Vậy, giáo dục Phần Lan (Finland Education) có gì đặc biệt? Cùng ILO khám phá điều này trong bài viết sau!
Giáo dục Phần Lan là gì?
Phần Lan được coi là một quốc gia giàu trí tuệ. Trong nhiều năm nay, đất nước Phần Lan đã áp dụng các chương trình cải cách giáo dục toàn diện. Có một số thay đổi mới lạ và khá đơn giản nhưng đã làm nên cuộc cách mạng hoàn toàn hệ thống giáo dục. Điều này làm cho Phần Lan vượt xa Hoa Kỳ và lấn át các nước Đông Nam Á.
Một số thứ hạng mà nền giáo dục Phần Lan đã được ghi nhận:
• Có nền giáo dục đứng thứ 8 trên thế giới.
• Trong bảng xếp hạng Giáo dục theo quốc gia, Phần Lan có tổng điểm là 1,631K xếp ở vị trí thứ 3 vào năm 2021.
• Có thứ hạng cao nhất về tỷ lệ hoàn thành bậc trung học.
• Nghiên cứu Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Phần Lan có nền giáo dục phát triển nhất thế giới.
Hệ thống giáo dục Phần Lan
Bạn đã bao giờ nghĩ tại sao Phần Lan lại có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới chưa?
Ở đất nước này, công dân hoàn toàn được miễn phí ở tất cả các cấp học. Mô hình giáo dục Phần Lan được chia ra thành các bậc sau:
• Giáo dục và chăm sóc trẻ thơ: Dành cho học sinh trước khi bắt đầu giáo dục bắt buộc.
• Giáo dục mầm non: Thời gian 1 năm cho trẻ 6 tuổi.
• Giáo dục cơ bản: Giáo dục 9 năm bắt buộc cho trẻ em từ 7-16 tuổi.
• Giáo dục trung học phổ thông: Bao gồm giáo dục dạy nghề tại các cơ sở dạy nghề hoặc giáo dục trung học phổ thông ở các trường THPT.
Độ tuổi chung để tham gia học trung học phổ thông là từ 16 đến 19 tuổi.
• Giáo dục đại học: Học ở các trường đại học hoặc Đại học Khoa học Ứng dụng (đào tạo nghề và kỹ năng chuyên môn).
• Giáo dục người lớn: Dành cho mọi đối tượng của đất nước Phần Lan (Trung tâm học tập, Trung tâm huấn luyện thể thao…).
Giáo dục Phần Lan có gì đặc biệt?
Bạn muốn biết tại sao Phần Lan có hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới? Đây là những điểm đặc biệt của hệ thống giáo dục Phần Lan (Finland Education):
1. Xây dựng nền giáo dục bình đẳng
Triết lý của giáo dục Phần Lan là gì? Mục đích chính trong Chính sách Giáo dục của Phần Lan là đảm bảo rằng mọi công dân đều có cơ hội được học tập bình đẳng. Đất nước này thực hiện một môi trường giảng dạy và học tập toàn diện dựa trên sự công bằng.
Các biện pháp hỗ trợ được áp dụng để luôn đảm bảo rằng mọi học sinh và sinh viên đều có cơ hội để phát huy hết sở trường của mình. Sự khác biệt giữa các trường là rất ít. Học sinh được làm việc theo nhóm, hợp tác theo tinh thần đồng đội.
2. Giáo dục hoàn toàn miễn phí
Ở Phần Lan, giáo dục được coi là quyền bình đẳng cho tất cả mọi người. Nền giáo dục được thành lập trên nguyên tắc “Học tập suốt đời” và “Giáo dục miễn phí”.
Từ mầm non đến đại học là hoàn toàn miễn phí. Quyền này không chỉ dành cho công dân Phần Lan mà còn cho những học sinh tới từ các quốc gia EU /EEA.
Ngoài học phí, các bữa ăn trưa, dụng cụ học tập và chi phí tham quan của học sinh đều được miễn phí. Với những học sinh ở vùng sâu vùng xa, luôn có các phương tiện giao thông miễn phí để hỗ trợ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học.
3. Bắt đầu đi học ở độ tuổi lớn
Trẻ em Phần Lan bắt đầu hành trình học tập ở độ tuổi lớn hơn, tức là chỉ khi lên 7 tuổi, các em mới bắt đầu đi học và trước đó việc học tập được thực hiện tự do. Do đó trẻ em ở quốc gia này được tận hưởng tuổi thơ và có nhiều thời gian để gắn kết với gia đình.
4. Đa dạng hóa chương trình dạy học
Học sinh Phần Lan chỉ dành 20 giờ một tuần ở trường. Học sinh được học những điều mới trong trường học từ làm bánh, đan móc, khâu vá, kỹ năng sơ cứu, tới cách tạo website, âm nhạc, thơ ca…
Một số người thắc mắc Phần Lan có học toán không? Thực tế là trong những năm gần đây giáo dục Phần Lan đã có cuộc cách mạng hóa, không dạy các môn học riêng lẻ như toán, lý, hóa… mà tập trung vào phương pháp dạy học theo chủ đề rộng hơn. Thông qua các chủ đề này, học sinh được trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
5. Phương pháp tự học, tự nghiên cứu được đặt lên hàng đầu
Không như một số quốc gia, trẻ em Phần Lan được dạy thực hành và các kỹ năng sống nhiều hơn lý thuyết. Học sinh cũng có nhiều cơ hội để tự nghiên cứu và tự tìm ra câu trả lời. Điều này làm cho trẻ em Phần Lan trở thành những cá thể độc lập, tự tin và có năng lực tự học.
6. Có nhiều thời gian hơn để vui chơi
Cứ 45 phút học tập ở trường, học sinh Phần Lan có 15 phút để chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí. Đây là đất nước có giờ ra chơi dài nhất thế giới!
7. Hầu như không có bài tập về nhà
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh Phần Lan phải dành rất ít thời gian cho bài tập về nhà. Trung bình, mỗi học sinh nơi đây dành 2,8 giờ mỗi tuần để làm bài tập về nhà, trong khi đó, học sinh Mỹ phải dành 6,1 giờ làm bài tập mỗi tuần.
8. Không có các bài kiểm tra tiêu chuẩn
Không như phần lớn các quốc gia khác, học sinh Phần Lan được xếp loại không phải dựa vào điểm số mà dựa trên thành tích cá nhân và các tiêu chí đánh giá do giáo viên quyết định. Đặc biệt, không có các kỳ thi hoặc bài kiểm tra theo tiêu chuẩn hóa.
Ở Phần Lan, học sinh chỉ làm một bài kiểm tra tiêu chuẩn trong suốt quá trình học tiểu học và trung học. Đây được gọi là Kỳ thi tuyển sinh quốc gia, được thực hiện vào năm cuối cấp trung học phổ thông, khi học sinh ở độ tuổi 16.
9. Giáo dục Phần Lan yêu cầu cao đối với giáo viên
Ở Phần Lan, dạy học là một trong những nghề được kính trọng nhất với các tiêu chuẩn rất khắt khe. Giáo viên ở quốc gia này được đối xử như giáo sư tại trường đại học, thường là những người có bằng thạc sĩ.
Giáo viên Phần Lan chỉ dành khoảng 4 giờ mỗi ngày để giảng dạy trên lớp, thời gian còn lại dành cho việc soạn giáo án và phát triển chuyên môn. Họ được quyền lập kế hoạch giảng dạy và xây dựng hệ thống chấm điểm cho học sinh. Mặc dù yêu cầu khắt khe về năng lực chuyên môn, song lương của các giáo viên ở Phần Lan được trả cao, tương đương với bác sĩ và luật sư.
Ngoài những điều đặc biệt trên, đất nước Phần Lan rất chú trọng sự độc lập và cá tính riêng. Các ngôi trường ở đây không quy định đồng phục, học sinh được mặc những gì chúng muốn. Giờ học ở đất nước Phần Lan bắt đầu từ lúc 9 giờ 30 sáng bởi họ quan niệm rằng giờ học quá sớm sẽ ảnh hưởng tới sự trưởng thành của trẻ. Khi học, học sinh không nhất thiết phải ngồi gò bó ở bàn học trong lớp.
Trên đây là những lý do khiến nền giáo dục Phần Lan trở thành một trong những hệ thống tốt nhất thế giới. Sau khi tốt nghiệp, học sinh Phần Lan phần lớn trở thành những người biết ứng xử, có thể sử dụng đa ngôn ngữ, tự kinh doanh và có kỹ năng tự học suốt đời.