Việc xác định các giai đoạn ung thư đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị, góp phần quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch điều trị, từ đó đưa ra những dự đoán về khả năng tiến triển hay di căn của bệnh và tiên lượng sống của bệnh nhân. Đa phần các trường hợp mắc bệnh ung thư được điều trị ở những giai đoạn càng sớm thì khả năng điều trị khỏi càng cao.
Vai trò của việc xác định các giai đoạn ung thư
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư, vấn đề được đa số người bệnh quan tâm đó là mình mắc ung thư giai đoạn mấy, có còn chữa khỏi được không, mình còn sống được bao lâu nữa, nếu áp dụng phương pháp điều trị thì người bệnh có thể sống được bao lâu, tỷ lệ bệnh tái phát sau điều trị là bao nhiêu,… Để trả lời những câu hỏi này, theo thuật ngữ chuyên ngành nó sẽ được gọi là tiên lượng của bệnh ung thư.
Để tiên lượng bệnh và đưa ra được kế hoạch điều trị cụ thể cho mỗi bệnh nhân thì việc xác định giai đoạn ung thư là điều cần thiết và cực kỳ quan trọng. Bởi theo nhiều hướng dẫn điều trị và thời gian điều trị sẽ dựa trên các giai đoạn ung thư cụ thể. Thứ tự mà các phương pháp điều trị, như hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật, được đưa ra cũng có thể phụ thuộc vào giai đoạn của ung thư.
Tuy nhiên, ngoài yếu tố xác định giai đoạn của ung thư thì để dự đoán những dữ liệu trên còn phụ thuộc nhiều yếu tố như loại tế bào ung thư, loại đột biến gen gặp phải, tế bào ung thư phát triển như thế nào, khả năng đáp ứng điều trị, tình trạng sức khoẻ của người bệnh,… Nhưng tóm lại, việc phát hiện càng sớm và điều trị ở những giai đoạn đầu của bệnh giúp nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh.
Vai trò của việc xác định các giai đoạn của ung thư cụ thể như sau:
- Quyết định đến quá trình điều trị: Kế hoạch điều trị bệnh sẽ phụ thuộc nhiều vào loại cũng như giai đoạn của ung thư. Thứ tự để lựa chọn các biện pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị sẽ được quyết định dựa trên giai đoạn của ung thư.
- Dự đoán cơ hội phục hồi: Dựa trên giai đoạn của ung thư, bác sĩ có thể dự đoán về khả năng điều trị, chữa khỏi, sự thuyên giảm hay phát triển lan rộng, tái phát của ung thư sau khi điều trị.
- Lựa chọn xét nghiệm phù hợp: Ở mỗi giai đoạn khác nhau, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm khác nhau. Từ kết quả chẩn đoán giai đoạn của ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm phù hợp để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.
- So sánh hiệu quả trị liệu của phương pháp điều trị mới: Dựa trên kết quả điều trị ở những người có cùng chẩn đoán, được chỉ định điều trị cùng một phương pháp trị liệu mới để so sánh hiệu quả của phương pháp này.
Phân loại các giai đoạn ung thư dựa vào hệ thống TNM
Phần lớn bác sĩ sẽ dựa trên hệ thống TNM của Uỷ ban Ung thư Mỹ (AJCC) để mô tả về các giai đoạn của ung thư. Hệ thống TNM có thể áp dụng cho hầu hết các loại ung thư trừ ung thư máu (bao gồm ung thư hạch và bệnh bạch cầu) và ung thư hệ thần kinh trung ương (bao gồm u não và u tủy sống).
Hệ thống TNM sẽ sử dụng các chữ cái và số thứ tự để mô tả, cụ thể như sau:
- T là viết tắt của tumor nghĩa là khối u, đi kèm với các con số từ 0 đến 4 để mô tả kích thước và sự xâm lấn đến cơ quan hoặc những vùng lân cận của khối u. Đơn vị kích thước của khối u là cm. Khi gặp ký hiệu Tx nghĩa là không đo lường được khối u nguyên phát.
- N là viết tắt của nodes nghĩa là hạch bạch huyết, mô tả về mức độ di căn đến hệ thống hạch bạch huyết hoặc các vùng khác trong cơ thể. Đi kèm với ký hiệu N là các số từ 0 - 3. Nx nghĩa là không đo lường được khối u và càng nhiều hạch bạch huyết quanh tế bào ung thư thì con số càng lớn, tuy nhiên đôi khi vị trí của hạch bạch huyết sẽ quyết định con số này.
- M là viết tắt của metastasis nghĩa là di căn, mô tả tình trạng bệnh ung thư đã di căn đến một hoặc các cơ quan khác của cơ thể hay chưa. Nếu bệnh ung thư vẫn đang khu trú tại vị trí ban đầu thì nó được ký hiệu là giai đoạn M0, còn nếu đã lan rộng và di căn thì được xem là giai đoạn M1.
Các giai đoạn của ung thư
Sau khi kết hợp các yếu tố dựa trên hệ thống phân loại TNM và các yếu tố lâm sàng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán giai đoạn cụ thể. Hầu hết ung thư có bốn giai đoạn I, II, III, IV. Bên cạnh đó, một số giai đoạn bệnh ung thư được ký hiệu là 0, tức là giai đoạn 0.
Giai đoạn 0
Giai đoạn 0 hay còn gọi là giai đoạn tiền ung thư. Ở giai đoạn này, tế bào phát triển bất thường tại một vị trí nhất định, chưa lan ra những mô lân cận và chưa phát triển thành khối u ung thư. Đồng thời, bệnh chưa có biểu hiện trên lâm sàng và thông thường được phát hiện sau khi tiến hành tầm soát ung thư sớm. Tỷ lệ chữa khỏi ở giai đoạn này là khá cao và phương pháp thường được lựa chọn đó là phẫu thuật để loại bỏ toàn bộ khối u ra khỏi cơ thể.
Giai đoạn I
Ở giai đoạn này, khối u có kích thước nhỏ hoặc chưa phát triển sâu vào các mô lân cận và cũng không lan đến hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Người bệnh lúc này được xác định là ung thư giai đoạn đầu và khả năng điều trị khỏi cao.
Giai đoạn II và III
Ở hai giai đoạn này, các tế bào ung thư hoặc khối u đã phát triển lớn hơn, phát triển sâu vào những mô lân cận. Có thể phát hiện thấy các tế bào ung thư đã xâm nhập vào các hạch bạch huyết xung quanh nhưng chưa đi đến các bộ phận khác.
Giai đoạn IV
Lúc này ung thư đã di căn và lan qua những bộ phận hay cơ quan khác trong cơ thể. Đây là ung thư giai đoạn cuối hay còn gọi là ung thư tiến triển hoặc di căn. Ở giai đoạn này, hầu như không còn khả năng điều trị.
Việc hiểu rõ và đúng về các giai đoạn ung thư không chỉ hỗ trợ bác sĩ trong quá trình chẩn đoán bệnh, đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp mà còn giúp cho người bệnh hiểu rõ về tình trạng của mình, chuẩn bị sẵn tâm lý cho quá trình điều trị và giúp họ dễ dàng hơn trong việc đưa ra những quyết định sáng suốt để vượt qua cơn bão bệnh.
Nếu phát hiện sớm, xác định chính xác loại ung thư và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp thì ung thư vẫn có thể điều trị khỏi hoàn toàn hoặc ít nhất là kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát ung thư sẽ góp phần phát hiện bệnh sớm, nâng cao hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Xem thêm: Cách xác định giai đoạn của bệnh ung thư trên hệ thống số