- Cứu sống 2 nông dân bị rắn lục đuôi đỏ cắn
- Nạn rắn lục đuôi đỏ: Cách giải nọc độc bằng thuốc dân gian
- Hoang mang vì rắn lục đuôi đỏ xuất hiện khắp nơi cắn người1
- Ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rắn lục đuôi đỏ cắn
- Chuyên gia tìm hiểu nguyên nhân 'rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường'
Rắn lục đuôi đỏ (rắn lục) thường hoạt động ở nơi có mật độ cây xanh um tùm, rậm rạp, nên với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì đó là chuyện thường. Vậy nhưng gần đây, thông tin rắn lục tác oai tác quái ngay tại TP HCM gây hoang mang cho người phố thị thì quả là chuyện lạ.
Lẽ nào, từ rừng sâu hay ở các tỉnh miền Tây rắn lục đuôi đỏ tràn về thành phố chiếm lĩnh địa bàn, mở rộng phạm vi "gây án"? Chúng làm thế được sao? Chúng tràn về phố như thế nào? Ai tiếp tay cho chúng?!
1. "Ngày 22/6 vừa qua, một số người dân nội thành TP HCM tại khu vực đường Nguyễn Trãi, quận quận 5 phát hiện một con rắn màu xanh lục bò vào khu vực của một cửa hàng bán tạp hóa. Nhiều người hốt hoảng bỏ chạy. Ngay lúc đó một người đàn ông, đập chết con rắn và đưa ra giữa đường cho xe tải cán... Con rắn có đuôi màu đỏ tươi, đầu hình tam giác, da hơi nhớt nằm ngoắc ngoẻo giữa đường. Gần một giờ đồng hồ sau, xuất hiện 2 con rắn tương tự bò ngang qua dòng xe tấp nập. Người dân dùng gậy đánh đuổi, chúng chui xuống cống mất tăm".
Rắn lục đuôi đỏ và những nạn nhân của nó."Cách đây hơn một tuần, một số người buôn bán vỉa hè gần cầu Chợ Cầu (quận Gò Vấp) đập chết 3 con rắn lục đuôi đỏ đang bò trên thành cầu. Thậm chí rắn còn bò vào một tiệm vàng gần đó, khiến chủ nhà phải mua củ nén để xua đuổi"...
"Khu vực khiến người dân hoang mang nhất, đoạn bờ sông phường Thạnh Lộc, khu gần Ngã Tư Ga (quận 12) khi rắn ồ ạt tràn về đây. Chỉ trong vòng 2 tháng, người dân đã đập chết khoảng 10 con rắn...".
Rắn lục đuôi đỏ cắn nhiều người nhập viện; Rắn lục đuôi đỏ tràn về thành phố; Về nơi rắn lục xuất hiện nhiều nhất TP HCM; Kinh hãi rắn lục ngủ chung với người; Người dân khốn khổ vì rắn lục; TP HCM hoang mang rắn lục - dân bắt rắn ngâm rượu... Đó chỉ là lược ghi về sự xuất hiện của rắn lục được nhiều kênh thông tin phản ánh. Rõ ràng những thông tin, tít bài kể trên đã phản ánh phần nào sự hiện diện với tần suất cao không mong đợi của loài rắn đuôi đỏ tại nơi chưa từng có tiền lệ. Cách đây 5 ngày, tại khu dân cư Rạch Chiếc (quận 2), ở lối vào khu dân cư này nằm dưới chân cầu Rạch Chiếc (Đoàn hướng về nội ô thành phố) người viết gặp một xác rắn lục đuôi đỏ bị xe cán bẹp dí.
Ở TP HCM, dạo gần đây vì quá ám ảnh chuyện gặp rắn lục nên dân tình lập ra những hội gọi là Hội những người không thích rắn lục đuôi đỏ (!). Có hội số hội viên lên đến hơn 300 người. Và có mẩu tin gắn với rắn đuôi đỏ cắn người thu hút đến hơn 4.000 lượt người xem. Trên diễn đàn các hội như thế này, người ta bình luận, chia sẻ các kinh nghiệm nhận biết, tiêu diệt cũng như các cách phòng ngừa, sơ cứu chẳng may bị rắn đuôi đỏ cắn. Điều này cho thấy người dân thị thành ghê sợ, ám ảnh rắn lục đến khủng khiếp. Và cũng phần nào thể hiện sự bất lực ngăn chặn chúng xuất hiện!
Cuối tháng 6 vừa rồi, trước tình trạng có quá nhiều người bị rắn lục cắn, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có cuộc gặp gỡ với báo chí, qua đó thông tin mỗi năm đơn vị này tiếp nhận từ 800-1.000 ca bị rắn cắn (từ tháng 5 đến tháng 8 là cao điểm, trung bình mỗi tháng lên đến 200 ca). Và chỉ trong 3 tuần của tháng 6, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 110 ca bị rắn cắn, trong đó có đến 80 ca là do rắn lục đuôi đỏ. Hơn 30 trường hợp còn lại do rắn hổ đất, hổ mèo, chàm quạp, hổ đất và đẻn (rắn biển)... "ra tay". Nạn nhân bị rắn cắn tại TP HCM tập trung ở các quận 9, 12 và Hóc Môn.
2. Rắn lục đuôi đỏ hay rắn lục đầu dồ đuôi đỏ là loài độc nhất trong họ rắn lục gồm rắn lục núi, rắn lục tre, rắn lục mũi hếch. Trong họ rắn lục, rắn lục đuôi đỏ là loài duy nhất đẻ con (các loài khác đẻ và ấp trứng), rắn con ngay khi sinh ra từ bụng mẹ đã rất khỏe mạnh và bản năng hung dữ. Người viết bài này đã từng chứng kiến cảnh rắn lục mẹ sinh con và đã có bài viết tận tường về thú ăn bào thai rắn của một số đại gia máu me khoản tăng lực, cách đây 6 năm. Để ăn bào thai rắn lục, người ta phải mổ bụng rắn mẹ lúc còn sống để lấy dây bào thai hơn chục cái (mỗi bọc bào thai chứa một rắn con - PV). Khi dùng dao rạch nhẹ, bào thai xổ ra rắn con. Chào đời trong cái cảnh ấy nhưng rắn lục con đã biết trườn bò, theo bản năng sinh tồn phòng vệ đã cắn, táp dữ tợn...
Về phạm vi sống trải rộng và sự nguy hiểm của rắn lục, tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi mô tả chi tiết trong “Từ điển động vật và khoáng vật làm thuốc” như sau: "Thích ứng với sinh hoạt ở trên cây trong miền rừng núi, trong các bụi cây rậm hoặc những mảnh đất bỏ hoang, trong lùm cỏ và trong rừng trúc. Rắn này thường hoạt động cả đêm lẫn ngày, nhưng phần nhiều về đêm. Nó nằm treo hoặc quấn quanh trên cây bên bờ suối, có khi trên hòn đá ven suối... Ăn ếch nhái, chuột, thằn lằn, nòng nọc và cũng có tập tính vồ lửa (thấy ánh lửa là chủ động tấn công - PV). Ngủ đông từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch. Đẻ con, mỗi lứa từ 3-12 con. Thuộc loại rắn độc, có thể cắn chết người".
Rắn lục xanh hay rắn lục đuôi đỏ được ghi nhận là loài rắn thường gặp ở khắp các miền. Phạm vi sống trải rộng, lại thích nghi ở mọi địa hình, sinh đẻ đơn giản, rắn con bẩm sinh vốn khỏe mạnh, vừa chào đời đã có thể tự sinh tồn..., đó là những lý do góp phần giải thích vì sao loài rắn độc này có mặt trên bình diện rộng khắp.
Bên cạnh lý do trên, trong quá trình ghi nhận, tìm hiểu về căn nguyên của vấn nạn rắn lục xuống phố, người viết ghi nhận một số thông tin khác, đáng để lưu tâm. Ông Lê Minh Đ., 58 tuổi, ngụ khu phố 1, phường Thạnh Lộc (quận 12) cho rằng vì địa phương có sông Sài Gòn đi qua với nhiều lùm bụi nên là nơi cư trú lý tưởng của nhiều loài rắn, trong đó có rắn lục đuôi đỏ. Cũng theo ông Minh, rắn lục xuất hiện ngày một nhiều có phần từ những người phóng sinh thiếu ý thức, để tích đức cho mình mà bất chấp sức khỏe, tính mạng cộng đồng: "Có nhiều người quan niệm quái gở lắm, họ cho rằng cùng với rùa, rắn là con vật linh thiêng nên nếu phóng sinh sẽ được nhiều phước đức hơn phóng sinh chim cá. Bởi vậy mà...."- ông Minh tặc lưỡi!
Về chuyện phóng sinh rắn, đây là thông tin lần đầu tiên người viết tiếp cận, nghe có vẻ phi thực tế nhưng qua ngẫm suy, thấy rằng có khả năng xảy ra. Trước đây ai cũng biết cá lau kiếng, cá hoàng đế, rùa tai đỏ... là những sinh vật ngoại lai có hại cho môi trường cùng hệ sinh thái. Vậy nhưng nhiều người vẫn bán mua nhằm mục đích phóng sinh. Hậu quả là giờ đây, lòng hồ Trị An (Đồng Nai) và khắp hệ thống sông rạch tại TP HCM nhung nhúc những loài này. "Các giống có hại kia người ta biết nhưng vẫn phớt lờ, vẫn mặc sức bán mua và phóng sinh thì rắn lục đuôi đỏ đâu có sự ngoại lệ..." - bà Diệu Thiện, phật tử chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 3), bày tỏ quan điểm!
3.Có hay không hiện tượng phóng sinh rắn lục để rồi loài này sinh sôi nảy nở kéo bầy đàn tấn công dân cư thành phố thì còn cần điều nghiên cụ thể hơn. Nhưng chuyện rắn lục được bán buôn tràn lan và trong quá trình buôn bán như thế, khả năng chúng xổng chuồng trở thành mối họa khôn lường cho người dân TP HCM là có thật. Cũng cần nói rõ là không như các loài rắn khác, dân gian không ăn thịt loài này thế nhưng chúng vẫn được dân săn rắn dòm ngó, được dân buôn tập kết về thành phố để phục vụ cho những người có nhu cầu chữa bệnh viêm xoang. Ai dám chắc trong quá trình đó không xảy ra các vụ rắn lục xổng chuồng, sinh con đàn cháu đống và... cắn người?
"Rắn lục là loài cực độc không kém gì rắn hổ chúa, rắn hổ đất hay rắn cạp nong..., vậy nhưng oái oăm ở chỗ loài này được người ta bán buôn tràn lan. Bằng chứng là chỉ cần rảo dọc chợ chó mèo trên đường Lê Hồng Phong, sẽ thấy cái cảnh bên cạnh chó mèo, có những người bày bán nhiều loài động vật hoang dã, trong số đó có rắn lục đuôi đỏ" - bà Phương Minh, 57 tuổi, một cán bộ hưu trí ngành điện lực, độc giả lâu năm của Chuyên đề ANTG "bắn" tin cho phóng viên như thế vào sáng 16/7.
Chợ chó mèo Lê Hồng Phong nằm trên đường Lê Hồng Phong, thuộc địa bàn phường 2, quận 10. Tiếng là "chợ chó mèo" nhưng đúng như chia sẻ của bà Phương Minh, nơi này có một số người kinh doanh động vật hoang dã như rùa, khỉ, culi, sóc... và cả rắn lục đuôi đỏ. Được nhốt trong những chiếc lồng bọc lưới mắt cáo, khi có khách mua, người bán sẽ dùng kẹp cặp đầu từng con rắn đuôi đỏ bán cho khách với giá từ 70-150.000 đồng/con tùy lớn nhỏ. "Người ta mua để chữa viêm xoang, chữa bằng cách đốt thành than rồi hít như hít hêrôin. Hít bột rắn lục vô, xoang nặng kiểu nào cũng dứt sạch" - bà Loan, một người buôn rắn, quả quyết (?!).
Chứng kiến cảnh người ta bày rắn độc ra bên đường và bắt bán cho khách mà hãi. Hỏi thăm người bán và một số người dân sống ở khu vực này, mới biết chuyện người bán sơ xuất để rắn xổng chuồng, vuột khỏi tay bò ngang đường, trườn vào nhà dân... ở đây chẳng lạ. Cũng cần nói thêm rằng khu vực chợ chó mèo này gần với đường Nguyễn Trãi, thuộc địa phận quận 5. Đây có thể là lý do mà vì sao mà có người bắt gặp rắn lục đuôi đỏ trên con đường này vào ngày 22/6 vừa qua?
Nhiều người dân gặp, bị rắn lục cắn và đập chết rắn lục được ghi nhận từ tháng 6 đến nay ở các địa phương như Chợ Cầu (Gò Vấp), Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) và Tỉnh lộ 19, khu phố 1 phường Thạnh Lộc, khu vực Ngã Tư Ga (quận 12) và khu vực ven sông Sài Gòn...
Rắn lục đuôi đỏ là loài cực độc, đặc biệt trong giai đoạn mang thai rắn rất độc và hung dữ.
Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, cần cố định vị trí vết thương, hạn chế để lâu vì nọc độc sẽ gây rối loạn đông máu, dẫn đến tê liệt hoặc tử vong... Trung tâm cấp cứu 115 và Bệnh viện Chợ Rẫy là 2 đơn vị tiếp nhận và có nhiều kinh nghiệm can thiệp các trường hợp bị rắn cắn.
Giải thích về nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ xuất hiện và mặc sức tung hoành ở khu vực ngoại thành và cả trung tâm TP HCM, mới đây, bên cạnh lý do vào mùa mưa là vào chu kỳ rắn sinh đẻ nên xuất hiện nhiều hơn bình thường, TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam cho biết nhiều khả năng loài rắn độc này xuất hiện ồ ạt ở thành phố do chúng bị xâm chiếm môi trường sống bởi tình trạng đô thị hóa... Đây cũng là điều đáng để lưu tâm!