Ngày 06/04/2023, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng bài Tác phẩm “Bình Ngô đại cáo” mỗi sách viết một kiểu, hiểu sao cho đúng? của tác giả Hương Ly, nêu một số ý kiến liên quan đến bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, bộ sách Chân trời sáng tạo. (Xem bài viết https://m.giaoduc.net.vn/tac-pham-binh-ngo-dai-cao-moi-sach-viet-mot-kieu-hieu-sao-cho-dung-post234168.gd).
Ngay sau đó, Tạp chí đã nhận được phản hồi của nhóm soạn giả sách giáo khoa Ngữ văn 10, Bộ Chân trời sáng tạo xung quanh các ý kiến trong bài viết trên.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải toàn bộ phản hồi của PGS Nguyễn Thành Thi, PGS Đoàn Thu Vân để thầy cô, học sinh, bạn đọc cả nước cùng có thêm thông tin khách quan.
Thay mặt nhóm soạn giả sách giáo khoa, trước hết chúng tôi xin cảm ơn ý kiến của tác giả bài viết.
Sau đây, chúng tôi có một số ý phản hồi bài viết nói trên.
1. Cần phải dùng thuật ngữ “tác giả” hay “tác gia” khi nói về Nguyễn Trãi?
Trước hết, cần phân biệt hệ thống thuật ngữ dùng trong sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình Ngữ văn 2006 (Chương trình 2006) và hệ thống thuật ngữ dùng trong sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể 2018, môn học Ngữ văn (Chương trình 2018). Đúng là trong Chương trình 2006 có phân biệt “tác giả” và “tác gia”.
Theo đó, Chương trình 2006 quy định dạy học 09 “tác gia”, phân bố theo trục Lịch sử văn học Việt Nam, từ lớp 10 đến lớp 12, gồm: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Tố Hữu. Với mỗi tác gia nêu trên, sách giáo khoa trước đây đều có bài khái quát về cuộc đời, sự nghiệp văn chương; có số tiết, số tác phẩm được dạy tương đối “hệ thống”. Với các nhà thơ, nhà văn khác, ngoài danh sách trên, đều được xem là “tác giả”, bài học sẽ chỉ có đôi nét tiểu dẫn đôi về tác giả.
Với Chương trình 2018 thì khác. Về căn bản Chương trình 2018, xuất phát từ yêu cầu phát triển các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, trong đó về đọc, chú trọng khả năng đọc hiểu tác phẩm theo thể loại của học sinh, nên không đặt vấn đề dạy học tác giả, và dĩ nhiên không đặt vấn đề yêu cầu phân biệt “tác giả” với “tác gia”. Tuy nhiên, vì muốn đọc hiểu tốt văn bản, học sinh cũng cần phải vận dụng kiến thức nền, trong đó có kiến thức về tác giả, nhất là với những tác giả được học nhiều tác phẩm. Do vậy với cả ba lớp: 10,11,12, mỗi lớp đều có yêu cầu cần đạt, nguyên văn như sau:
“- Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Nguyễn Trãi để đọc hiểu một số tác phẩm của tác giả này.” (lớp 10)
“- Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Nguyễn Du để đọc hiểu một số tác phẩm của tác giả này.” (lớp 11)
“- Vận dụng được những hiểu biết về tác giả Hồ Chí Minh để đọc hiểu một số tác phẩm của tác giả này.” (lớp 12)
Điều đó có nghĩa là: Chương trình 2018, do chú trọng yêu cầu đọc hiểu văn bản theo thể loại, không dùng thuật ngữ “tác gia” mà chỉ dùng thuật ngữ “tác giả”, và cũng không đặt ra yêu cầu phân biệt “tác giả” với “tác gia”. Việc sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai, bộ sách Chân trời sáng tạo, dùng thuật ngữ “tác giả” là đúng nguyên văn câu chữ của Chương trình 2018. Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 và lớp 12, theo đó, cũng sẽ gọi Nguyễn Du, Hồ Chí Minh là “tác giả”. Tuy nhiên, điều này không mâu thuẫn với việc khi diễn giải, nhận định trong mục “Tri thức ngữ văn” hay tiểu dẫn, cước chú,… về các tác giả Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, soạn giả sách giáo khoa vẫn có thể sử dụng cụm từ “tác giả lớn” hay “tác gia”, khi cần.
2. Nên đặt tên bài học như thế nào?
Dĩ nhiên là có nhiều cách đặt tên bài học. Các nhóm biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở và trung học phổ thông (Cánh Diều, Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức với cuộc sống - tên các bộ sách ghi theo thứ tự A,B,C) hiện nay có một số lựa chọn đặt tên hệ thống bài học: 1) đặt tên bài theo tên theo thể loại; 2) đặt tên bài theo chủ điểm (kèm phụ đề về thể loại); 3) đặt tên bài theo cách tạo điểm nhấn vào một loại yếu tố nào đó của thể loại (có kết nối với chủ điểm bài học ở một mức độ nào đó).
Tất nhiên, nói là tên bài học nhưng chắc chắn không phải chỉ đơn giản là những cái tên, mà còn là sự thể hiện ý tưởng cấu trúc bộ sách, cấu trúc bài học, tạo cơ sở thuận lợi để nhóm tác giả triển khai hệ thống yêu cầu cần đạt của Chương trình. Vì thế, chắc chắn mỗi nhóm tác giả sách giáo khoa đều đã phải cân nhắc, suy tính rất kĩ về việc đặt tên cho từng bài học trong bộ sách của mình.
Bộ sách Chân trời sáng tạo chọn cách đặt tên bài học theo chủ điểm (kèm phụ đề về thể loại). Tất cả các tên bài học đều có cấu trúc chung theo sơ đồ: [tên chủ điểm + (tên thể loại)]... Và dĩ nhiên, trong quan niệm của chúng tôi, đó là cách đặt tên bài học hợp lí, tạo được ưu thế riêng, giúp triển khai được ý tưởng, ý đồ soạn sách của mình.
Xem hai bảng sau:
Bài 6. Nâng niu kỉ niệm (Thơ), gồm một cụm 04 văn bản
Bài 8. Đất nước và con người (Truyện), gồm một cụm 04 văn bản
Trong hai bảng trên, ở Bài 6, tên chủ điểm Nâng niu kỉ niệm -chứ không phải tên thể loại Thơ - đã bao quát, xâu chuỗi được 04 văn bản, kể cả văn bản đọc kết nối chủ điểm là truyện Dưới bóng hoàng lan (Thạch Lam); tương tự, ở Bài 8 tên chủ điểm Đất nước và con người - chứ không phải tên thể loại Truyện - đã bao quát, xâu chuỗi được 04 văn bản, kể cả văn bản đọc kết nối chủ điểm là bài thơ Xuân về (Nguyễn Bính).
Với bài học mà chúng ta đang đề cập - Bài 7 - tên bài học cũng được đặt theo cách như vậy. Chỉ khác là vì ở đây có cả văn bản đọc mở rộng theo thể loại (văn bản nghị luận) lẫn đọc mở rộng theo tác giả, nên số lượng văn bản buộc phải nhiều hơn:
Bài 7. Anh hùng và nghệ sĩ (Văn bản nghị luận - Tác giả Nguyễn Trãi), gồm một cụm 05 văn bản:
Tên chủ điểm Anh hùng và nghệ sĩ bao quát, xâu chuỗi được 05 văn bản trong bài.
Cũng xin nói thêm: thực ra, trong cách đặt tên “kép” như trên, đối với nhóm soạn giả, hai loại thông tin (về chủ điểm và thể loại) đều cần thiết. Nhưng vì rằng tên chủ điểm thường đảm nhiệm các chức năng quan trọng mà tên thể loại - phụ đề đặt trong ngoặc đơn - khó lòng thay thế. Đó là các chức năng như: xâu chuỗi, kết nối, bao quát cụm văn bản (bao gồm cả văn bản “đọc kết nối chủ điểm”); tránh trùng lặp (văn bản thuộc các thể loại văn học gồm truyện, thơ, kịch, kí, đặc biệt là truyện và thơ thường lặp lại với tần số cao, nếu lấy tên thể làm tên bài học, tính khu biệt sẽ rất hạn chế,…); tạo ấn tượng về sự mềm mại, sinh động cho bài học, đồng thời cũng góp phần làm nên nét khác biệt trong cấu trúc các bài học so với các bộ sách khác. Đó là lí do chúng tôi không đặt cụm từ chỉ tên thể loại lên trước, và việc đặt tên tất cả các bài học đều tuân thủ theo sơ đồ: [tên chủ điểm + (tên thể loại)].
Điều này, không phải bây giờ mới nói, trái lại, chúng tôi đã giải thích rất rõ khi thuyết minh trước Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa và cũng giải thích rõ trong các đợt giới thiệu sách, trong tài liệu tập huấn giáo viên sử dụng sách (các lớp 6, 7-10; 8-11). Sách giáo khoa dầu sao cũng không phải là tài liệu mang tính pháp lệnh, nên thầy/ cô nào khi sử dụng sách, hoặc ai đó, khi đọc sách, nếu thích, cứ việc đảo cụm từ chỉ thể loại lên trước, đưa cụm từ chỉ chủ điểm ra sau thành tên bài học của riêng mình.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, tuyệt nhiên không có căn cứ để cho rằng việc đặt tên bài theo trật tự [tên chủ điểm + (tên thể loại)] là “ngược”, còn đặt theo trật tự [tên thể loại + (tên chủ điểm)] là “xuôi”. Đơn giản vì: nói là “ngược” hay “xuôi” trong trường hợp này, chủ yếu liên quan đến góc nhìn và quan niệm cá nhân, khó có tính thuyết phục.
3. Chọn sử dụng bản dịch nào khi dạy đọc hiểu văn bản Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)?
Trước hết, cần thấy rằng vấn đề văn bản đối với các tác phẩm văn học chữ Hán như Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), chữ Nôm như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu),… thường là khá phức tạp do có các dị bản.
Về nguyên tắc, với tinh thần “một chương trình nhiều sách giáo khoa”, đối với trường hợp tác phẩm tồn tại dị bản (có khác biệt trong cách phiên âm và dịch) như vậy, các nhóm biên soạn sách giáo khoa có quyền lựa chọn, sử dụng văn bản mà mình cho là tin cậy, phù hợp.
Khi soạn Bài 7. Anh hùng và nghệ sĩ (Văn bản nghị luận - Tác giả Nguyễn Trãi), nhóm chúng tôi sử dụng văn bản Bình Ngô đại cáo, bản dịch của Bùi Kỷ, do nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên soạn, in trong Hợp tuyển thơ văn Việt Nam thế kỉ X - XVII, Đinh Gia Khánh (Chủ biên), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1976, và bản tương tự trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 4, Bùi Văn Nguyên chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã Hội, Hà Nội, 1995 (trang 65 - 73).
Bài báo của Hương Ly có nêu về hai chi tiết khác biệt giữa các bộ sách:
“Ai bảo thần dân chịu được” hay “Ai bảo thần nhân chịu được” và “Năm ấy tháng ấy,…” hay “Năm ấy tháng mười,…”? Xin trả lời: tất cả đều có căn cứ.
Trong Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 4, Bùi Văn Nguyên chủ biên, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1995, tại trang 78, ở cước chú số 4, soạn giả Bùi Văn Nguyên ghi rõ: “Bản dịch trên đây chủ yếu dựa vào bản dịch của cụ Bùi Kỷ, có tranh thủ ý kiến của cụ Bùi Kỷ lúc cụ còn sống (Bùi Văn Nguyên)”.
Dưới đây, là ảnh chụp hai trang sách liên quan trong bản dịch của soạn giả Bùi Văn Nguyên, cho thấy: câu “Ai bảo thần dân chịu được” và cụm từ “Năm ấy tháng ấy,…” là đúng với văn bản in trong các nguồn vừa nêu.
Như vậy, văn bản Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) mà nhóm soạn giả sử dụng trong sách giáo khoa Ngữ văn 10, tập hai là công trình của các học giả lớn, in trong bộ sách hợp tuyển thơ văn của Nhà xuất bản văn học - một Nhà xuất bản chuyên ngành đáng tin cậy.
Viết bài này, đối với vấn đề văn bản Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), chúng tôi không có ý định kết luận đúng/ sai, mà chỉ nhằm khẳng định độ tin cậy của văn bản mà chúng tôi chọn, sử dụng theo nguồn dẫn. Nhóm soạn giả chịu trách nhiệm về tính minh bạch của nguồn dẫn này. Còn như việc, các nhóm biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình 2018 có nên trao đổi, thống nhất để các bộ sách dùng chung một văn bản không có khác biệt đối với tác phẩm Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi) cũng như một số văn bản tác phẩm thơ văn Hán Nôm khác có tình trạng văn bản tương tự hay không? Và điều đó có khả thi hay không? Thiết nghĩ, việc trả lời các câu hỏi như thế, nằm ngoài thẩm quyền cũng như điều kiện của một nhóm soạn giả.
Nội dung quan điểm trong bài viết thể hiện ý kiến của nhóm soạn giả sách giáo khoa Ngữ văn 10, Bộ Chân trời sáng tạo. Để làm sáng tỏ vấn đề, đảm bảo khách quan và đa chiều, Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng mời các thầy cô, các tác giả có liên quan viết bài phân tích làm rõ, bài viết xin gửi về email: [email protected].