1. Bánh mochi là gì?
Bánh mochi(餅)là món bánh truyền thống của Nhật Bản. Rất khó để có thể định nghĩa được chúng vì loại bánh này được người Nhật làm hết sức công phu nên nó vô cùng đa dạng cả về hình thức cũng như mùi vị.
©seicomart
Thành phần của bánh mochi:
- Gạo mochigome(もち米)hay còn gọi là gạo nếp
Kết cấu dẻo và dai của mochi đã khiến nó trở nên khác biệt so với những đồ ngọt khác. Nhưng điều gì đã tạo nên sự nhất quán của hai yếu tố kia và khiến nó trở nên ngon miệng như vậy? Câu trả lời nằm ở thành phần chính của nó - gạo. Nhưng nó không phải loại gạo mà bạn sử dụng hàng ngày mà là một loại gạo mochigome hạt ngắn rất đặc biệt.
- Nước và không khí
Thành phần của bánh mochi vô cùng đơn giản và cách để làm ra chúng cũng hết sức ấn tượng. Gạo mochigome sau khi được hấp chín sẽ được xử lý bằng cách cho vào cối để đập, giã liên tục bằng vồ truyền thống hoặc máy móc hiện đại ngay khi gạo còn đang tỏa ra những làn khói mỏng manh, nóng hổi. Công đoạn này cần kỹ thuật rất cao và cũng vô cùng nguy hiểm vì phải có thêm một người căn cứ vào nhịp chày để cho tay vào đảo bột để bột được giã đều và dẻo mịn mà không làm gián đoạn quá trình giã.
©photo-ac.com
Quá trình nhào, đập liên tục để có thể biến gạo thành khối bột trắng ngần, dẻo mịn nhưng trong quá trình đó không thể bỏ qua hai thành phần quan trọng khác nữa là nước và không khí. Việc thêm nước sẽ đảm bảo khối bột sẽ không bị dính vào bề mặt vồ, máy móc hay phần tay tiếp xúc với nó. Bên cạnh đó nước cũng sẽ đảm bảo rằng mochi là thực phẩm sạch trong quá trình sản xuất vì không cần dùng đến dầu hay phụ gia không tự nhiên. Việc nhào, đập cũng góp phần thêm không khí vào mochi, giúp lớp vỏ bánh không bị quá cứng, dẻo hơn và dễ ăn hơn.
- Hình trái bóng
Khi đập gạo đã qua chế biến và thêm vào một số nguyên liệu sẽ tạo ra những trái bóng bột với nhiều hương vị. Một khối bột mochi cỡ quả dưa hấu sẽ được chia thành những viên tròn nhỏ, sau đó người ta sẽ bọc bên ngoài chúng bằng một lớp bột hoặc bột kinako để chống dính. Đôi khi họ sẽ dùng màng bọc bọc những khối bột lớn lại để có thể dễ dàng cất giữ. Mặc dù cuối cùng những người nghệ nhân sẽ sáng tạo hình bánh mochi với nhiều hình dạng khác nhau nhưng chúng luôn được bắt đầu với hình dạng một trái bóng.
©photo-ac.com
- Giá trị dinh dưỡng trong bánh mochi
Vào mỗi mùa đông, những người yêu bánh mochi thường sẽ lại than thở rằng họ lại tăng cân vì không thể ngừng việc ăn mochi. Rất nhiều người đã nói với nhau rằng một viên bánh mochi nhỏ có lượng calo tương đương với một bát cơm. Tuy nhiên đã có nghiên cứu chứng minh rằng suy nghĩ này là sai. Một bát cơm sẽ có khoảng 240 calo trong khi đó một viên bánh mochi chỉ chứa 80 calo, lượng calo chỉ bằng một phần ba của một bát cơm.
2. Lịch sử và văn hóa của mochi
Bánh gạo mochi có một lịch sử văn hóa lâu đời ở Nhật Bản. Mặc dù không thể biết chính xác được ngày mà chúng được ra đời nhưng các nhà khảo cổ đã khai quật được công cụ hấp và các dụng cụ được sử dụng để làm mochi đã có từ thời kỳ Kofun.
Tuy không thể biết rõ được thời gian bánh gạo mochi ra đời nhưng các học giả vẫn có thể tìm ra được nguồn gốc xuất hiện của chúng là ở phía Tây Nhật Bản dựa vào phương thức canh tác của khu vực. Ở thời kỳ cổ đại, phía Đông Nhật Bản đã phát triển các kỹ thuật canh tác nương rẫy cùng chế độ ăn với khoai môn và khoai mỡ. Cùng thời điểm đó thì phía Tây Nhật Bản lại phụ thuộc vào nông nghiệp lúa gạo nên có lẽ truyền thống ăn bánh mochi vào năm mới bắt đầu từ đó.
Món ăn linh hồn (theo nghĩa đen) ©photo-ac.com
Bánh gạo mochi không chỉ đơn thuần là một loại thực phẩm, nó còn là nhà của inamada 稲魂, đó được hiểu là linh hồn hoặc tinh thần sống trong hạt gạo, theo nghĩa đen.
Là một xã hội phụ thuộc vào việc thu hoạch lúa vì người Nhật Bản có sự tôn trọng sâu sắc đối với gạo và tinh thần của nó. Các lễ Shinto cổ đại đã cử hành lễ xuất thần và thu hoạch thành công bằng những lời cầu nguyện và lễ vật. Người dân Nhật Bản tin rằng indama của mochi có thể mang lại sinh lực và sức sống cho những người ăn nó. Chính vì vậy mà mochi trở thành món ăn thường thấy trong những dịp đặc biệt như Năm mới và Ngày trẻ em.
3. Cách làm mochi truyền thống
Đến đây, chúng tôi cá là dạ dày của bạn đang kêu réo và sẵn sàng để làm vài chiếc bánh gạo ngọt ngào (và những linh hồn đi kèm với nó). Mặc dù bạn vẫn có thể đến cửa hàng và mua chúng nhưng trong một số ngày đặc biệt thì chúng tôi nghĩ có thể bạn vẫn muốn tự làm hơn đó. Có nhiều hơn một cách để giã gạo nhưng nếu bạn muốn có trải nghiệm mochitsuki(餅搗き) truyền thống thì bạn cần phải có cho mình một chiếc búa khổng lồ.
Dưới đây là hướng dẫn từng bước để làm mochi theo cách truyền thống:
Dụng cụ để làm mochi
©t-workland
- Kine(杵): Đây là vồ gỗ truyền thống và phải ngâm trong đêm trước mochitsuki để giúp gạo không bị dính vào vồ.
- Usu(臼): Là cối gỗ hoặc cối đá để cho gạo vào trước khi giã. Có thể bạn sẽ cần dùng đến một chiếc bàn chải thô để chà sạch những gì còn sót lại từ lần trước sử dụng chúng. Sau đó đổ đầy nước và để đó qua đêm. Đến lúc làm mochi thì sẽ đặt usu lên bệ gỗ và làm nóng bằng nước ấm. Sau đó đổ nước ra và thay thế bằng gạo đã hấp.
- Usudai(臼台): Usudai là bệ đỡ usu được làm bằng ván dày. Vì usu sẽ được đặt lên đó nên nó phải đảm bảo sẽ đủ vững chắc để chịu được trọng lượng của usu và lực giã từ kine.
Giai đoạn chuẩn bị
- Đầu tiên, gạo mochigome sẽ phải được ngâm trong nước. Sau khi được ngâm sẽ phải được giã nhỏ ra ngay sau đó. Chính vì lý do này nên việc làm mochi phải được diễn ra vào ngày hôm sau dù trời mưa hay nắng.
- Vào buổi sáng, gạo đã ngâm sẽ đặt trong một hộp gỗ và lót bằng vải lưới để ngăn không cho gạo dính vào hộp và việc lấy ra sẽ dễ dàng hơn. Chiếc hộp gỗ này sẽ được đặt trên một nồi nước và đun với lửa to. Hơi nước từ đó sẽ bốc lên qua một cái lỗ ở hộp gỗ và hấp chín cơm. Trong nhiều buổi làm mochi, người ta sẽ đặt ba đến bảy hộp gỗ xếp chồng lên nhau trên nồi rồi hấp cùng một lúc. Hộp ở dưới được nhiều hơi nước bốc lên nhất nên gạo sẽ chín trước những hộp còn lại.
- Và làm thế nào để biết được rằng cơm đã đủ chín để làm mochi? Theo lời những người có kinh nghiệm thì nó phải đủ mềm để một chiếc đũa có thể xuyên qua. Nếu chưa đủ chín thì nó sẽ không thể giã được thành bột. Còn nếu nấu quá lâu thì sẽ trở thành một mớ hỗn độn.
- Gạo khi đã chín sẽ được đặt trong usu. Trước khi giã thì gạo cần được “mát xa” bằng kine cho đến khi nó kết hợp được thành một khối. Các hạt cơm có thể vẫn chưa nát hẳn nhưng chúng phải được dính chắc vào khối mochi đó.
- Bây giờ có thể để những tiếng giã gạo bằng kine vang lên rồi. Bắt đầu một cách chậm rãi là tốt nhất để tránh cho việc gạo bị bắn ra khỏi usu khi giã. Khi cơm đã trở thành một “quả bóng trắng” thì có thể giã với lực mạnh hơn và tiếp tục cho đến khi những hạt cơm biến mất, chỉ còn lại một khối mochi khổng lồ.
Giã bánh Mochitsuki(餅搗き)
Làm mochi truyền thống sẽ đòi hỏi một nhóm người có kine và một người xử lý khâu nhào bột. Mặc dù giã bằng kine khá quan trọng nhưng người nhào bột lại đóng vai trò trung tâm và nguy hiểm nhất ở đây. Họ phải làm ướt tay với nước để ngăn mochi bám vào kine và nhào mochi giữa mỗi lần giã nhưng vẫn phải đảm bảo rằng quá trình mochitsuki giữ được nhịp điệu nhất quán để khối cơm được giã liên tục.
Người xử lý khâu nhào bột cũng có nguy cơ bị thương, tay của họ có thể bị đập gãy khi những người cầm kine mất tập trung. Chính vì vậy chúng tôi luôn nhắc nhở rằng nhịp điệu là rất quan trọng để có thể làm ra những chiếc bánh mochi ngon. Nhịp điệu ở đây là các khâu phải được xử lý trơn tru và liên tục từ đầu đến cuối. Đảm bảo được điều đó cũng có nghĩa là sẽ hạn chế được những chấn thương không đáng có.
4. Các loại mochi
Mochi sau quá trình làm sẽ có màu trắng ngần. Tiếp đó, màu sắc và hương vị sẽ được những nghệ nhân làm bánh mochi thỏa sức sáng tạo. Dưới đây sẽ là một số loại bánh mochi phổ biến mà bạn nhất định sẽ gặp:
- Daifuku(大福): Một chiếc bánh mochi có nhân là đậu đỏ.
- Kusa Mochi(草餅): Giống như Dafuku Mochi nhưng có lớp vỏ bên ngoài màu xanh được làm từ lá ngải cứu.
Kusa Mochi(草餅)©omiyadata
- Botamochi(牡丹餅): Loại bánh này được làm bằng cách xay nhuyễn đậu đỏ cùng gạo nếp thay vì để nhân đậu vào bên trong.
- Hanabiramochi(花びら餅): Phần vỏ bánh mochi này sẽ được cán phẳng như bánh kếp, xếp nhân vào sau đó gấp lại thành một hình bán nguyệt. Phần nhân bên trong cũng là nhân đậu đỏ và có một chiếc rễ cây ngưu bàng nhỏ.
Hanabiramochi(花びら餅)©erisekiya
- Kuzumochi(葛餅): Được làm từ bột sắn dây nên lớp vỏ có màu trắng đục. Kuzumochi thường được phục vụ lạnh với siro đường đen hoặc mật đường.
- Oshiruko(お汁粉 / Zenzai(善哉): Oshiruko và Zenzai là món bánh gạo trắng mềm ăn cùng với chè đậu đỏ ngọt ngào nhưng khác nhau ở chỗ Oshiruko sẽ ăn với chè đậu đỏ được nghiền nhuyễn còn Zenzai sẽ ăn với chè đậu đỏ để nguyên hạt.
Oshiruko(お汁粉)©iemone.jp
- Sakura mochi(桜餅): Ở vùng Kanto, Sakura mochi giống như một chiếc bánh kếp, còn ở Kansai thì lại có dạng hình tròn. Cả hai đều có đặc điểm chung là chúng có màu hồng, chứa đầy nhân đậu đỏ bên trong và được bọc bởi một chiếc lá anh đào muối.
Sakura mochi(桜餅)©tenki.jp
- Warabimochi(わらび餅): Đây là một loại thạch được làm từ bột lá dương xỉ. Ở vùng Kansai, món này sẽ được được phục vụ lạnh với một lớp bột kinako bên ngoài như một món ăn vào mùa hè. Những nơi khác lại được ăn cùng siro ngọt.
Warabimochi(わらび餅)©futari-gohan.jp
- Yatsuhashi(八つ橋): Món bánh hình tam giác này được làm từ gạo nếp, đường và quế. Yatsuhashi có thể được nướng lên hoặc không và có nhân đậu đỏ bên trong.
Vừa rồi là một danh sách các loại bánh mochi vô cùng ngọt ngào cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng không phải ai thường ăn mochi cũng đều có hàm răng ngọt ngào. Bạn nghĩ đúng rồi đó! Vẫn còn nhiều loại mochi được phục vụ như một món ăn mặn mà có thể bạn vẫn chưa biết đâu.
- Chikara Udon(力饂飩): Là một loại súp giá rẻ để thỏa mãn những chiếc bụng đói. Sợi mì dày được đi kèm với nước dùng khác nhau có thêm rau, thịt hoặc đậu phụ và thả vào đó một vài miếng bánh mochi đã được nướng lên. Trong tiếng Nhật, chikara (力)nghĩa là sức mạnh. Từ này được sử dụng vì người Nhật tin rằng việc bổ sung mochi vào món ăn sẽ tạo ra sức mạnh cho người ăn nó. Vậy nên khi bạn cần thêm năng lượng, hãy thử Chikara Udon nhé.
Chikara Udon(力饂飩)©sobaissaan
- Zouni(雑煮): Món ăn này là sự kết hợp hài hòa của bánh gạo mochi, rong biển kombu, rau, một chút thịt và tương miso.
- Isobeyaki(磯辺焼き): Đây là một phiên bản mochi nướng và không có nhân ở bên trong. Để làm ra món ăn này, người ta sẽ cho một chút nước tương lên trên sau đó cho lên vỉ nướng nóng, cứ một lúc lại thêm một chút nước tương, lặp lại cho đến khi đạt hương vị mong muốn thì chiếc bánh mochi dai mềm thơm phức này sẽ được bọc trong lá rong biển và nên ăn ngay khi còn đang nóng hổi.
Isobeyaki(磯辺焼き)©minnadetabeyo
- Kakimochi(かき餅): Một cách tuyệt vời để tận dụng những chiếc mochi còn sót lại là làm Kakimochi. Khi bánh mochi bắt đầu trở nên cứng và khô hơn thì người Nhật sẽ chia chúng thành những miếng nhỏ, sau đó cho lên chiên đến khi chuyển sang màu nâu vàng. Món bánh này có thể ăn cùng với nước tương
5. Thưởng thức mochi theo các mùa
Chắc hẳn nhiều người không biết rằng một số loại bánh mochi chỉ làm theo mùa. Để trở thành một người sành về mochi, bạn cũng nên biết những dịp nào có thể được thưởng thức những loại bánh mochi đặc biệt đó.
Dịp năm mới
Năm mới là một ngày lễ lớn ở Nhật Bản và có rất nhiều các món ăn truyền thống, bánh mochi cũng đóng vai trò quan trọng trong dịp này.
- Kagami mochi(鏡餅): Ở Nhật, khi nhìn thấy chiếc bánh kagami mochi này là biết rằng tết sắp đến. Nó được tạo thành từ một chiếc bánh mochi nhỏ đặt chồng lên một chiếc bánh mochi lớn hơn và họ đặt lên trên đỉnh một quả cam nhỏ. Hình ảnh xếp chồng lên nhau này thể hiện niềm vui, sự may mắn “chồng chất”, niềm vui nối tiếp niềm vui. Chiếc bánh đặc biệt này còn có thể coi như “cây thông Giáng sinh” của Nhật Bản.
Kagami mochi(鏡餅)©iemone.jp
- Ozouni(お雑煮): Món súp mừng xuân này được nấu từ rau và thả vào đó một vài miếng bánh mochi đã được cắt thành những miếng mỏng. Nó được coi là món ăn may mắn nhất để ăn vào đầu năm.
Lễ hội búp bê Nhật Bản Hina matsuri(雛祭り) và mùa xuân
Mùa xuân là khoảng thời gian tuyệt vời ở Nhật Bản được mọi người vô cùng yêu thích vì khi đó hoa anh đào bắt đầu rơi và thời tiết ấm dần lên. Thời điểm này bạn cũng có thể nếm thử một vài loại mochi đặc biệt đó.
- Sakura mochi(桜餅) : Đây là một chiếc bánh mochi có màu hồng chứa nhân đậu đỏ ở bên trong và được bọc bởi lá anh đào muối. Mặc dù trông tổng thể chiếc bánh vô cùng ngon nhưng bạn cũng đừng ăn chiếc lá anh đào dùng để trang trí đó nha.
- Ichigo Daifuku(苺大福): Chiếc bánh nhỏ bé này rất đặc biệt không chỉ ở hương vị mà còn về ý nghĩa ẩn bên trong đó. Daifuku(大福) ở đây có nghĩa là đại phúc, người Nhật cho rằng được ăn loại bánh này là một niềm vui và thường dùng để tặng nhau vào các dịp lễ lớn như đầu xuân và năm mới. Ichigo Daifuku là chiếc bánh mochi tròn nhỏ với nhân là một quả dâu tây được bọc trong lớp mỏng nhân đậu đỏ xay nhuyễn.
Ichigo Daifuku(苺大福)©daidokolog
- Hishimochi(菱餅): Loại bánh mochi của mùa xuân này thường được bày bán nhiều vào Lễ hội búp bê Nhật Bản Hina matsuri (ngày mùng 3 tháng 3). Khác với những loại bánh mochi khác thường ở dưới dạng hình tròn, bánh Hishi mochi với hương vị thanh tao, ngọt ngào này lại được làm với dạng hình thoi - đại diện cho khả năng sinh sản. Món bánh này được làm với ba lớp màu. Màu xanh lá cây ở dưới cùng tượng trưng cho sự tươi tắn của mùa hè và sự tốt lành được làm từ lá ngải cứu. Tiếp đến là màu trắng ở giữa được làm từ hoa nhài, tượng trưng cho những bông hoa tuyết mùa đông hay sự tinh khiết. Màu hồng được xếp lên trên cùng là biểu tượng của sự tươi mới, của những cánh hoa anh đào mềm mại vào những ngày mùa xuân và được tạo ra bởi củ ấu. Người Nhật Bản đem vào chiếc bánh đặc biệt này một quan niệm rằng cuộc đời của mỗi người thiếu nữ sẽ luôn chỉ có sự tươi mới, tràn đầy và tinh khiết như ba mùa xuân, hạ, đông.
Hishimochi(菱餅)©benesse.jp
Ngày tết thiếu nhi
Ngày mùng 5 tháng 5 ở Nhật Bản được biết đến là Ngày trẻ em Kodomo no hi(子供の日). Vào ngày lễ quốc gia này, các gia đình sẽ treo trước cửa những chiếc đèn lồng cá chép đầy màu sắc, bày một búp bê Kintaro cưỡi trên một con cá chép lớn đang chiếc mũ giáp quân đội truyền thống của Nhật Bản. Để biết thêm chi tiết về Ngày trẻ em Kodomo no hi, các bạn có thể xem lại bài viết trước (子供の日) của chúng tôi nhé! Và chắc chắn ngày lễ đặc biệt như vậy sẽ không thể thiếu bánh mochi.
Kashiwamochi(柏餅) sẽ được ăn vào ngày này. Là một chiếc bánh màu trắng được lấp đầy bởi phần nhân đậu bên trong và bọc bằng lá sồi ở bên ngoài làm tăng thêm hương thơm và tính thẩm mĩ. Bên cạnh đó, lá sồi này còn tượng trưng cho ý chí vươn lên và sức mạnh vượt qua khó khăn, thử thách. Giống như Sakura mochi, lá sồi này được dùng để trang trí chứ không thể ăn.
Kashiwamochi(柏餅)©macaro-ni.jp
6. Cách làm mochi tại nhà và bảo quản
Đến đây chắc bạn đang rất nóng lòng muốn được ăn thử chiếc bánh mochi dẻo thơm rồi phải không? Nhưng nếu bạn không ở Nhật Bản thì mochi sẽ rất lâu mới có thể đến tay, hay ngay cả khi bạn đang sống ở Nhật Bản nhưng cũng có thể chưa có dụng cụ hoặc không có kinh nghiệm làm bánh mochi. Nếu vậy thì cũng đừng quá lo lắng, chúng tôi có thể giúp bạn. Ngoài cách làm bánh mochi truyền thống thì vẫn có một số cách khác dễ dàng hơn để bạn có thể làm bánh mochi tại nhà.
Công thức làm bánh mochi Nhật Bản truyền thống
Với cách làm bánh mochi truyền thống sẽ đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguyên liệu cũng như công cụ. Nhưng nếu bạn đang có sẵn một nhóm đông người thì chắc chắn một buổi làm bánh mochi theo phương pháp truyền thống sẽ vô cùng thú vị. Dưới đây là công thức làm bánh mochi truyền thống và hướng dẫn từng bước một để bạn có thể dễ dàng làm theo.
Chuẩn bị gạo mochitsuki vào đêm trước
- Vo gạo sau đó ngâm gạo trong nước theo tỉ lệ 2:1 ( 2 phần nước, 1 phần gạo)
Rửa và ngâm cối và vồ trong nước lạnh
Chế biến gạo mochitsuki: Hấp cơm cho đến khi mềm (10L gạo hấp trong 30 phút). Chúng ta có thể kiểm tra gạo với đũa bằng cách lấy một chiếc đũa xuyên qua lớp gạo, nếu nhấc lên mà chiếc đũa vẫn sạch là gạo đã đạt.
Bắt đầu giã mochi theo các bước:
- Làm ấm cối bằng nước.
- Lau khô cối khi gạo đã sẵn sàng để giã.
- Cho gạo đầy một nửa cối.
- Nhẹ nhàng giã vào giữa chỗ gạo bằng vồ, sau đó giã mạnh dần.
- Thi thoảng lấy một chút nước làm ướt tay rồi lật khối bột, nếu bạn có đủ người thì mỗi người sẽ được chỉ định làm một việc.
- Giã đến khi khối bột trở nên đều là xong.
- Cắt khối bột thành từng miếng nhỏ, đặt phần nhân mà bạn yêu thích vào rồi vê tròn và phủ một lớp áo bột mỏng bên ngoài.
Thưởng thức thành quả thôi nào!
Công thức với nồi cơm điện
Nếu bạn không có vồ và cối để làm bánh mochi theo cách truyền thống thì cũng đừng buồn vì chúng tôi vẫn có công thức đơn giản khác để bạn có thể tự làm tại nhà. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc nồi cơm điện và cây cán bột còn cách làm thì dễ như ăn bánh.
- Vo sạch gạo.
- Cho gạo và nước vào nồi theo tỉ lệ 1:1.
- Đợi 10 phút rồi khởi động nồi cơm điện.
- Ngâm cây cán bột trong nước muối.
- Khi gạo đã chín thì bỏ ra ngoài và bắt đầu dùng cây cán bột cán cho đến khi thành một khối bột, thi thoảng nhúng cây cán bột vào nước để chống dính khi cần thiết.
- Cắt khối bột thành từng miếng nhỏ, đặt phần nhân mà bạn yêu thích, vê tròn và phủ một lớp áo bột mỏng bên ngoài rồi thưởng thức.
©roomie.jp
Máy làm bánh mochi
Máy làm bánh mochi cũng là một sản phẩm đáng mua nếu bạn muốn ăn mochi thường xuyên. Với cách này thì không có công thức, bạn chỉ cần có một chiếc máy làm mochi, bỏ nguyên liệu vào rồi khởi động máy là xong.
Bảo quản bánh mochi
Mặc dù bánh mochi thường được dùng để ăn tươi nhưng bạn cũng có thể mua với số lượng lớn rồi bảo quản bằng cách để đông lạnh. Bánh mochi có thể để đông lạnh trong vòng một năm, hoặc lâu hơn một chút nhưng chúng sẽ có mùi vị đông lạnh. Chính vì vậy bánh mochi thường được làm vào đầu năm mới để có thể ăn cả năm. Nếu bạn để bánh trong ngăn mát của tủ lạnh thì sẽ bảo quản được trong vài tuần, còn ở nhiệt độ phòng thì tuổi thọ của bánh sẽ giảm và thậm chí còn bị mốc.
Văn hóa ẩm thực Nhật Bản vô cùng đa dạng và đầy màu sắc. Đằng sau mỗi món ăn, thức uống đều là một câu chuyện, một trải nghiệm riêng. Hy vọng qua bài viết này bạn đã biết thêm nhiều thông tin thú vị về bánh mochi Nhật Bản. Đừng quên để lại bình luận cho chúng tôi biết loại mochi khiến bạn tâm đắc nhất nhé!
Nguồn bài viết: japagazine.com