Họ thành kính dâng lễ vật tiễn đưa ông táo về trời bẩm báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình cho Ngọc Hoàng. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa ngày Tết của người Việt ta.
Khi những cánh mai vàng bắt đầu khoe sắc đón xuân, khi người người dọn dẹp trang hoàng nhà cửa chính là lúc báo hiệu một mùa xuân mới sắp về. Tết được bà con tính ngày 23 tháng chạp. Không ai biết chính xác tục cúng ông Công, ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đi vào tiềm thức của người Việt Nam và trở thành một nét đẹp trong văn hóa ngày Tết. “Hăm ba ông Táo về trời, bình vôi ở lại chịu lời đắng cay”.
Theo quan niệm dân gian, Ông Táo gồm bộ ba là: Táo quân, Táo bà và Táo tướng. Lễ cúng ông táo hàng năm nhằm đưa tiễn Ông Táo về trời sau một năm phù hộ độ trì cho sự bình an và ghi chép công tội của gia chủ để báo cáo với Ngọc Hoàng.
Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: "Đưa ông táo về trời là một cái tục lệ đối với vùng đất Nam Bộ này rất lâu đời. Kế thừa từ miền ngoài nhưng mà nó có gọi là Nam bộ hóa. Tức là vài trăm năm qua, nghi thức cúng cũng như các nơi, coi như gia đình đó làm ăn trong năm thế nào, sinh hoạt gia đình thì gửi gắm ông táo trong trong ngày 23 để ông báo cáo với Ngọc Hoàng tình hình làm ăn, sinh hoạt gia đình năm đã qua để từ đó nhờ Ngọc Hoàng tiếp tục phò hộ để cho ông Táo hoàn thành công việc ở trần gian. Chúng ta thấy chuyện này vừa mang ý nghĩa truyền thống và đạo đức mà cũng vừa có tính chất vui tươi, dí dỏm".
Ngược dòng thời gian, loại bếp được coi là cổ xưa nhất ở xứ ta có lẽ là 3 ông đầu rau, còn gọi là 3 ông táo. Thuở sơ khai, 3 ông đầu rau là 3 hòn đá tự nhiên, sau đó, được nắn bằng đất sét, đất nung và rồi đẽo bằng đá, đúc bằng xi măng. Vào cuối tháng chạp hàng năm, nhà nhà phải chuẩn bị 3 ông đầu rau mới.
Ngoài loại bếp 3 ông đầu rau, người Nam bộ còn sử dụng loại bếp của bà con Khmer, đó là cà ràng, một loại bếp lò độc đáo vừa bao gồm nơi nấu với 3 ông táo, gắn với một thân đáy chịu lửa. Cà ràng được nhiều nhà chuộng hơn vì tiện cho việc mang theo ra đồng ruộng, nấu trên ghe, xuồng, không kén củi, không phải để mắt canh chừng củi lửa. Về sau, người ta còn chế nhiều loại bếp khác để xài đa dạng loại chất đốt từ củi, than đến trấu và có thêm ống khói hay giờ đây là bếp điện, bếp từ, lò vi sóng. Tất cả đều nhằm tận dụng chất đốt và phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng của bà con.
Để cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp, tờ mờ sáng, chị Trần Ngọc Thắm, ở Kiên Giang đã dậy sớm ra chợ để mua sắm lễ vật. Theo chị Thắm, cúng ông Táo không cần quá rườm nhưng cũng phải chỉn chu, thể hiện tấm lòng của gia chủ. Chị Thắm bày tỏ: "Lễ vật sôi, chè có khi làm mân cơm, trái cây tùy theo gia đình không cần cầu kỳ nhưng phải trang trọng. Khi cúng mua bộ đồng ông táo bà táo để kèm theo cúng trong bộ đồ có con cá chép bằng giấy. Nhưng thường cũng mua con cá chép ngoài chợ, lựa con cá chép thiệt vàng và đẹp. Cúng xong đốt quần áo cho ông táo, bà táo mang con cá ra bờ sông, bờ hồ ao gì đó nguyện rồi thả cá đi, vì con cá chép là phương tiện cho ông táo, bà táo về trời"
Thực phẩm cúng ông táo không bó buộc, nhưng theo tín ngưỡng ông bà xưa truyền lại, lễ cúng ông táo phải có bộ trang phục mới, có giấy vàng bạc làm lệ phí, ...Nói về tục cúng ông táo của người miền Tây, soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho biết: "Cái nghi thức úng thường người ta cúng là có bộ đồ cờ bay ngựa chạy đốt lên để cho làm phương tiện cho ông Táo về trời. Tục ở miền ngoài truyền vô đây là con cá chép. Con cá đưa ông táo về trời, cá chép mạnh, vượt đăng. Đấy cũng nói tới chỗ giao thoa văn hóa giữa miền phương Nam với miền ngoài"
Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch. Khi cúng ông Táo, người ta đặt cá chép ở chậu trước chỗ bàn thờ ông Táo. Trong lúc cúng hoặc cúng xong, người ta mang cá ra ao hồ gần nhà để thả.
Hiện nay, ở miền Bắc duy trì tục thả cá chép nhiều hơn, còn miền Nam thì thường đốt hình cá chép bằng giấy vàng mã. Cúng ông táo xong sẽ lau dọn lư hương, nhổ bớt những tàn của lư hương mang đi đốt và chỉ chừa lại 3 cây. Sau đó, gia chủ sẽ ngừng đốt nhang cho đến ngày 30 tết đón ông bà về ăn tết thì đón luôn ông Táo.
Trước những thay đổi của cuộc sống, bếp củi dần được thay thế bằng bếp gas và bếp điện nhưng nét đẹp văn hóa dân gian này luôn được nhiều gia đình gìn giữ. Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng chia sẻ: "Trước đây thì người ta cúng ông táo bằng những cái bếp lò dân gian, bếp lò bằng đất nung, dần dần, khi mà xã hội sang xài bằng lò dầu rồi bếp ga thì tục lệ cúng ông táo vẫn cúng ngay cái lò dầu, bếp ga. Chỉ có cái bàn thờ nho nhỏ hoặc là có người không cần để cái bàn thờ phải để 1 cái lư hương cúng đơn giản. Cúng thì 1 dĩa trái cây. Có những người mà người ta kỹ lưỡng hơn thì người ta cúng con gà. Cái cúng kiếng này nó cũng theo cái hiện đại nhưng giá trị gốc vẫn bảo tồn".
Không những định đoạt may, rủi, phúc họa của gia chủ, sự hiện diện của các vị Táo Quân trong mỗi căn nhà còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho gia đình. Lễ cúng tiễn ông Táo cùng với không khí mua sắm, dọn dẹp trang hoàng lại nhà cửa cũng là dấu hiệu của một năm mới đang gần kề.
Soạn giả, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, nói: "Cái ý nghĩa sâu sắc nhất là đầm ấm trong gia đình, hạnh phúc trong gia đình, cơm no áo ấm và đưa ông Táo về trời cũng làm cho gia đình đó sót xét lại trong năm qua gia đình ta làm ăn như thế nào, thành đạt, thành công hay chưa thành đạt hay thất bại để tính tới năm tới làm tốt hơn.
Song song đó là sinh hoạt gia đình trong năm có yên ấm không, có hạnh phúc không, có con ngoan, học hành tấn tới hay không. Như vậy, đưa ông táo về trời như một cái buổi kiểm điểm, nhắc nhở người ta nhớ lại năm đã qua để nghĩ về năm tới. Cúng đưa ông táo là tượng trưng mà cái giá trị, ý nghĩa đó, rất là sâu sắc, đề cập tới áo ấm, cơm no, hạnh phúc. Đó là điểm nhấn trong đưa ông táo về trời".
Như một lẽ thường, bất cứ gia đình nào cũng gắn liền với bếp. Đó là nơi sinh hoạt chung của mỗi nhà. Bếp lửa đầm ấm hạnh phúc mang đến hòa khí, thịnh vượng của gia đình trong cả một năm. Dù là vách lá đơn sơ hay trong căn biệt thự sang trọng, nơi góc bếp nhà nào thì bàn thờ ông Táo vẫn có một vị trí quan trọng. Đó là một phần của văn hóa cha ông từ ngàn xưa truyền lại.
Đến ngày 23 tháng Chạp, chúng ta đều cảm thấy sự ấm áp ngày giáp Tết, cảm thấy Tết đã đến rất gần. Dù cuộc sống có bận rộn, hối hả bao nhiêu, người Việt nói chung và người miền Tây nói riêng vẫn giữ và duy trì truyền thống, phong tục tiễn ông Táo về trời như một lời nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ phải biết giữ gìn, vun đắp tình cảm gia đình, hướng về nẻo thiện.