Người đi, hậu quả ở lại
Sau hơn 4 ngày từ bài viết đăng tải trên báo Dân trí, "hẻm Hàn Quốc" tại số 139 Lý Chính Thắng (phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) đã trở nên vắng lặng hơn.
Đến 17h, thỉnh thoảng có một số bạn trẻ lái xe vào khu vực dân cư để chụp ảnh, sau đó lặng lẽ rời đi. Khu phố đã được trả lại sự yên bình, nhưng sức sống không còn như trước, cảnh vật cũng trở nên nhếch nhác vì rác thải, mùi hôi thối bốc lên từ bãi đất trống.
Đến nay, cái tên "hẻm Hàn Quốc" vẫn còn khiến cho cư dân thấy khó hiểu. Với một đứa trẻ như Hồng Ngọc (8 tuổi) cũng phải thốt lên: "Không hiểu sao anh chị lại kêu là hẻm Hàn Quốc. Em không thấy Hàn Quốc chỗ nào".
Ông T.Đ.T (cư dân tại hẻm 139 Lý Chính Thắng) cho biết, con hẻm này chỉ mới vơi bớt người từ hôm 20/2 đến nay. Còn những hôm trước, ông và nhiều cư dân khác như bị "tra tấn" bởi sự ồn ào. Ngày thường, cứ tan tầm thì ông T. lại ra ghế đá để ngồi hóng mát. Tuy nhiên, kể từ khi con hẻm trở nên nổi tiếng, ông đành lủi thủi trong nhà, đến hôm nay mới được ra ngoài.
"Các cháu có vẻ không phải trẻ hư, không la hét hay trộm cắp gì nhưng một lúc kéo đến đông quá, phải mấy trăm người sao chúng tôi chịu nổi. Tôi trên dưới 80 tuổi rồi, chỉ cần nghỉ ngơi thôi. Dù con hẻm giờ vắng hơn nhưng hậu quả các cháu để lại vẫn còn", ông T. nói.
Không dừng lại ở đó, ông T. còn phản ánh rằng có một số người trẻ vô ý thức, thay đồ và tiểu tiện ngay góc tường của một ngôi nhà. Ghi nhận vào ngày 22/2, đoạn đường quanh góc tường này bốc mùi hôi thối, khiến người lớn, trẻ nhỏ đi ngang phải nhăn mặt, che mũi lại. Cứ 5h, người dọn dẹp vệ sinh và cư dân đã quét dọn sạch sẽ, nhưng đến chiều vẫn đâu vào đấy, có khi còn lộn xộn hơn.
"Nhờ công an khu vực nên vắng bớt, chúng tôi mới được trả lại khoảng sân để sinh hoạt chung. Chứ từ sau Tết, các cháu đến đông không tưởng tượng nổi, từ sáng đến chiều tối vẫn còn. Đứng chụp ảnh giữa đường, các cháu chặn hết lối đi của cư dân, đứng lên ghế đá đùa giỡn khiến người già, trẻ con ở đây bị ảnh hưởng tinh thần rất nhiều", ông T. bộc bạch.
Theo ông T., sau những phản ánh của báo chí, con hẻm dần đỡ ồn ào hơn, nhưng hậu quả tinh thần mà những bạn trẻ để lại vẫn còn khiến cư dân ám ảnh.
Đức Huệ (học sinh lớp 8, trường THCS Lê Lợi) chia sẻ, mỗi khi tan học, nam sinh này đều ra sân của khu cư xá để vui chơi với các bạn. Nhưng từ khi nhiều người kéo đến chụp ảnh, cả nhóm phải len lỏi vào các con hẻm bên trong hoặc thậm chí phải ở nhà.
"Em là lớn nhất trong nhóm nên khi lực lượng chức năng xuống, các chú có kêu em khi nào thấy người đông quá thì mời họ đi bớt. Em cũng làm theo thì bị một số người chửi, người chủ bãi giữ xe ngoài kia cũng tỏ vẻ khó chịu vì em đuổi những anh chị này đi, làm mất khách giữ xe của họ", Đức Huệ bộc bạch.
Là người trẻ, phải biết giới hạn ở đâu
Ông T. cho rằng, người trẻ cần phải biết giới hạn ở đâu để cư xử cho đúng mực.
"Tôi có hỏi các cháu vì sao đến đây thì nhận được câu trả lời là "xem trên mạng, nghe người ta nói đẹp nên đến". Rồi còn nghe người khác gọi hẻm Hàn Quốc nên bắt chước theo. Bản thân tôi thấy không có Hàn Quốc tí nào cả, các cháu chắc gì đã đến Hàn bao giờ mà lại ví một khu phố Việt Nam giống nước ngoài", ông T. nói.
Theo ông, nhiều người trẻ thay phiên nhau đến kiểu "một đi không trở lại". Nghĩa là chỉ thích chạy theo xu hướng, cả thèm chóng chán và không thật sự hiểu rõ giá trị của một sự vật, sự việc nào. Chỉ một vài người đến chụp ảnh rồi tâm sự với người lớn về nguồn gốc của con hẻm.
"Đa phần là các cháu đến thỏa mãn nhu cầu, sự yêu thích của bản thân mà quên đi những giá trị quan trọng hơn. Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, vậy mà đâu có cháu nào hỏi nguồn gốc của khu này thế nào, mà chỉ hỏi còn góc nào chụp đẹp hơn không", ông T. cười.
Lúc này, chị Bạch Tuyết (29 tuổi, cư dân tại hẻm 139 Lý Chính Thắng) bế con từ nhà xuống dưới sân, ngồi trên ghế đá . Những ngày trước khi còn đông đúc, chị chỉ đơn thuần bế con xuống đi dạo rồi quay trở về nhà vì sợ gặp đông người, con sẽ sợ rồi bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Theo chị Tuyết, là một người gần như thuộc thế hệ Gen Z, chị cho rằng, chuyện chụp ảnh ở một cảnh đẹp là chuyện bình thường. Bản thân chị cũng thích và thỉnh thoảng đến một số nơi được cho là chụp đẹp qua mạng xã hội. Tuy nhiên, chị Tuyết cho rằng giới trẻ cần phải ý thức về việc tôn trọng cuộc sống, quyền riêng tư của người khác.
"Các bạn đến chụp, bản thân tôi và gia đình rất hoan nghênh, vì mình cũng thấu hiểu cảm giác tò mò, thích thú khi có ảnh đẹp của các bạn. Nhưng nên nhớ là ở bất kỳ đâu sẽ có trẻ em, người già, nên chúng ta phải biết sắp xếp, căn chỉnh thế nào cho phù hợp. Nếu được vậy, lần sau chúng ta đến chụp, người dân sẽ tiếp đón niềm nở, chứ không phải là thái độ e dè, khó chịu", chị Tuyết bày tỏ.
Hơn 18h, người dân dần trở về nhà để chuẩn bị bữa tối, quay quần bên người thân. Đám trẻ tại con hẻm 139 Lý Chính Thắng vẫn hăng say vui chơi.
Chúng bông đùa rằng: "Mấy nay không được chơi đã thế này, nay chúng con chơi thả ga luôn. Sợ ngày mai anh chị lại đến, đông quá chúng con phải ở nhà".