Thiếu máu là bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thiếu máu khác nhau. Phác đồ điều trị thiếu máu được bác sĩ cân nhắc dựa trên nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh thiếu máu có nhiều loại hay hình thức khác nhau, có thể gây nên các biến chứng nặng nề nếu người bệnh không điều trị kịp thời. Vậy, nên làm gì khi bị thiếu máu hay điều trị thiếu máu nên thực hiện ra sao?
Tổng quan bệnh thiếu máu
Khi nồng độ huyết sắc tố hoặc số lượng hồng cầu trong máu thấp hơn bình thường thì được xem là thiếu máu. Đây là dạng rối loạn về máu phổ biến nhất.
1. Phân loại
Thiếu máu có nhiều loại khác nhau, dựa trên nguyên nhân gây bệnh, bao gồm:
- Thiếu máu do thiếu sắt
- Thiếu máu do thiếu B12
- Thiếu máu do thiếu axit folic
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm
- Suy tuỷ
- Bệnh Thalassemia
- Thiếu máu tán huyết tự miễn
- Loạn sinh tủy
- Thiếu máu nguyên bào sắt
- Thiếu máu Fanconi
Với từng dạng thiếu máu khác nhau, bác sĩ sẽ chỉ định những cách điều trị thiếu máu phù hợp giúp người bệnh cải thiện tình trạng sức khỏe của mình.
2. Nguyên nhân
Nguyên nhân gây thiếu máu có thể đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến thiếu máu bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp, ít dùng thực phẩm bổ sung chất sắt, vitamin B12 và axit folic.
- Cơ thể mắc các bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ sắt từ thực phẩm.
- Mất máu quá nhiều, có thể do bị rong kinh, máu kinh nguyệt chảy nhiều, chảy máu do chấn thương, do nhiễm giun sán, do polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng,…
- Do di truyền hoặc viêm nhiễm, do bệnh lý khiến các tế bào hồng có tuổi thọ trung bình ngắn hơn bình thường, khả năng sản xuất hồng cầu của cơ thể suy giảm.
- Cơ thể cần nhiều máu hơn trong giai đoạn thai kỳ.
3. Triệu chứng
Người mắc bệnh thiếu máu cần nhận biết các dấu hiệu bệnh lý để sớm điều trị thiếu máu, tránh gây nên biến chứng nguy hiểm. Một số triệu chứng thiếu máu phổ biến bao gồm da xanh xao nhợt nhạt, người mệt mỏi thiếu năng lượng, cảm thấy choáng váng, nhức đầu, hoa mắt, suy giảm ham muốn, loét miệng, nước tiểu có màu đỏ hoặc màu nâu cánh gián như xá xị,…
Ở một số trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh khi bị thiếu máu còn bị rối loạn tri giác, hôn mê và dẫn đến tử vong.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh thiếu máu
1. Công thức máu toàn phần (CBC)
Xét nghiệm công thức máu toàn phần là một trong những xét nghiệm máu phổ biến nhất. Phương pháp xét nghiệm này thường được thực hiện trong các gói khám sức khỏe định kỳ.
Xét nghiệm công thức máu toàn phần giúp đo lường, đánh giá nhiều phần khác nhau trong máu, bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Các dấu hiệu để đánh giá thiếu máu dựa theo xét nghiệm CBC như sau:
- Mức hồng cầu thấp hơn bình thường. Thông thường đàn ông trưởng thành có 5 đến 6 triệu tế bào hồng cầu trong mỗi mcL máu, còn phụ nữ là 4 đến 5 triệu tế bào.
- Nồng độ huyết sắc tố thấp hơn bình thường. Chỉ số ở người bình thường 14 đến 17 gm/dL (đối với nam giới) và 12 đến 15 gm/dL (đối với nữ giới).
- Chỉ số các tế bào hồng cầu trong máu (hematocrit) quá thấp. Chỉ số thông thường là 41% đến 50% với nam giới và 36% đến 44% với nữ giới.
- Mức thể tích trung bình của hồng cầu (MCV) cao hơn hoặc thấp hơn bình thường (80 đến 95 femtoliter). (1)
2. Chọc hút và sinh thiết tủy xương
Xét nghiệm tủy xương cũng là một xét nghiệm để đánh giá tình trạng thiếu máu, được bác sĩ chỉ định nhằm xác định nguyên nhân thiếu máu. Xét nghiệm tủy xương có thể kiểm tra xem tủy xương của bạn có khỏe mạnh và tạo ra lượng tế bào máu bình thường hay không.
Hai xét nghiệm tủy xương thường được thực hiện là chọc hút tuỷ và sinh thiết tuỷ. Cả hai xét nghiệm này có thể thực hiện riêng biệt hoặc đồng thời cùng một lúc. Khi được chỉ định cùng lúc, chọc hút tủy xương thường được thực hiện trước bằng kim nhỏ, sau đó bác sĩ sẽ dùng một cây kim lớn hơn để sinh thiết lấy mô tủy xương làm xét nghiệm giải phẫu bệnh
Xét nghiệm sinh thiết tuỷ và chọc hút tủy xương có thể giúp tìm ra nguyên nhân khiến số lượng tế bào máu thấp hoặc cao bất thường. Trước khi thực hiện các xét nghiệm này, người bệnh cần thông báo trước cho bác sĩ biết liệu người bệnh có đang mang thai không, có bị dị ứng gì không hay hiện tại có đang sử dụng các loại thuốc nào hay không.
Xét nghiệm tủy xương có thể gây đau và khó chịu nhẹ trong vòng vài ngày. Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau để giảm bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu ngay vị trí xét nghiệm tủy xương có dấu hiệu đỏ, sưng tấy, chảy dịch hoặc người bệnh sốt sau khi thực hiện xét nghiệm thì nên đến bệnh viện để được kiểm tra.
3. Các xét nghiệm chẩn đoán khác
Để xác định chính xác người bệnh có bị thiếu máu hay không, nguyên nhân thiếu máu là gì nhằm đưa ra phương pháp điều trị thiếu máu phù hợp nhất, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm khác bao gồm:
- Phết máu ngoại vi: Xét nghiệm phết máu ngoại vi (PBS) đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá các rối loạn huyết học. Kết quả xét nghiệm có thể giúp bác sĩ xác định sự thay đổi hình dạng và kích thước hồng cầu để tìm ra nguyên nhân gây thiếu máu của người bệnh. (2)
- Nội soi: Nội soi giúp đánh giá tình trạng chảy máu ở dạ dày, thực quản, ruột non,.. hoặc các vấn đề khác như khối u trong đại tràng. Đối với xét nghiệm này, bạn sẽ được dùng thuốc để giúp bạn thư giãn và một camera nhỏ sẽ được đưa vào đại tràng để quan sát trực tiếp đại tràng và trực tràng. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra xem bạn đang có tình trạng chảy máu đường tiêu hoá hay không.
- Xét nghiệm di truyền: Xét nghiệm này được thực hiện khi cần tìm kiếm những thay đổi trong gen kiểm soát quá trình tạo ra các tế bào hồng cầu.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu giúp kiểm tra xem thận của người bệnh có hoạt động bình thường hay không, đường tiết niệu có đang bị chảy máu hay không,…
Cách điều trị thiếu máu như thế nào?
1. Truyền máu
1.1. Truyền máu là gì?
Truyền máu là một cách điều trị thiếu máu phổ biến và an toàn. Máu khỏe mạnh được truyền vào mạch máu của người mắc bệnh thiếu máu thông qua đường truyền tĩnh mạch (IV). Truyền máu giúp những người bị thiếu máu trầm trọng nhanh chóng tăng số lượng hồng cầu trong máu, bù lại lượng máu bị mất do phẫu thuật hoặc chấn thương, hoặc cung cấp máu nếu cơ thể người bệnh không thể sản xuất đủ lượng máu cần thiết.
Bác sĩ thường chỉ định truyền máu ở những người đang gặp các tình trạng thiếu máu nghiêm trọng.
Hầu hết máu được sử dụng đến từ máu của những người hiến máu tình nguyện. Trong một số trường hợp cần thiết, một người cũng có thể được lấy máu của chính mình và lưu trữ vài tuần trước khi phẫu thuật để dự phòng cho việc điều trị thiếu máu sau phẫu thuật.
Sau khi bác sĩ xác định rằng người bệnh cần được truyền máu, người bệnh sẽ được xét nghiệm máu để xác định nhóm máu và đánh giá các yếu tố liên quan nhằm đảm bảo lựa chọn máu truyền phù hợp với người bệnh. Việc truyền máu thường mất từ 1 đến 4 giờ. Người bệnh sẽ được theo dõi trong và sau khi truyền máu.
1.2. Có rủi ro gì khi truyền máu hay không?
Việc truyền máu được đánh giá là phương pháp điều trị thiếu máu an toàn vì máu hiến tặng được kiểm tra, xử lý và bảo quản cẩn thận. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp cơ thể người có thể có phản ứng từ nhẹ đến nặng với máu của người hiến.
Các phản ứng có thể xảy ra khi truyền máu để điều trị thiếu máu bao gồm:
- Sốt
- Phù phổi cấp
- Miễn dịch đồng loại (khi hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể tấn công các tế bào máu của người hiến tặng)
- Các tế bào bạch cầu được hiến tặng tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể người bệnh (đây là một phản ứng hiếm gặp nhưng đặc biệt nghiêm trọng)
- Cơ thể dư nhiều chất sắt do truyền máu thường xuyên
Có rất ít các trường hợp người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như viêm gan B hoặc C hoặc HIV sau khi điều trị thiếu máu bằng phương pháp truyền máu. Đối với HIV, tỷ lệ nhiễm ít hơn 1/1.000.000. (3)
2. Thuốc điều trị thiếu máu
Một số loại thuốc cũng được sử dụng để điều trị thiếu máu. Trong đó, các loại thuốc phổ biến gồm có:
- Thuốc kích thích tạo hồng cầu: Loại thuốc này được sử dụng để giúp tủy xương tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn. Erythropoietin là loại thuốc kích thích tạo hồng cầu phổ biến, chứa protein tổng hợp giúp tủy xương sản xuất hồng cầu. Loại thuốc điều trị thiếu máu này cần tiêm dưới da mỗi tuần trong một khoảng thời gian nhất định. Các tác dụng phụ có thể gặp bao gồm đau khớp, đau cơ hoặc xương, sốt, ho, phát ban và tăng nguy cơ có máu đông. Ngoài ra còn có một số loại thuốc kích thích tạo hồng cầu khác như Epogen, Procrit, Aranesp,…
- Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch: Thuốc ức chế hệ thống miễn dịch được sử dụng trong trường hợp người bệnh bị thiếu máu tự miễn. Mục tiêu của việc điều trị thiếu máu tự miễn bằng thuốc là giảm tình trạng phá huỷ hồng cầu. Một số loại thuốc phổ biến gồm có Corticosteroid, Azathioprine, Cyclophosphamide, Cyclosporin, Danazol, Mycophenolat, Rituximab,…
- Thuốc sắt: Thuốc sắt là loại thuốc phổ biến nhất được dùng với trường hợp bị thiếu máu do thuốc sắt. Thuốc sắt có thể được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc dùng dưới dạng viên uống.
3. Điều trị bệnh lý gây thiếu máu
Với những trường hợp bị thiếu máu do các bệnh nhiễm trùng, viêm loét dạ dày, rong kinh, polyp đại tràng,… thì việc điều trị thiếu máu được thực hiện bằng cách điều trị các bệnh lý là nguyên nhân gây thiếu máu.
Khi các bệnh này được điều trị và kiểm soát tốt, tình trạng thiếu máu cũng sẽ được cải thiện.
4. Ghép tế bào gốc đồng loài
Ghép tủy có thể giúp khắc phục, cải thiện tình trạng bệnh ở người bị suy tủy xương nặng hoặc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm nghiêm trọng.
Với phương pháp này, bác sĩ sẽ thay thế tủy xương bị bệnh, không hoạt động bằng tủy xương hoạt động khỏe mạnh. Tủy xương được sử dụng có thể là của bố mẹ, anh chị em ruột hoặc người có nhiều kháng nguyên HLA trùng khớp với người bệnh.
Tuy nhiên, phương pháp điều trị bệnh thiếu máu này vẫn có nhiều rủi ro do sự khác biệt về độ phù hợp của mô giữa người cho và người nhận, khiến người bệnh gặp các biến chứng như nhiễm trùng, tổn thương cơ quan nội tạng, suy hô hấp, bệnh mảnh ghép chống ký chủ mạn tính (hệ miễn dịch xem các tế bào tủy xương mới ghép là “vật thể lạ” và tiến hành tấn công ngược vào cơ thể người bệnh,…).
5. Ghép tế bào gốc máu cuống rốn
Với phương pháp ghép tế bào gốc máu cuống rốn, tế bào gốc được lấy từ máu cuống rốn ngay sau khi sinh và lưu trữ, sử dụng khi cần điều trị..
Phương pháp ghép tế bào gốc máu cuống rốn có thể được dùng để điều trị bệnh suy tủy xương, thiếu máu do rối loạn sinh hồng cầu bẩm sinh (CDA), thiếu máu Fanconi, Thalassemia thể nặng,…
Các cách hỗ trợ điều trị thiếu máu tại nhà
Nếu người bệnh bị thiếu máu nhẹ, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh tự theo dõi và điều trị thiếu máu tại nhà:
1. Chế độ dinh dưỡng khoa học
Một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt hoặc thiếu vitamin B12, thiếu axit folic hiệu quả. Người bệnh cần lưu ý bổ sung các loại thực phẩm tốt cho người bệnh thiếu máu như củ cải đường, chuối, rau bina, chà là, nho khô, quả sung, hạt mè đen, gan, các loại đậu, thịt đỏ, các loại hạt,…
Ngoài ra, cần lưu ý tránh ăn thực phẩm giàu chất sắt cùng với thực phẩm hoặc đồ uống có tác dụng ức chế hấp thu sắt, chẳng hạn như thực phẩm giàu canxi, cà phê, trà, trứng,..
2. Bổ sung sắt
Viên uống bổ sung sắt có thể được dùng tại nhà. Để cải thiện khả năng cơ thể hấp thụ chất sắt trong viên thuốc, nên uống viên sắt khi bụng đói. Tuy nhiên, vì viên sắt có thể gây khó chịu cho dạ dày nên người bệnh có thể cần uống viên sắt trong bữa ăn.
Ngoài ra, không dùng viên uống bổ sung sắt với thuốc kháng axit. Các loại thuốc làm giảm ngay triệu chứng ợ chua có thể cản trở quá trình hấp thu sắt. Uống sắt hai giờ trước hoặc bốn giờ sau khi dùng thuốc kháng axit.
Thuốc bổ sung sắt có thể gây táo bón, vì vậy bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh dùng thuốc làm mềm phân. Sắt có thể làm phân có màu đen, đây là một tác dụng phụ vô hại nên bạn không cần quá lo lắng nếu thấy hiện tượng này sau khi uống thuốc.
Thời gian dùng viên thuốc bổ sung sắt để điều trị thiếu máu tại nhà có thể kéo dài đến vài tháng hay thậm chí một năm. Tùy theo từng mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thời gian dùng thuốc tương ứng.
>> Xem thêm: Thiếu máu uống thuốc gì?
3. Bổ sung vitamin B12
Bổ sung vitamin B12 là một phương pháp điều trị thiếu máu được sử dụng với người thiếu máu do thiếu vitamin B12. Khi dùng viên uống vitamin B12, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, phát ban da, tiêu chảy nhẹ, đau đầu,…
4. Bổ sung vitamin C
Vitamin C đóng vai trò giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, giúp ngăn ngừa và điều trị thiếu máu. Do đó, nên bổ sung vitamin C bằng cách dùng các loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin, ăn các loại thực phẩm giàu vitamin C như nho, cam, quýt, bưởi,…
Cách phòng tránh thiếu máu hiệu quả
Các loại bệnh thiếu máu thông thường có thể được ngăn ngừa bằng cách ăn thực phẩm giàu chất sắt và giàu vitamin. Các loại thực phẩm giúp phòng tránh thiếu máu bao gồm thịt đỏ (đặc biệt là thịt bò và gan), thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ. Các loại thực phẩm khác giàu chất sắt bao gồm đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phụ, các loại rau lá có màu xanh đậm, trái cây sấy khô, ngũ cốc và bánh mì,…
Bên cạnh đó, nên bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C để giúp cơ thể hấp thụ sắt bổ sung tốt hơn, từ đó phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt.
Phụ nữ mang thai, người thường xuyên làm việc khuya với tính chất công việc vất vả, người có chế độ ăn uống và sinh hoạt thất thường,… cũng có thể dùng thêm viên sắt bổ sung để phòng tránh thiếu máu. Bên cạnh đó, cần lưu ý nghỉ ngơi đầy đủ, tránh dùng nhiều rượu bia và chất kích thích, hạn chế hút thuốc lá,…
Và để phòng ngừa tình trạng trẻ sinh ra bị thiếu máu do di truyền, nên thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng như thực hiện kiểm tra sức khỏe tầm soát, trao đổi với bác sĩ khi có dự định mang thai.
Địa chỉ điều trị thiếu máu đáng tin cậy
Không hay chậm trễ điều trị thiếu máu, thậm chí biện pháp điều trị không phù hợp có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, tử vong. Người bệnh cần lựa chọn địa điểm điều trị thiếu máu uy tín, đủ chuyên môn để giúp quá trình điều trị được hiệu quả.
Đơn vị Huyết học lâm sàng, Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là một trong những cơ sở y tế được nhiều người bệnh tin tưởng khi điều trị thiếu máu. Bệnh viện có đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực Huyết học lâm sàng cũng như có đầu tư hệ thống thiết bị máy móc tân tiến, hiện đại để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán thiếu máu như xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm tủy đồ, sinh thiết tủy xương, xét nghiệm dấu ấn miễn dịch tế bào, xét nghiệm di truyền tế bào, giải phẫu bệnh và hoá mô miễn dịch…
Đơn vị Huyết học lâm sàng ứng dụng các phác đồ điều trị thiếu máu cập nhật mới nhất trên thế giới, phối hợp chặt chẽ với các chuyên khoa liên quan để điều trị chuyên sâu cho người bệnh. Bệnh viện Tâm Anh còn có cơ sở vật chất, khuôn viên rộng rãi và sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi, dịch vụ khám VIP riêng với các bác sĩ giỏi đầu ngành,…
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, thiếu máu có nhiều nguyên nhân và việc điều trị thiếu máu phải được điều chỉnh phù hợp với nguyên nhân gây thiếu máu cũng như những ảnh hưởng của bệnh đối với sức khỏe. Ngay cả sau khi đã được điều trị bệnh thiếu máu, người bệnh vẫn có thể mắc bệnh trở lại. Vì vậy nên chủ động thực hiện thăm khám định kỳ cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa thiếu máu để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.