Cúc mốc là loài cây độc đáo khá phổ biến ở nước ta. Bởi đây không chỉ là loài cây cảnh mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp mà còn là thảo dược quý chữa ho, lợi tiểu… hiệu quả. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này
Cúc mốc là gì?
- Tên gọi khác: Nguyệt bạch, Ngải phù dung, Ngọc phù dung…
- Tên khoa học: Crossostephium chinense (A. Gray ex L.) Mak.
- Tên đồng nghĩa: Crossostephium artemisioides Less.
- Tên dược liệu: Folium Crossostephii.
- Họ: Cúc (Asteraceae).
Đặc điểm sinh trưởng Cúc mốc
Theo một số tài liệu, cúc mốc có nguồn gốc ở Đài loan. Hiện tại, loài này phân bố nhiều nơi như Malaysia, Lào, Việt Nam… Ở nước ta, cây thường được trồng làm cảnh hoặc thu hái lá quanh năm.
Cúc mốc là loài cây dẻo dai có thể sống nhiều năm, ưa sáng, khả năng chịu khắc nghiệt cao và ít sâu bệnh nên rất dễ trồng, cũng như chăm sóc. Cây có thể tồn tại trong môi trường nhiều dinh dưỡng, ra hoa quả nhiều. Đặc biệt loài này có tốc độ sinh trưởng nhanh, không chỉ có thể tái sinh tự nhiên từ hạt mà còn có khả năng tái sinh mạnh mẽ từ các đoạn thân, cành khi được giâm xuống đất. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thì cách giâm cành hiệu quả hơn.
Lưu ý khi chăm sóc:
- Đất: Cây không kén đất, có thể trồng ở nhiều loại đất khác nhau, kể cả nghèo dinh dưỡng. Nên dùng đất thoáng xốp để cây phát triển dễ dàng. Nếu trồng lấy lá thì tăng cường chăm sóc, tưới bón để lá sum sê.
- Ánh sáng: Là loài ưa sáng nên nắng nhiều thì lá càng đẹp, màu sắc sẽ bắt mắt hơn.
- Nhiệt độ: Do chịu được nóng tốt nên nhiệt độ ưa thích trồng cây là từ 10-35 độ C.
- Độ ẩm: Nên giữ độ ẩm trung bình, không nên để cây bị ngập úng. Do nhu cầu nước của loài khá ít, không nên tưới cây quá nhiều dễ thối rễ dẫn đến chết cây. Khi thấy đất trên mặt chậu hơi trắng nghĩa là cây cần bổ sung nước.
- Bón phân: Có thể sử dụng các loại phân bón 2-3 tháng/lần nếu có nhu cầu trồng để thu hoạch lá.
Mô tả toàn cây Cúc mốc
Cúc mốc thuộc loại cây thân gỗ, cao 10-50 cm. Thân cứng màu nâu. Cành phía gốc nhẵn, phía trên non và gầy hơn, có phủ lông trắng nhạt.
Lá phía dưới có 3 thuỳ dạng hình trứng. Các lá phía trên nguyên, gần hình trứng, thường có lông trắng ở cả hai mặt. Do lá mọc sát thành bụi dày và có màu xám như mốc nên được gọi là cúc mốc.
Cụm hoa có dạng hình đầu, họp lại với nhau thành bông dày đặc. Lá bắc được sắp xếp thành nhiều hàng. Vị trí phân bố, hoa cái ở xung quanh, chính giữa có nhiều vảy ba cạnh, còn phần dưới liền với nhau. Có 2-3 răng ở tràng hoa cái, còn tràng hoa lưỡng tính có 5 thùy. Bầu trứng ngược, nhẵn. Nhị 5 ô.
Quả có hình hơi cong, đóng, dạng giống như quả trứng ngược.
Bộ phận làm thuốc và bảo quản
Theo một số tài liệu, lá của cây cúc mốc được thu hái để làm thuốc. Tuy nhiên, ở một số nơi hoa của cây cũng có giá trị cao. Thu hái lá và hoa quanh năm, sau khi thu hoạch có thể để tươi hoặc phơi khô để dùng dần.
Bảo quản: Dược liệu sau khi trải qua sơ chế cần được để nơi thông thoáng, khô ráo, tránh mối mọt, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Tác dụng của Cúc mốc
Thành phần hóa học
Trong lá và hoa có tinh dầu. Hoạt chất taraxerol, taraxeryl acetat và taraxeron… Ngoài ra theo một số nghiên cứu còn tìm ra được các chất tanacetin, quercetagetin, scopoletin, 5-O-methyl-myo-inositol, 7-trimethylether, selagin, apometzgerin, chrysoeriol, tricetin 3, etanolic, tinh dầu,…
Tác dụng Y học hiện đại
Theo một số nghiên cứu ta ghi nhận một số tác dụng sau:
- Chống oxy hóa
- Tăng bài tiết insulin: Quercetagetin-3, 5-O-methyl-myo-inositol, 7-trimethylether có tác dụng tăng bài tiết insulin ở chuột thực nghiệm.
- Chống viêm: 6-Methoxy-7-hydroxycoumatrin từ dược liệu có tác dụng chống viêm đối với chuột thực nghiệm.
- Hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường: loài thực vật này có triển vọng được bào chế thành thuốc hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường do chiết xuất toàn bộ cây khô có tác dụng ức chế alpha-glucosidase.
Tác dụng Y học cổ truyền
Tính vị: Vị cay đắng mùi thơm nhẹ, tính hơi ôn
Quy kinh: Phế và Can.
Công dụng: Lá có thể chữa ho, tiêu đờm, tiêu tiểu thông lợi, kinh nguyệt điều hòa. Ngoài ra, lá Cúc mốc còn giúp chữa ù tai, chữa bụng đầy trướng, làm sáng mắt…Lá giã nát dùng đắp mụn nhọt.
Chủ trị: Chính vì những công dụng trên, dược liệu thường được sử dụng để chữa các chứng cảm mạo, ăn uống không tiêu tiêu, đầy hơi, đau đầu, ho, đau bụng, phụ nữ có kinh nguyệt không đều,…
Bên cạnh đó, tại Trung quốc Cúc mốc còn được dùng để chữa tiểu đường.
Cách sử dụng Cúc mốc
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu với nhiều cách khác nhau. Có thể dùng Cúc mốc ở dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc.
Liều dùng:
- Từ 10 - 16g/ ngày ở dạng thuốc sắc hoặc hãm
- Dùng ngoài không kể liều lượng
Kiêng kỵ:
- Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của dược liệu
- Phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ
- Người có vấn đề sức khỏe đặc biệt
Một số bài thuốc từ Cúc mốc
Chữa ho
Lá Cúc mốc 15g, lá Húng chanh 20g. Sử dụng 2 loại dược liệu đem sắc rồi uống, mỗi ngày 1 thang, trong liên tục 5 ngày.
Giúp chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh
Lá Cúc mốc 20g, Ngải cứu 10g, lá Ích mẫu 15g. Sau khi sắc nước còn lại khoảng 180ml, đem chia thành 3 lần uống (mỗi lần 60ml). Mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi kinh nguyệt đều trở lại.
Chữa ho ra máu
Lá Cúc mốc 15g, cỏ Nhọ nồi 5g, lá Huyết dụ 8g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần. Áp dụng trong 7-10 ngày liên tiếp.
Đầy hơi
Lá Cúc mốc 15g, hạt Mít 10g, vỏ Quýt 8g, Gừng 3g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần, nên uống thuốc lúc nóng.
Cúc mốc trong nghệ thuật trồng cây cảnh
Do có vẻ đẹp độc đáo và lạ nên Cúc mốc được giới nghệ thuật trồng cây cảnh (Bonsai) ưa chuộng. Cây được trồng trong chậu và đặt ở nhiều nơi như ban công, hiên nhà hoặc phòng làm việc, quán café,… để trang trí làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian sống.
Không chỉ gây ấn tượng bởi vẻ bề ngoài, ý nghĩa của loài cây này cũng rất độc đáo. Đó là sự sung túc, trường thọ với những phẩm chất điềm đạm, tinh khiết, vừa khiêm tốn vừa cao thượng.
Cúc mốc mang một dáng vẻ phong trần, thô ráp, như có sương tuyết bao phủ mà bên trong sự sống vẫn mãnh liệt tiếp diễn cho thấy ý chí kiên cường, vươn lên mọi gian nan để đạt đến thành công.
Cúc mốc không chỉ là một loài cây cảnh mà còn là vị thuốc cổ truyền được sử dụng từ rất lâu trong dân gian. Tuy nhiên, để có thể tận dụng triệt để công dụng của dược liệu, bạn nên được sự tư vấn của bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.