Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do virus Morbili gây ra, chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin. Sởi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm giác mạc gây mù lòa, viêm tai giữa gây điếc, viêm não… Chính vì thế, việc phòng ngừa, phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác bệnh sởi và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Dưới đây là hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh, giúp bố mẹ có thể dễ dàng nhận biết sớm dấu hiệu ban đầu của bệnh.
BS Bùi Công Sự - Quản lý Y khoa vùng 3 - miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: “Tại Việt Nam, sởi lưu hành quanh năm, nhưng thường xảy ra dịch vào những tháng đông - xuân ở vùng khí hậu ôn đới và mùa khô ở vùng nhiệt đới. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh sởi. Các tổ chức y tế thế giới và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo phụ huynh tiêm vắc xin sởi đầy đủ cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên. Khi được tiêm đủ ba mũi vắc xin phòng sởi, trẻ có khả năng miễn dịch đến 99%, giảm nguy cơ biến chứng nếu chẳng may mắc bệnh.”Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ
Bệnh sởi ở trẻ không chỉ gây sốt cao, ho khan, viêm đường hô hấp và viêm kết mạc mắt, mà còn nổi ban trên da. Tuy nhiên, ban sởi chỉ xuất hiện ở giai đoạn toàn phát, dễ bị nhầm với các bệnh như rubella, phát ban mùa xuân, tay chân miệng, hay sốt mò.
Sau khi sốt cao 3 - 4 ngày, trẻ sẽ vào giai đoạn toàn phát với những nốt ban xuất hiện theo trình tự từ trên xuống dưới. Ban đầu nổi từ sau tai, gáy, lan tới trán, má và toàn bộ đầu, mặt, cổ trong ngày đầu tiên. Ngày thứ hai, ban lan tới tay, bụng và đùi. Đến ngày thứ ba, chúng xuất hiện ở hai chi dưới và lòng bàn chân. Nốt ban sởi đặc trưng không ngứa, màu đỏ tía, dạng dát sẩn, hơi nổi gờ, mịn khi sờ vào và có hình tròn hoặc bầu dục, kết thành đám tròn 3 - 6 mm, xen kẽ với những mảng da lành khác. Ban kéo dài khoảng 6 ngày.
⇒ Tham khảo thêm: Dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ dưới 1 tuổi cùng cách điều trị và chăm sóc
Khi ban lan khắp toàn thân, trẻ sẽ bắt đầu giảm sốt và các ban dần biến mất theo trình tự mọc. Nếu không có biến chứng, bệnh sẽ tự khỏi. Những nốt ban nhạt dần, chuyển sang màu xám và bong vảy phấn, có thể để lại vết thâm. Các chấm da thâm này có màu sắc khác với da bình thường, tạo nên hình ảnh “vằn da hổ” - một dấu hiệu nổi bật để chẩn đoán bệnh sởi.
Ngoài các nốt ban trên da, trẻ mắc sởi còn có thể xuất hiện nội ban (hạt Koplik) trong thời kỳ bệnh toàn phát. Đây là những hạt trắng nhỏ như đầu đinh ghim, có quầng ban đỏ, mọc ở niêm mạc má trong miệng, ngang răng hàm. Hạt Koplik thường tồn tại 24 - 48 giờ và là dấu hiệu giúp chẩn đoán sớm và chính xác bệnh sởi.
Trường hợp sởi nặng, trẻ có thể bị tím tái da, xuất huyết dưới da cuối giai đoạn khởi phát, trước khi mọc ban. Đồng thời, trẻ còn xuất hiện các triệu chứng như sốt cao đột ngột 39-41 độ C, vật vã, mê sảng, hôn mê, co giật, mạch nhanh, huyết áp tụt, thở nhanh, nôn và tiêu chảy. Những trường hợp này cần nhập viện ngay để được điều trị kịp thời.
Hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em qua từng giai đoạn
Dưới đây là hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em qua từng giai đoạn, giúp bố mẹ sớm phát hiện tình trạng bệnh sởi của trẻ, từ đó kịp thời cho trẻ đi khám và can thiệp điều trị y tế thích hợp:
Hình ảnh trẻ bị sởi giai đoạn khởi phát
Trước khi tiến đến giai đoạn khởi phát, trẻ mắc sởi sẽ trải qua khoảng 10 - 12 ngày ủ bệnh. Đây là khoảng thời gian tính từ khi trẻ bị lây nhiễm virus sởi đến khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Giai đoạn ủ bệnh trẻ thường không xuất hiện bất cứ triệu chứng nào của bệnh.
Đến giai đoạn khởi phát, thường rất khó để quan sát thấy các triệu chứng điển hình của bệnh như các nốt phát ban. Ở giai đoạn này, trẻ thường sốt, có thể sốt cao trong 3 - 4 ngày, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ do viêm kết mạc mắt…



Hình ảnh bé bị sởi giai đoạn toàn phát
Giai đoạn toàn phát là thời điểm điển hình nhất của bệnh, với triệu chứng phát ban dạng dát, sẩn, hơi nổi lên trên bề mặt da, sờ vào mịn như nhung, không đau và ít ngứa, không sinh mủ. Đây là những triệu chứng điển hình của bệnh sởi ở trẻ giúp phân biết với các bệnh gây triệu chứng nhiễm trùng ngoài da khác.
Phát ban sởi có đặc điểm xuất hiện tuần tự rõ ràng trên da:
Vào ngày đầu tiên, phát ban bắt đầu từ đầu, mặt và cổ

Đến ngày thứ hai, lan tới ngực, lưng và cánh tay

Sang ngày thứ ba, ban tiếp tục xuất hiện ở bụng, mông, đùi và chân

Khi ban lan tới chân, trẻ sẽ hết sốt và ban bắt đầu bay

Hình ảnh sởi ở trẻ em giai đoạn phục hồi
Trong giai đoạn phục hồi, trẻ thường đã hết sốt và các vết phát ban trên da dần biến mất theo trình tự xuất hiện ban đầu, để lại những vết thâm trên vùng da từng bị phát ban. Tuy nhiên, có trường hợp các vết ban bắt đầu biến mất khi trẻ vẫn còn sốt, điều này có thể là dấu hiệu bệnh sởi đã biến chuyển thành những tình trạng nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể trải qua hiện tượng lột da trong giai đoạn này.

Hình ảnh phân biệt bệnh sởi với các bệnh khác
Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em rất dễ nhận ra nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác như phát ban, rôm sảy thông thường, rubella (sởi đức), sốt mò… Dưới đây là hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em khi so sánh với các bệnh lý nhiễm trùng biểu hiện ngoài ra có triệu chứng tương tự:
Hình ảnh sởi ở trẻ em giai đoạn phục hồi
Bệnh sởi ở trẻ em Sốt phát ban ở trẻ emNốt ban do sởi thường nổi đỏ tía, dạng dát sẩn, hơi gồ, không nổi tuần tự khắp cơ thể mà xuất hiện tuần tự từ đầu, mặt, cổ, tay, ngực, bụng, lưng, đùi, mông, chân, sau khi lặn có thể để lại sẹo hoặc vết thâm.
Nốt ban do sốt phát ban thường nổi đỏ và sáng, ban mịn, ít sần sùi trên mặt da, nổi đồng loạt khắp cơ thể, sau khi lặn thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
Hình ảnh phân biệt giữa bệnh sởi và thủy đậu
Bệnh sởi ở trẻ em Thủy đậu ở trẻ emPhát ban do sởi xuất hiện tuần tự từ đầu, đến thân và cuối cùng là hạ bộ, chúng xuất hiện dưới dạng các đốm đỏ phẳng trên da, đôi khi có kèm theo vết sưng, nhưng không chứa dịch lỏng như mụn nước. Đốm phát ban do sởi có thể lan rộng và gộp lại, tạo thành các mảng lớn trên nhiều khu vực da khác nhau.
Phát ban do thủy đậu bắt đầu xuất hiện trên ngực, mặt và lưng, sau đó lan rộng khắp cơ thể. Phát ban thủy đậu sưng đỏ hoặc sẩn, sau đó chuyển thành mụn nước chứa đầy dịch lỏng. Các mụn nước này vỡ ra, chảy dịch trước khi khô lại và đóng vảy.
Hình ảnh phân biệt bệnh sởi và sốt xuất huyết
Bệnh sởi ở trẻ em Sốt xuất huyết ở trẻ emCác nốt ban do sởi sẽ xuất hiện ở vùng sau tai và lan dần ra mặt, lưng và lan rộng ra toàn thân.
Các nốt ban do sốt xuất huyết sẽ mọc toàn thân ngay từ đầu, không theo trình tự nhất định.
Hình ảnh phân biệt bệnh sởi và tay chân miệng
Bệnh sởi ở trẻ em Tay chân miệng ở trẻ emTổn thương da do sởi thường mịn, không có dịch và mọc theo trình tự từ mặt, cổ, thân, tay đến chân, cũng sẽ biến mất theo đúng thứ tự trên.
Tổn thương da do tay chân miệng thường tập trung ở lòng bàn tay, mông, đầu gối, lòng bàn chân… ở dạng phỏng nước, không đau, không ngứa và ít vỡ.
Hình ảnh các biến chứng bệnh sởi ở trẻ em
Hình ảnh biến chứng viêm phổi
Biến chứng viêm phổi thường là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở người mắc sởi, đặc biệt là trẻ em.

Hình ảnh biến chứng viêm não
Biến chứng thần kinh, điển hình là viêm não do sởi là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh sởi, thường xuất hiện từ ngày thứ 5 sau khi nổi ban, có thể để lại di chứng hoặc gây tử vong.

Hình ảnh biến chứng tiêu hóa
Biến chứng tiêu hóa có thể bao gồm tiêu chảy, viêm dạ dày ruột và viêm hạch mạc treo, với tiêu chảy là biến chứng phổ biến nhất. Biến chứng viêm niêm mạc miệng do virus sởi thường hết cùng với ban, nhưng có thể do bội nhiễm gây ra biến chứng muộn như cam tẩu mã - một tình trạng hoại tử niêm mạc miệng do một loại vi khuẩn hoại thư, gây ra hơi thở có mùi hôi thối. Viêm ruột là một biến chứng do bội nhiễm các loại vi khuẩn như Shigella và E. coli, thường gây tiêu chảy nặng nề hơn so với các tiêu chảy do virus khác.

Hình ảnh biến chứng về mắt
Biến chứng về mắt như loét giác mạc có thể gặp ở trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể để lại di chứng mù lòa vĩnh viễn.

Thông qua các hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh, phụ huynh có thể nhận biết sớm các dấu hiệu ban đầu của bệnh để nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế địa phương hoặc bệnh viện gần nhất nhằm thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều này giúp hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng nguy hiểm của bệnh như các biến chứng hô hấp, thần kinh, tiêu hóa, tai mũi họng, mắt, biến chứng do suy giảm miễn dịch…, thậm chí tử vong. Để ngăn ngừa lây nhiễm, mắc bệnh và chặn đứng nguy cơ biến chứng nguy hiểm do sởi, phụ huynh cần chủ động cho trẻ tiêm ngừa vắc xin phòng sởi càng sớm càng tốt, tốt nhất khi trẻ vừa đạt 9 tháng tuổi. Đồng thời, đảm bảo trẻ được tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch theo khuyến cáo.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về các hình ảnh bệnh sởi ở trẻ em, quý Khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với VNVC thông qua hotline 028.7102.6595 hoặc inbox qua fanpage VNVC - Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em & Người lớn hoặc đến ngay các trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc để được nhân viên chăm sóc Khách hàng hướng dẫn chi tiết, được bác sĩ thăm khám sàng lọc, tư vấn sức khỏe và chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tra cứu trung tâm tiêm chủng VNVC gần nhất tại đây.