Nói về địa chỉ khám chữa bệnh nội tiết thì hiện nay đã có bệnh viện chuyên sâu là Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Thanh Trì). Bên cạnh đó, còn có một địa chỉ cũng mạnh về nhóm bệnh này và được nhiều người bệnh tin tưởng và lựa chọn đi khám, đó là Khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai.
Các tuyến nội tiết chính trong cơ thể gồm: vùng hạ đồi, tuyến yên, tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục. Rối loạn nội tiết gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, một số bệnh thường gặp hiện nay như: đái tháo đường type 2, suy giáp, cường suy tuyến thượng thận suy tuyến yên…
Nếu bạn hoặc người thân đang có kế hoạch đi khám tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai thì có thể tham khảo nội dung dưới đây để nắm được những thông tin và kinh nghiệm cần thiết.
1. Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
Trước đây khoa có tên là Khoa Nội tiết, là địa chỉ khám chữa bệnh nội tiết hàng đầu, là tuyến cuối khám và điều trị bệnh nhân nội tiết và đái tháo đường từ tuyến dưới gửi lên. Do tình hình bệnh đái tháo đường (tiểu đường) ngày càng gia tăng, bệnh đái tháo đường đã trở thành mũi nhọn trong chuyên ngành Nội tiết. Chính vì thế khoa đã đổi tên thành Khoa Nội tiết - Đái tháo đường.
Giới thiệu chung
Đây là đơn vị chuyên khoa đầu ngành về bệnh nội tiết, chuyển hóa nói chung và cụ thể là bệnh đái tháo đường, là một trong những địa chỉ khám chữa đái tháo đường (Tiểu đường) hàng đầu trên cả nước. Hàng năm điều trị nội trú trung bình cho 15.000 lượt bệnh nhân. Khám và điều trị ngoại trú trung bình 60.000 lượt bệnh nhân, trong đó bệnh nhân đái tháo đường chiếm 3/4.
Hiện nay Khoa Nội tiết - Đái tháo đường có 6 phòng chức năng, bao gồm:
- Phòng cấp cứu
- Phòng Chăm sóc bàn chân
- Phòng Tư vấn tái khám
- Phòng Tư vấn dinh dưỡng
- Phòng Siêu âm tuyến giáp
- Phòng Thăm dò mạch máu
Địa chỉ
- Số 78 Giải Phóng, Đống Đa, Hà Nội
Vị trí
- Tầng 6 nhà P (tòa nhà Việt Nhật) - Bệnh viện Bạch Mai. Tòa nhà Việt Nhật nằm ngay thẳng cổng 78 Giải Phóng đi vào, ở cạnh tòa nhà 21 tầng.
Nếu đi xe máy thì bạn nên đi cổng 78 Giải Phóng, rẽ phải để đến khu gửi xe máy. Nếu đi ô tô thì bạn nên đi vào từ cổng số 3 ở đường Phương Mai (gần Bệnh viện Da liễu),đi thẳng vào và nhìn phía bên trái có khu gửi xe ô tô.
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường có khám không
Người bệnh muốn khám, tái khám, tư vấn có thể đến khám trực tiếp tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường ở tầng 6 tòa nhà Việt Nhật. Tại đây có phòng khám dành cho bệnh nhân đến khám và tái khám.
Thời gian làm việc
- Khoa làm việc từ thứ 2 đến thứ 7, riêng chủ nhật nghỉ.
- Buổi sáng từ 7h30-11h30, chiều từ 13h30-16h.
2. Khoa Nội tiết - Đái tháo đường khám chữa những bệnh gì
- Khám, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân thuộc chuyên khoa nội tiết: đái tháo đường, hạ đường huyết, suy giáp, viêm tuyến giáp, nang tuyến giáp, cường suy tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, suy tuyến yên, đái tháo nhạt, rối loạn mỡ máu…
- Chẩn đoán sớm và hướng dẫn dự phòng các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
- Thăm khám và phát hiện sớm các tổn thương bàn chân, điều trị các vết loét và dự phòng cắt cụt chi ở các bệnh nhân đái tháo đường.
- Sàng lọc, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý nội tiết trong thai kỳ.
- Thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp, tuyến yên và tuyến thượng thận.
- Lắp máy theo dõi đường huyết liên tục và bơm insulin cho các bệnh nhân đái tháo đường.
- Khoa thường xuyên tổ chức giáo dục cho bệnh nhân đái tháo đường các kiến thức về bệnh, tự theo dõi chế độ ăn, luyện tập…
Một số phương pháp được áp dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh như:
- Nghiệm pháp nhịn khát để chẩn đoán thể đái tháo nhạt bằng xịt minirin.
- Nghiệm pháp động trong chẩn đoán bệnh Cushing, hội chứng Cushing.
- Nghiệm pháp synacthene chẩn đoán suy thượng thận.
- Chọc hút kim nhỏ làm xét nghiệm tế bào học bướu nhân giáp. Tiêm cồn tuyệt đối điều trị.
- Bằng siêu âm tuyến giáp phát hiện nhiều bệnh lý tuyến giáp giúp chẩn đoán chính xác.
3. Một số bác sĩ giỏi tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
Việc biết được bác sĩ nào giỏi, bác sĩ mạnh về bệnh gì có thể giúp bạn khám chữa bệnh được hiệu quả hơn. Đặc biệt là các bác sĩ có chuyên môn về Đái tháo đường giỏi sẽ giúp bạn tốt hơn trong việc khám và điều trị Đái tháo đường.
Bác sĩ đang làm việc tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
PGS.TS.BS Nguyễn Khoa Diệu Vân
- Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai
- Phó Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam
- Bác sĩ tại phòng Khám số 1 - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
- Bác sĩ tại phòng khám đa khoa VIP 12
ThS.BS Nguyễn Quang Bảy
- Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng khoa học Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam
- Phó trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai
- Giảng viên bộ môn Nội tổng hợp - Đại học Y Hà Nội
- Bác sĩ tại phòng khám đa khoa Bình Minh
ThS.BS Đào Đức Phong - Bác sĩ chuyên khoa Nội tiết
Bác sĩ đã từng làm việc tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
TS.BS Phạm Thị Hồng Hoa
- Nguyên Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai
- Bác sĩ từng tu nghiệp tại Cộng hòa Pháp và Nhật Bản
- Nguyên Phó chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam
- Nguyên Phó Chủ Tịch Hội nội tiết - Đái tháo đường Hà Nội
- Ủy viên Ban chấp hành Hội Y học Hà Nội
- Bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Vinmec
ThS.BS Bùi Minh Đức
- Nguyên Phó trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai
- Bác sĩ có 20 năm kinh nghiệm chuyên ngành Nội tiết - Đái tháo đường, đặc biệt là trong điều trị, chăm sóc vết thương bàn chân do đái tháo đường
- Bác sĩ từng tu nghiệp tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière, Pháp
ThS.BS Nguyễn Huy Cường
- Bác sĩ tại khoa Nội tiết - Đái tháo đường - Bệnh viện Bạch Mai (1990-2004)
- Nguyên Phó Trưởng khoa Đái tháo đường - Bệnh viện Nội tiết Trung ương
- Bác sĩ tại Phòng khám Nội khoa Huy Cường - số 1 ngõ 133 Thái Hà
4. Những ai nên khám và điều trị tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
Tùy theo tình trạng của bạn mà nên khám chữa ở đâu cho thuận tiện nhất. Hiện nay, nhiều bệnh viện tuyến dưới đã có chuyên khoa Nội tiết (hoặc có các bác sĩ chuyên về Nội tiết). Nếu bạn ở xa Hà Nội thì cũng nên xem xét đi khám ở các bệnh viện tuyến địa phương trước, vừa thuận tiện cho việc đi lại, chăm sóc, đối với bệnh nhân có BHYT lại được hưởng bảo hiểm đúng tuyến.
Nhưng nếu đã đi khám chữa ở tuyến dưới nhưng không tìm ra bệnh, bệnh chữa lâu ngày không có tiến triển gì, hoặc khi bạn muốn được khám ở tuyến trên để yên tâm hơn thì có thể tìm đến Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai. Đây được xem là bệnh viện tuyến cuối, tuyến cao nhất cả nước. Nhìn chung thì các bệnh về chuyên khoa Nội tiết dù nặng hay nhẹ đều có thể điều trị tại Khoa Nội tiết - Bệnh viện Bạch Mai được.
Theo đó, nếu bạn đang gặp phải các vấn đề, các bệnh dưới đây thì có thể đi khám tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai:
Các bệnh lý do rối loạn cân bằng glucose máu:
- Bệnh đái tháo đường
- Đái tháo đường type 1
- Đái tháo đường type 2
- Đái tháo đường thai kỳ
- Hạ đường huyết
Các bệnh lý tuyến giáp:
- Bướu nhân, nang tuyến giáp
- Cường chức năng tuyến giáp và bệnh Basedow
- Giảm năng tuyến giáp (suy giáp)
- Viêm tuyến giáp
Các bệnh lý tuyến thượng thận:
- Suy tuyến thượng thận
- Hội chứng Conn
- Hội chứng Cushing
- U tủy thượng thận
Các bệnh lý tuyến yên:
- Suy tuyến yên
- Đái tháo nhạt
- Rối loạn mỡ máu
5. Kinh nghiệm đi khám tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
- Để tránh tình trạng chờ đợi lâu, bạn nên đến từ sớm để lấy số và đăng ký khám. Khoa thường phát sỗ khám khoảng 6h30 sáng. Tốt nhất là nên đi khám trong buổi sáng để có kết quả xét nghiệm, kiểm tra ngay trong ngày.
- Nếu sức khỏe của bạn không được tốt, thì nên nhờ người thân đến xếp hàng lấy số trước, khi nào gần đến lượt thì bạn đến sau.
- Khoa Nội tiết - Đái tháo đường nằm ở khu nhà Việt Nhật khá khang trang, rộng rãi, vệ sinh ở mức trung bình.
- Ở đây có phòng tư vấn dinh dưỡng. Nếu đã có kết quả khám, đã được chẩn đoán bệnh và muốn các bác sĩ, chuyên gia tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý thì bạn có thể đăng ký với nhân viên.
6. Một số lưu ý quan trọng
Đi khám nội tiết thường phải làm một số xét nghiệm điển hình, do vậy, bạn cũng nên lưu ý một số điểm sau để kết quả xét nghiệm được chính xác:
- Không uống cà phê trước khi xét nghiệm máu. Uống cà phê hoặc các loại đồ uống có chứa caffein khác ví dụ như đồ uống năng lượng hoặc cola trong vòng 1 giờ trước khi tiến hành xét nghiệm máu có thể sẽ làm kết quả xét nghiệm máu bị ảnh hưởng đáng kể.
- Không ăn bữa ăn giàu chất béo trước khi xét nghiệm máu. Ăn một bữa ăn lớn, giàu chất béo một cách bất thường có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm của bạn. Thậm chí, trước khi làm xét nghiệm, bạn nên nhịn ăn.
- Nếu bạn muốn đo lường cả lượng cholesterol (mỡ máu) thì tốt nhất, bạn không nên ăn bất cứ thứ gì có chứa calo trong vòng 8-10 tiếng trước khi tiến hành xét nghiệm, bởi lượng đường huyết cũng như chỉ số một loại chất béo trong máu có thể sẽ tăng lên một chút sau khi bạn ăn.
- Nên uống nhiều nước trước khi đi khám
- Không nên uống thuốc cảm trước khi đi khám (nếu được). Nếu bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và thấy rằng mình cần phải uống thuốc, thì bạn vẫn có thể uống thuốc. Nhưng, hãy cho bác sĩ biết tên thuốc mà bạn đã uống để bác sĩ có thể tính đến những tác dụng phụ mà loại thuốc bạn dùng có thể gây ra.
Hy vọng một số thông tin trên phần nào giúp quá trình khám chữa bệnh tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai được hiệu quả hơn.
Xem thêm bài viết
- Vì sao nên khám Nội tiết tại Bệnh viện Thanh Nhàn
- Khám Tiểu đường - Nội tiết tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương