Phù não là một triệu chứng thường gặp sau chấn thương sọ não, thiếu máu não hoặc viêm não. Hiện tượng này có thể dẫn đến chèn ép nhu mô não, tăng áp lực nội sọ gây đe dọa tính mạng người bệnh. Cùng tìm hiểu và bệnh phù não qua bài viết dưới đây nhé!
1Phù não là gì?
Phù não là tình trạng ứ đọng dịch bên trong tế bào thần kinh hoặc khoảng gian bào khiến thể tích não tăng lên. Tùy vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của tế bào thần kinh mà phù não có thể khu trú trong một vùng nhỏ hoặc lan tỏa toàn bộ não.[1]
Phù não dẫn đến tăng áp lực nội sọ nhưng thể tích trong hộp sọ là không thay đổi. Vì thế, nếu không được phát hiện và điều trị bệnh đúng cách, người bệnh phù não sẽ bị rối loạn tuần hoàn não, hôn mê, thậm chí chết não.
Phù não là tình trạng ứ đọng dịch trong nhu mô khiến thể tích não tăng lên
2Các dạng phù não thường gặp
Dịch trong não bộ được kiểm soát chặt chẽ bởi hàng rào máu não nhằm cung cấp đủ máu, chất dinh dưỡng vừa đủ cho tế bào thần kinh hoạt động. Nếu lớp hàng rào này bị tổn thương có thể dẫn đến một số dạng phù não sau:[2]
- Phù não vận mạch: thường gặp khi hàng rào máu não bị viêm hoặc kích thích khiến các nước và các chất hòa tan trong máu đi vào nhu mô não quá nhiều. Tình trạng này có thể gặp ở bệnh viêm màng não, u màng não hoặc chấn thương sọ não…
- Phù não do độc tế bào: là hiện tượng tích tụ dịch trong tế bào thần kinh bị chết hoặc hoại tử do thiếu oxy hoặc các chất độc gây nên. Dạng phù não này thường gặp ở bệnh tai biến mạch não, hội chứng ure huyết, suy gan cấp.
- Phù não thẩm thấu: do sự mất cân bằng nước và điện giải trong cơ thể làm tăng ứ đọng dịch trong não bộ. Hiện tượng này có thể gặp trong bệnh hạ natri máu, nhiễm toan ceton ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc truyền dịch tĩnh mạch sai cách.
- Phù não dịch kẽ: là tình trạng tích tụ dịch trong các khoảng gian tế bào, thường gặp khi có sự tắc nghẽn dịch não tủy trong bệnh não úng thủy, u não, viêm màng não.
- Phù não thủy tĩnh: là hậu quả của bệnh tăng huyết áp cấp cứu. Khi đó áp lực trong động mạch não có thể đẩy nước, glucose và ion vào nhu mô não quá mức gây phù.
Viêm màng não là một dạng của phù não vận mạch
3Nguyên nhân gây phù não
Nguyên nhân gây phù não rất đa dạng và thường liên quan đến sự rối loạn vận chuyển các chất qua hàng rào máu não. Một số nguyên nhân phổ biến của bệnh gồm:[3]
- Chấn thương sọ não: các sang chấn vào vùng đầu có thể dẫn đến tổn thương mạch máu não, tụ máu não. Việc này làm giảm khả năng cung cấp oxy cho tế bào thần kinh gây ra phù não.
- U não: khi kích thước khối u não quá lớn có thể gây chèn ép nhu mô não và cản trở lưu thông dịch não tủy dẫn đến phù não dịch kẽ hoặc vận mạch.
- Tai biến mạch máu não: người bệnh bị phù não có thể do thiếu oxy cho tế bào thần kinh trong bệnh nhồi máu não hoặc hiện tượng kích thích màng não khi bị xuất huyết não.
- Nhiễm trùng tại não: phù não có thể gặp do sự tấn công của vi khuẩn và virus vào não có thể gây sưng nề, viêm nhiễm tế bào hoặc tổn thương màng não.
- Bệnh lý toàn thân khác: tình trạng hạ natri máu, tăng nồng độ amoniac, ure trong máu ở người bệnh suy gan cấp hoặc nhiễm toan ceton cũng có thể là nguyên nhân gây phù não.
U não có thể là nguyên nhân gây phù não
4Dấu hiệu của phù não
Tùy theo nguyên nhân và mức độ phù não mà người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Một số dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh là:
- Đau đầu dữ dội, liên tục.
- Buồn nôn và nôn mửa, sau đó có thể giảm đau đầu.
- Suy giảm thị lực hoặc nhìn đôi (nhìn 1 thành 2).
- Tê bì và yếu liệt nửa người nếu phù não do tai biến mạch máu não.
- Sốt cao, khó vận động, đau cổ nếu viêm màng não.
- Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.
- Có những hành vi bất thường, lú lẫn hoặc hôn mê.
Đau đầu dữ dội là một trong những dấu hiệu của phù não
5Biến chứng của phù não
Tình trạng phù não nếu không được phát hiện và xử trí sớm có thể dẫn đến những biến chứng thần kinh nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng của người bệnh như:[4]
- Suy giảm nhận thức: tùy theo kích thước vùng phù não mà bệnh nhân có thể giảm khả năng ghi nhớ, mất trí nhớ hoặc lú lẫn, hôn mê.
- Thiếu máu não: phù não lan tỏa gây ra chèn ép mạch máu não khiến lượng oxy cung cấp cho tế bào thần kinh bị giảm sút. Nhờ vậy, làm tăng tốc độ hoại tử tế bào và có thể khiến phù não nặng hơn, thậm chí là chết não.
- Thoát vị não: đây là một biến chứng nặng và dễ gây tử vong, thường gặp ở phù não mức độ nặng. Khi đó, vùng thân não sẽ chui xuống tủy sống khiến trung tâm hô hấp và tuần hoàn bị ức chế có thể dẫn đến ngừng tim, ngừng thở.
Người bệnh phù não có thể bị suy giảm nhận thức, thậm chí là hôn mê
6Cách chẩn đoán phù não
Các nguyên nhân và biểu hiện của phù não rất đa dạng. Do đó, bác sĩ sẽ cần kết hợp cả thăm khám và các kỹ thuật cận lâm sàng phù hợp nhằm đưa ra chẩn đoán bệnh chính xác.[2]
Thăm khám lâm sàng
Khi thăm khám tỉ mỉ các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể đưa ra những định hướng ban đầu của bệnh. Vì thế, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám với các bước sau:
- Hỏi bệnh sử: thông qua việc khai thác các triệu chứng và diễn biến của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cũng như các biểu hiện kèm theo như sụt cân, mệt mỏi hoặc co giật để chẩn đoán phân biệt.
- Hỏi tiền sử: nhằm phát hiện nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến phù não. Bác sĩ sẽ hỏi về những va chạm vùng đầu trước đây hoặc bệnh tai mũi họng như viêm mũi, viêm tai giữa.
- Khám thần kinh: bao gồm thăm khám kích thước đồng tử, khả năng phản xạ ánh sáng, khả năng vận động và cảm giác của cơ thể.
Hỏi bệnh sử, tiền sử có thể giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân gây phù não
Xét nghiệm
Một số kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh có thể được sử dụng để giúp bác sĩ chẩn đoán mức độ cũng như nguyên nhân gây phù não như:
- Chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT): là biện pháp phổ biến để phát hiện phù não do tụ máu trong chấn thương sọ não, xuất huyết não hoặc các khối u não.
- Chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI): có giá trị chẩn đoán đối với bệnh nhồi máu não, viêm màng não hoặc u não gây phù nề tế bào thần kinh.
- Xét nghiệm máu: giúp bác sĩ phát hiện được tình trạng viêm nhiễm qua chỉ số bạch cầu và định lượng được nồng độ các chất độc như ure, ceton hoặc amoniac trong máu gây độc tế bào não.
- Xét nghiệm dịch não tủy: bác sĩ sẽ chọc vào phần thấp của tủy sống bằng một kim nhỏ để lấy được dịch quanh não. Nhờ đó có thể phát hiện được nguyên nhân gây bệnh.
Chụp cộng hưởng từ sọ não có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh
7Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Phù não nếu được phát hiện sớm có thể được chữa khỏi với thuốc và nghỉ ngơi hợp lý. Vì thế, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu gặp các dấu hiệu sau:
- Đau đầu liên tục, tăng dần.
- Nôn mửa kéo dài.
- Nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
- Yếu liệt tay chân.
- Sốt cao, mệt mỏi.
Nôn mửa kéo dài là dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ sớm
Nơi khám chữa phù não
Nếu gặp các dấu hiệu như trên, bạn có thể đến ngay các cơ sở y tế gần nhất, các phòng khám hay bệnh viện chuyên khoa Nội, Thần kinh. Hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào tại địa phương để được thăm khám kịp thời.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín dưới đây để được chẩn đoán và tư vấn điều trị phù hợp, tránh các biến chứng đáng tiếc xảy ra:
- Tại Tp. Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh.
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Quân đội Trung ương 108.
8Phương pháp điều trị phù não
Tùy theo nguyên nhân và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng các biện pháp điều trị riêng biệt cho từng bệnh nhân phù não. Một số phương pháp điều trị phổ biến gồm:
- Thuốc chống phù não: người bệnh có thể được truyền dung dịch manitol để là tăng cường đào thải dịch thừa từ não ra ngoài cơ thể hoặc bổ sung thuốc corticoid nhằm chống viêm, phù nề não.
- Thuốc kháng sinh: thường được dùng để điều trị viêm màng não do vi khuẩn gây ra phù não. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ để lựa chọn loại kháng sinh có tác dụng đặc hiệu.
- Thuốc tiêu sợi huyết: nhằm tái thông mạch máu não đối với những bệnh nhân tai biến thể nhồi máu não trong giai đoạn đầu.
- Tăng thông khí: giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt oxy não gây chết tế bào thần kinh làm nặng hơn tình trạng bệnh. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân thở oxy gọng kính hoặc qua mặt nạ với nồng độ cao.
- Phẫu thuật: giúp loại bỏ các khối máu tụ hoặc khối u trong sọ não, cầm máu để làm giảm chèn ép nhu mô não.
Thở oxy mặt nạ là biện pháp tăng thông khí nhằm điều trị bệnh
9Biện pháp phòng ngừa phù não
Phù não là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn cũng có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả nếu áp dụng một số biện pháp đơn giản sau đây:[5]
- Đội mũ bảo hiểm và không uống bia rượu khi lái xe để hạn chế tai nạn giao thông.
- Mặc đầy đủ đồ bảo hộ lao động.
- Vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ hàng ngày với nước muối sinh lý để hạn chế viêm nhiễm lan rộng đến màng não.
- Tuân thủ điều trị bệnh tăng huyết áp, xơ vữa động mạch để hạn chế nguy cơ tai biến mạch máu não.
Vệ sinh tai mũi họng thường xuyên có thể giúp phòng ngừa viêm màng não gây phù não
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bạn những kiến thức bổ ích giúp phát hiện sớm bệnh phù não. Hãy chia sẻ thông tin này đến tất cả người thân và bạn bè xung quanh để cùng nhau phòng ngừa bệnh nhé!