Bệnh gout là bệnh lành tính không gây tử vong, nhưng bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm đến nhiều cơ quan như các khớp xương, thận, gan, tim và đe dọa tính mạng người bệnh. Tìm hiểu ngay!
Dấu hiệu cảnh báo bệnh gout
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout (gút) là một loại viêm khớp mạn tính được hình thành do rối loạn chuyển hóa purin gây nên tình trạng tăng mức acid uric trong máu dẫn đến hình thành các tinh thể uric trong các khớp và mô xung quanh gây viêm.
Gout thường gây ra những cơn đau và sưng tại các khớp, đặc biệt là ở ngón chân, ngón tay, cổ chân và đầu gối. Theo từng giai đoạn tiến triển của bệnh, triệu chứng và tổn thương khớp sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các giai đoạn của bệnh gout
Bệnh gout gồm 4 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1: Hàm lượng acid uric trong máu tăng cao, giai đoạn này chưa hình thành tinh thể uric gây viêm khớp, vì vậy người mắc bệnh thường không nhận thấy triệu chứng bất thường nào. Bệnh nhân thường vô tình phát hiện khi đi kiểm tra máu khi khám sức khỏe tổng quát.
Giai đoạn 2: Giai đoạn này, các tinh thể uric đã lắng đọng quanh khớp gây viêm, triệu chứng bệnh xuất hiện khá rõ ràng với các cơn đau thường xuyên ở nhiều khớp.
Giai đoạn 3: Ở giai đoạn này của bệnh gout, các đợt khởi phát viêm và triệu chứng gout cấp sẽ càng lúc càng gần nhau hơn. Các khớp sưng đỏ, khó cử động khớp. Đây là dấu hiệu cảnh báo tinh thể uric đang không ngừng lắng đọng trong mô và ảnh hưởng đến các khớp.
Giai đoạn 4: Bệnh trở lên mạn tính, lâu dài sẽ khiến khớp biến dạng gây hư hại xương và sụn, dẫn đến các biến chứng như sỏi thận, suy thận, hình thành các cục tophi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và khả năng vận động của xương khớp.
Nguyên nhân gây bệnh gout
Nguyên nhân chính gây bệnh gout là sự tạo thành và tích tụ acid uric trong cơ thể. Acid uric là một chất tự nhiên được tạo ra khi cơ thể phân giải purin - một hợp chất có trong các loại thực phẩm như hải sản, nội tạng động vật, thịt đỏ,…
Bình thường chỉ số acid uric trong máu được duy trì ở mức cố định đối với nam giới: 210 - 420 umol/L và 150 - 350 umol/L đối với nữ giới.
Nguyên nhân nguyên phát: Đa số người bị bệnh gout do nguyên nhân này, thường gặp ở đối tượng nam giới độ tuổi trên 40, có thói quen sinh hoạt và ăn uống không lành mạnh, ăn thực phẩm có chứa hàm lượng purin cao như gan, thận, tôm, cua, lòng đỏ trứng, nấm, uống nhiều bia rượu…
Nguyên nhân thứ phát: Tình trạng tăng acid uric máu do một số bệnh khác hay một số nguyên nhân khác.
- Suy thận và các bệnh lý làm giảm độ thanh lọc acid uric của cầu thận;
- Mắc một số bệnh lý về máu như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcoma hạch, đau tủy xương,…
- Sử dụng thuốc khi điều trị bệnh lý ác tính.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout
Chế độ ăn quá nhiều thực phẩm giàu purin (thực phẩm giàu chất đạm, các động thực vật chứa nhiều purin như hải sản, nấm, trứng, nội tạng động vật,…).
- Tuổi tác và giới tính: Bệnh phổ biến hơn ở nam giới và người từ 40 tuổi trở lên;
- Tiền sử trong gia đình có người mắc bệnh gout;
- Sử dụng chất kích thích, lạm dụng rượu bia trong thời gian dài;
- Tăng cân quá mức, mắc bệnh béo phì;
- Sử dụng một số thuốc làm tăng nồng độ acid uric trong máu như aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc điều trị các bệnh ung thư, thuốc điều trị cao huyết áp,…
Nhận biết dấu hiệu bệnh gout
Bệnh gout ở giai đoạn 1 thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng và khó nhận biết. Dấu hiệu gout dễ nhầm lẫn với các bệnh xương khớp, viêm khớp,…
Các triệu chứng đặc trưng nhận biết bị gout không nên bỏ qua:
- Sưng tấy, đau dữ dội tại vị trí các khớp ngón chân, mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay,… Cơn đau có thể trở nên nghiêm trọng nhất trong vòng 4 đến 12 giờ đầu tiên sau khi bắt đầu.
- Tại các khớp bị gout có biểu hiện viêm, sưng đỏ, cảm giác nóng ở khớp và chạm vào sẽ thấy đau. Bên cạnh đó, do sưng tích tụ dịch nên vùng da bao bọc quanh khớp bị bệnh sáng bóng, căng hơn, đôi khi còn bị bong tróc.
- Hạn chế chuyển động, cơn đau khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động. Đặc biệt, tình trạng bệnh gout sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu người bệnh lười vận động.
Khi nhận thấy cơ thể có một trong những biểu hiện trên, rất có khả năng bạn bị gout, vì vậy hãy đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để có kết quả chính xác, điều trị kịp thời và đúng cách đem lại hiệu quả tốt nhất.
Bệnh gout có chữa được không?
Gout là bệnh mạn tính nên rất khó điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, tuy nhiên nếu người bệnh tuân thủ điều trị, đúng phác đồ phù hợp và kết hợp thay đổi lối sống, chế độ ăn uống sẽ kiểm soát bệnh tối ưu.
Thực phẩm tốt cho người bệnh gout
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có nguy cơ xảy ra thường xuyên hơn và các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh gout
Sau chữa khỏi có nguy cơ tái phát cao, gây nhiều cơn đau hơn. Nếu bệnh không được kiểm soát sẽ làm hủy khớp của bệnh nhân.
Hình thành các cục tophi trong khớp như tophi ở vành tai, gót chân, mu bàn chân, khuỷu tay,… gây cứng khớp, sưng khớp và làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh.
Bệnh gout còn gây ra sỏi thận, suy thận và ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể, đe dọa tính mạng người bệnh.
Thói quen ăn uống hàng ngày, lối sống lành mạnh, vận động đều đặn có mối liên quan với bệnh gout. Vì vậy, để kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa bệnh gout hãy thay đổi những thói quen không tốt ngay từ bây giờ để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Những công dụng tuyệt vời của hạt óc chó đối với sức khỏe
- Những loại thực phẩm giàu canxi bổ sung cho cơ thể bạn nên biết
- Một số thực phẩm chức năng bổ sung canxi tốt và những điều cần lưu ý