Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày, gây mệt mỏi, khó chịu và khó tập trung. Nếu bạn đang gặp khó khăn với tình trạng mất ngủ thường xuyên, bài viết sau đây sẽ mách bạn 5 cách tự nhiên chống mất ngủ vô cùng hiệu quả mà bạn hoàn toàn có thể áp dụng ngay tại nhà.
Mất ngủ là chứng rối loạn giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là tình trạng giấc ngủ bị rối loạn khá phổ biến, do nhiều yếu tố như căng thẳng, lo lắng, trầm cảm hoặc một số điều kiện y tế… Mất ngủ bao gồm nhiều dạng khác nhau như khó ngủ, thường xuyên bị tỉnh giấc giữa đêm hay thức dậy quá sớm vào buổi sáng…
Bất kể mất ngủ do nguyên nhân là gì thì nó cũng tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Ngoài ra còn ảnh hưởng đến hiệu suất công việc, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống nói chung.
Có thể chia tình trạng mất ngủ làm 2 dạng chính:
Mất ngủ cấp tính: Là tình trạng mất ngủ không thường xuyên, không kéo dài quá 1 tháng.
Mất ngủ mãn tính: Tình trạng mất ngủ mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài từ 1 tháng trở lên.
Mất ngủ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Tình trạng mất ngủ nếu chỉ diễn ra từ 1- 2 ngày thường chỉ gây ra tình trạng thiếu tỉnh táo, mệt mỏi nhưng nếu mất ngủ kéo dài có thể gây ra một số hệ lụy đối với sức khoẻ như:
Tình trạng rối loạn tâm lý: Người bị mất ngủ sẽ dễ nổi nóng, cáu gắt, lo âu, thậm chí có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Trí nhớ suy giảm: Mất ngủ có thể gây gián đoạn quá trình xử lý thông tin, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trí nhớ, làm suy giảm trí nhớ.
Khả năng tăng nguy cơ đột quỵ: Theo nghiên cứu công bố tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Tăng huyết áp Hoa Kỳ, nếu ngủ dưới 5 tiếng mỗi đêm sẽ làm nguy cơ đột quỵ tăng đến 83%.
Suy giảm sinh lý, nội tiết tố: Mất ngủ gây giảm sút nồng độ testosterone ở nam giới và hàng loạt các ảnh hưởng về sức khỏe sinh lý, sinh sản.
Gây các vấn đề về da: Tình trạng mất ngủ kéo dài khiến cơ thể tăng tiết hormone cortisol, làm phá vỡ collagen, khiến da kém đàn hồi và trở nên khô sạm, chảy xệ, kém đàn hồi, nổi mụn,…
Mất ngủ còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, ung thư, béo phì, tiểu đường,…
Mất ngủ kéo dài có thể gây ra một số hệ lụy đối với sức khỏe
5 cách tự nhiên chống mất ngủ hiệu quả
Mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây nên, và dù là nguyên nhân nào thì cũng sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, uể oải, giảm sút sức khoẻ và tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng công việc và cuộc sống. 5 cách tự nhiên chống mất ngủ sau đây sẽ giúp bạn cải thiện được giấc ngủ ngon hơn.
1. Bổ sung các thực phẩm hỗ trợ giấc ngủ
Một trong 5 cách tự nhiên chống mất ngủ hiệu quả là hãy kiểm tra chế độ ăn uống của bạn hàng ngày. Bổ sung thêm một số thực phẩm chứa nhiều vitamin B và magie như các loại rau xanh, bơ, cải bó xôi, hạt, hoặc các loại thực phẩm có lợi cho cơ bắp cũng như thư giãn hệ thần kinh. Ngoài ra, magie còn giúp ngăn ngừa chuột rút ở chân - một trong những nguyên nhân làm bạn đột ngột thức giấc vào giữa đêm.
Theo một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong kiwi có chứa một số thành phần hóa học giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ dễ dàng hơn, từ đó giúp tăng chất lượng, thời gian ngủ và có thể hạn chế tối đa chứng mất ngủ. Vậy nên, hãy bổ sung thêm kiwi vào chế độ ăn của mình cũng là một cách tự nhiên chống mất ngủ hiệu quả.
Kiwi có chứa một số thành phần hóa học giúp dễ ngủ hơn
2. Tập Yoga và thiền giúp dễ ngủ hơn
Căng thẳng và lo lắng có thể gây cản trở giấc ngủ. Yoga và thiền là những công cụ hiệu quả giúp làm dịu tâm trí và giảm áp lực căng thẳng. Thực hành thường xuyên có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ và giúp bạn chìm vào giấc ngủ nhanh hơn. Quan trọng hơn, liệu pháp này còn có thể giúp bạn:
Điều chỉnh hơi thở, nhịp tim và huyết áp.
Tác động mạnh và trực diện đến các hormone điều hòa giấc ngủ như melatonin, norepinephrine, cortisol, HGH, adrenaline, leptin và ghrelin theo hướng có lợi cho sức khỏe.
Giúp thư giãn tinh thần và cải thiện khả năng tập trung, đồng thời loại bỏ những áp lực đang đè nặng lên bạn.
Ngày nay, có nhiều bài tập yoga và cách ngồi thiền trị mất ngủ cho người mới bắt đầu, vừa đơn giản vừa hiệu quả mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc nơi làm việc.
Tập Yoga và thiền giúp dễ ngủ hơn
3. Lựa chọn tư thế ngủ đúng
Nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất được các bác sĩ khuyến cáo, bởi khi cơ thể ở tư thế này sẽ giữ cho đầu, cổ và cột sống được duy trì vị trí trung lập. Từ đó các xương cơ bắp được tự do thư giãn, tránh các triệu chứng đau mỏi vùng hông và đầu gối. Khi trong tư thế nằm ngửa, dạ dày sẽ thấp hơn vị trí của thực quản, giúp giảm các triệu chứng trào ngược của dạ dày.
Nằm ngửa là tư thế ngủ tốt nhất được các bác sĩ khuyến cáo
Nhiều bạn có thói quen nằm nghiêng gập đầu gối khi ngủ, đây không phải là tư thế để có một giấc ngủ ngon, tư thế này sẽ cản trở hô hấp khi bạn ngủ. Ngoài ra, nằm nghiêng trong một thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng đến vai và lưng do sự thay đổi độ cong của cột sống. Tư thế này được khuyến khích cho người mang thai vì nó giúp làm giảm áp lực lên cơ thể và bàng quang, tuy nhiên với người bình thường thì tư thế này không được khuyến khích.
Có một tư thế ngủ đúng sẽ góp phần giúp bạn có được một giấc ngủ ngon, đây là một trong 5 cách tự nhiên chống mất ngủ mà bạn không nên bỏ qua.
4. Chống mất ngủ tự nhiên bằng cách tạo không gian ngủ dễ chịu
Thay đổi không gian phòng ngủ cũng sẽ giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nếu bạn muốn lựa chọn cách trị mất ngủ đơn giản, hãy thử thay đổi không gian phòng ngủ của mình với một số yếu tố như:
Màu sắc trong không gian phòng ngủ: Màu sắc có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Các chuyên gia cho biết, một trong những cách trị mất ngủ đơn giản là thay đổi màu sắc phòng ngủ, ưu tiên các gam màu nhẹ nhàng, dễ chịu để có thể dễ đi vào giấc ngủ hơn (màu pastel, vàng nhẹ, trắng, màu be nhạt, xám,…).
Đảm bảo phòng ngủ không có quá nhiều ánh sáng: Với phòng ngủ có ánh sáng tự nhiên, bạn có thể thiết kế cửa sổ có rèm che để chắn ánh sáng khi không cần thiết, đặc biệt là vào ban ngày. Với phòng ngủ có ánh sáng nhân tạo, nên chọn đèn có ánh sáng nhẹ nhàng và ấm nóng.
Nhiệt độ phòng ngủ: Nhiệt độ tốt nhất nơi phòng ngủ duy trì trong khoảng 26 - 28 độ để có thể đảm bảo không khí được lưu thông, không quá nóng cũng không quá lạnh.
Tránh để thiết bị điện tử trong phòng ngủ: Hạn chế để tivi hay các thiết bị giải trí trong phòng ngủ sẽ giúp khắc phục thói quen dùng thiết bị điện tử trước khi ngủ. Ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ gây ức chế khiến não bộ không thể tiết ra melatonin - đây là hormone giúp con người cảm thấy buồn ngủ và ngủ ngon hơn.
Phòng ngủ gam màu nhẹ nhàng, dễ chịu để có thể dễ đi vào giấc ngủ hơn
5. Bấm huyệt giúp cải thiện giấc ngủ
Một trong 5 cách tự nhiên chống mất ngủ hiệu quả được nhiều người áp dụng không thể không kể đến là bấm huyệt. Bấm huyệt là phương pháp giúp tăng cường lưu thông khí huyết, tác động các khía cạnh khác nhau về sức khỏe thể chất và tinh thần, hỗ trợ cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Dưới đây là một trong các huyệt có tác dụng hỗ trợ cải thiện giấc ngủ.
Huyệt an miên: Huyệt an miên nằm vị trí ở hai bên cổ, tìm huyệt bằng cách đặt tay lên dái tai và di chuyển các ngón tay ngay sau phần nhô ra của xương, đó là huyệt an miên. Khi ấn vào huyệt sẽ tác động đến hệ thần kinh giúp trị chứng mất ngủ và giảm bớt lo lắng, chóng mặt và đau đầu.
Huyệt an miên
Huyệt thần môn: Nằm ở cổ tay, ngay dưới mu bàn tay phía bên trong. Cách bấm huyệt thần môn như sau:
Bạn hơi cong tay về phía trước rồi tìm nếp gấp của da, sau đó dùng phần lực lên phần ngoài cùng của nếp gấp gần ngón áp út nhất.
Sau đó dùng ngón cái ấn huyệt nhẹ nhàng theo chuyển động tròn hay lên xuống, thực hiện động tác này trong 3 phút.
Lặp lại việc bấm huyệt trên cùng vị trí của bàn tay còn lại. Bạn nên thực hiện ấn huyệt thần môn đều đặn mỗi đêm trước khi ngủ để giúp ngủ ngon hơn và cho thấy hiệu quả tốt nhất.
Huyệt thần nằm ở cổ tay, ngay dưới mu bàn tay phía bên trong
Trên đây là 5 cách tự nhiên chống mất ngủ hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua. Hãy thực hiện từ hôm nay và cảm nhận hiệu quả mà chúng mang lại. Hy vọng với những chia sẻ trên của Pharmacity sẽ giúp các bạn sớm tìm lại được giấc ngủ trọn vẹn cho riêng mình. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm:
- Bóng đè là gì? Bóng đè có nguy hiểm không?
Tác hại của thức khuya? Thức khuya ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?
Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ và tầm quan trọng của giấc ngủ
Ngủ chảy dãi: Nguyên nhân và cách khắc phục