Tháng trước, tôi về Việt Nam 2 tuần với 1 vali nhỏ ký gửi và 1 túi đeo vai - đây không hẳn là lần du lịch “nhẹ” nhất tôi từng thực hiện nhưng là lần tôi cảm thấy sắp xếp được tốt nhất. Trong suốt quá trình trước, trong, và sau chuyến đi, tôi ghi chép lại kỹ lưỡng tần suất sử dụng đồ đạc của mình, những món mua mới, và những món mang đi nhưng chưa từng/ít khi sử dụng. Bài viết này ghi lại chân thực những bí quyết xếp đồ cho du lịch gọn nhẹ và những bài học tôi học được trong chuyến đi này.
Ghi chú:
*Đây là một chuyến đi mùa hè ngắn ngày. Nếu bạn đọc muốn tham khảo phương pháp xếp đồ cho du lịch mùa đông dài ngày, hãy đọc bài viết trước của tôi: “Du lịch 3 tháng với 1 vali xách tay”.
**Ngoài ra, ở cuối bài viết, bạn đọc sẽ tìm thấy và tải về miễn phí Danh sách đồ du lịch (Travel Packing Checklist) mà tôi đúc kết qua nhiều chuyến du lịch. Với danh sách này, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ quên những món đồ thiết yếu, trong khi vẫn giữ được tinh thần của du lịch gọn nhẹ.
I. Hành lý chính
Hành lý chính là thường là những món thường xuyên sử dụng trong chuyến đi (như quần áo, giày dép, mỹ phẩm…) nhưng không quá cần để luôn giữ bên mình. Vì những món này chiếm tương đối diện tích, tôi thường để vào 1 vali nhỏ ký gửi hoặc xách tay lên máy bay rồi đặt trên cabin hành lý.
Nếu bạn có tư tưởng “mang bao nhiêu cũng là ít” và không có kế hoạch rõ ràng về đồ đạc mang theo thì hành lý chính rất dễ bị mang “quá đà” so với nhu cầu sử dụng thực tế. Theo kinh nghiệm của tôi, có một số điều nên cân nhắc khi chuẩn bị đồ đạc mang theo để kiểm soát được tình trạng này:
- Chỉ sử dụng 01 vali cỡ nhỏ. Sử dụng vali nhỏ (dạng vali xách tay), ta sẽ tự tạo cho mình hạn chế về không gian và trọng lượng đồ đạc mang theo, và buộc mình phải có sự chọn lựa kỹ càng, sắp xếp hết sức gọn nhẹ cho chuyến đi.
- Mang quần áo đủ dùng trong 10 ngày. Sau một thời gian du lịch cả ngắn ngày và dài ngày, tôi nhận ra rằng thời gian di trú thực chất không quan trọng cho việc chuẩn bị quần áo. Không phải cứ đi 3 tháng là phải chuẩn bị quần áo gấp hàng chục lần đi 3 tuần. Theo kinh nghiệm của tôi, 10 ngày là con số hợp lý cho quần áo (tương đương với khoảng 10 bộ thông thường, 3-5 bộ ngủ, và 10 món đồ lót). 10 ngày cho phép bạn có thể giặt đồ, quay vòng trong 1 tuần, và vẫn có khoảng 3 ngày “du di” nếu chưa kịp giặt xong đồ hoặc đồ chưa khô.
- Chụp ảnh lại các món đồ phối hợp nhau (mix-match). Để có thể mang ít món đồ nhất nhưng kết hợp được tạo thành nhiều bộ nhất và tiết kiệm thời gian lựa chọn đồ sau này, tôi thường nhóm các món có khả năng phối hợp cùng với nhau (ví dụ, áo sơ mi và quần tâu), sau đó chụp ảnh lại và lưu trong điện thoại. Bằng cách này, tôi biết áng chừng được trong 10 ngày tới mình sẽ mặc gì và đánh giá lại toàn bộ những món mình mang theo xem thừa, thiếu như thế nào để có phương án giải quyết sớm.
- Áp dụng quy tắc 20K ($1). Nguyên tắc của tôi là không mang theo những món đồ dưới $1 có thể mua được ở địa điểm đến. Những món này thường là dầu gội thông thường, bông tẩy trang, kem đánh răng cỡ lớn … Quy tắc này nhằm ngăn chặn tình trạng mang quá nhiều đồ đạc thông thường, không cần thiết.
Dưới đây là toàn bộ hành lý tôi mang trong chuyến đi về Việt Nam, đặt trong sự so sánh giữa kế hoạch và thực tế để rút kinh nghiệm cho lần đi sau.
1. Giày
Khi chuẩn bị đồ đạc, tôi thường bắt đầu với giày vì giày là món đồ quan trọng nhất khi đi du lịch. Bạn phải có những đôi giày tốt nhất, quen chân nhất, thoải mái nhất để có thể đi xa; ngoài ra, giày cần phải được tính toán sao cho kết hợp tốt nhất với quần áo mang theo.
- Dự định: Trong chuyến đi này, tôi mang 1 đôi xăng-đan, 1 giày thể thao (đi luôn trên máy bay), và 1 giày cao gót (cho công việc)
- Thực tế: Đôi giày cao gót tôi chưa đi một lần nào. Mặc dù tôi có đến một số cuộc họp ở văn phòng, môi trường làm việc ở những chỗ đó không quá trịnh trọng để phải đi giày cao gót.
- Rút kinh nghiệm: Bỏ lại đôi giày cao gót hoặc mang một đôi cao gót trẻ trung hơn.
2. Quần áo
Đối với quần áo, tôi thường chỉ mang những món mình đang mặc hàng ngày và thích mặc nhất, theo phong cách tối giản (click để đọc chuỗi bài viết của tôi về quần áo). Trình tự xếp đồ của tôi thường là từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong: áo, quần/váy, đồ mặc nhà, đồ lót, tất, và các phụ kiện khác.
2.1. Áo
- Dự định: Trong chuyến đi này, tôi mang 2 áo sơ mi, 2 áo phông ngắn tay, 2 áo phông dài tay (trong đó có 1 cái mặc trên máy bay). (Comment nếu bạn cũng là “fan” của áo kẻ! ?).
- Thực tế: Chiếc áo phông dài tay trên cùng bên tay phải chưa được mặc lần nào vì thời tiết ở Hà Nội quá nóng để mặc áo dài tay. Chiếc áo sơ mi trắng chỉ được mặc 1 lần trong 1 cuộc họp.
- Rút kinh nghiệm: Xem kỹ dự báo thời tiết, bỏ lại áo phông dài tay. Còn chiếc áo sơ mi trắng, nếu quay lại, tôi vẫn quyết định mang đi vì áo này có thể kết hợp được thành nhiều bộ đồ và kiểu dáng.
2.2. Quần/Váy
- Dự định: Trong chuyến đi này, tôi mang 2 chiếc quần ka-ki dài (1 chiếc mang về Việt Nam để sửa), 2 chiếc quần lửng culottes, và 1 váy. (Trước khi đi, tôi có ý định mua thêm vài chiếc váy mùa hè tại Việt Nam)
- Thực tế: 2 chiếc quần ka-ki chưa một lần nào được mặc vì thời tiết ở Hà Nội quá nóng cho quần dài. Nhưng đúng như dự kiến, tôi cũng mua thêm được 3 chiếc váy rất ưng ý và mặc thường xuyên trong cả chuyến đi.
- Rút kinh nghiệm: Chỉ nên mang 1 chiếc quần dài cho du lịch mùa hè. Lần tới, nếu không có ý định mua thêm thì tôi sẽ mang thêm 1 chiếc váy nữa.
2.3. Đồ ngủ/mặc nhà/thể thao
Đối với đồ mặc ở nhà, kinh nghiệm của tôi là không nên mang quá nhiều. Trước hết, chỉ nên mang những bộ thực sự mềm, mỏng, nhẹ - đảm bảo mình thoải mái nhất khi mặc ở nhà. Thứ hai, bộ đồ thể thao mang theo cũng cần mềm và nhẹ để nếu thiếu quần áo mặc nhà có thể mặc đồ thể thao để đi ngủ. Thứ ba, có kế hoạch tái sử dụng áo phông mặc thông thường để mặc đi ngủ nếu thiếu.
- Dự định: Trong chuyến đi này, tôi mang 1 bộ đồ thể thao (gồm 1 áo, 1 quần), 1 chiếc váy ngủ, 1 đồ bộ ngủ
- Thực tế: Tất cả những bộ đồ này được sử dụng triệt để. Ngoài ra, vì tôi tập yoga hầu như hàng ngày nên có mượn của mẹ tôi một chiếc áo phông thể thao nữa để thay đổi (nhưng đây không phải là bắt buộc).
- Rút kinh nghiệm: Không có.
2.4. Đồ lót
Đồ lót thực sự rất quan trọng khi đi du lịch vì rất khó để cởi bỏ ra khi cảm thấy khó chịu, nhất là lúc đang đi trên đường. Do vậy, cũng như giày dép, đây là món mà bạn nên đầu tư vào chất lượng, chọn đồ lót thoải mái, êm ái nhất để mặc khi đi xa. Đối với du lịch mùa hè, tôi khuyên các bạn gái nên mang thep miếng dán ngực để có thể mặc được váy áo hở lưng và không quá khó chịu khi đi bên ngoài giữa trời nóng.
- Dự định: Trong chuyến đi này, tôi mang 1 chiếc áo lót, 1 miếng dán ngực, 10 chiếc quần lót, 3 đôi tất
- Thực tế: 3 đôi tất chưa sử dụng lần nào vì đôi giày thể thao tôi mang theo là loại đặc biệt, có thể đi giày mà không cần tất.
- Rút kinh nghiệm: Nếu tiếp tục mang đôi giày thể thao loại này, chỉ cần mang 1 đôi tất đề phòng khi cần.
3. Dưỡng da, trang điểm
Đây là toàn bộ những món tôi sử dụng cả hàng ngày và du lịch. Bạn có thể đọc chi tiết về bộ trang điểm và dưỡng da này, cùng với kinh nghiệm tối giản hoá đồ mỹ phẩm của tôi tại bài viết “Minimalism & Beauty: Dưỡng da và trang điểm tối giản”.
Toàn bộ những sản phẩm này được sử dụng triệt để, không thừa, không thiếu, và hiệu năng ổn định trong suốt nhiều chuyến đi du lịch. Bộ dưỡng da và trang điểm này tôi thường để vào vali ký gửi và mang thêm một bộ nhỏ hơn trên máy bay.
5. Sắp xếp đồ
Trong chuyến đi này, tôi sắp xếp toàn bộ đồ đạc vào các hộp xếp đồ mềm (packing cubes). Nếu bạn không có những hộp này và có nhiều đồ mùa đông cồng kềnh như áo len, áo khoác, giày/bốt, bạn có thể xem các xếp khác tại đây. Dưới đây là 4 bước thực tế tôi xếp toàn bộ đồ đạc của hành lý chính trong chuyến đi vừa rồi:


Sau khi xếp xong toàn bộ đồ dùng cá nhân, tôi đặt thêm một số món quà cho gia đình vào khoảng trống. Vali này có trọng lượng khoảng 9 kg.
II. Đồ dùng cá nhân (mang theo trên máy bay)
Đối với những chuyến đi dài (trên 8 tiếng), tôi thường chuẩn bị tương đối kỹ đồ dùng mang trên máy bay để đảm bảo thoải mái nhất cho việc ngủ, nghỉ, làm việc, giải trí, và các hoạt động bình thường khác. Lần đi này của tôi, tổng cộng thời gian cả trên máy bay và chờ đợi ở sân bay là khoảng 30 tiếng. Vì vậy, tôi muốn chắc chắn mình có đầy đủ các món đồ thiết yếu để 30 tiếng đó là khoảng thời gian trải nghiệm thú vị nhất.
Những món đồ này bao gồm:

1. Một túi đựng đồ “khẩn cấp” (màu đỏ trong Hình 1) mà tôi luôn mang theo trong mọi chuyến du lịch. Túi này bao gồm thuốc cảm cúng, đau đầu, di ứng, bàn chải và kem đánh răng du lịch… (danh sách đầy đủ có trên checklist cuối bài)
2. Một túi đựng dây cắm sạc pin máy tính/điện thoại và tai nghe (màu trắng trong Hình 1). Những món đồ này rất dễ rối nên cần phải cuộn gọn lại riêng từng món trước khi cho vào túi.
3. Gối ngủ “cơ động” (màu xanh trong Hình 1).Gối đeo cổ có thể bơm căng để ngủ trên máy bay và bấm cho xẹp lại để vừa vào túi nhỏ khi không cần dùng đến nữa
4. Một bộ đồ thiết yếu cho làm việc, giải trí, chăm sóc cá nhân (Hình 2). Bộ đồ này tuỳ vào mục đích mỗi chuyến đi và thói quen hàng ngày của mỗi người. Trong chuyến đi này, tôi mang theo Máy tính, Máy điện thoại, Kindle, Khăn ướt, Dưỡng môi, Dưỡng da, Dưỡng Tay, Hộ chiếu, Ví, USB, Khăn lau kính, Bút, và Sổ. Những món đồ mỹ phẩm được mang lên máy bay này đều có cỡ nhỏ du lịch, do tôi mua hoặc giữ lại từ những lần được tặng kèm sản phẩm để dùng khi đi du lịch. Tất cả những món đồ lặt vặt này được để gọn vào các túi đồ riêng của nó (Hình 3).

Tất cả những món đồ cá nhân nói trên được xếp vừa vào 1 túi da đeo vai. Đây cũng là chiệc túi xách tôi thường mang đi làm hàng ngày (Hình 4a, 4b). Ngày trước tôi thường để đồ vào ba-lô đeo vai nhưng khoảng 1 năm gần đây, tôi cảm thấy đối với chuyến đi ngắn ngày, túi đeo vai dường như thuận tiện hơn và đa tính năng sử dụng hơn. Trọng lượng của túi đeo này là khoảng 5 kg.

Rút kinh nghiệm: Tôi hoàn toàn hài lòng với những món mình mang trên máy bay. Tất cả những món đồ mang đi đều được sử dụng hết sức triệt để. Tuy nhiên, chuyến đi từ Việt Nam về lại Mỹ, tôi có mang theo một chai xịt khoáng nhỏ và mặt nạ đắp mặt (dạng sheet masks) và thấy cũng rất thích khi được chăm sóc da mặt trên máy bay. Lần tới tôi sẽ cân nhắc mang thêm hai thứ này.
III. Trang phục trên máy bay
Mặc gì trên máy bay đối với tôi rất quan trọng, đặc biệt trong những chuyến đi dài. Để có thể ngồi máy bay liên tục 15-20 tiếng, nhất thiết phải mặc những món đồ thoải mái nhất, mềm nhất, mỏng nhất, êm nhất, mà lại có khả năng giữ ấm (máy bay rất lạnh!).
Hình trên là bộ đồ “truyền thống” tôi mặc trong tất cả các chuyến bay: áo phông dài tay, quần leggings, giày thể thao, và áo khoác bò. Tôi đặc biệt thích cái áo khoác này vì nó dáng rộng nên rất thoải mái, đặc biệt, nó còn có rất nhiều túi cả bên trong và bên ngoài - một yếu tố rất quan trọng vì tôi luôn muốn những thứ quan trọng như hộ chiếu, vé máy bay, tiền, và điện thoại liền theo người mỗi khi đi qua cửa hải quan và làm thủ tục lên máy bay. Có một chiếc áo nhiều túi sâu bên trong như thế này luôn làm tôi cảm thấy yên tâm.
IV. Bài học & Checklist
Bài học lớn nhất của tôi từ chuyến đi này, như các bạn có thể đoán ra, là hoàn toàn có thể mang ít đồ hơn nữa (!) dựa trên tính toán tốt hơn về thời tiết và môi trường du lịch/làm việc. Du lịch gọn nhẹ cũng là một quá trình tự học và rút kinh nghiệm. Tôi hy vọng bạn đọc, cũng như tôi, học được nhiều điều thú vị từ việc chuẩn bị đồ mang theo trong chuyến đi này.
Như đã viết, do nhu cầu di chuyển thường xuyên, tôi nhận ra rằng mình cần phải có một Danh sách đồ du lịch (Travel Packing Checklist) rõ ràng, cố định để mỗi lần ra khỏi cửa an tâm có đầy đủ tất cả những món đồ thiết yếu cho chuyến đi (trong khi vẫn tiếp tục duy trì phong cách du lịch gọn nhẹ).
Bạn đọc có thể xem và tải danh sách này miễn phí tại đây (Tiếng Việt) và đây (Tiếng Anh).
Chúc các bạn có những chuyến đi vui vẻ!
Be Present,
Chi Nguyễn
*** Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về Bản Quyền-Cộng Tác trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung và hình ảnh của blog