[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] - Để phát triển chăn nuôi phát triển hợp xu hướng gắn với tiêu dùng xanh, người chăn nuôi cần áp dụng quy trình chăn nuôi hợp lý để vừa bảo đảm an toàn thực phẩm vừa bảo vệ môi trường; người tiêu dùng cũng cần hình thành thói quen mua sắm thông minh, nâng cao nhận thức để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
Việt Nam có một nền chăn nuôi khá phát triển, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Là nước có diện tích tự nhiên đứng thứ 66 thế giới, nhưng có số đầu lợn đứng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 Thế giới. Hiện tại Việt Nam có đàn gia súc gia cầm cầm lớn so với các nước ở khu vực Đông Nam Á, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò 6,53 triệu, đàn gia cầm 558 triệu con. Cả nước hiện có khoảng 13.752 trang trại chăn nuôi, trong đó trang trại quy mô lớn chiếm 5,8% tổng số trang trại, trang trại quy mô vừa chiếm 31,3% tổng số trang trại, trang trại quy mô nhỏ chiếm 62,9% tổng số trang trại.
Những năm qua được sự quan tâm của các cấp, các ngành, ngành chăn nuôi đã có những chuyển biến tích cực. Thể chế đã được ban hành khá đầy đủ (Luật Chăn nuôi, Thú y, ATTP, các Thông tư hướng dẫn…). Thủ tướng đã ban hành Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030 tầm nhìn 2045. Chất lượng giống đã được cải thiện đáng kể, các giống chất lượng cao trên thế giới được ứng dụng nhanh, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo bò, lợn, gia cầm, tinh phân ly giới tính, cấy truyền phôi đạt tỷ lệ cao. Nhiều công ty lớn đã xây dựng liên kết chuỗi, làm chủ công nghệ, chuyển đổi số, xuất khẩu gia súc gia cầm, sản phẩm chăn nuôi (công ty CP, Dabaco, Mavin…).
Đặc biệt chăn nuôi bò sữa tại một số công ty lớn phát triển mạnh ra thị trường thế giới (Công ty bò sữa TH Milk, Vinamilk …). Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 28 thị trường trên thế giới (như Hồng Kông, Trung Quốc, Bỉ, Pháp, Hoa Kỳ…); Sữa và sản phẩm từ sữa xuất đi trên 50 quốc gia. Công nghệ cao về sơ chế, chế biến đang được đẩy nhanh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và Thế giới. Cả nước đã có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung có kiểm soát của lực lượng chức năng để sản phẩm động vật đến tay người tiêu dung được an toàn. Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại vác xin nhất là Vác xin Dịch tả lợn Châu phi để làm chủ về công nghệ và chủ động phòng chống dịch bệnh động vật.
Khó khăn, thách thức:
Bên cạnh kết quả đạt được, ngành chăn nuôi hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, chưa thực sự gắn kết với xu hướng tiêu dùng xanh đang ngày càng được quan tâm. Một số nội dung cụ thể như:
Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ: Đa số các hộ chăn nuôi ở Việt Nam có quy mô nhỏ, phân tán (gần 50 %), ứng dụng công nghệ thấp, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp và khó kiểm soát chất lượng sản phẩm. Từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, tận dụng dẫn đến hoạt động giết mổ nhỏ lẻ tỷ lệ còn cao, cả nước hiện còn 24.654 cơ sở, điểm giết mổ nhỏ lẻ rất khó kiểm soát. Các chợ cóc, chợ tạm gần như dàn trải ở khắp các địa phương, đường làng, ngõ xóm nên việc kiểm soát sản phẩm động vật sau giết mổ gặp quá nhiều khó khăn. Dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, Việt Nam cũng đã xảy ra nhiều dịch bệnh nguy hiểm trong đó điển hình là dịch tả lợn châu Phi (năm 2019), đến nay diễn biến vẫn còn rất phức tạp, khó lường. Hơn nữa các loại dịch bệnh truyền lây giữa người và gia súc, gia cầm đang có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát.
An toàn thực phẩm: Từ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, khó kiểm soát, liên kết chuỗi chưa sâu, dịch bệnh xảy ra nên chất lượng sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh còn nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát sau giết mổ khi sử dụng ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Hơn thế nữa gây mất niềm tin của người tiêu dùng, dẫn đến giảm sút nhu cầu tiêu dùng, mất thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thịt sang các thị trường quốc tế.
Ô nhiễm môi trường: Hoạt động chăn nuôi nhất là phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường như ô nhiễm nguồn nước, không khí do chất thải chăn nuôi chưa được xử lý triệt để. Hoạt động chăn nuôi tự phát tại các khu vực đồng bằng, nông thôn, vùng sâu, vùng xa tỷ lệ còn cao, rất khó kiểm soát về nguồn nước, chất thải. Khi dịch bệnh xảy ra tốc độ lây lan nhanh, rộng trực tiếp làm ô nhiễm môi trường, việc tiêu hủy gia súc, gia cầm khi có dịch ở nhiều nơi, nhiều chỗ gây ô nhiễm nguồn nước, tài nguyên đất. Bên cạnh đó sản xuất chăn nuôi là một trong những lĩnh vực gây ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến vấn đề phát thải khí nhà kính (Ước tính chiếm khoảng 10-18 % tổng lượng phát thải khí nhà kính,tùy điều kiện chăn nuôi của mỗi quốc gia), tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu.
Nhận thức hạn chế: Ở nhiều nơi, nhiều lúc, người tiêu dùng chưa có đầy đủ kiến thức về chăn nuôi xanh và tiêu dùng xanh, dẫn đến khó khăn trong việc thay đổi hành vi. Thời gian qua các cấp, các ngành quan tâm, nhất là các cơ quan truyền thông đã làm rất nhiều chuyên đề về chăn nuôi xanh, tiêu dùng xanh song vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập so với yêu cầu, tốc độ phát triển của xã hội.
Để phát tiển chăn nuôi gắn với tiêu dùng xanh hiện còn đang nhiều thách thức do chưa có một hệ thống chính sách đồng bộ, rõ ràng để hỗ trợ và khuyến khích phát triển chăn nuôi xanh. Mặc dù Nhà nước đã có nhiều Chính sách, các đề án đã ban hành song việc triển khai dưới cơ sở là rất khó khăn, nhiều nơi không áp dụng được. Thiếu vốn, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ và thiết bị hiện đại. Việc vay vốn cũng gặp khó khi người chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hệ thống hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi còn hạn chế, đặc biệt ở các vùng nông thôn, chăn nuôi tự phát, chăn nuôi tận dụng, không nằm trong quy hoạch. Bên cạnh đó, các tiêu chẩn, quy chuẩn trong ngành hiện không rõ ràng cho từng quy mô, chỉ mới ứng dụng trong các quy mô lớn trong khi đó chăn nuôi nhỏ lẻ tỷ lệ còn cao nên rất khó khăn cho việc đánh giá và phân biệt sản phẩm chăn nuôi. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi xanh còn nhỏ và chưa ổn định, chưa tạo sức hút đầu tư với các doanh nghiệp.
Giải pháp phát triển chăn nuôi gắn với tiêu dùng xanh
Về thuận lợi và cơ hội: Thể chế về phát triển chăn nuôi, thú y đang tiếp tục được hoàn thiện. Thị trường tiêu thụ rộng lớn (trên 100 triệu dân), hơn nữa Việt Nam đã có thị trường tiêu thụ sản phẩm động vật trên thế giới. Nhận thức của người dân, người tiêu dùng đã thay đổi. Khoa học công nghệ, các chương trình, dự án đầu tư từ các thành phần kinh tế đang được ứng dụng mạnh.Các trang trại quy mô lớn hiện đã ứng dụng chuyển đổi số, quản lý công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tiến tiến trên thế giới vào thực hiên sản xuất. Hợp tác quốc tế trong phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến được quan tâm.
Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, ngành chăn nuôi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực; Sản phẩm chăn nuôi hàng hóa được sản xuất chủ yếu trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu chất lượng. Mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 4-5%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 3-4%/năm. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt sản xuất ra đến năm 2025 khoảng 25-30%, đến năm 2030 khoảng 40-50%.
Các giải pháp trọng tâm: Tiếp tục xây dựng, thực hiện hiệu quả thể chế ngành chăn nuôi. Nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển giống vật nuôi, trong đó tập trung thực hiện việc quy hoạch chăn nuôi, đi đôi với các chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, sản xuất các loại thức ăn xanh cho chăn nuôi đại gia súc từ các vùng nguyên liệu, tận dụng lợi thế vùng đồng bằng, vùng bãi. Tổ chức liên kết gắn với thị trường, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn thực phầm. Thực hiện tốt việc ứng dụng khoa học công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi nhất là tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống, chuồng trại, phòng bệnh. Tăng cường chế biến gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, tích hợp đa giá trị, sản xuất theo chuỗi. Áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý chăn nuôi, đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các lĩnh vực sản xuất.
Vai trò của người tiêu dùng trong thúc đẩy tiêu dùng xanh
Người tiêu dùng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh. Quyết định mua sản phẩm chăn nuôi, nhất là các loại thịt gia súc, gia cầm của mỗi cá nhân sẽ tác động trực tiếp đến thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp những sản phẩm thân thiện với môi trường. Một số vai trò cụ thể:
Thay đổi hành vi sản xuất: Áp lực từ người tiêu dùng sẽ buộc các doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các doanh nghiệp sẽ tìm cách sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm lượng khí thải, và tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Nâng cao nhận thức cộng đồng: Người tiêu dùng có thể chia sẻ thông tin về các sản phẩm xanh, các hành động thân thiện với môi trường thông qua các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác. Điều này góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tiêu dùng xanh, nhất là các sản phẩm thịt gia súc gia cầm sau giết mổ phải có kiểm soát. Không tiếp tay cho các cơ sở giết mổ chui, giết mổ không được chính quyền cho phép.
Tín hiệu thị trường: Khi người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm xanh, từ các chuỗi liên kết trong chăn nuôi giết mổ, chế biến họ đang gửi một thông điệp rõ ràng đến các doanh nghiệp: có một thị trường tiềm năng lớn cho các sản phẩm bền vững. Điều này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường hơn. Như việc tìm ra các loại giống gia súc gia cầm kháng bệnh cao, phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu từng vùng miền, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tạo ra sức ép lên các nhà hoạch định chính sách: Khi người tiêu dùng thể hiện sự quan tâm đến các vấn đề môi trường, họ sẽ tạo ra sức ép lên các nhà hoạch định chính sách để ban hành các quy định và chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh. Phù hợp thực tiễn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và chính đáng của người tiêu dùng.
Một số hành động cụ thể của người tiêu dùng
Người tiêu dùng có thể thực hiện để thúc đẩy tiêu dùng xanh là ưu tiên chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước (lực lượng cán bộ thú y tại các địa phương), có nhãn mác, dấu kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đầy đủ từ các cơ sở được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Tìm hiểu và lựa chọn các sản phẩm được chứng nhận là thân thiện với môi trường, trong liên kết chuỗi, sản phẩm từ các công ty, cơ sở chăn nuôi, giết mổ có uy tín. Trong quá trình sử dụng, mua bán sản phẩm động vật, giảm thiểu việc sử dụng bao bì nhựa, chỉ sử dụng các loại hộp đựng thực phẩm tái sử dụng, các loại dụng cụ, đồ dùng chứa sản phẩm có chất lượng không ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm. Phân loại và tái chế rác thải nhất là các sản phẩm có lông da sừng móng khi sử dụng thịt gia súc gia cầm. Đặc biệt ủng hộ, sử dụng sản phẩm động vật của các doanh nghiệp có trách nhiệm cao, có uy tín về xây dựng chuỗi liễn kết trong chăn nuôi, từ giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm bởi chính họ đã tạo nên sự phát triển chăn nuôi xanh.
Phát triển chăn nuôi gắn với tiêu dùng xanh là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành Chăn nuôi và bảo vệ môi trường, an sinh xã hội trong thời gian tới. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, sự đồng thuận của người chăn nuôi với người tiêu dùng. Chắc chắn phát triển chăn nuôi gắn với tiêu dùng xanh tại Việt Nam sẽ có bước chuyển biến tích cực trong thời gian tới./.
Chăn nuôi công nghệ cao và chế biến sản phẩm động vật có kiểm soát
TS. Nguyễn Ngọc Sơn
Phó Chủ tịch thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam