Trong các loại củ quả có màu da cam, đặc biệt là cà rốt, thường chứa một hàm lượng lớn sắc tố beta-carotene. Bên cạnh việc tạo ra màu sắc hết sức đặc trưng cho củ cà rốt, beta-carotene còn được biết đến như một hợp chất rất cần thiết cho sức khỏe của con người.
Theo đó, khi beta-carotene được hấp thụ vào cơ thể, một loại tế bào đặc biệt trong ruột non sẽ chuyển hóa hoàn toàn chất này thành vitamin A, tham gia vào việc hỗ trợ năng lực thị giác và các hoạt động thiết yếu của biểu mô. Dựa theo cơ chế này, việc ăn cà rốt theo liều lượng thông thường hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến màu sắc của làn da.
Tuy nhiên, mọi chuyện lại hoàn toàn khác, khi chúng ta nạp vào cơ thể một lượng beta-carotene cao bất thường, trong một khoảng thời gian ngắn. Lúc này, “Đội quân” tế bào chuyển hóa trong cơ thể sẽ không có đủ sức biến tất cả beta-carotene trở thành vitamin A. Hệ quả là lượng beta-carotene dư thừa sẽ tham gia vào vòng tuần hoàn của máu và đi khắp cơ thể.
Nếu hàm lượng beta-carotene trong máu luôn giữ ở mức cao, tức là chúng ta liên tục ăn một lượng cà rốt khổng lồ từ ngày này qua ngày khác, màu sắc da của chúng ta hoàn toàn có thể dần chuyển sang màu cam. Hiện tượng biến đổi màu da do quá tải beta-carotene này còn được gọi với cái tên “Carotenemia”. Theo các thí nghiệm được thực hiện trước đây, vùng da có màu cam đậm nhất trên cơ thể người mắc “Carotenemia” sẽ là lòng bàn tay, lòng bàn chân và mũi. Trong khi đó, phần lòng trắng của mắt sẽ không hề bị ảnh hưởng bởi “Carotenemia”.
Ngoài ra, hội chứng “Carotenemia” cũng được coi là vô hại với sức khỏe con người. Được biết, màu cam trên làn da do “Carotenemia” gây ra cũng sẽ nhanh chóng biến mất, khi chế độ ăn của người đó trở lại bình thường.
Thảo Vy
Theo Britanica