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã ban hành nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, thủ đô, quốc ca… Cụ thể: Lấy tên nước là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh; Quốc huy hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; Thủ đô là Hà Nội; Quốc ca là bài “Tiến quân ca”; quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Ðịnh là Thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng 2-7-1976, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô... Ảnh: TTXVNĐây là sự kiện quan trọng, mang tính định hướng cho sự phát triển đất nước, đồng thời là tiền đề, động lực để đạt được những thành tựu vẻ vang sau này của cả dân tộc.
(Theo TTXVN, baothainguyen.vn)
Sự kiện quốc tế
Nhà văn Mỹ Ernest Miller Hemingway. Nguồn: AP- Ngày 2-7-1961, nhà văn Mỹ nổi tiếng Ernest Miller Hemingway đã dùng súng săn tự sát ở nhà riêng. Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Giã từ vũ khí, Chết vào buổi chiều, Chuông nguyện hồn ai, Ông già và biển cả… Ông được Giải thưởng Nobel Văn học năm 1945.
Triệu phú Steve Fossett. Ảnh: DR- Ngày 2-7-2002, Steve Fossett, triệu phú người Mỹ từng được Liên đoàn Hàng không quốc tế cấp giấy chứng nhận 93 kỷ lục, trở thành người đầu tiên bay một mình không nghỉ vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu.
(Theo TTXVN; baothainguyen.vn; daidoanket.vn)
Theo dấu chân Người
- Ngày 2-7-1946, Chính phủ Pháp chính thức tiếp xúc với Chủ tịch nước Việt Nam với những nghi lễ trọng thể. Thủ tướng Pháp Georges Bidault hội đàm riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi chiều, chủ nhà mở tiệc chiêu đãi trọng thể.
Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dinh Thủ tướng Pháp, ngày 2-7-1946. Nguồn: Bảo tàng Hồ Chí Minh.Trong đáp từ, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam bày tỏ: “Tôi tin rằng chẳng bao lâu nước Việt Nam sẽ đóng cái vai trò xứng đáng ở Thái Bình Dương là một nước độc lập làm vẻ vang lớn cho nước Pháp... Chúng ta đều được kích thích bởi một tinh thần. Triết lý đạo Khổng, và triết lý phương Tây đều tán dương một nguyên tắc đạo đức: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Tôi tin rằng trong những điều kiện ấy, hội nghị sắp tới sẽ đi tới những kết quả tốt đẹp... sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng, với một sự tin cậy lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất...”.
Cùng ngày, Bác viết thư gửi “Các binh sĩ Việt Nam ở Pháp” thông báo thỏa thuận với Chính phủ Pháp về kế hoạch hồi hương và mong anh em khi về nước sẽ “ăn ở cho xứng đáng với một người công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Phủ Chủ tịch (ngày 4-1-1960). Ảnh: hochiminh.vn- Ngày 2-7-1952, Bác dự họp Chính phủ nghe cơ quan Thanh tra báo cáo về tình hình quản lý tài chính trong quân đội, tình trạng tham ô, lãng phí của một số cán bộ. Kết luận cuộc họp, Bác nêu rõ cần phải biểu dương những cán bộ tốt, trong sạch, cần kiệm; mấy năm sau cách mạng mà tham ô, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta vì giáo dục thiếu sót, cần phải sửa dần, một cách có kế hoạch, có chuẩn bị...
- Ngày 2-7-1954, Báo Cứu Quốc đăng bài “Không biết!” của Bác. Đấy là câu trả lời của 26 cụ phụ lão tỉnh Hà Nam bị giặc Pháp bắt trong một trận càn, dù bị tra tấn vẫn không chịu khuất phục nên bị quân thù giết hại. Bài báo ca ngợi tấm gương anh dũng và cho biết Chính phủ đã truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các vị phụ lão anh hùng.
Thăm các nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Hà Nội, Người xem suất ăn bồi dưỡng giữa ca của công nhân ngày 26-1-1961. Ảnh: hochiminh.vn- Ngày 2-7-1961, Bác đến thăm và nói chuyện với lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nấu ăn toàn miền Bắc lần đầu tiên được tổ chức. Tại đó, Bác phê bình những cách nghĩ sai lầm về ngành nấu ăn, khẳng định đó là một nghề quan trọng đối với xã hội và bày tỏ mong muốn qua phong trào thi đua sẽ có nhiều anh nuôi, chị nuôi giành được danh hiệu Anh hùng vẻ vang.
(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”; “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Yêu nước thì việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết”.
Đó là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được trích trong bài: “Vệ sinh yêu nước” (Phong trào diệt ruồi, muỗi), đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 2-7-1958. Đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các anh hùng và chiến sĩ thi đua nông nghiệp ngày 27-5-1957. Ảnh: hochiminh.vnTheo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu nước không thể tách rời thương yêu nhân dân, yêu nước không phải là điều gì chung chung, trừu tượng, mà được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất và thể hiện ở việc làm cụ thể của mỗi người trong cuộc sống hằng ngày. Người có tinh thần yêu nước sẽ luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích cá nhân và dù khó khăn, gian khổ thế nào cũng ra sức làm cho kỳ được, còn việc gì có hại cho nhân dân phải ra sức trừ cho kỳ hết. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân mẫu mực của người chiến sĩ cách mạng, đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang và cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Quán triệt và thực hiện lời dạy trên của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, chấp hành nghiêm 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ghi nhận và trao tặng danh xưng cao quý: Bộ đội Cụ Hồ. Toàn quân tích cực làm công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng-an ninh, phát triển kinh tế-xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Các binh đoàn, đoàn kinh tế-quốc phòng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng-an ninh, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, bao tiêu sản phẩm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng đời sống văn hóa mới… ở địa bàn đóng quân. Cán bộ, chiến sĩ chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh; củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc, xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 601 ra ngày 2-7-1959, đăng nội dung với tiêu đề: “Hồ Chủ tịch tặng thưởng huy hiệu cho Kho 260 và đồng chí Nguyễn Văn Chiều”.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 2-7-1959.HOÀNG TRƯỜNG (tổng hợp)